Cách nhanh nhất để trở thành VIP là phát minh ra một thứ gì đấy hữu dụng.
Bài viết này nằm trong chuỗi Báo cáo đặc biệt của tờ The Economist về giới lãnh đạo toàn cầu.
Khi ngồi nghĩ ra các ý tưởng mới, “bạn phải chắc rằng người ta thấy nói toàn điều điên khùng thì cũng chẳng làm sao”, Nathan Myhrvold nói.
Công ty Intellectual Ventures của ông tìm kiếm lợi nhuận từ các phát minh.
Myhrvold không cần tiền, với tư cách cựu Giám đốc Công nghệ của Microsoft, nhà ông đã có hàng bao tải tiền. Nhưng ông tin rằng “phát minh là thứ gần với phép thuật nhất mà chúng ta có.”
Myhrvold tổ chức các “kỳ họp phát minh” chào mời tư duy từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông mời họ vào một căn phòng với hàng bình cà phê rồi đề trao đổi ý kiến với nhau.
Các trợ lý sẽ ghi lại buổi trò chuyện và làm cho buổi gặp gỡ thêm phần thú vị bằng cách chiếu các bài báo khoa học có liên quan lên màn hình. Và Myhrvold, vốn được đào tạo để trở thành một nhà vật lý, vui vẻ thưởng thức những điều trên.
Vì ông thông minh và có lắm mối quan hệ (nhà đầu tư vào công ty của ông bao gồm Microsoft, Intel, Apple, Google, Sony và Nokia), những người thông minh khác cũng vui vẻ tham dự vào buổi gặp mặt này.
Một người đề nghị diệt muỗi sốt rét bằng tia lade. Ai cũng cười. Nhưng rồi họ bắt đầu suy nghĩ về điều này và nhận ra rằng công nghệ lade rẻ hơn nhiều so với trước kia nhờ đầu đĩa Blu-Ray và máy in lade.
Một mẫu chạy thử được chế tạo năm 2008. Công ty giờ đang tìm kiếm một đối tác để sản xuất nó.
Ngoài ra, đội của ông đã thiết kế một lò phản ứng hạt nhân sử dụng chất thải hạt nhân làm nhiên liệu. Ông nói lò này thu được nhiều năng lượng từ uranium hơn công nghệ hiện nay 20 lần.
Ông và Bill Gates đã lập ra công ty công nghệ TerraPower để phát triển ý tưởng đó.
Đây là hướng đi tham vọng và liều lĩnh mà thế giới phải chọn nếu muốn ngăn sự ấm lên toàn cầu, Myhrvold nói. Nếu nó có kết quả, ông sẽ giàu to. Nếu không, ông vẫn còn vô khối ý tưởng khác.
Công ty của Myhrvold minh họa cho một số nguyên tắc hữu dụng đối với những ai muốn thúc đẩy sự sáng tạo.
Thứ nhất, vì công nghệ ngày càng phức tạp nên tiến bộ dựa ngày càng ít trên nỗ lực cá nhân và ngày càng nhiều vào hợp tác.
Hàng triệu khoa học gia trên thế giới trò chuyện với nhau càng nhiều, sẽ có càng nhiều ý tưởng tuyệt vời nảy sinh. Số bằng sáng chế được cấp đã tăng từ 900.000 năm 1985 lên 1,9 triệu năm 2008.
Công ty của Myhrvold đóng trụ sở gần Seattle, nhưng chào đón các khoa học gia từ khắp mọi nơi và duy trì một công ty con ở Ấn Độ để nắm bắt được dòng chảy sáng tạo nơi đây.
Các nhà nghiên cứu của công ty ở Bangalore đang bắt tay vào nhiều dự án từ dùng tia lade đỏ để bảo quản thực phẩm tới các máy nano ADN đưa thuốc tới vị trí chính xác trên cơ thể bệnh nhân.
Nguyên tắc thứ hai là lợi nhuận cũng quan trọng.
Sáng tạo có nhiều động lực khác nhau, trong đó có lẽ tiền không phải quan trọng nhất. Các nhà phát minh làm việc vì đó là điều họ thích. Nhưng các nhà phát minh cũng phải sống nữa.
Động cơ lợi nhuận là một nguồn gốc quan trọng của kỷ luật. Làm ra chiếc xe chạy bằng pin là một chuyện, làm một chiếc đủ rẻ và khỏe để mọi người mua được nó lại là chuyện khác.
Dù vậy thị trường ý tưởng còn lâu mới hoàn hảo. Có rất nhiều vốn đầu tư mạo hiểm vào các ý tưởng sẽ cho lợi nhuận trong ngắn và trung hạn, nhưng nghiên cứu và phát triển dài hạn phụ thuộc nặng nề vào chính phủ.
Chúng thường được tài trợ trên cơ sở từ thiện: “Đưa tiền cho tôi và đừng mong thấy lại chúng,” theo lời của ông Myhrvold.
Ông thích một cách tiếp cận có tính “kinh doanh” hơn với một thị trường giàu thanh khoản giúp nhà đầu tư có thể mua và bán ý tưởng. Ông nghĩ một thị trường như thế sẽ thu hút hàng tỷ đôla cho các phát minh mới.
Ý tưởng của ông còn gây nhiều tranh cãi. Intellectual Ventures ngoài tạo ra các ý tưởng của chính mình còn đi mua rất nhiều bằng sáng chế từ những người khác.
Một số người ở Thung lũng Sillicon sợ ông Myhrvold sẽ sử dụng các bằng sáng chế này để kiện các công ty công nghệ tội xâm phạm chúng. Nhưng Myhrvold phủ nhận mọi ý định trở thành cái gọi là “patent troll” (tạm dịch: kẻ phá rối bằng bằng sáng chế).
Ông điều hành nhiều quỹ cho phép các nhà đầu tư có kiên nhẫn đặt cược vào một rỏ các ý tưởng có thể sinh lời trong dài hạn. Điều này ngay lập tức tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư bán bằng sáng chế của họ, nhờ thế mà khuyến khích các sáng tạo.
Minh Tuấn
Theo Economist
0 nhận xét:
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!