Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

17 tháng 3, 2011

Tầng lớp tinh hoa của thế giới, họ là ai ?

Họ năng nổ, sắc sảo, làm việc hết mình và đa phần họ tự gây dựng nên tài sản của mình.

Có núi vàng không hẳn đã hết khổ
Khi hai chiếc máy bay đâm vào Tòa tháp đôi, Tommy Gallagher đang làm việc cách đó một con phố. “Khi di tản, chúng tôi có thể thấy người ta nhảy ra từ cửa sổ,” ông nhớ lại.
Thế rồi tòa tháp thứ nhất sụp đổ. Mọi người trên đường bắt đầu chạy. Đám mây bụi khổng lồ trùm lấy họ. Gallagher không thở được, cũng chẳng nhìn thấy gì. Ông nghĩ chắc mình sắp chết.
Ngay sau khi thoát hiểm, Gallagher được thông báo tiếp tục công việc ở ngân hàng mình tại một văn phòng ở Manhattan.

Cắm điện máy tính thì dễ nhưng khó mà làm mọi người trở lại làm việc như cũ. Một tháng sau, Gallagher bị xa thải. “Một thằng cha làm tôi phát điên. Tôi dọa cho hắn ăn đòn. Thế là tôi bị đuổi,” ông nói.
Khi ấy ông 57 tuổi. “Trên Phố Wall, 50 tuổi là bạn già rồi,” ông nhún vai. Ông không tìm được việc mới. Tiền không phải là vấn đề vì ông vốn đã giàu rồi. Nhưng về mặt tình cảm mà nói thì ông như “kẻ bỏ đi”.
Ông thấy bẽ mặt vì bị xa thải, xấu hổ vì hành động của mình và “hoàn toàn cô đơn”. Ông bắt đầu lo ngay cả anh giữ cửa tại căn hộ lộng lẫy của mình cũng đang nghĩ. “Lão đó là một kẻ thất bại.”
Sau đó ông gia nhập một nhóm những người giàu tự giúp đỡ lẫn nhau tên gọi Tiger 21. Chỉ những ai có tài sản đầu tư trên 10 triệu đôla mới đủ tư cách làm thành viên, vì thế chẳng ai nghĩ rằng chỉ vì họ có cả xe tải tiền nên họ chẳng gặp phải vấn đề gì cả.
Dù bạn có lo con cái mình sau này lớn lên sẽ như Paris Hilton, hay chán ngấy với ông em rể lúc nào cũng chỉ chực vay tiền, thì ai đó trong hội cũng đã gặp phải điều đó rồi.
Gallagher nói Tiger 21 đã giúp ông tìm thấy mục đích mới của cuộc đời: đó là từ thiện.
Nhiều thành viên khác đã có thâm niên làm từ thiện, họ cho ông lời khuyên nên thực hiện sở nguyện của mình thế nào cho tốt nhất (Gallagher muốn chăm sóc cho các cựu chiến binh mắc chứng rối loạn trầm cảm hậu thương tật).
Con trai ông là một nhân viên phản gián ở Afghanistan và đã phải tính toán sức công phá của một quả bom gắn ven đường bằng cách đo xem mảnh xác nạn nhân bắn ra bao xa, thế nên Gallagher rất quan tâm tới vấn đề này.
Hiện ông đang trong ban điều hành quỹ từ thiện sức khỏe tâm thần Phoenix House và tham gia một chương trình giúp các thương binh không rơi vào cảnh ly dị, vô gia cư hay tự sát.
Tầng lớp tinh hoa mới
Báo cáo đặc biệt này viết về các lãnh đạo toàn cầu, nhưng phần lớn không phải những người mà bạn thường nghe tin, như các tổng thống hay ngôi sao nhạc pop.
Thay vào đó, báo cáo viết về những người đang định hình thế giới nhưng ít ai chú ý đến: những người có đủ trí tuệ, tiền bạc hay tầm ảnh hưởng để tác động tới cuộc sống của triệu triệu người khác.
Ba thứ trên thường đi liền với nhau, tuy không phải lúc nào cũng thế.
Một số người giàu ảnh hưởng vì họ có những ý tưởng xuất chúng hay được những người khác yêu mến.
Những bộ não thông tuệ tại các viện nghiên cứu tại Washington, DC không có đủ tiền để gia nhập Tiger 21, nhưng họ có ảnh hưởng to lớn tới công chúng.
Các tuyên truyền viên của Al-Qaeda sống trong hang động nhưng có thể tác động tới đời sống con người khắp mọi nơi.
Xã hội luôn có tầng lớp tinh hoa. Trong phần lớn lịch sử của đa phần các quốc gia, quyền lực có được là nhờ sức mạnh và truyền từ đời này sang đời khác. Sự sợ hãi và tôn ti trật tự luôn đóng một vai trò quan trọng.
Hoa Kỳ đã bầu lên hai tổng thống mang tên George Bush và suýt nữa thì bầu hai người mang họ Clinton.
Biến chuyển lớn trong thế kỷ qua là con đường gia nhập tầng lớp tinh hoa xuất hiện trên toàn cầu và ngày càng dựa nhiều vào tài năng hơn. Người giàu tại các quốc gia phát triển không phải quý tộc mà là doanh nhân như Bill Gates.
Những người giàu ảnh hưởng nhất là những người có các phát minh làm thay đổi cuộc sống tại nhiều nước (như Facebook) hay các ý tưởng đầy tính thuyết phục (như Tổ chức Ân xá quốc tế).
Báo cáo này sẽ tìm hiểu xem ảnh hưởng ấy đã được sử dụng như thế nào.
Những tư duy định hình nền chính trị, kinh doanh và công nghệ sẽ được khảo cứu. Báo cáo cũng viết cả về những nơi họ tụ họp để trao đổi ý kiến từ Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos tới “mùa sáng tạo” của Nathan Myhrvold ở Seattle.
Tầng lớp tinh hoa toàn cầu sống trên toàn thế giới, nhưng họ không hề mất gốc.
Các tài phiệt Ấn Độ vẫn làm ăn với Ấn kiều khắp thế giới. Khoa học gia Trung Quốc ở Bắc Kinh cộng tác với khoa học gia gốc Trung Quốc ở Cambridge.
Báo cáo này sẽ cho thấy tiền, ý tưởng và ảnh hưởng chu chuyển qua mạng lưới ngoại kiều khắp thế giới ra sao.
Nó cũng quan tâm tới sự bất bình đẳng đã gia tăng mạnh mẽ ở phần lớn các nước giàu dù cho giàu có nay ngày càng gắn liền với tài năng.
Những người thông minh, có giáo dục kết hôn với nhau ngày càng nhiều hơn và nuôi dạy những đứa con cũng thông minh và có giáo dục. Trẻ từ những gia đình bình thường khó cạnh tranh nổi với chúng.
Một tầng lớp quý tộc dựa trên tài năng đang trỗi dậy. Điều ấy sẽ có những hậu quả xã hội nhất định.
Nhiều người đôi khi hay phóng đại tầm ảnh hưởng của một số ít người.
Cuốn sách “Siêu giai cấp: Tầng lớp tinh hoa toàn cầu và Thế giới họ đang tạo ra” của David Rothkopf được viết cẩn trọng mà sâu sắc, nhưng cái cách mà ông đã nhiệt thành kể lại cách chỉ 6.000 chính trị gia, CEO và các nhân vật tai to mặt lớn khác điều hành thế giới đã quên mất một điểm quan trọng.
Ít nhất là trong một nền dân chủ, thiểu số thường phục tung đa số. Người bỏ phiếu có thể loại bỏ chính trị gia họ không thích.
Người tiêu dùng sẽ ngừng mua hàng của một công ty ngay khi có thứ rẻ hơn hoặc tốt hơn xuất hiện. Trong một nền dân chủ có nền kinh tế cạnh tranh, khó giữ được quyền lực nếu không chiều lòng người khác.
Trung Quốc lại trị quốc kiểu khác. Tăng trưởng kinh tế đã giúp hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát cảnh nghèo đói và khiến khu vực duyên hải trở nên giàu có.
Nhưng tầng lớp tinh hoa Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào chính quyền để có được tài sản và tầm ảnh hưởng.
Hệ thống “hộ khẩu” tạo ra hai tầng lớp nhân dân, ở nông thôn và thành thị. Cũng giống như Nam Phi thời apartheid, những người trên đỉnh cao quyền lực quyết định xem những người ở bên dưới có thể sống và làm việc như thế nào.
Điều này không thể tiếp diễn.
Câu chuyện của ông Gallagher cho thấy, người giàu cũng dễ bị tổn thương như bất kỳ ai, cho dù họ có một cuộc sống khác.
Trong cuốn “Richistan” được viết trước khủng hoảng tài chính, Robert Frank nhận xét người giàu có “đã xây dựng một thế giới cho riêng mình, với hệ thống chăm sóc sức khỏe riêng (bác sỹ riêng), mạng lưới giao thông rieng (NetJets, câu lạc bộ riêng), nền kinh tế độc lập … và cả ngôn ngữ (“Ai làm quản gia nhà anh thế?’)”.
Chuyện kể về nhà giàu tác động tới chúng ta theo hai con đường.
Thứ nhất, cách họ tiêu tiền có đủ mọi loại hiệu ứng ngầm. Linh cảm của họ làm thị trường dậy sóng. Hàng hóa họ mua nâng đỡ cho cả một nền kinh tế của các chủ khách sạn, hãng đồng hồ và tư vấn tài chính.
Lòng từ thiện của họ giúp trường học và các nghiên cứu về bệnh nhiệt đới có tiền trang trải.
Thứ hai, và quan trọng hơn là, trên đường trở nên giàu có, họ thường đã làm được những việc phi thường.
Đương nhiên có một số người thừa kế, nhưng phần lớn bọn họ giàu có là nhờ thiết kế một loại bãy chuột tốt hơn, tài trợ cho ý tưởng tốt của một ai đó hay ít nhất là điều hành một chuỗi cửa hàng cắt tóc sao cho khách hàng sẽ lại viếng thăm lần sau.
Và vì phần lớn tài sản do bàn tay họ làm nên, nên người giàu ngày nay năng nổ và sắc sảo hơn nhiều so với tầng lớp quý tộc xưa kia.
Minh Tuấn
Theo Economist

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang