Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

27 tháng 12, 2013

CHÀO 2014




Năm 2013 đang chầm chậm trôi về những ngày cuối cùng…Thời điểm này, cảm xúc của mỗi người sẽ thật khác nhau. Có người ngẫm nghĩ lại một năm vừa qua với sự tiếc nuối, có người hào hứng bắt đầu lên kế hoạch cho năm mới, có người lại bâng khuâng những thứ cảm xúc khó tả…

Để hòa mình vào không khí năm mới sắp đến , TN xin gửi tới các bạn "ngày xưa" gần ,xa trên mọi miền đất nước ,các bạn đang sống & học tập ở nước ngoài lời chúc sức khỏe & NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG ( HAPPY NEW YEAR 2014)
(nhando_AG)


20 tháng 12, 2013

“Cú sốc” từ một bức thư tình



(Dân trí)- Bài trích đăng bức thư tình của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn gửi người yêu 16 tuổi từ gần 50 năm trước bỗng trở thành một trong những bài viết có số lượng truy cập “kỷ lục” tuần qua. Tại sao?
Những tưởng, giữa thời đại bùng nổ thông tin “sốc” như hiện nay, chẳng ai còn quan tâm đến một bức thư tình viết tay với ngôn ngữ văn chương, lãng mạn.
Báo chí nhiều năm nay mải mê “chạy đua” đưa tin sốc, giật gân. Ai cũng nghĩ, chỉ những tin “sốc”, “sex”, “cướp, giết, hiếp”… mới có “view”, mới có sức hút “kinh khủng” với độc giả. Người ta săn lùng tin sốc như một thói quen nghề nghiệp, và mặc định tin sốc cũng là thói quen đọc, là “nhu cầu”, là thị hiếu của độc giả.
Những tưởng, giữa thời đại của Facebook, của Smart-phone, khi tất thảy mọi việc (kể cả tình yêu) đều được “giải quyết” nhanh gọn, chóng vánh, sẽ chẳng còn mấy ai quan tâm đến thư tình.
Những tưởng, giữa cuộc sống vội vã, mê mải mưu sinh với “cơm áo gạo tiền” như hôm nay, khi giá xăng, giá vàng, giá điện còn “đảo điên”… sẽ chẳng mấy ai có thời gian để lưu tâm đến sự lãng mạn, nên thơ của những bức thư tình.
Những tưởng, chuyện viết thư tình và đọc thư tình đã là chuyện của “ngày xửa, ngày xưa”.


Bức thư Trịnh Công Sơn gửi người yêu Dao Ánh năm 1965 khi cô còn là một nữ sinh
Thế nhưng, bài viết “Bức thư tình tuyệt hay Trịnh Công Sơn gửi người yêu 16 tuổi” đăng trên trang Văn hóa của báo điện tử Dân trí ngày 26/11 đã trở thành bài viết có số lượng độc giả “kỷ lục”, là một trong những bài viết có sức thu hút lớn nhất trong tuần qua trên Dân trí.
Bài viết không chỉ thu hút đông đảo độc giả vào đọc bài, vào “Like”, còn thu hút đông đảo những ý kiến “comment” chia sẻ. Những dòng thư tình lãng mạn tưởng như đã bị lãng quên giữa cuộc sống đương đại thực dụng, vội vã, nay lại có thể làm sống dậy biết bao kỷ niệm, biết bao ký ức, biết bao cảm xúc trong lòng độc giả.
Đông đảo độc giả đã chia sẻ với chúng tôi, rằng cuộc sống “cơm áo gạo tiền” lâu nay đã khiến tâm hồn họ khô cằn, rằng những vội vã, chóng vánh của tin nhắn, Facebook, đã khiến họ chai sạn, nhưng khi đọc bức thư tình của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, biết bao người đàn ông đã nhớ lại ngày xưa khi còn viết thư tay tỏ tình với cô hàng xóm, hàng tuần sau mới dám gửi, và biết bao phụ nữ đã bày tỏ mong ước sẽ lại được nhận những bức thư tình lãng mạn, nhét vội sau khung cửa như thế…
Ở thời đại, khi “chụp ảnh tự sướng” trở thành một hiện tượng ngôn ngữ, “thư tình” đã trở thành từ khóa bị lãng quên. Khi những ký tự đã được “đồng bộ hóa” trên bàn phím điện thoại, bàn phím máy tính, những email, tin nhắn gửi cho nhau cũng được “khô cứng hóa”. Đọc, nhìn ngắm và suy nghĩ trước một bức thư tình viết tay cách đây gần 50 năm bỗng khiến biết bao nhiêu người lặng đi, xúc động.


Ngô Vũ Dao Ánh (lúc 16 tuổi) và Trịnh Công Sơn thời trẻ (Ảnh do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cung cấp)

Trịnh Công Sơn sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng được, bức thư tình ông gửi cô nữ sinh Dao Ánh, sau gần 50 năm, lại làm được những điều kỳ diệu như thế. Bức thư tình làm sống dậy biết bao cảm xúc, biết bao nhớ thương, biết bao suy nghĩ giữa một thời đại đã “số hóa” tất cả.
Những con chữ giản dị, văn phong tài hoa, cảm xúc đời thường, những yêu thương tha thiết, những rung động thuần khiết… của người nhạc sỹ vô tình đã chạm đến vùng ký ức xa lắc vốn bị bỏ hoang bấy lâu trong tâm hồn biết bao người.
Ai đó đặt câu hỏi, bài viết “Bức thư tình tuyệt hay Trịnh Công Sơn gửi người yêu 16 tuổi” sở dĩ được đông đảo độc giả đón nhận như vậy phải chăng vì độc giả đã bị báo chí “bỏ đói” quá lâu với những tin giật gân, gây sốc?
Hay, giữa cuộc sống bộn bề, bươn chải, trong tâm hồn mỗi chúng ta, đâu đó vẫn tràn đầy cảm xúc. Chỉ cần một “cú hích” từ một bức thư tình lãng mạn, từ những con chữ giàu sức gợi, tất cả ký ức, kỷ niệm, cảm xúc sẽ ùa về, bung trào nhung nhớ.
Bởi ai trong chúng ta cũng có (và muốn có) một nơi như thế, một thời như thế, cho mình.
B’lao, 23 tháng 9/ 1965
Ánh

Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ đã điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen.

Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây.

Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.

Ngồi ở đây nhìn ra từng ô cửa kính rất lớn anh mơ hồ thấy mình như lạc về một vùng đất nào mới sơ khai. Cả thành phố chỉ xanh rì những cây cối và từng khoảng đất đỏ.

Hiện giờ ở Tỉnh đang có một buổi văn nghệ sẽ tổ chức vào cuối tháng. Anh phụ trách chương trình này nên bây giờ vẫn còn được rỗi rảnh không làm việc gì cho đến cuối tháng.

Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh.

Những bụi bờ dọc theo những con dốc đất đỏ ở đây anh vừa đi qua ban sáng và thấy lá của hoa mặt trời xanh um. Anh ngắt gửi về Ánh một ngọn. Hoa thì vẫn chưa nở. Có lẽ đợi hôm nào có mặt trời thì hoa mới bắt đầu hiện diện và cũng là mùa mà anh đã gọi là mùa sinh nhật của hướng dương.

Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn.

Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.

Buổi trưa trời âm u và hơi lạnh.

Anh vẫn không thể nào không thấy sự lạc lõng của mình nơi đây.

Ở trường Đồng Khánh giờ này chắc Ánh đang mài miệt với những bài vở mới. Sân trường đã có những cây hoa vàng, tím mọc nhoi lên trên từng bãi cỏ xanh. Đúng không. E cũng phải mất đến hằng mấy tháng anh mới tạm ổn mình được vào với thành phố này lại.

Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng, Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa Đông này?

Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì.

Anh đang có Ánh – tuổi – nhỏ trước mặt trong chiếc hộp nhỏ anh mang theo đó.

Mưa rất buồn. Như một điệp khúc dai dẳng trong mấy tháng mùa Đông này.

Ánh ơi

Nếu còn sự yêu thương và nhớ nhung nào trong Ánh thì hãy gửi làm quà cho anh để anh coi thường những tháng ngày ẩm mục nơi đây

Nhớ vô ngần

Thân yêu, yêu dấu

Trịnh Công Sơn (ký tên)

16 tháng 12, 2013

Sự thật những tấm HCV Olympic Toán quốc tế của Việt Nam qua lời kể nguyên Phó Chủ tịch FPT

Phải thừa nhận rằng nền giáo dục Mỹ tốt hơn Việt Nam. Chúng ta thường gửi con đi Mỹ học, không thấy người Mỹ nào xin học ở Việt Nam.

Sự thật những tấm HCV Olympic Toán quốc tế của Việt Nam qua lời kể nguyên Phó Chủ tịch FPT
Sự phát triển của một người phụ thuộc hai yếu tố: di truyền và môi trường. Do các yếu tố di truyền nên người Việt Nam khó có thể ganh đua với người Mỹ trong các môn sức mạnh cơ bắp như chạy, nhảy... Nhưng với các môn thuần túy đầu óc và không cần đầu tư nhiều tiền thì có thể ngang ngửa như cờ, toán...
Về lý thuyết thì người Việt Nam cũng có số tế bào não như các dân tộc khác. Kiến thức cơ bản của nhân loại đã tích lũy được qua hàng triệu năm tiến hóa thì chúng ta có điều kiện tiếp cận như Mỹ nhờ có Internet.
Tóm lại nếu chỉ thi bằng bút chì và bàn phím, không thi vật tay thì Việt Nam có điều kiện ngang ngửa với Mỹ.
Còn môi trường, có lẽ cái này Việt Nam luôn thiếu.
Một ví dụ điển hình là việc Việt Nam tham gia thi Toán quốc tế từ năm 1974. Chúng ta tự hào là một nước bị chiến tranh tàn phá 20 năm mà vẫn đạt được huy chương này nọ, chỉ thua Liên Xô, Đông Đức và sau này thua Mỹ...
Sự thật những tấm HCV Olympic Toán quốc tế của Việt Nam qua lời kể nguyên Phó Chủ tịch FPT (1)
Thực ra là thế nào?
Tôi tham dự đội tuyển Việt Nam năm 1975. Đoàn nước ta có 8 học sinh (số lượng tối đa cho một đoàn) giành được một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và đứng thứ 10.
Mỹ cũng tham gia lần thứ hai, có 8 học sinh giành được 3 huy chương Vàng, một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và chỉ đứng sau Hungary và Đông Đức.
Tôi nhờ thầy Phan Đức Chính, Trưởng đoàn Việt Nam hồi đó, hỏi xem Mỹ chọn và dạy học sinh đi thi thế nào?
Mỹ làm thế này: Họ thông báo là thế giới tổ chức International Math Olympics. Mỗi nước được cử tối đa 8 học sinh phổ thông, tuổi dưới 19, cùng một Trưởng đoàn tham gia cung cấp bài thi (giới hạn trong kiến thức phổ thông) để hội đồng chọn ra 6 bài cho học sinh làm, và cùng chấm điểm tất cả các bài thi kể cả của đoàn mình. Chi phí đi lại nước dự thi chịu. Chi phí ăn ở trong quá trình thi nước đăng cai trả.
Mỹ sẽ cử đoàn đi, chọn các em dưới 19 tuổi, chưa học đại học. Nếu số lượng đăng ký trên 8 thì tổ chức thi loại, dưới 8 thì ai đăng ký đều được đi. Đoàn tự thu xếp kinh phí (gia đình cho tiền, xin tài trợ của tổ chức, cá nhân). Chính phủ Mỹ không cho tiền, cũng chẳng dạy dỗ gì cả. Mặc dù là trò chơi vớ vẩn nhưng Mỹ luôn đứng trong Top 3.
Việt Nam và các nước XHCN làm thế này: Từ cấp 2 (lớp 5-7) đã phải thi đấu vào lớp chuyên của trường, tỉnh/thành phố. Đến cấp 3 (lớp 8-10) lại thi đấu vào trường chuyên của Bộ Đại học, của tỉnh. Hình thành một loại "gà nòi" chỉ để thi đấu: Chuyên toán của Bộ Đại học có ĐH Tổng hợp, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh. Chuyên toán của các tỉnh như Chu Văn An (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Hồng Phong (Nam Định)...
Rồi "bọn gà" này lại qua hàng chục vòng đấu để chọn ra 14 "con" vào đội tuyển toán quốc gia. Từ đó, sau 90 ngày khổ luyện qua 45 bài kiểm tra lấy ra 8 "con gà" để đi thi. Tiền tuy không nhiều nhưng do ngân sách Nhà nước chi trả cả.
Trước khi ra nước ngoài, Bộ Tài chính cho mỗi thành viên trong đoàn mượn một bộ comple, 2 áo sơ mi, một đôi giày, về thì phải trả, không có tất.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cả đoàn vào dinh đãi một bữa phở úy lạo trước khi lên đường và hỏi:
- Các cháu có nguyện vọng gì?
Đáng lẽ phải nói là quyết tâm mang vinh quang về cho tổ quốc Việt Nam anh hùng thì tôi lại bảo:
- Chúng cháu được cho mượn giày nhưng không có tất, đau chân lắm, cháu sẽ đi dép lê.
Dưới gầm bàn, thầy Chính đá tôi một phát khá đau.
Thủ tướng chảy nước mắt nói với ông Tạ Quang Bửu, khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học:
- Nước nhà vừa trải qua chiến tranh, còn nghèo lắm, nhưng một đôi tất sao không lo được cho các cháu?
Khi đó chỉ có đúng một loại tất của Trung Quốc bày bán ở cửa hàng Bách hóa Bờ Hồ giá 7 đồng một đôi.
Ngay lập tức, một núi công văn, điện thoại giữa Bộ Đại học, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ được trao đổi và kết quả đến chiều có văn bản cấp cho mỗi cháu 3 đồng để mua tất. 4 đồng thiếu thì bảo bố mẹ cho, bố mẹ không có thì bác Bửu bù. Có lẽ đấy là vụ PPP đầu tiên của Việt Nam.
Mặc dù thuần túy chuyên môn nhưng ngay từ năm 1975 đã có vô số yếu tố phi chuyên môn len vào quá trình lựa chọn:
- Phải có đủ thành phần nam, nữ.
- Phải cân đối số lượng giữa các trung tâm "gà" (hồi đó là ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm).
- Các thầy từ lò Sư phạm rỉ tai cho "gà" của trung tâm mình đáp án trước các vòng kiểm tra.
- Thêm cả yếu tố đạo đức, lý lịch, thành phần giai cấp nữa. Trong đội tuyển năm 1975 có một bạn rất giỏi bị loại vì đã tố cáo các thầy Sư phạm "gà" bài cho học sinh trường mình. Lý do: "Thiếu ý thức kỷ luật, có vấn đề về đạo đức". Có lẽ cũng là vụ "Đồi Ngô" đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam.
Duy nhất cậu này trong số mấy ngàn "con gà" khóa 1975 cho đến bây giờ còn làm toán và sống bằng nghề giảng dạy toán cao cấp tại một trường đại học danh tiếng của Mỹ.
Theo tôi biết thì hàng chục ngàn "con gà" đó sau này không làm nên cơm cháo gì trừ Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh nền toán học Pháp và đang cống hiến cho một trường đại học ở Mỹ.
Thế khác nhau chỗ nào?
Khác nhau ở chỗ Chính phủ Mỹ dứt khoát không dùng tiền ngân sách tài trợ cho Khoa học, Văn hóa, Thể thao.
Nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, diễn viên, cầu thủ tự sống bằng tiền nghiên cứu theo hợp đồng với cơ quan Chính phủ hay với các công ty, giảng dạy, bán sách, bán phim, thi đấu. Thích thì tự hội họp với nhau mà trao giải Field, Oscar... phong nhau làm Giáo sư, Viện sĩ...
Còn Việt Nam thì suốt ngày cãi nhau về chuyện Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và xin Nhà nước tài trợ từ hát xẩm đến cầu lông.

6 tháng 12, 2013

Một Góc Nhìn Khác Về Nợ Xấu




Phóng viên (PV): Thưa ông, đối với người kinh doanh, có bao nhiêu điều quan trọng?
Doanh nhân:Theo tôi thì có hai thôi: tìm ra thị trường và tìm ra nguồn vốn
PV: Thị trường đôi lúc là nhân tố khách quan. Còn đồng vốn không phải như vậy, đúng không ạ?
Doanh nhân: Đúng. Vốn phải tự có. Hoặc thông thường nhất phải đi vay.
PV: Vay ai?
Doanh nhân: Bất cứ ai. Nhưng trên thực tế, chủ yếu là vay ngân hàng.
PV: A, ngân hàng. Có phải nơi mà dư luận luôn nói là đang ôm nhiều nợ xấu đó không?
Doanh nhân: Xin nhà báo định nghĩa lại cho tôi biết “nợ xấu” là gì?
PV: Là nợ không có khả năng thu hồi. Nói nôm na là không đòi được.
Doanh nhân: Thế hiện nay các ngân hàng ôm nợ xấu nhiều không?
PV: Ô, ông không biết à? Vô cùng nhiều, nhiều đến mức bao nhiêu rất khó thống kê. Nguy cấp lắm.
Doanh nhân: Tôi nghĩ khác, nhà báo ạ. Tôi hoàn toàn cho như vậy là “nợ đẹp”.
PV: Nợ đẹp?
Doanh nhân: Phải. Vì với tư cách doanh nhân, tôi biết lúc mắc nợ thì lo lắng vô cùng, mất ăn mất ngủ, bị ám ảnh, và khả năng mất tài sản vào bất cứ lúc nào. Nhưng mất ăn mất ngủ tôi chưa thấy, chứ cho tới bây giờ nhìn ông ngân hàng nào cũng phây phây, chưa thấy ai mất gì, cũng hầu như chưa thấy ai bị sao. Nợ như vậy gọi nợ đẹp chứ còn gì nữa.
PV: Ừ nhỉ.
Doanh nhân: Nợ mà không thống kê rõ số nợ, nợ mà không biết chính xác ai nợ bao nhiêu và ai là người ký quyết định cuối cùng cho vay, nợ mà không đòi được cũng chả chết thì xấu làm sao được.
PV: À há.
Doanh nhân:Nếu nhà báo cho tôi vay một triệu đồng, tôi không trả nhà báo vẫn bình an, vẫn có cơm ăn áo mặc, vẫn giữ nguyên chức vụ và vẫn hứa chứ đâu phải trả tiền. Thì nhà báo thấy sự nợ như thế có nhẹ nhõm không?
PV: Nhẹ nhõm vô cùng.
Doanh nhân: Ngược lại, nếu tôi cho vay mà tôi không đòi cũng chả làm sao, tài sản cá nhân của tôi không hề suy chuyển; địa vị, danh tiếng của tôi vẫn oai hùng thì món nợ đó đâu làm tôi đau đớn lắm.
PV: Đúng vậy.
Doanh nhân: Tóm lại, rất kỳ lạ, tôi có cảm giác nợ xấu đang biến thành nợ đẹp với cả người cho vay lẫn người đi vay, nghĩa là cả hai cứ ì ra mà chả làm sao cả.
PV: Không phải như vậy đâu.
Doanh nhân: Tôi chưa biết bên trong các vị xử lý nhau như thế nào, nhưng bên ngoài nhìn vào chỉ thấy nợ xấu là một kẻ vô danh, không hình ảnh, không mặt mũi, và con số thì khá lờ mờ. Còn trong cuộc sống, nếu tôi cho ai vay tiền, hoặc tôi đi vay của cá nhân nào đó thì vay bao nhiêu, bao giờ trả hoặc không trả, sẽ ra sao. Chắc chắn họ tính chính xác tới từng xu.
Cho nên nói nợ xấu đang có khả năng biến thành nợ đẹp do chưa thấy ai chết cũng không phải không có lý. Hoặc ít nhất cũng có thể gọi đó là nợ êm dịu, nợ thanh thản hoặc nợ bình an. Không có chuyện một sống một chết giữa chủ nợ và con nợ.
Nợ kiểu như thế thì nói thật, có khi tôi muốn… vay thêm. Nợ kiểu đó, thì giữa chủ nợ và con nợ sẽ còn tình thương mãi mãi.

 Lê Thị Liên Hoan (An ninh thế giới cuối tháng) 17/11/2013
 



Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang