Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

22 tháng 7, 2013

Mùa thu lãng mạn ở Heidelberg


Thật không hổ danh là thành phố cổ nhất nước Đức, Heidelberg lúc thu sang mang một vẻ đẹp say đắm lòng người …
Heidelberg cách đây hơn một trăm năm từng là trung tâm của giới thi hào văn sĩ Đức, của những câu văn lời ca du dương, trầm bổng làm say đắm biết bao người. Heidelberg giờ đây dù có pha chút hiện đại nhưng sự lãng mạn vẫn còn hiện diện và vẹn nguyên ở thành phố du lịch nổi tiếng Tây Nam nước Đức này.

Thành phố nổi tiếng thế giới vì có phế tích Lâu đài Heidelberg và khu phố cổ cũng như là trường Đại học Heidelberg lâu đời nhất nước Đức và là một trong những điểm đến ở Đức được du khách từ khắp nơi trên thế giới ưa thích nhất vì sự lãng mạn của nó.

Heidelberg lãng đãng trong sắc thu

Nỗi buồn chiến tranh

Xoành xoạch xoành xoạch gió lốc tung mái rạ
Những chiếc trực thăng xà cánh trước hiên nhà
Bụi cát mịt mù rát mặt kẻ lại qua
Lưng Mẹ gầy che mâm cơm mới dọn

Có thằng bé lao mình ra bãi đón
hạt cơm thừa còn vướng ở bờ môi
Nó đứng im chong mắt chỉ nhìn thôi
từng chiếc cáng thây người đen kịt máu
. . .

Nó nghĩ gì mà mắt nhìn đau đáu
Đoàn nhà binh inh ỏi rú ga nhanh
Rồi trực thăng cũng vút tận trời xanh
Nó vẫn đứng giương mắt nhìn ngơ ngác

Lũ trẻ xung quanh đang hò reo nháo nhác
ngửa tay ô kê những người lính cao kều
Từng vốc sinh gum ban bố vẻ tự kiêu
Nó chẳng thiết, lầm lũi về bên Mẹ

Mẹ nhìn con thơ mắt đen tròn ngấn lệ
Thương rất nhiều nhưng nào được sẻ chia
Ôi con tìm gì trên chiếc trực thăng kia
Cha con đã ngủ yên dưới lòng đất lạnh
. . .

Chẳng biết gì đến cuộc chiến phân tranh
nhưng nó căm thù đạn bom như quỷ dữ
Hôm Mẹ run run trên tay tờ báo tử
bỗng chốc nó vụt thành đứa trẻ mồ côi

Nó không tin vì khi dằn dỗi mới hôm rồi
cha còn đét vào mông mấy roi đau xoắn đít
Rồi ôm nó vỗ về nhìn Me đang sụt sịt
Tớ đi lần này xong sẽ về mãi bên con

Nó cứ ngây thơ chờ đợi đến mỏi mòn
Những chuyến trực thăng vẫn xuống lên quay quắt
Xô nghiêng mái nhà, rải cát vào cơm, bụi bay cay mắt
Hớn hở lao ra niềm hy vọng tròn xoe...

Lê gót quay về với gương mặt sắt se
Sâu trong đôi mắt là nỗi đau tuyệt vọng
Chiến tranh là gì...hay là cơn ác mộng?
Trong đôi mắt kia đã hiện rõ cả rồi
. . .

Xoành xoạch xoành xoạch nhịp cánh không ngơi
dày xéo quay cuồng giấc mơ be bé
Bao lâu rồi, chắc hơn ngàn năm lẻ
Nó cứ chờ...
bỏ quên tuổi hồn nhiên...
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[i]Xin chân thành cảm ơn những người bạn đã đồng cảm và tận tình góp ý để tôi có thể nói lên được một phần nỗi ám ảnh mấy mươi năm qua cứ đeo đẳng mai trong lòng qua bài thơ này!
Cảm ơn em gái hoagiaytim đã giúp anh cắt gọt câu từ và làm tăng thêm giai điệu cho bài thơ!
Cảm ơn chị gái maytim đã giúp em nhiều ý kiến quý giá để bài thơ được tròn trịa hơn![/i]

Bạc Tần Hoài

煙籠寒水月籠沙
夜泊秦淮近酒家
商女不知亡國恨
隔江猶唱後庭花

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
Đỗ Mục

Dịch nghĩa:

Khói lan tỏa trên nước lạnh , ánh nguyệt lan trên cát
Buổi đêm đậu thuyền tại bến sông Tần Hoài cạnh quán rượu
Cô gái trẻ không biết đến nỗi hận mất nước
Ở bên kia sông còn hát khúc Hậu Đình Hoa
----------------------------------------------------------------------------------------
Tần Hoài: tên con sông từ tỉnh Giang Tô chảy lên phía Bắc vào sông Trường Giang.
Hậu Đình Hoa: tên khúc hát làm trong buổi tiệc của vua Trần Hậu Chủ và Trương Quý Phi thời Nam Bắc triều


Dịch thơ:


Đỗ bến Tần Hoài

Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát;
Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Cô gái không hay buồn nước mất,
Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa
Trần Trọng San


Nước lồng khói tỏa, cát trăng pha,
Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia.
Con hát biết chi hờn mất nước,
Cách sông còn hát Hậu Ðình Hoa
Khương Hữu Dụng



Sông mờ khói, tăng soi bờ cát
Thuyền ghé Tần Hoài, cạnh tửu lâu
Hậu Đình Hoa bên sông vẫn hát
Cô gái nào hờn nước mất đâu
dovietquoc

19 tháng 7, 2013

Về!

Hồi hương chửa biết sẽ làm chi
Cũng cứ về đi nghĩ ngợi gì
Ruộng lúa, nương cà, vài khóm trúc
Chung trà, chén rượu, mấy vần thi
Quên đi nhộn nhạo miền hư ảo
Hẳn đặng an bình chốn hữu tri
Luyến ái nhân sinh ai chẳng lụy
Rồi ra sớm muộn tỉnh cơn si

16 tháng 7, 2013

ĐỌC BÁO ONLINE ...



Vào internet xem báo thấy nhiều tin...
Tai nạn giao thông thật rùng mình
Lái xe đụng người bỏ chạy làm thinh
Hởi ơi! thế thái với nhân tình

Con thi làm bài không được vào face book
Chửi mắng Cha Mẹ ruột của mình
Kẻ say về nhà đổ xăng giết vợ
Chồng say giết vợ thật dã man

Xin tiền chơi game Bà không cho
Cháu giết Bà đâm luôn Mẹ
Con xin tử hình Cha vì giết Mẹ
Còn gì nữa không Xã Hội mình

Tin vui chân dài showbiz Việt
Ổng ẹo khoe dáng với khoe hình ....
Đại gia xe mới đổi đời chơi khâm
Biệt thự cao sang hàng triệu triệu USD

Ngoài kia còn lắm kẻ không nhà
Lang thang xó chợ la cà xin ăn
Người già tuổi đã tám mươi
Phải chăm vợ ốm, con đau tâm thần

Đời sao lắm nỗi khổ đau hởi người ....
Nhiều tin cũng thật động trời ...
Nói sao cho hết chuyện người thế gian...
..................................................- ...................

(nhando_AG 1h30)

Không đề

Con sào khua nhẹ bóng trăng lay
Ngư lão co ro manh áo gầy
Sương đêm điểm trắng chòm râu bạc
Thấp thoáng xa mờ cánh vạc bay

Chợ quê

Loe hoe hàng quán chợ quê nghèo
Đường vắng người thưa cảnh vắng teo
Cá mắm ưỡn èo bầy nhặng bám 
Thịt thà ôi khú lũ ve đeo
Cô hàng hả họng che tay ngáp
Chú khách bụm mồm lẳng mắt nheo
Nắng chiều xiên mái tranh xiêu vẹo
Lữ khách hồi hương dạ hắt hiu

Qua cơn mê


Bôn ba vạn dặm nhớ hồn quê
Quẳng gánh phong sương vội trở về
Cây gạo đầu làng hoa rực rỡ
Hàng cau trước ngõ quả xum xuê
Trước sân bướm trắng vờn hoa thắm
Dưới bến gái son xoã tóc thề
Chiều nghiêng, mỏi cánh chim về tổ
Bóng xế, chồn chân tỏ ngộ mê

Từ ly

Tiễn biệt

Thôi đành đưa tiễn một người đi
Níu kéo thêm chi được ích gì
Gió thổi nơi đây sầu mắt biếc
Sương rơi chốn ấy úa rèm mi
Nâng ly rượu đắng biệt bằng hữu
Nhấp chén trà nồng vọng cố tri
Vẫn biết lẽ đời là thế đấy
Tiệc tàn đến lúc phải chia ly

4-5-2013
hoagiaytim
Nguyễn Nữ Trang Đài

Từ ly

Lưu luyến đau lòng thêm kẻ đi
Thở than tiếc nuối được hơn gì
Đừng khoe má thắm phai màu phấn
Chớ khiến mắt huyền nhạt sắc mi
Bèo dạt thong dong khi nước cuốn
Buồn trôi nhè nhẹ lúc tâm tri
Trăng tròn rồi khuyết âu là lẽ...
Chớ quá ngậm ngùi khóc biệt ly


05.5.2013
dovietquoc

Ly tao


Một cõi đi về tránh gặp nhau
Ra vào thắc thỏm dạ nao nao
Phương này kẻ lặng thầm chua xót
Nơi ấy người râm ran đớn đau
Giá chẳng réo dây bài hạnh ngộ
Thì đâu chùng phím khúc Ly Tao
Vấn vương ngày cũ giờ như đã
Miên viễn cung sầu tận kiếp sau

Ly bôi

Đêm nay lại muốn uống cho say
Điên đảo càn khôn túy lúy quay
Bạn hữu vui bao niềm hạnh ngộ
Mình ta buồn một cuộc chia tay
Nâng ly trọn nghĩa chung nồng ngọt
Dốc chén cạn tình riêng đắng cay
Mắt ướt, môi cười, hồn chếnh choáng
Sầu đau bóp nghẹt quả tim gầy



"Cũng sẽ chìm trôi" (*)

Thôi thì như gió thoảng mây trôi
Ngày tháng phôi pha sầu sẽ vơi
Đông lạnh mấy mùa tình ắt đoạn
Thu buồn bao bận ái rồi lơi
Gương xưa sắc ố, dần phai bóng
Áo cũ vải nhàu, chóng nhạt hơi
Người hỡi phải chăng lòng đó vẫn
Nỡ nào dốc cạn giọt ly bôi!
----------------------------------
(*) Tựa một bản nhạc của Trịnh Công Sơn

Tho Yet Hau

Ngọc An hiền thục lại đoan tranh
Vóc dáng hàng năm chửa...nở ngang
Mình hạc eo thon ông nhà chắc...
Chạy làng!

Thành An nhỏ híu nhưng mà gan
Ba vợ ba con vẫn đường Hoàng
Ba sợi lai rai là đi kiếm
Gà hoang!

Ngọc Ánh lên Bà vẫn ánh duyên
Môi son má thắm lúm đồng tiền
Mấy mươi đã cũ mà ông xã
Vẫn thèm!

Kim Chi giảm béo cái chi chi
Sữa uống lia chia hỏi chẳng phi
Có muốn mau gầy thì siêng khoản
Tù ti!

Nguyễn Cúc bự con biết bao nhiêu
Vớ ngay chàng thịt ít xương nhiều
Đêm đêm biểu hát đàn tù tí
Chắc tiêu!

Chí Linh ốm nhách lại để râu
Chậm rãi bạn bè muốn phát rầu
Ấy vậy, bà nhà khen nức nở
Lâu!

Kim Tuyến Kim Chi cặp bài trùng
Chị em ra phố giống cặp thùng
Trai tơ khứa lão co giò chạy
tới hun!

Quang Thao nghệ sĩ dáng phong sang
Mái tóc bồng bềnh râu ria vàng
Hai mép môi cong đầy duyên dáng
Vịt Donal!

Vũ Liên uyển chuyển dáng cao sang
Mái tóc tít xoăn mì xào vàng
Thắt đáy lưng ong chân tới nách
Phát ham!
                 
Mỹ Duyên tròn ủm mái tóc huyền
Uyển chuyển gót hài đầy nét duyên
Giọng hát liêu trai nghe da diết
Phát ghiền!

Nàng Thơ thơ thẩn chốn am thiền
Hôm sớm mõ chuông vốn tính hiền
Ngày chay đêm mặn đều đều bữa
Trạng phát điên!

Anh Đào mình mảnh cặp giò cao
Má phấn môi son đoá anh đào
Trai làng lác mắt tình ngây ngất
Té bổ nhào!

Tuyết Vân hiền thục lại đoan trang
Đi đứng khoan thai lời dịu dàng
Nội trợ bán mua hôm sớm cũng



Tàn phai

Thôi thì đành hoa rơi bèo trôi
Ngày qua, ngày qua... sầu rồi vơi
Heo may ùa về Thu rơi vàng
Đông sang trời buồn choàng khăn tang
Gương xưa mờ dần hình phai màu
Tàn y rồi nhàu hương còn đâu
Người ơi buồn chăng, nào cùng tôi
Rưng rưng tay run nâng ly bôi


BIỂN & EM



Đứng trước biển
Ta
Bé bỏng vô cùng

Biển
Mênh mông
Và cuộn sóng
Biển ồn ào
Biển lại dịu êm

Khi
Nhìn biển
Lòng biển
Như lòng Mẹ
Bao dung

Khi
Nhìn người
Tình người
Sao quá mong manh

Ta
Nhìn biển
Biển xanh
Muôn đời xanh thẩm

Ta
Nhìn người
Người đến ,người đi
Tình người nhạt nhòa...

Ta
Nhìn biển
Biển thì thầm ...
Ngàn năm vẫn đợi

(nhando_AG9h20 )

15 tháng 7, 2013

ĐÀN ÔNG !

 


Đàn ông ! đàn ông như con thú hoang
Chỉ chực chờ cắn xé mảnh hồng nhan
Giẫm nát cả hồn đau không thương tiếc
Rồi lạnh lùng quay quất thật ngang tàng

Đàn ông ! ôi đàn ông cũng bẽ bàng
Những yếu đuối trong vỏ bọc hung tàn
Cũng quỵ ngã dưới gót hài áo váy
Đem thương tổn,để trong lòng cưu mang

Đàn ông ! đâu chỉ (là ) cơ bắp nở nang
Cũng đôi khi những êm ái dịu dàng
Bao dấu yêu, vuốt ve cùng mật ngọt
Những ân cần nhỏ nhẹ thật nồng nàn

Đàn ông ! vị thần (hay) quỷ dữ lang thang
Loài hổ báo nanh vuốt đã sẳn sàng
Hoặc như là chú nai vàng ngơ ngác
Bao hạnh phúc cũng lắm lúc điêu tàn

Đàn ông ! nơi ngưỡng cửa của thiên đàng
Họ cho ta lên tột đỉnh vinh quang
Đẩy ta xuống cả vũng bùn tội lỗi
Ôi đàn ông ! giữa muôn trùng dở dang

Loan_ngayxua

7 tháng 7, 2013

CHO TÔI MÙA THU

Cho tôi mùa thu vàng úa
Khung trời mây trắng bay bay
Ngoài kia sương lam phủ lối
Đường về lá đổ trên vai

Hôm nay mùa thu lạc lõng
Bởi người xa vắng đời tôi
Chiều tà mây hồng ráng mỏng
Thả hồn ngậm nắng buông trôi

Cho tôi mùa thu suối đổ
Để con thuyền lá mong manh
Và rồi mùa thu nức nở
Bẽ bàng một kiếp thôi xanh

Người xa nghìn trùng xa mãi
Không về đếm lá thu rơi
Từ đây trời thu tê tái
Còn đâu tay gối một thời

Cho tôi mùa thu hờn dỗi
Đêm trời chẳng bóng trăng soi
Trên kia vì sao mòn mỏi
Heo mây lạnh lắm hồn tôi

Cho tôi mùa thu vĩnh biệt
Lá vàng phủ xuống mồ hoang
Không còn mắt buồn da diết
Từ đây thôi hết thu sang 
(Thơ LKL)

2 tháng 7, 2013

THÁNG 6...


Gác nhỏ buồn cô liêu
Giọt nắng chưa kịp nóng
Mưa lại đổ liêu xiêu

Tháng sáu đó, buồn ơi
Mây đen kéo kịt trời
Dòng người chợt hối hả
Phút chốc hạt nước rơi

Tháng sáu đó ! chợt lười
Chẳng muốn đi đâu chơi
Bỗng hóa thành thi sĩ
Sắp con chữ thành lời

Tháng sáu đó ! mong manh
Chợt nắng chợt mưa nhanh
Mây kia bao sắc lạ
Mưa qua cầu vồng thành

Tháng sáu đó , giận hờn ?
Hẹn hò lỡ vỡ hơn
Cơn mưa là thủ phạm
Để lại nỗi cô đơn

Tháng sáu đó ! tuyệt vời
Nụ hôn dưới mưa rơi
Cuộc tình nào lãng mạn
Tháng sáu chuyện của trời !!!
(Thơ LKL)





1 tháng 7, 2013

Hiếp dâm

Canh sat:
- Chị có hai băng pháo ở trong nhà, đề nghị chị ký vào biên bản nộp phạt. 

Cô gái: 
- Đó chỉ là băng pháo kỷ niệm, tôi để đó chứ không hề đốt mà.

- Tuy chị không đốt, nhưng chị tàng trữ cũng bị phạt.
- Sao lại thế được, tôi đâu có sử dụng chúng....
- Chị muốn trình bày thì lên phường mà trình bày!!!!
- Bớ người ta! Hiếp dâm, hiếp dâmmmmmmm......
- Cô bị điên à? Thậm chí tôi còn chưa động vào người cô thì hiếp cái gì?
- Tuy chưa hiếp, nhưng trong người anh có tàng trữ dụng cụ hiếp dâm, nên tôi phải kêu!

Đồng Khánh Ngày Xưa



Răng mà cứ theo tui hoài rứa
Cái ông ni mới dị chưa tề
Sớm trưa chiều ba bữa đi về
Đưa và đón mần chi không biết!

Ôi đôi mắt chi mà tha thiết
Đừng có nhìn làm loạn bước tui đi!
Lá thư tình ông gởi mần chi?
Cha mẹ biết rầy la tui chết!

Ông tán tỉnh mần chi không biết
Tui như ma như qủy dưới âm ty
Nói hoài lời hoa mỹ mần chi
Tui còn nhỏ, chuyện tình răng biết được?

Tội tui lắm! Cách cho vài bước
Đừng đi gần hai đứa song đôi
Xa xa cho kẻo bạn tui cười
Mai vô lớp cả trường dị nghị!

Theo chi rứa răng mà không biết dị
Thôi được rồi! Đưa lá thư đây!
Mai tan trường đơị ở gốc cây
Tui sẽ tới trả lời cho biết...


Lưu Trần Nguyễn


-------------------------------------------------------------------------------

GIAI THOẠI LÀNG THƠ: "Đồng Khánh Ngày Xưa"
----------------- 
Những năm gần đây, báo chí thường đăng tải một bài thơ rất hay, rất dễ thương mà không biết tác giả. Chung quanh bài thơ này là nhiều giai thoại được nhiều người đọc bàn tán. Bài thơ "Ðồng Khánh Năm Xưa"…
(…)
(…) Lần đầu tiên đọc bài thơ này trong một tuần báo địa phương cách đây gần hai năm, gợi tôi nhớ đến những năm Ðồng Khánh hoa mộng, nên khi nhìn tên tác giả "Vô Danh" tôi không khỏi băn khoăn. Bài thơ mới đọc lần đầu sao quá quen thuộc gần gũi với mình làm tôi nhớ 
như ai đó đã đọc cho tôi nghe vài câu trong bài thơ này mấy mươi năm về trước... Thế rồi thời gian qua dần, bài thơ hầu như chìm vào ký ức. 
Cuối năm 1995 tôi lại được đọc một bài thơ hay khác. Bài thơ "Kỳ Nữ Hành" của tác giả Lưu Trần Nguyễn: 
Chiều mưa trơn lối em về 
Trăm con bóng nước chảy se sắt buồn 
Nón nghiêng che hạt mưa tuôn 
Dài chân em bước gót hồng xiêu xiêu 
Em đi dưới giọt mưa chiều 
Tóc bay tám ngả quạnh hiu dáng người 
Nón nghiêng che hạt mưa rơi 
Hay che mắt lệ khóc đời phấn son 
... 

Bài thơ lục bát giản dị mà vẫn làm lòng người xao động. Thơ LTN như một khắc khoải vọng về quá khứ vàng son đã tan tành như bóng nước. Từ đó tôi thường tìm đọc những bài thơ của LTN và tự mình tưởng tượng đến đời sống tình cảm của anh qua những bài thơ mà tôi 
thích. 
(…) Một thời gian về sau khi được quen biết thân thiết với anh và gia đình, trong tôi vẫn mãi thắc mắc về cái bút hiệu của anh. Bút hiệu mang ba cái họ: Lưu, Trần và Nguyễn nhất định phải có một lịch sử gắn liền vào đó. Một may mắn tình cờ người bạn thân của gia đình tôi cho xem tập thơ được xuất bản tại Việt Nam, tập thơ mang tên: "Những Bài Thơ Tình Xứ Huế". Tập thơ là một tuyển chọn của các nhà thơ từ tiền chiến đến hiện đại, và tất cả những tác phẩm đều mang một sắc thái rất Huế. Một điều ngạc nhiên là trong đó có bài thơ "Ðồng Khánh Năm Xưa" với tên tác giả là Lưu Trần Nguyễn. Thật là một kỳ thoại trong làng thơ hải ngoại. 

Rồi một đêm cách đây vài tháng, Lưu Trần Nguyễn đến thăm gia đình chúng tôi, anh đã cho chúng tôi biết chính anh và người bạn gái đã cùng làm bài thơ này cách đây hơn 30 năm khi anh còn sống tại Huế. Người bạn gái năm xưa của anh là Lưu Thị Mỹ Dung, và anh tâm sự đó cũng là bút hiệu Lưu Trần Nguyễn của anh - Lưu thị Mỹ Dung, Trần Thị Huê (một cô bạn thân của hai người) và Nguyễn Gia Khánh (tên thật của Lưu Trần Nguyễn). Tên Lưu Thị Mỹ Dung được anh nhắc đến làm tôi choáng váng và một trời dĩ vãng đầy hoa mộng của những năm Ðồng Khánh đã hiện về trong tôi. 
... Năm 1963 tôi đang học IIIC2 Ðồng Khánh. Một sáng đang giờ học thì bà giám thị dẫn đến lớp tôi một học sinh mới vào học. Tôi chú ý đến cô bạn mới vì mái tóc dài quá lưng, chiếc kính cận và nhất là vành khăn tang trên đầu. Ðó là Lưu Mỹ Dung ngày tôi mới gặp. Về sau dần dần Mỹ Dung là một trong những bạn thân của tôi. Chúng tôi gồm 4 đứa luôn luôn quây quần bên nhau trong giờ ra chơi, trước giờ học ở khắp mọi nơi trong sân trường Ðồng Khánh, đó là Ngọc Anh, Quốc Khánh, Mỹ Dung và tôi Thanh Tâm. Nếu ở Ngọc Anh có cái dáng dấp cương nghị của một người thích điều khiển, Quốc Khánh có cái hiền lànhh dễ dãi thì Mỹ Dung có cái thông minh, tài hoa và nghệ sĩ. Tôi còn nhớ giọng đọc tiếng Pháp như đầm của Mỹ Dung, sinh ngữ chính của Dung là Pháp văn, nhưng khi phải vào lớp tôi Anh văn là sinh ngữ chính Dung vẫn cố gắng theo và bọn tôi giúp Dung trong thời gian mới vào học, và ngược lại Dung giúp bọn tôi môn Pháp văn. 
Về sau này khi đi học Dung chỉ cài miếng vải đen trước ngực thay cho vành khăn tang. Nhưng tôi vẫn còn in đậm hình ảnh đầu tiên khi Dung đến lớp và có linh tính rằng cuộc đời Dung sẽ không nhiều may mắn. Trong niên học 63-64 năm học mà tôi nhớ nhất trong đời vì có Mỹ Dung là người mà tôi chịu rất nhiều ảnh hưởng, ngay cả chữ viết tôi cũng bắt chước theo Dung, cách trình bày sách vở. Mỹ Dung chỉ cho tôi những bài hát tiếng Pháp thịnh hành lúc bấy giờ như bài "Tous les garcons et les filles, Le temps de l'amour, Qui sait..." và một câu tỏ tình bằng tiếng Ðức mà tôi nhớ mãi: "Ich libe dick." Mỹ Dung luôn mang kính cận trông rất thông minh, sau tấm kính là đôi mắt trong sáng duyên dáng và pha một chút láu lỉnh dễ thương của tuổi 16. 
(…) Hồi đó hình như có nhiều chàng theo Mỹ Dung vì cái thông minh tài hoa của Dung cũng như đôi mắt đẹp và mái tóc dài. Trong số người ái mộ Dung có chàng trai Bắc Kỳ ở cách nhà Dung một con đường mà Mỹ Dung thường sang cùng học bài và nói chuyện vu vơ. Chỉ có vậy, tuy mẹ Dung có phần dễ dãi với con cái, nhưng chàng trai Bắc Kỳ kia nhút nhát không bao giờ dám đi quá giới hạn của hai người bạn thân ngay cả cầm tay Dung để biểu lộ niềm thương yêu nung nấu của chàng. Có lần Dung nói với chàng: "Anh nói tiếng Bắc nghe hay quá, bé thích nghe anh nói lắm." 
Có lần vào lớp Mỹ Dung nói với tôi: 
- Tâm ơi mi nghe thử mấy câu thơ này có hay không? 
Lâu quá nên tôi cũng quên đi những gì Dung đã đọc, chỉ còn nhớ lõm bõm: "Răng mà dị chưa tề... răng mà theo tui hoài rứa ..." mà thôi. 

Có ngờ đâu hơn 30 năm sau, bài thơ mà Dung đọc cho tôi nghe là một trong những bài thơ hay đã đi vào làng thơ của dân Quốc Học, Ðồng Khánh, bài "Ðồng Khánh Năm Xưa". Còn ngạc nhiên hơn nữa là chàng trai Bắc Kỳ ngày xưa chính là nhà thơ Lưu Trần Nguyễn, người đã cùng Mỹ Dung làm chung bài thơ trên. Bốn câu đầu bài thơ là của Dung và phần còn lại Dung đã nhờ chàng trai Bắc Kỳ hoàn tất để diễn tả "cái gọi là" mối tình ngu ngơ của cô nữ 
sinh Ðồng Khánh mà hầu như mỗi năm đến ngày kỷ niệm Q.H.Đ.K. người ta vẫn đem bài thơ này ra ngâm đọc. Gần đây nhạc sĩ Hoàng Gia Thành ở Sacramento đã phổ nhạc bài thơ này. 

(…) Bẵng đi 17 năm sau. năm 1983, mẹ con tôi về Huế tá túc nhà ông ngoại của cháu. Tôi gặp lại Dung, lần đó chồng Dung sang tìm tôi và nhắn tôi qua thăm Dung vì Dung bận với quán cà phê không đi đâu được. Chồng Dung vẫn còn trẻ và vẻ đào hoa vẫn chưa mất dù đã xấp xỉ 40. 
Chiều hôm đó tôi đi xích lô sang thăm Dung, không phải ở Phạm Ngũ Lão, mà tại nhà chồng Dung tại đường Nguyễn Công Trứ. Mỹ Dung hiện ra trước mắt tôi là một thiếu phụ an phận, tóc vẫn dài bím ở sau lưng, Mỹ Dung vẫn giản dị trong chiếc quần jean và áo pull đen. Chúng tôi ôm nhau mừng tràn nước mắt. Hình ảnh Dung cứ ám ảnh tôi. Ðôi mắt buồn an phận, mái tóc thắt bím sau lưng, còn đâu Mỹ Dung thông minh tài hoa của tôi, nhưng trong tôi đôi mắt sáng lấp lánh của Dung vẫn còn mãi. Ðó là lần cuối cùng tôi gặp Dung. Mỗi lần nghe bài hát "Tous les garcons et les filles" là đôi mắt sáng thông minh ẩn hiện như những tia chớp thắp sáng một thời dĩ vãng mộng mơ của thời tóc xõa và những ngày nắng mưa ở Huế những luc' tôi hát bài "Ðồng Khánh Năm Xưa" mà lòng như nghẹn lại. Dung ơi, răng suốt đời mi cứ khổ hoài rứa. Dung là người tài hoa cho nên khổ như định luật của tạo hóa, tuy nhiên tâm hồn luôn luôn phong phú và vững vàng qua mọi hoàn cảnh không gian và thời gian. 

Ðã tưởng dĩ vãng một thời áo trắng ngủ yên trong ký ức nhưng âm hưởng của "Ðồng Khánh Năm Xưa" vẫn mãi vọng về từ quá khứ xa xôi với những rung động đầu đời, những chiều đạp xe qua cầu Trường Tiền gió tung bay tà áo trắng tóc thề về một nẻo xa, xa lắm mà bây giờ chỉ còn lại trong ký ức những kỷ niệm êm đềm của một thuở không thể nào quên. 

Sau này khi quen biết Lưu Trần Nguyễn, tôi được anh cho xem những mẫu báo cũ đã ố vàng cùng thời gian, đã đăng những bài thơ anh làm cho Lưu Mỹ Dung khi anh rời Huế vào Saigon của những năm 1963-1964. 

(…) Giai thoại trong làng văn thường có rất nhiều, nhưng khác với giai thoại về T.T.K.H. hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa được sáng tỏ, chúng tôi với bài viết trên đây kèm thêm những phụ bản. Chúng ta có thể hy vọng đã tìm ra được tác giả bài thơ nổi tiếng này. Bài "Ðồng Khánh Năm Xưa" mà giới học sinh hai trường QH và ĐK từ thập niên 60 trở về sau không mấy ai mà không biết. Có rất nhiều nhạc sĩ sáng tác hằng trăm, hàng ngàn bản nhạc nhưng có khi họ quên bẵng đi một bản nhạc nào đó với thời gian nếu không có ai gợi nhớ. Thi sĩ cũng vậy nếu không được ghi chép lại họ không thể nào nhớ được những bài thơ đã làm trong nháp, nhất là giúp cho người khác trong một thời quá nhanh, để rồi bỏ quên đi hằng vài ba chục năm. Vì thế có những bài thơ rất hay mà số phận hẩm hiu vì không ai biết được tác giả là ai, tuy nhiên vẫn được truyền tụng và lưu hành trong dân gian hoặc ghi lại trong văn học sử. 

Hơn 30 năm sau Lưu Trần Nguyễn mới được nhìn lại bài thơ của anh, có lẽ do "cố nhân" hay những người thân quen in lại trong tập thơ "Những Bài Thơ Tình Xứ Huế" được xuất bản tại Việt Nam gần đây. Sau hơn 30 năm báu vật mới hoàn cố chủ, ký ức của LTN đã bừng sống dậy anh hân hoan nhìn lại đứa con xưa. 

Nhân dịp đầu xuân Ðinh Sửu đọc lại bài thơ xưa với những dữ kiện khách quan mà tôi có hân hạnh được biết cả hai nhân vật trong câu chuyện, xin viết lại để quý vị độc giả biết được xuất xứ một bài thơ hay và dễ thương. Nếu có gì sai sót và cần bổ túc xin trân trọng lắng nghe ý kiến của quí vị. 

Cao Thanh Tâm 
Cuối đông 96

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang