Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

13 tháng 6, 2011

NHỮNG CHỨNG CỨ


VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

Nguyên tắc thực sự là một nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế về xác lập chủ quyền đối với các lãnh thổ vô chủ (rès nullius) từ nhiều thế kỷ vừa qua. Hiện nay, nguyên tắc này đã trở thành một trong các quy phạm của luật quốc tế tập quán và đã trở thành các tiêu chuẩn để xác lập chủ quyền đối với lãnh thổ vô chủ và lãnh thổ bị từ bỏ (rès derelicta). Việc chiếm hữu thật sự và thực hiện thật sự, liên tục và hoà bình quyền lực của Nhà nước có giá trị như một danh nghĩa chủ quyền. Theo luật pháp quốc tế hiện đại, những luận cứ về việc phát hiện đầu tiên, việc chiếm hữu của tư nhân, chiếm hữu bằng chinh phục bạo lực không mang lại chủ quyền đối với vùng đất đai được phát hiện hoặc bị chinh phục. Để có kết luận khách quan về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bài viết này sẽ lấy chứng cứ của Việt Nam đối chiếu với các tiêu chuẩn của nguyên tắc thực sự để chứng minh rằng Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, thực hiện thật sự, liên tục và hoà bình quyền lực Nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình cho đến khi quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa bị các lực lượng vũ trang Trung Quốc đánh chiếm.

Theo Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư do Đỗ Bá Công Đạo soạn vào thế kỷ XVII, vào thế kỷ XVII bản đồ Việt Nam đã đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cái tên chung là Bãi Cát Vàng và quy thuộc hai quần đảo này vào đại hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa. Lúc đó, Bãi Cát Vàng còn được gọi bằng nhiều tên khác như : Hoàng Sa, Cồn Vàng, Trường Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa v.v… và nay là Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam đã củng cố sự chiếm hữu và xác lập chủ quyền bằng việc tổ chức các đội Hoàng Sa để tiến hành khai thác với tư cách Nhà nước. Mỗi đội Hoàng Sa gồm 70 người, nhiệm vụ là mỗi năm ra Hoàng Sa sáu tháng đánh bắt hải sản như hải sâm, đồi mồi, ốc quý,… thu lượm các hàng hoá của các tàu bị đắm ở vùng các quần đảo này như vàng bạc, tiền tệ, súng đạn, thiếc, đồ sứ, đồ thuỷ tinh,… Cuốn sách của Đỗ Bá Công Đạo cũng như hàng chục sách khác như Phủ Biên Tạp Lục (1776),  Đại  Nam thực lục tiền biên và chính biên  (1844-1848), Đại  Nam Nhất Thống Chí (1882), những bộ sử chính thức của Quốc Sử quán của Triều đình Huế, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1821), Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833)… đều đã nói đến Hoàng Sa và việc khai thác bằng các đội Hoàng Sa. Tất cả có thể lệ tuyển chọn người, chế độ thu nộp, chế độ khen thưởng, chế độ đãi ngộ đối với các đội Hoàng Sa đều được Nhà nước quy định rõ ràng.
Đội Hoàng Sa, sau được tăng cường thêm đội Bắc Hải, được duy trì và hoạt động liên tục từ thời các Chúa Nguyễn (1558-1783) đến nhà Tây Sơn (1786-1802) và nhà Nguyễn (1802-1945).
Vua Gia Long, người sáng lập đời nhà Nguyễn và các vua kế tiếp như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã đặc biệt quan tâm củng cố chủ quyền của nước mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau đây là một số sự kiện nổi bật nhất :
- Năm 1815 vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa khảo sát và đo đạc đường biển. Việc khảo sát và đo đạc được tiếp tục vào các năm sau đó.
- Sau khi chỉ thị chuẩn bị thuyền và vật tư năm 1833, vua Minh Mạng, liên tiếp trong 3 năm 1834, 1835, 1836 cử các tướng Trưng Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa đo đạc từng đảo, khảo sát tình hình biển chung quanh, vẽ bản đồ và xây miếu, dựng bia chủ quyền. Vua Thiệu Trị đã trực tiếp phê duyệt kế hoạch hoạt động năm của đội Hoàng Sa do Bộ Công đệ trình. Vua tự Đức đã phong cho những chiến sĩ đội Hoàng Sa hy sinh danh hiệu "Hùng binh Trường Sa".
Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ đối với Việt Nam theo Hiệp ước ngày 6 tháng 6 năm 1884, Pháp nhân danh Việt Nam cai quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong thời kỳ đầu, các nhà cầm quyền Pháp đã có phương án dựng một đèn biển ở quần đảo Hoàng Sa, tiến hành các cuộc tuần tiễu trong vùng biển hai quần đảo bằng các tàu chiến để bảo đảm an ninh, bằng các tàu của hải quan để ngăn chặn buôn lậu. Họ cho người Nhật Bản đến khai thác phân chim trên các đảo Hoàng Sa. Từ năm 1925 đến năm 1927, Viện hải dương học Nha Trang cử tàu De Lanessan ra cả hai quần đảo Hoàng Sa rồi Trường Sa, nghiên cứu về hải dương, địa chất, sinh vật v.v…
Từ năm 1930 đến 1932, các tàu chiến Inconstant, Alerte, La Malicieuse và cả tàu De Lanessan liên tiếp ra quần đảo Hoàng Sa khảo sát.
Từ 1930 đến 1933, các đơn vị hải quân Pháp lần lượt đến đóng tại các đảo chính của quần đảo Trường Sa như đảo Trường Sa, An Bang, Ba Đình (Itu Aba), nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ. Việc đó đã được công bố trong Công báo nước Cộng hoà Pháp ngày 26 tháng 7 năm 1933. Cùng trong năm 1933, quần đảo Trường Sa được qui thuộc vào tỉnh Bà Rịa bằng một Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer.
Sau khi Nhật Bản chiếm Mãn Châu (1931) và gây sự kiện Lư Câu Kiều (1937) mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, nguy cơ Nhật Bản bành trướng xuống Đông Nam Á là rõ ràng, các nhà cầm quyền Pháp bắt đầu triển khai kế hoạch phòng thủ Đông Dương, trong đó có vấn đề bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa được tách ra khỏi địa hạt tỉnh Nam Nghĩa và được đặt vào tỉnh Thừa Thiên và được lập thành một đơn vị hành chính riêng. Năm 1937, tuần dương hạm Lamotte Piquet do Phó Đô đốc Estéva chỉ huy ra thăm quần đảo Hoàng Sa. Các nhà cầm quyền Đông Dương cho một đơn vị quân đội ra đóng tại quần đảo Hoàng Sa, lập tại đây các trạm khí tượng, vô tuyến điện, xây dựng thêm bia chủ quyền và đèn biển.
Đầu năm 1939, Nhật Bản tuyên bố đặt một số đảo của quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của họ. Pháp đã chính thức phản kháng. Từ 1939 cho đến hết cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản đã chiếm đóng cả hai quần đảo này.
Khi trở lại Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ hai, đầu năm 1947 Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đã chiếm đóng trái phép cuối năm 1946 và Pháp đã cho quân đến thay thế quân đội Trung Hoa Dân Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng và đài vô tuyến điện.
Tại Hội nghị 51 nước ở San Prancisco năm 1951 về ký Hoà ước với Nhật Bản, Trưởng đoàn đại biểu của Quốc gia Việt Nam dưới sự bảo trợ của Pháp đã tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo mà không gặp sự phản đối hoặc bảo lưu nào của Hội Nghị.
Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 đã công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, nhưng nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền và lãnh thổ miền Nam từ vĩ tuyến 170 Bắc trở vào (bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) do các nhà cầm quyền miền Nam quản lý. Năm 1956, khi rút khỏi Đông Dương, Pháp đã  chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho nhà cầm quyền Sài Gòn. Nhà cầm quyền Sài Gòn đã cho quân ra tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ đã tổ chức lại hai quần đảo về mặt hành chính, thành lập tại mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền, cho xây dựng các bia chủ quyền tại các đảo chính, duy trì các trạm khí tượng (các trạm này đã được đăng ký vào danh mục các trạm của Tổ chức khí tượng thế giới OMM), cho một số nhà kinh doanh ra khai thác phân chim ở Hoàng Sa và cử các đoàn khảo sát khoa học ra hai quần đảo nghiên cứu.
Lợi dụng việc Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956. Năm 1974, lợi dụng việc quân đội của chính quyền Sài Gòn phải đối phó với cuộc tiến công của lực lượng vũ trang của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Trung Quốc dùng không quân và hải quân chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Lúc đó chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên bố kịch liệt phản đối và đã thông báo cho các nước và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về sự kiện này, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cũng đã công bố lập trường 3 điểm bao gồm đề nghị các bên liên quan phải cùng nhau thương lượng để giải quyết vấn đề. Tại Hội nghị của Tổ chức Khí tượng thế giới (OMM) năm 1975 tại Colombo, Chính phủ trên cũng đã kiên quyết đấu tranh đòi bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và duy trì trạm khí tượng của nước mình tại quần đảo này.
Trong tất cả các trường hợp khác xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo, các chính quyền miền Nam Việt Nam đều lên tiếng phản đối kiên quyết.
Sau khi nước Việt Nam được thống nhất, nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1982, Việt Nam đã lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Phú Khánh.
Tình hình trên đây khẳng định rõ rằng Nhà nước Việt Nam người đầu tiên  chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thực hiện thật sự, liên tục và hoà bình các chức năng Nhà nước của mình trong khoảng 300 năm từ thế kỷ XVII.
Nguồn: biendong.net

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang