Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

29 tháng 3, 2011

Bản chất của thành công

Vừa lú mặt xuống cơ quan, mở laptop duyệt email, định làm một báo cáo hơi gấp. Gặp thư của Hưng vừa gởi hôm qua, nó nhờ đăng hộ một bài luận văn của một học sinh lớp 10. Bài văn này cách đây 5 năm có lẽ nhiều người đã đọc, bây giờ bé gái năm nào chắc là đang ngồi ở một giảng đường Đại học nào đó, nhưng đọc lại bài luận văn cũng thấy xúc động...
Thôi thì gác lại báo cáo làm sau vậy, printscreen lại bài văn gốc, chỉnh sửa cho rõ rồi đưa lên đây giúp Hưng. Nó đang bệnh (hình như sổ mũi thì phải) nên hơi nhõng nhẽo ấy mà, chiều nó chút cũng không sao.

Đây là bản gốc bài luận văn, có cả lời phê của cô giáo. Nếu thấy khó đọc, xin mời xem nội dung ở phía dưới.



Nếu thấy khó đọc, xin mời đọc lại:



Đề bài:
Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em

Bài làm: của học sinh Hà Minh Ngọc

Bản chất của thành công
Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.
Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.
Thành công còn là câu chuyện về một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?
Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công - bị - trì - hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.
Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ - người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ - người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?
Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá - học - của - một - người - cha.
Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ.
Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.
Lời phê của cô giáo dạy văn
Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất.
Em đã thực sự thành công đấy. Mong em tiếp tục thành công.
Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.
Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich - ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!
Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống  là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”.
Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.

Võ Phước Hưng st
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Sẵn có công đăng bài dùm, tôi giành quyền ưu tiên nêu ý kiến đầu tiên ở đây luôn, vì viết comment thì không đủ chỗ:

1. Cách đây không lâu, những lần ngồi café tán gẫu cùng bạn bè ở Châu đốc, tôi vẫn hay nói rằng "Tao thấy hài lòng về tụi mày và tao vẫn khoe điều đó với vợ tao. Tụi mày tuy không được giàu có, nhưng con cái đều học hành đàng hoàng và nên người, với một đời người thì như vậy là thành công rồi".
Tôi thật sự quan niệm rằng thành công trong một đời người (và cả những thế hệ con cháu tiếp nối nữa) quan trọng nhất là ở con cái. Con cái chúng ta nên người, là công dân tốt hay trở thành kẻ hư đốn, quấy rối xã hội là điều quan trọng hơn rất nhiều so với việc chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền.
Nếu bạn nghèo khó nhưng chăm sóc, dạy dỗ cho con cái chăm ngoan, học hành đàng hoàng, biết cách cư xử phải đạo với mọi người chung quanh thì chẳng tốt hơn là bạn giàu có, nhưng bỏ bê cho con cái trở nên hư hỏng, phá phách xóm làng, gây rối xã hội sao?

2. Tôi đã nhiều lần khâm phục sự thành công to lớn của Mẹ tôi. Nhớ khi xưa lúc còn đi học, Mẹ chịu cảnh góa bụa khi em gái vừa lên 3. Nhà nghèo nhất xóm, chung quanh chẳng một ai thân thích để nương nhờ, Mẹ phải suốt đời quang gánh, nuôi nấng, dạy bảo 4 anh em chúng tôi chỉ bằng những lời lẽ quê mùa và những giọt nước mắt. Vượt qua bao nhiêu khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, Mẹ không cho phép chúng tôi nghỉ học giữa chừng hòng phụ giúp Người, "Cố học để sau này ấm thân con ạ!".
Giờ đây, anh em chúng tôi đều đã nên người, và chúng tôi lại dạy bảo cho con cái theo cách ngày xưa Mẹ đã dạy dỗ chúng tôi. Con tôi, đến giờ này cũng đang rất chăm, ngoan. Hy vọng rằng nó sẽ tiếp tục con đường mà ngày xưa bà Nội nó đã đi...

3. Con cái nên người và có học thức đàng hoàng là thành công to lớn nhất của Cha Mẹ, là nghĩa vụ đầu tiên của thế hệ trước đối với gia đình, dòng tộc và với cả xã hội, cả quốc gia. Nên người thì cơ hội để trở nên "thành đạt", để có cơ hội kiếm nhiều tiền sẽ nhiều hơn, xã hội sẽ phồn vinh, quốc gia sẽ phú cường.
Không phải là vĩ nhân, chúng ta chỉ là những con người bình thường, nhưng mỗi chúng ta đều có thể trở nên vĩ đại theo cách nào đó. Mỗi chúng ta chỉ cần làm tròn phận sự - thành công trong việc nuôi dạy con cái - thì đã là một thành công to lớn, đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Thế chẳng phải cũng là "Vĩ đại" sao?

4. Một nhận xét vui: các bạn coi bản gốc bài luận văn của em Ngọc và lời phê của cô giáo xem, chữ viết của cô giáo thì nguệch ngoạc y như chữ học trò, còn chữ của em Ngọc thì đẹp và cứng cáp như của cô giáo. Nét chữ này khiến tôi nhớ tới cô giáo chủ nhiệm lớp 12D2 năm nào, cô Hương của tôi!

1 nhận xét:

thanhnhan nói...Trả Lời

Tối qua mỡ mail thấy bài của HÀ MINH NGỌC ,tưởng Hưng chỉ cho xem thôi nào ngờ đưa lên blog...Thật tuyệt vời cô bé học lớp 10 đã có những suy nghĩ ...trên cả tuyệt vời...cảm ơn Hưng cho xem một bài rất hay.

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang