Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

8 tháng 9, 2011

Những Huyền Thoại Thất Sơn.P1



"Thất Sơn Bảy Núi" là cụm từ mà tôi hay nghe mẹ nhắc mỗi khi nói về vùng núi thiêng miền Tây Nam Bộ gần châu Đốc. Trong trí óc non nớt của tôi ngày đó tôi chỉ hiểu Thất Sơn Bảy Núi là một nơi thần tiên với biết bao câu chuyện lạ lùng về những vị sư, đạo sĩ đắc đạo. Những truyền thuyết về loài vật có tâm linh như người, những hang động, những thần thông, những chuyện yêu ma quỷ quái đã làm sai mê bao thế hệ. Tôi nhớ mẹ tôi hay kể về Ma Lai rút ruột tại Châu Đốc và chuyện bà ngoại tôi đã phát hiện ra Ma Lai như thế nào. Ngoại tôi kể lại Ma Lai là 1 loài Ma cổ có 3 ngấn có thể xoay đầu để tách rời khỏi thân. Ma này có thân hình là con gái rất đẹp và hay quyến rũ người khác. Ban ngày, Ma Lai sinh sống như người thường và hay nhìn vào bụng người khác tìm đồ lòng ngon. Ban đêm loài ma này thường đi ăn phân của người. Và ai bị ăn phân người đó sẽ bị Ma Lai tìm đến để moi ruột ăn tiếp. Nó bay bằng đầu kéo theo cả chùm ruột phía sau, ăn xong nó về nhà ráp đầu lại và ngủ như người thường. Có lần ngoại tôi về Châu Đốc mang theo trái chanh và ít rau răm. Thấy có cô gái trẻ đẹp ở chợ Châu Đốc cứ nhìn bà mãi, bà lo sợ cứ lấy trái chanh và mớ rau răm ra vò. Thì bỗng nhiên cô gái tự dưng nước mắt nước mũi bỗng đâu tuôn ra và rất hốt hoảng. Đấy chính là Ma Lai theo lời kể của ngoại tôi. Trí óc trẻ thơ nghe những câu chuyện như thế thì thật là kinh hoàng. 

Giờ đây, sau khi đã được học hành khoa học ở trường lớp và những lớp tâm linh. Tôi vẫn có cảm tình đặc biệt với miền đất "địa linh" này và định bụng sẽ làm một vài bài nghiên cứu giá trị về nơi ấy. Mong muốn đã lâu nhưng mãi gần đây tôi mới dọn dẹp tất cả việc đời để thân hành về vùng Thất Sơn Bảy Núi để tai nghe mắt thấy tay sờ những gì được kể. Tất cả những nghiên cứu của tôi về Thất Sơn sẽ được lần lượt đăng tải lên đây. Xin chân thành cảm ơn gia đình chị Hoa (Ban biên tập tòa soạn báo Hương Sen phật giáo Hòa Hảo), cùng chị Duyệt, chị Năm (phật tử thuần hành Tổ đình Hòa Hảo) đã góp sức cho sự nghiên cứu của tôi được viên mãn. Xin cảm ơn gia đình anh Bảy Đương (trung tâm Huesa Thất Sơn và Đại Angten Thất Sơn) đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong những dịp nghiên cứu Tâm Linh tại Tịnh Biên. Xin cám ơn Bác Ba (người lái xem ôm tại Núi Cấm chỉ còn 1 chân) đã dẫn dắt tôi khá nhiều ngõ ngách tại Núi Cấm. Xin cám ơn tất cả những người có công đóng góp những câu chuyện hay, những người góp kinh phí, những người tạo điều kiện để tôi làm loạt bài này mà vẫn muốn làm chiến sĩ vô danh. Và cuối cùng xin cám ơn các Đấng thiêng liêng cao cả đã đưa đường dẫn lối cho chúng con thực hiện những bài viết này nhằm phổ biến sự minh triết đến cho mọi tầng lớp tâm linh.


Phần 1
Đi Tìm Thất Sơn

Chuyện xảy ra vào giữa năm 2008 khi tôi và người vợ mới chung sống được vài tháng đã có những hục hặc. Tôi thật sự thấm thía câu nói của các triết gia :" Hôn nhân là đau khổ" hay là "Hôn nhân không phải là cặp bến mà chỉ mới là bắt đầu ra khơi". Trong tôi lúc ấy bừng bừng ý muốn xa lìa cuộc đời đầy đau khổ này và tìm nơi yên tịnh để ẩn tu. Sau khi giải quyết xong chuyện vợ con, thân tâm nhẹ nhàng thoải mái không còn gì vướng bận, tôi đã nghĩ ngay đến Thất Sơn Bảy Núi mà mẹ tôi hay nhắc đến là ông bà nhà mình được gởi tu ở đó. Một nơi quá xa lạ đối với tôi ở vùng biên giới Tây Nam. Chỉ toàn rừng núi và thú dữ, côn trùng rắn rít, muỗi mòng, rừng thiêng nước độc. Điều hấp dẫn duy nhất của tôi là nơi đây từng có những bậc chân tu thành đạo sống ẩn dật trong các hang động. Điều hấp dẫn kế tiếp là các kinh sách sấm giảng vùng bảy núi dạy rằng vùng này sẽ là nơi tổ chức hội Long Hoa - Đại hội cho những người minh triết mở ra 1 chu kỳ thượng ngươn mới của nhân loại.

Nghĩ là làm, tôi chỉ đem túi xách nhỏ và vài bộ quần áo và đi bằng Honda. Thiết bị định vị toàn cầu GPS kết nối với phone O2 cài ViệtMap và Google Map. Tôi thiết kế bộ cấp nguồn cho thiết bị dẩn đường từ nguồn xe Honda và chế luôn đế đặt O2 lên đó. Thế là tôi có 1 bộ dẫn đường chẳng kém xe Ôtô. 
Thiết bị định vị toàn cầu của tôi

Về tiền bạc tôi chỉ đem vỏn vẹn 2.000.000 đ và cái thẻ ATM còn lại phó thác hết cho sự chỉ dẫn của các Đấng. Kiến thức duy nhất của tôi là Thất Sơn Bảy Núi nằm gần Châu Đốc và tôi nhắm hướng An Giang thẳng tiến.

Từ TP.HCM đi theo Quốc Lộ 1A qua các tỉnh Long An rồi Tiền giang. Đến ngã 3 Trung Lương tẻ ra 1 vào TP Mỹ Tho và 1 ra cầu Mỹ Thuận. 
Vòng xoay ngã 3 Trung Lương
Tôi rẽ tay phải ra cầu Mỹ Thuận đi khoảng 55km thì gặp ngã 3 An Hữu. Ngã 3 này tẻ ra 2 đường đều đi Châu đốc : 1 chạy thẳng về cầu Mỹ Thuận, qua Sađéc, Lai Vung (Đồng Tháp), qua bắc (phà) Vàm Cống đến Tp.Long Xuyên (An Giang) rồi đi Châu Đốc. 
Một đường quẹo phải về TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), qua bắc (phà) Cao Lãnh về An Hòa, lại qua bắc An Hòa đến TP.Long Xuyên rồi đi Châu Đốc sẽ gần hơn.
Ngã 3 An Hữu, quẹo về Cao Lãnh

Tôi chọn đường thẳng đi qua cầu Mỹ Thuận để ngắm cầu treo nổi tiếng cả Việt Nam này. Vả lại tuyến này tôi sẽ được qua lò nem Lai Vung và Sađec là quê mẹ tôi. Qua những nơi này tôi sẽ nếm được nhiều hương vị trái cây miền Tây, nem, cá, chim đồng, chuột đồng mà mẹ tôi thường mua về. Tôi thích dừng xe ở giữa cầu Mỹ Thuận nơi cao nhất để ngắm phong cảnh sông Tiền, cù Lao 2 bên cầu là chợ Lách và An Nhơn.
Đường lên cầu Mỹ Thuận

Trên đường sẽ có vô số những quán cơm dành cho xe khách với sân bãi khổng lồ mang tên 8 Ri. Có khá nhiều quán 8 Ri ở đây giá cả chấp nhận được và cơm miền Tây khá ngon miệng. Vừa qua chân cầu Mỹ Thuận là chia 2 ngã trái về Vĩnh Long, Cần Thơ và phải về Sa Đéc, Lai Vung. Tôi rẽ phải.

Trên đường đi tôi ghé qua khu lò nem Lai Vung chuyên sản xuất nem chua nổi tiếng nhất vùng. Có nhiều lò nem tại đây như Giáo Thơ, Hiệp, Út Thẳng.v..v.. Lâu đời và chất lượng nhất phải nói đến lò Giáo Thơ đã tạo được thương hiệu nem Lai Vung ra toàn miền Nam. Giá nem tại lò khá rẻ chỉ 15-20K/chục tùy loại. Đem tới TP.HCM thì giá thành bán ra 5k/chiếc.
Ông giáo Thơ - chủ lò nem Giáo Thơ




Tôi quyết định chọn lò nem Út Thẳng vì dễ tìm và có sân xe rộng rãi ngay tại quốc lộ. Lò Út Thẳng là đệ tử ruột của lò giáo Thơ nên chất lượng ngang nhau, nay đệ tử thay thầy phát dương ngành nghề. Người tham quan có thể ngắm nhìn các thợ làm nem trong môi trường rất sạch và chuyên nghiệp. Các khâu làm thịt, cắt lá, gói nem đều được chuyên khâu và thực hiện rất nhanh. Tôi chứng kiến 1 người gói nem chỉ trong vòng từ 6-10 giây là xong. Khác hẳn các lò nem bình dân nhan nhản ở đây. 
Các thợ làm nem với tốc độ kinh ngạc



Khách có thể ăn cơm, mua nem, chả lụa. Tôi khá bất ngờ về độ thơm ngon và dai của chả lụa. Xưa nay tôi chỉ ăn chả nguội đông lạnh để qua ngày nên mất hết mùi vị. Còn ở đây chả mới tinh còn nóng ấm, thơm lừng mũi ăn mãi ko ngán và ko nhức đầu như chả trên TP.HCM. Nem chua là món truyền thống xưa nay của vùng này không nơi nào bì kịp. 


Nem chua truyền thống
Gần đây lò còn cho ra món mới đó là Nem bì, cũng gói lá như nem chua nhưng ăn giống món giò thủ miền Bắc. 
Toàn những món tôi mê!

Tranh thủ mua mỗi thứ vài chục, mớ trái cây và nước suối. Với sự trợ giúp đắc lực của thiết bị GPS tôi dễ dàng đến phà Vàm Cống. Mua vé xuống phà ngắm nhìn phong thủy sông nước miền Tây. Gió lồng lộng mang theo một hương vị phù sa rất đặc trưng của sông Hậu.
Phà Vàm Cống
Bắc Vàm Cống

Phà cập bến là qua Tp.Long Xuyên, tôi đi vào trung tâm Long Xuyên.
Trung tâm TP.Long Xuyên

Sau đó thẳng đến ngã 3 lộ tẻ Long Xuyên - Tri Tôn - Châu Đốc. Lộ tẻ chia 2 nhánh: bên trái đi về Tri Tôn là thị trấn trọng tâm vùng Thất Sơn bảy Núi. Bên phải đi về Châu Đốc. Đa số khách hành hương chỉ đi Châu Đốc viếng miễu bà chúa Xứ cầu tài lộc làm ăn, ít ai đi Thất Sơn Bảy núi vì vùng đó thưa vắng, dịch vụ ít đường xá khó đi lại. Tôi chọn đi bên trái về Thất Sơn.
Ngã 3 lộ tẻ Long Xuyên - Tri Tôn - Châu Đốc

Đi được vài chục km trước mắt tôi hiện lên vẻ đẹp kỳ ảo của vùng rừng núi Thất Sơn. Bên trái tôi là núi Cô Tô (còn gọi là núi Tô, Xuân Tô, Phụng Hoàng Sơn) cao lớn phủ 1 màu xanh cỏ mát rượi dưới chân là cánh đồng bát ngát. 
Núi Cô Tô

Bên phải tôi là ngọn núi Cấm vĩ đại (núi ông Cấm, thiên Cấm sơn) suốt ngày mây lành bao phủ.
Núi Cấm với mây lành bao phủ

Xung quanh tôi còn trong thấy vô số ngọn núi khác mà tôi chưa xác định tên. Tất cả đều to lớn đẹp đẽ khác thường, phủ trùm 1 màu xanh đầy sự sống và mang 1 dáng vẻ thâm trầm kỳ bí. Các ngọn núi ở miền Đông tôi từng biết đến đều không có được vẻ đẹp này. Quả là 1 nơi Long mạch, linh khí hội tụ. Qua cảm nhận của 1 người tâm linh tôi biết được ngọn núi Cấm trước mặt chứa đựng một sự linh thiêng màu nhiệm khó bàn luận. 

Một sự bình yên, thiêng liêng, tôn quý đang toát ra thấm vào tế bào da thịt tôi làm tôi toát mồ hôi hết cả mệt. Bao sự rã rời mệt mỏi của đường xa cũng tan biến, thay vào đó là 1 sự thôi thúc mãnh liệt tôi tìm về xứ sở tâm linh. Về nhà, tôi đã về nhà sau bao kiếp trầm luân. Tôi thật sự xúc động khi ngộ ra cảm giác này. Nắm chặt tay lái tôi hướng ngay về Tri Tôn rồi rẽ phải đi thẳng qua Núi Cấm.
Ngang chùa Xà Tón (Xvayton) -Tri Tôn

Bắt đầu từ đây, tâm thức tôi mở ra 1 trang mới và cuốn hút tôi dấn sâu vào mãi ...
(còn tiếp)

ZeroKhôngVô 

4 nhận xét:

thanhnhan nói...Trả Lời

@VQ
VQ dua len nhung hinh anh rat dep co nhung cho rat gan ma it ai quan tam ...que huong An Giang that tuyet voi ...

oanhoanh nói...Trả Lời

Khong biet ai ma hay qua ta!
Gio moi biet que huong minh dep biet bao!
Rang cho xem nhieu bai hay ve CD nua!
De nghi trang chu, to chuc cho ba con di tham quan
que minh de hieu biet men yeu nhieu hon nua!

VietQuoc nói...Trả Lời

Xin lỗi các bạn vì có sự nhầm lẫn về hình ảnh của tác giả bài viết này. Khi thấy hình hai quả núi đôi trên đầu bài viết tôi đã ngờ ngợ, vì trông nó hao hao giống hai quả núi con con mà tôi đã chụp được ở thị trấn Quản bạ, huyện Bắc hà - Lào cai năm nào.
Hôm nay searching thêm thì mới vỡ lẽ ra đây là sự nhầm lẫn vì có sự trùng tên giữa hai trái núi ở cách xa 2 đầu đất nước. Hình ảnh trên đầu bài viết này không phải là núi Cô tiên ở An giang mà chính là "núi đôi", núi "vú mẹ" ở Quản bạ.
Tôi cố tìm cho đúng núi Cô tiên trong dãy Cô tô của An giang để thay vào đó nhưng không tìm được!
Đây là những phiên bản khác của quả "núi đôi" ở Quản bạ:
[img]http://www.dulichao.com/wp-content/uploads/2010/03/cotien1.gif[/img]
[img]http://lebalieu.vnweblogs.com/gallery/8410/DSCF7781.JPG[/img]
Còn đây mới thực sự là núi Cô tiên, cũng ở Quản bạ:
[img]http://4.bp.blogspot.com/-7oy6kk1fdfQ/TajS09bHprI/AAAAAAAAHgc/PhFwnKa58ic/s1600/11-1.jpg[/img]

VietQuoc nói...Trả Lời

Đây là những phiến đá đẹp nổi tiếng trên núi Cô tô, nhưng không biết có phải là núi Nàng tiên không?
[img]http://teambuildingacpro.files.wordpress.com/2011/03/image00224.jpg[/img]
Còn đây là núi Cô tô:
[img]http://teambuildingacpro.files.wordpress.com/2011/03/image00143.jpg[/img]

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang