Bài này viết tiếp phần nhận xét bài "Ý nghĩa ngày 8/3" của Vũ Liên, do google giới hạn số chữ nên không đăng lên hết được, buộc phải đưa lên thành một chủ đề mới. Mời những ai quan tâm đọc lại từ đầu.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
1. Đọc lại lịch sử hình thành ngày 8/3 của Vũ Liên, chắc chị em mình thấy rõ là:
- Ý nghĩa ban đầu của ngày 8/3 không phải như cái kiểu mà cánh phái mạnh phải "chịu đựng", hoặc tỏ ra “chiếu cố” một cách gượng ép, chiếu lệ, còn cánh phái đẹp thì lại "chảnh chọe" hết ý như bây giờ. Đó là ngày kỷ niệm những cuộc "vùng lên" của phái đẹp, đòi hỏi "bánh mỳ & hoa hồng".
- Thôi thì gọi là theo bước "văn minh" của thiên hạ, có thể xem ngày này là một ngày mà tất cả chúng ta, kể cả nữ giới, nghiêm túc nhìn lại vai trò của phụ nữ trong thế giới hiện nay, để mà trân trọng họ bằng tình cảm thực sự, chứ không phải bằng những kiểu "nịnh đầm" sáo rỗng.
2. Thật ra Phụ nữ Việt nam còn có một niềm kiêu hãnh lớn hơn bội phần so với những gì mà trong ngày 8/3 này họ hằng mong đợi. Đây mới là điểm quan trọng mà tôi hằng ấp ủ một cách ấm ức, cho nữ giới nói riêng và cả dân tộc Việt Nam mình nói chung.
Thử hỏi dưới vòm trời này, từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay, có dân tộc nào có được người phụ nữ đáng kính phục và đáng được ngưỡng mộ như Hai Bà Trưng của dân tộc Việt Nam ta hay không?
Hơn 4 ngàn năm trước, chính Hai Bà (và rất nhiều nữ tướng dưới trướng) đã làm nên một chuyện kinh thiên, động địa hơn gấp bội phần những phụ nữ hậu bối cuối thế kỷ 19 ở cái xứ New York xa xôi kia: Chính Hai Bà là người Việt Nam đầu tiên dựng cờ khởi nghĩa, phá bỏ xiềng xích đô hộ của giặc Tàu, giành lại độc lập cho dân tộc Việt.
Ý chí quật cường và lòng yêu nước của Hai Bà đã truyền lại cho hậu thế trải dài suốt 4 ngàn năm một ngọn lửa, một nhuệ khí đấu tranh bất khuất trước mọi ách đô hộ của những kẻ hùng mạnh.
Chúng ta, dân tộc Việt Nam này, thật tự hào và vô cùng tri ân về Người Mẹ Vĩ Đại trong những buổi đầu bình minh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
- Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay (...). Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy. (Sử gia Lê Văn Hưu)
Chính cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã nhóm lên một niềm hy vọng, đã thổi thêm dũng khí cho những thế hệ đi sau trong việc giữ nước.
- Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư?
- (Sử gia Ngô Sĩ Liên)
Thử hỏi, nếu không có "cuộc khởi đầu" ấy, thì dân tộc ta liệu sẽ có những Lý Bôn, Lý Bí, Mai Hắc Đế... rồi cuối cùng đến Ngô Quyền với chiến thắng oanh liệt trên Bạch Đằng giang, mở đầu cho một kỷ nguyên độc lập và phát triển sau 1 ngàn năm bị thống trị không?
Nếu không có "cuộc khởi đầu" ấy, thì liệu dân tộc ta sau này sẽ có được những Lý Thường Kiệt, Trần hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp và biết bao anh hùng chống giặc ngoại xâm khác dọc suốt chiều dài lịch sử của dân tộc?
- Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm ru! (Hoàng đế Tự Đức viết trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Có lẽ trên thế giới này, chỉ mỗi dân tộc Việt Nam ta là có được những người phụ nữ đáng kính, đáng khâm phục đến như vậy.
Là con dân Việt, há chúng ta không cảm thấy tự hào về Người Mẹ Vĩ Đại của dân tộc mình, hơn là theo trào lưu, lại đi khâm phục những cuộc nổi dậy của nữ công nhân ở New York kia sao?
Biết rằng sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng thử hỏi trong chúng ta đây, cả tôi, cả các bạn, mấy ai biết được là còn 2 ngày nữa (ngày 06 tháng 02 âm lịch) sẽ là lễ kỷ niệm ngày Hai Bà trầm mình xuống dòng sông Hát sau khi đã anh dũng chiến đấu với quân thù đến phút cuối?
Sao lại có cái sự oái oăm và bất công với tiền nhân đến vậy?
Là con dân Việt, là Phụ Nữ Việt, chúng ta không cảm thấy tự hào và kiêu hãnh với toàn thế giới về chiến tích vĩ đại và công lao to lớn của Hai Bà sao?
Là con dân Việt, là Phụ Nữ Việt, chúng ta không cảm thấy đau lòng khi mỗi năm ngày vía Hai Bà cứ trôi qua một cách âm thầm, lặng lẽ mà chẳng mấy ai biết hoặc nghĩ đến?
Tại sao chúng ta lại thành những kẻ hậu bối vong ân với các vị Liệt Mẫu đến vậy?
Tôi nhớ, khi còn nhỏ được vài lần xem trực tiếp truyền hình lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng ở Sài gòn. Năm nào buổi lễ được tổ chức thật hoành tráng, thật long trọng.
Năm nào đến ngày ấy, Đệ nhất Phu nhân và con gái cũng đứng ra chủ trì buổi lễ, và luôn có màn diễn hành của các đội nữ quân nhân và màn rước voi, trên lưng voi là Hai Bà Trưng oai phong, lẫm liệt do các nữ sinh trường Trưng Vương đóng giả. Họ diễu hành qua các đường phố chính của Sài gòn trong sự chào đón hân hoan của dân chúng.
Sau này đọc lại trên Wikipedia, tôi mới biết trước kia người ta lấy vía Hai Bà làm ngày Phụ Nữ Việt Nam, một ngày Quốc Lễ của dân tộc (tức là được nghỉ làm việc).
Ôi sao mà... phải quá, đúng quá! Hợp đạo lý dân tộc quá! Và tự hào cho Phụ nữ Việt nam ta, cho dân tộc ta quá!
3. Mong rằng một ngày nào đó, con dân nước Việt chúng ta sẽ lại có được một ngày Quốc Lễ giành cho Hai Bà Mẹ Việt Nam Vĩ Đại này! Để chúng ta không còn phải mang tiếng là kẻ vong ân với tiền nhân, để chúng ta tự hào về người Việt hơn, tự hào về Phụ nữ Việt hơn.
Và để tất cả chúng ta, cả nam lẫn nữ, trong Ngày Phụ Nữ Việt Nam, chúng ta không còn phải chiếu lệ một cách hình thức với nhau trong việc tỏ ra là tôn trọng và quan tâm đến mức "nịnh đầm" với nữ giới nữa.
Trong ngày ấy, tất cả con dân nước Việt chúng ta đều một lòng thành kính hướng về anh linh Hai Bà, nhớ về một thời oanh liệt xa xưa, và tự hào cho người Phụ nữ Việt nam một cách chân thành và trọn vẹn!
Mong lắm thay!
Cảm ơn bài viết của VL đã tạo cho tôi cảm hứng để viết bài này!
2 nhận xét:
cái thằng mắc dịch,hình mày gởi cho tao với Hưng sao không giống như mày đăng trên đây,tao sẽ gởi chuyển tiếp cho K.H nghe...hà ..hà.
Mày mới là mắc dịch!
Ngày 8/3 của mấy bả, mình đâu dán động đậy nhiều, chuyện riêng sao mày đưa lên đây?
Bả đứng sau lưng mày kìa!
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!