Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

20 tháng 8, 2011

Sự trùng hợp kỳ lạ


của một nhạc phẩm Trịnh Công Sơn
Con mắt còn lại
Chỉ sau dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn ít ngày, cư dân mạng giật mình khi có thông tin nghi vấn ca khúc Con mắt còn lại của nhạc sĩ này giống một tác phẩm cổ điển của Mỹ. 

Để viện dẫn cho nghi vấn này, một blogger đã đưa ra bản phối tác phẩm The Syncopated Clock của Leroy Anderson sáng tác năm 1945 và được Gontiti phối khí năm 1983 và bản phối Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1992 để so sánh với bản phối acappella do 5 Dòng kẻ trình bày. Trước một tượng đài âm nhạc và có nhiều fan như nhạc sĩ họ Trịnh, blogger này đã rất thận trọng cho rằng, có thể trong vô thức, tác phẩm này được đạo lại mà tác giả không hay. Khi tiếp xúc hai bản nhạc, người nghe dễ dàng nhận thấy sự giống nhau giữa giai điệu hai ca khúc, đặc biệt ở đoạn dạo đầu.
Nghi vấn được đặt ra ngay lập tức đã nhận được rất nhiều phản hồi của cộng đồng mạng. Nhiều cư dân mạng tỏ ra bất ngờ khi nghe hai bản nhạc. Họ đặt những câu hỏi với sáng tác của Trịnh Công Sơn và đi tìm những điểm giống nhau trong nốt nhạc, hòa âm và phối khí của hai bản nhạc. Dẫu vậy, với cái nhìn của những người không thực sự thông thạo về chuyên môn âm nhạc, những bình luận của nhiều độc giả chỉ mang tính hình dung về sự giống thông qua việc nghe quen tai.
Ca khúc Con mắt còn lại do 5 Dòng kẻ thể hiện hòa giọng Trịnh Công Sơn.
Tuy nhiên, rất nhiều người tin ở thành ý của Trịnh Công Sơn khi sáng tác các tác phẩm âm nhạc của mình. Trịnh Công Sơn viết nhạc tự nhiên, tính khí lại không bon chen, không mưu cầu danh vọng từ việc sáng tác nên việc khẳng định ông đạo nhạc là khó chấp nhận. Độc giả Quang Nguyễn viết “Cái giống có chăng chỉ là beats của hai bài giống nhau, mà điều đó không nói lên gì cả. Nếu có phần hơi hướng giống nhau, có chăng là phần phối khí. Cần phải xem ai là tác giả phối khí bài hát do Elvis Phương trình bày. Nếu khi nghe các phối khí khác thì không thể kết luận hai bài hát này giống nhau“. Đồng quan điểm, độc giả Trương Thái Du tiếp lời: “Trịnh Công Sơn không có lý do để copy nhạc của người khác. Nếu bỏ “Con mắt còn lại” thì Trịnh Công Sơn vẫn là Trịnh Công Sơn“.
Những người theo trường phái này cũng cho rằng cần phải rất thận trọng khi dùng từ “đạo nhạc”. “Biển trời âm nhạc mênh mông, có vô tình chạm nhau một chút là lẽ thường tình. Nhạc sĩ Trịnh tài hoa chưa hẳn viết cho mọi người thưởng thức mà chủ thể nói lên tiếng lòng của mình. Không nên dùng từ “đạo” hết sức xúc phạm. Kính mong không nên bàn luận chuyện nhỏ nhặt như vậy” – một độc giả bình luận.

Nhạc sĩ Leroy Anderson, tác giả của The Syncopated Clock
Trong rất nhiều ý kiến được đưa ra bàn luận, nhiều người tỏ ra mong muốn nhận sự phân định rõ ràng của giới chuyên môn về âm nhạc để có được kết luận công bằng nhất đối với Trịnh Công Sơn trong trường hợp này. Một số độc giả thì có thái độ ngờ vực về khái niệm gọi là đạo nhạc ở trường hợp này hoặc cho rằng The Syncopated Clock giống tác phẩm Yellow bird hơn là Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn.
Bản phối “The Syncopated Clock” của Gontiti phối năm 1983
Tác phẩm Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn được sáng tác năm 1992, lấy nguyên câu thơ “Còn hai con mắt khóc người một con” trong bài thơ Mắt Buồncủa thi sĩ “điên” Bùi Giáng.
Trong khi đó, The Syncopated Clock được Leroy Anderson viết trong năm 1945 trong khi phục vụ trong quân đội Mỹ và được phân công làm Trưởng ban Scandinavia của tình báo quân sự ở Washington. Anderson đã được Arthur Fiedler mời làm chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Boston popular trong đêm nhạc thường niên Havard. Anderson muốn giới thiệu một tác phẩm mới tới Fiedler và sáng tác một bài hát về một chiếc đồng hồ với một nhịp điệu syncopated. Ý tưởng viết tác phẩm này đến với Anderson trước khi ông viết nhạc. Anderson ghi lại tác phẩm này cho hãng Decca Records trong năm 1950 với các nhạc công tốt nhất được lựa chọn từ nhiều dàn nhạc khác nhau ở New York.
Khi The Syncopated Clock được ghi âm vào năm 1950, nó được các nhà sản xuất của WCBS – một chương trình TV mới có tên “Late Show” – chú ý. Đó là một chương trình hàng đêm với format những bộ phim cũ. Đoạn nhạc này được chọn làm nhạc nền cho “Late Show” và đã khiến âm nhạc Anderson được nhiều người biết đến. The Syncopated Clock đã được chương trình này sử dụng trong 25 năm tiếp theo, và trở thành một tác phẩm mà nhiều người Mỹ có thể dễ dàng ngâm nga hoặc huýt sáo, thậm chí rất ít người đã biết tên của nhà soạn nhạc đã viết ra nó.
Nguồn: vtc.vn

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang