Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

22 tháng 6, 2011

Hậu Chí Phèo


Tiểu thuyết 4 tập của văn hào Mr.Do
Tập 1
Sau khi đánh chết Bá Kiến trong một cuộc ẩu đả tưng bừng trước nhà Chị Dậu, Chí Phèo nghiễm nhiên trở thành chủ nhân ông của làng Vũ Đại, được đông đảo dân chúng ủng hộ hết mình. Kết thúc trận kịch chiến ấy, Phèo từ một tay bợm nhậu bỗng chốc biến thành người hùng. Trong mắt dân chúng, kể cả một số kẻ thù xưa của Phèo, hắn là một trang hảo hán, là người soi đường chỉ lối.
Trên cương vị mới, Phèo bắt đầu tận hưởng hương vị chiến thắng và thi hành chính sách chăn dân do người anh lớn cai quản làng bên là Lão Hạc tư vấn. Đối với đám bạn nhậu đầu trộm đuôi cướp thuở xưa, ai biết điều thì Phèo cất nhắc lên các vị trí như phụ trách phòng sưu thuế, chỉ huy đội trị an hoặc ít ra cũng cầm loa, gõ mõ. Ai bướng thì Phèo cho vào hợp tác xã, suốt ngày bán mông cho trời, bán mặt cho đất. Đám dân chúng ủng hộ Phèo cũng không khá hơn. Tất cả đều bị lùa vào hợp tác xã. Họ làm lụng quần quật suốt ngày, không còn thời gian để suy nghĩ, thành ra não bộ và lá gan họ teo tóp đến thảm hại.
Đối với tàn quân của Bá Kiến thì khỏi phải nói, Phèo triệt tận gốc. Sợ quá, lũ này di tản sang các làng lân cận. Kẻ không chạy được thì đành ở lại làng Vũ Đại, ngậm đắng nuốt cay như chú hổ bị gã thợ săn Thế Lữ nhốt trong cũi sắt chờ ngày lên bếp lò để hóa thân thành cao hổ cốt.

Chính sách của Phèo thế mà hay. Dân làng Vũ Đại nghe răm rắp. Vì sợ. Khi không đám cận thần của Phèo chỉ đánh rắm một phát cũng có khối người nôn mật xanh mật vàng, chết không kịp ngáp. Làng Vũ Đại tuyệt đối an bình là vì thế.
Nhưng cùng với thời gian, Phèo đối mặt với nhiều mối lo mới. Nhờ tiếp xúc với các làng xã văn minh hơn, đám dân đen Vũ Đại ngày càng khôn ra. Một bộ phận trong số họ vẫn tin Phèo vô điều kiện như con cái tin cha mẹ, nhưng không ít người bắt đầu nghi ngờ Phèo, họ mày mò tìm hiểu bản chất lưu manh trong con người hắn ta. Đám cháu chắt Bá Kiến trong và ngoài làng cũng dần dà tìm cách ngóc đầu dậy. Thậm chí đôi lúc chúng đi lại nghênh ngang, đánh rắm một cách công khai mà chẳng hề nể sợ ai hết. Phèo tức lắm, hắn tìm đủ mọi cách để lập lại trật tự. Hắn vận dụng mọi ngón nghề của một bợm nhậu: đập bàn, dằn ly, xô ghế, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Phèo còn vận thêm mấy chiêu mà người anh lớn là Lão Hạc tư vấn như siết cổ, bịt mồm, bóp mũi. Nhưng chẳng ăn thua.
Giữa lúc tình hình làng Vũ Đại đang nước sôi lửa bỏng, Phèo đang nghiến răng trợn mắt thì Lão Hạc lại xuất hiện cùng mấy con vàng của lão. Lâu nay, cứ mỗi lúc Phèo gặp khó khăn là Hạc ta lại dẫn chó tới để tư vấn cho Phèo cách giải quyết, tất nhiên là có lệ phí hẳn hòi. Lúc thì lão mượn vài cô gái đẹp về đấm lưng, lúc khác lại xin dăm cặp gà tơ về nhắm rượu. Nhưng lần này khác, Hạc ta sấn tới và chẳng nói chẳng rằng lùa nguyên cả bầy trâu của làng Vũ Đại về. Phèo ức, nhưng nhìn lũ vàng nhe nanh trợn mắt của Lão Hạc, hắn ta hồn vía lên mây.
Phèo sợ, nhưng đám dân đen thì không. Họ kéo nhau ra cổng làng Vũ Đại, bắc loa mồm chửi Lão Hạc om sòm. Cả đám con cháu Bá Kiến trong và ngoài làng cũng nổi máu địa phương, đồng tâm hợp lực chửi rủa, rên xiết. Dàn đồng ca Vũ Đại càng hát càng khí thế. Phen này Lão Hạc già nua kia chỉ có đường thủng màng nhĩ mà thôi. Muốn yên thì hãy trả trâu.Quả thực chưa bao giờ làng Vũ Đại chứng kiến một sự đoàn kết keo sơn đến thế. Khi máu địa phương, lòng tự tôn làng xã nổi dậy, lũ dân đen thật thà, đám bợm nhậu bị thất sủng, một vài kẻ có lương tâm trong số cận thần của Phèo cùng tàn quân Bá Kiến đã dẹp bỏ bất đồng để hướng mũi tấn công về kẻ thù chung có tên là Lão Hạc. Đây cũng là cơ hội vàng cho Phèo ta chấn hưng dân khí, củng cố sức mạnh địa phương, xây dựng tinh thần đoàn kết để đưa làng Vũ Đại tiến lên một tầm cao mới.Thế nhưng, một mặt do quá khiếp nhược, sợ đám dân đen làm mếch lòng anh Hạc thì nguy to, mặt khác do sợ các thế lực Bá Kiến thuở xưa trỗi dậy và lo rằng dân chúng học được cách đứng lên tranh đấu thì sẽ gây nhiều nguy cơ cho chế độ cai trị gia trưởng của mình, nên Phèo ta quyết dẹp trò chửi rủa. Một mặt hắn bảo với dân làng: “Các con hãy về đi, chuyện anh Hạc đã có cha Chí đây lo. Các con cứ ăn no ngủ kỹ. Mai mốt trâu sẽ tự động về nhà. Đừng tụ tập chửi bới kẻo bị đám con cháu Bá Kiến lợi dụng, làm mất hòa khí giữa Vũ Đại ta và anh Hạc. Thằng Kiến thì các con biết rồi đấy. Nó ác, dâm, đểu. Nó là thằng khốn nạn. Các con phải nhớ điều ấy”.
Cùng với lời khuyên giải như cha răn con, Phèo còn cho tay chân ra cổng làng giải tán dân chúng. Sau đó đi điểm mặt các nhân vật chủ chốt để tẩm quất. Hắn còn ra lệnh cho đám lâu la làm nghề đánh kẻng, gõ mõ, vác loa không được chửi Lão Hạc, không hùa theo dân đen, không cho bọn tàn quân Bá Kiến cơ hội lợi dụng, hãy ca ngợi tình đoàn kết giữa Chí Phèo và Lão Hạc.
Biện pháp của Phèo lần này cũng phát huy tác dụng. Vào những ngày tiếp sau đó, chẳng còn mống dân đen nào tụ tập trước cổng làng. Trò chửi bới Lão Hạc tuyệt nhiên không. Một vài kẻ dám ho khan, đánh rắm thì bị tay chân của Phèo đánh đập tơi tả.
Nhưng có một điều Phèo không nhận ra. Đó là giờ đây đã có thêm nhiều người ghét hắn. Đám cháu chắt Bá Kiến đã đành, đám bợm nhậu bị thất sủng chẳng nói làm chi. Ngay trong số dân đen từng tin Phèo vô điều kiện giờ cũng có thêm nhiều người nghi ngờ hắn, thậm chí oán hắn. Phèo đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng để tập hợp dân chúng xây dựng làng Vũ Đại giàu mạnh khiến Lão Hạc không còn dám làm càn.
Giờ đây Phèo đang rất cô độc. Hắn không còn tâm trí nghĩ đến chuyện đòi lại đàn trâu nữa.
Tập 2
Sau khi dẹp được đám dân làng chửi rủa Lão Hạc, Phèo ta rất khoái chí. Chưa bao giờ hắn thấy rõ được uy quyền của mình như thế này. Giữa lúc hắn đang giương giương tự đắc thì ái thiếp Thị Nở tâu lên:
“Bẩm quan lớn, quan lớn biết tại sao đám dân đen có thể làm loạn không?”
“Ơ, con này hỏi kỳ… Thế tại sao nào?”
“Bẩm, tại chúng biết nói.”
“Ơ, người thì phải biết nói chứ.”
“Dạ bẩm, tại chúng biết nói nên chúng mới liên hệ với nhau được. Tại chúng biết nói nên chúng mới chửi anh Hạc được. Tại…”
“Thôi…”, Phèo đập bàn quát lớn. Đây chính là điều Phèo hiểu rõ nhất. Ngày xưa nếu bị câm thì hắn đã không thể tru tréo trước cổng nhà Bá Kiến mỗi ngày được rồi. Phèo hiểu rõ rằng chính trò chửi bới liên hồi đó đã khiến lão Kiến hết chịu nổi mới dẫn đến trận thư hùng trước nhà Chị Dậu năm nào. Kết cục là Chí Phèo đả bại Bá Kiến để điều hành làng Vũ Đại. Nếu Phèo không biết nói, không thể chửi rủa thì hắn đã không có ngày hôm nay. Quả thực tiếng nói là một thứ vũ khí nguy hiểm.
“Hay!”, Phèo thét lên khiến Thị Nở giật nảy mình. “Giỏi, ngươi đúng là ái thiếp của ta. Ngươi đúng là con đàn bà tóc dài mà đầu cũng dài hiếm hoi trên thế gian này. Ngươi chẳng những biết nấu cháo hành mà còn biết trò chơi quyền lực”.
Thị Nở bẽn lẽn: “Hổng dám đâu.” Đoạn ả nói tiếp: “Thế quan lớn sẽ làm gì nào?”
“Ngươi không phải dạy khôn ta. Ta tự có cách.”
Ngay ngày hôm sau, Chí Phèo ra bố cáo bắt dân làng Vũ Đại không được nói, phải câm hoàn toàn. Ai vi phạm sẽ bị cắt lưỡi. Chỉ có Phèo và đám cận thần mới có đặc quyền nói.
Kể từ giờ phút đó làng Vũ Đại im ắng như bãi tha ma. Từ đầu đến cuối làng, người ta gặp nhau chỉ gật gật vài cái coi như “chào xã giao”. Lũ trẻ con có lỡ khóc ré lên thì bố mẹ chúng vội vàng dùng tay bịt miệng, lấy giẻ nhét vào hoặc, áp dụng công nghệ hóa màu, dùng băng keo dán miệng. Cũng có vài trường hợp bức bối quá chịu không nổi, ho khan vài tiếng, thế là bị đám thuộc hạ của Phèo cắt lưỡi ngay lập tức.
Tình hình trên kéo dài được một thời gian thì cậu Nam Cao ở cuối làng nghĩ ra một chiêu mới để lách luật: đánh rắm. Số là Chí Phèo chỉ ra lệnh cấm nói chuyện nên việc đánh rắm không bị coi là phạm pháp. Thế là dân Vũ Đại chuyển qua đánh rắm thay cho nói. Người ta quy ước đánh một phát có nghĩa là “hello”, đánh hai phát là “good bye”, ba phát là than vãn, bốn phát là chửi thề. Vân vân và vân vân.
Phong trào đánh rắm phát triển đến mức nhiều người luyện được các chiêu thức thượng thừa. Người ta chẳng những có thể đánh các câu đơn giản như “chào bác”, “chào cô” mà còn có thể đánh “tôi ghét lão Phèo”, “lão Phèo thật độc ác”. Có người đánh một lúc được vài trăm phát là chuyện thường, y như bắn súng liên thanh vậy. Lũ trẻ con mới mở mắt cũng học đánh rắm. Tình hình đánh rắm tại làng Vũ Đại phải nói là “trăm hoa đua nở”, đủ thứ âm thanh, mùi vị, thậm chí màu sắc nữa.
Chuyện này làm cho Phèo và đám thuộc hạ đau đầu nhức óc. Cấm đánh rắm chăng? Phèo phân vân không biết xử trí thế nào. Giữa lúc đó Thị Nở xuất hiện. Thị Nở lâu nay luôn hiện ra đúng lúc và mang theo nhiều phương án cứu rỗi đời Phèo, thuở cơ hàn thì bát cháo hành hoặc cái bánh bèo nhão nhoẹt của thị, còn lúc Phèo có quyền lực thì Nở tư vấn các giải pháp quản lý xã hội vĩ mô.
“Phải cấm dân làng đánh rắm thôi”, Phèo phán.
“Ấy chết, cấm nói thì được, cấm đánh rắm thì không. Không nói người ta vẫn có thể sống, còn không đánh rắm thì chỉ có nước vỡ bụng mà chết”, Nở phân tích. Thị còn nói với Phèo rằng nếu cấm dân đánh rắm thì làng Vũ Đại sẽ bị các làng bên, trừ làng Lão Hạc, phê phán là gia trưởng, độc tài. Lỡ có ai đó vỡ bụng chết vì ứ hơi thì Phèo sẽ bị phê phán là vi phạm nhân quyền. Thế nên tuyệt đối không được cấm đánh rắm.
“Thế phải làm thế nào?”, Phèo hỏi.
“Phải siết chặt quản lý hoạt động đánh rắm”, Nở thì thào vào tai Phèo. Sau đó Nở còn nói nhiều thứ nữa, nhưng chỉ cho một mình Phèo nghe thôi.
Ngay ngày hôm sau, Phèo ra bố cáo cho toàn dân làng Vũ Đại: Phàm là người thì ai cũng phải đánh rắm. Đó là quyền lợi thiêng liêng nhất. Làng không cấm. Nhưng do có nhiều kẻ lợi dụng việc đánh rắm để phá hoại trị an nên từ nay làng sẽ siết chặt quản lý hoạt động đánh rắm. Tất cả mọi người chỉ được đánh rắm ở mức độ vừa phải và rắm phải thơm. Ai đánh rắm to, thối sẽ bị phạt nặng. Ai vi phạm nhiều lần sẽ bị trát lỗ đít, khỏi đánh rắm luôn.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, Phèo thành lập một nhóm đặc nhiệm với thành viên là các bợm nhậu biết điều từng vào sinh ra tử với hắn ở tất cả quán xá trong làng. Ngày ngày đám này đi khắp làng dỏng tai lên nghe xem có ai đánh rắm lớn, lâu lâu lại khịt khịt mũi xem kẻ nào đánh rắm thối để đem ra trừng trị.
Kể từ đó hoạt động đánh rắm ở làng Vũ Đại đi vào khuôn phép thấy rõ. Các cao thủ đánh rắm trong làng không còn đất dụng võ. Bí quyết đánh rắm từng chuỗi dài như bắn súng máy ngày càng mai một, đi dần đến chỗ thất truyền.

Tập 3

Giữa đêm trời tối như bưng/ Chí Phèo Thị Nở tưng bừng giao hoan
Cai quản cái làng Vũ Đại xem ra không đơn giản tí nào. Ngồi trên chiếc ghế quyền lực được một thời gian, Chí Phèo nghiệm ra điều đó. Nhất là thi thoảng các làn sóng chống Phèo lại nổi lên, lúc thì ở đầu làng, lúc khác ở cuối làng. Chiếc ghế của Phèo lung lay thấy rõ. Để bảo vệ quyền lợi, Phèo ta liền tăng cường bộ máy quản lý. Phàm là anh em họ hàng nhà Phèo, phàm là bạn bè thân hữu của Phèo đều có một chân trong đó. Sức mạnh của Phèo vì thế được củng cố bội phần.
Ấy thế nhưng cái đám mà Phèo cất nhắc lên đều là một lũ dốt đặc. Mà ông trời oái ăm, phàm kẻ nào dốt thì kẻ đó tham thậm. Thế là chẳng bao lâu, trong bộ máy lãnh đạo của Phèo, cảnh ăn chia, đục khoét, nhũng nhiễu, tranh giành diễn ra ngày càng mãnh liệt. Tình hình trên kéo dài được một thời gian thì đám dân đen chịu hết nổi, bèn hùa nhau chửi bới om sòm. Giữa lúc tình hình quá sức cấp bách, Phèo ta triệu ái thiếp Thị Nở vào.
“Thưa, quan lớn cho gọi thiếp ạ!”
“Hừm, mấy hôm nay long thể ta bất an.”
“Ai mà dám quấy rối quan lớn thế? Thưa, có phải do cái đám dân đen làm loạn không ạ?”
“Không sai. Ta đang tính đến chuyện bắt nhốt hết đám dân ba trợn ở cái làng Vũ Đại này lại”, Phèo nghiến răng.
“Ấy chết, ai lại làm thế. Thời buổi văn minh này mà làm thế thì thiên hạ chửi cho. Ngay cả Lão Hạc cũng chưa dám mạnh tay thế, huống hồ…”, Nở hấp tấp can ngăn.
“Thế phải làm sao? Ta mệt mỏi với cái trò chơi quyền lực này quá rồi. Làm thằng lưu manh suốt ngày rượu thịt chó và chửi rủa chắc khỏe hơn”, Phèo cằn nhằn.
“Ấy, quan lớn chớ vội nản. Làm thằng lưu manh thì đâu có cung tần mĩ nữ, đâu có sơn hào hải vị, đâu có tiền hô hậu ủng như thế này được chứ. Vẫn còn cách dẹp lũ dân đen mà…”
“Cách gì? Nói nghe coi”.
“Phải bắt vài đứa ạ?”
“Bắt? Chẳng phải ngươi nói là đừng có bắt người sao!”
“Bắt ở đây là bắt người nhà mình ấy. Phải thí vài con tốt thì đám dân đen mới hết nổi loạn. Sau một thời gian tình hình êm thấm rồi thì thả ra”, Nở thủ thỉ.
“Hay!”, Phèo đứng dậy, đập bàn quát lớn. “Ta đúng là không nhìn lầm ngươi. Từ thuở còn nằm ở cái lò gạch và ăn cháo hành cầm hơi, ta đã thấy được ngươi có tài thao lược. Hừm, nhưng bắt ai bây giờ?”
“Dạ, cứ bắt một vài đứa thân cận với quan lớn. Như vậy bọn dân đen nó sẽ dễ tin rằng quan lớn công minh.”.
Ngày hôm sau, Phèo thực thi ngay kế sách của Nở. Hắn cho đám lính lệ gông cổ hai tên tay chân là Lý Toét và Xã Xệ nhốt vào đại lao. Sự chống đối trong dân chúng theo đó vơi bớt đôi phần. Uy tín của Phèo ngay lập tức trỗi dậy như củ cà rốt trong quần hắn khi thấy Thị Nở tắm dưới sông bên cái lò gạch cũ thuở nào. Một số tay làm nghề đánh trống gõ mõ vốn gần đây nảy sinh tâm lý chán ghét trò nhũng nhiễu trong bộ máy chính quyền cũng nhân dịp này đua nhau vạch mặt Lý Toét và Xã Xệ. Nào là chuyện tiệc tùng gái gú; nào là chuyện nhà lầu xe hơi; nào là chuyện cờ gian bạc lận; nào là chuyện lừa dưới dối trên của Lý Toét, Xã Xệ đều được công bố cho toàn dân làng Vũ Đại biết. Phen này hai gã Toét Xệ chắc chết đến nơi, chả còn đường nào sống được.
Bẵng đi một thời gian, khi dân làng hầu như đã quên mất chuyện cũ, đùng một cái Phèo cho tay chân dán bố cáo khắp làng. Bố cáo ghi rằng sự thật là Lý Toét chẳng phạm tội gì. Việc bắt giữ trước kia là nhầm lẫn, cũng một phần do chính quyền bị sức ép của dư luận. Xã Xệ thì cũng có một vài tội trạng nhưng không đáng kể, tạm thời ở lại trong tù.
Vào một ngày đầu hạ, khi gã mặt trời hiếu chiến vừa hắt ánh nắng chói chang xuống làng Vũ Đại, người ta thấy Lý Toét bước ra từ khám lớn. Miệng hắn cười tươi như hoa vẫy chào đám dân chúng đang há hốc mồm đứng nhìn, nhưng ẩn sâu trong mắt hắn là một tia hằn học. Vừa bước ra khỏi cánh cổng sắt, hắn đe: “Mọi ân oán phải được thanh toán sòng phẳng”.
Khi Lý Toét vừa được trả tự do, người ta thấy một loạt tay làm nghề đánh trống gõ mõ trước kia từng chửi bới cặp bài trùng Toét – Xệ mặt xanh như đít nhái. Dân làng Vũ Đại vốn rất lanh trí, biết ngay chuyện gì sẽ xảy ra. Ngay ngày hôm sau, Phèo cho lính lệ đi bắt đám đánh trống gõ mõ này nhốt vào đại lao. Tội của họ được viết rõ trên tờ bố cáo rằng: vu khống Lý Toét nhằm phá hoại uy tín của lãnh đạo làng Vũ Đại.
Một đêm trăng thanh gió mát, trong hậu cung ở đình làng vốn được xây trên nền lò gạch cũ năm xưa, Nở áp má lên đùi Phèo thủ thỉ: “Trò chơi quyền lực tuy nhọc trí nhưng quan lớn đừng nản. Thuở cơ hàn, quan lớn sắp chết đói mới có được bát cháo hành cầm hơi. Giờ quan lớn dù phải lao tâm khổ tứ nhưng rượu thịt đầy nhà, muốn ái ân với thiếp cũng không cần phải thậm thụt nơi bụi chuối bờ ao nữa.”
Trong khi cơn say tình ái còn ngây ngất, Phèo rì rầm: “Ta vẫn không hiểu sao ngươi lại cho bắt đám đánh trống gõ mõ kia. Làm thế chẳng phải là đánh động dư luận thêm sao?”
“Phải bắt chứ quan lớn. Phải răn đe để mấy cái mầm nổi loạn không còn dám ngóc đầu dậy. Vả lại cho thằng Toét ra thì phải có mấy thằng chịu tội thay nó chứ. Thằng Toét mà vô tội thì những thằng tố cáo nó phải có tội. Tính nghiêm minh của pháp luật là ở chỗ đó”, Nở cười rúc rích, đoạn cắn nhè nhẹ vào bắp đùi Phèo.
Phèo hét lên, tiếng hét man dại đẫm mùi hoan lạc. Đã từ lâu sống trong nhung lụa nhưng Phèo và Nở vẫn giữ kiểu ái ân cắn xé cấu véo như loài thú. Trò ái ân hoang dã này vốn đã theo họ từ thuở cơ hàn nơi lò gạch cũ.
Tập 4
Mặt trời lên. Làng Vũ Đại chìm trong một màu vàng rực rỡ. Từ đầu đến cuối làng vang tiếng bò rống ùm bà, úm bà, tiếng gà kêu quang quác, quang quác, tiếng lợn réo eng éc, eng éc. Mớ âm thanh hỗn độn ấy đã làm Chí Phèo tỉnh giấc. Sau một đêm ân ái tưng bừng với Thị Nở nơi hậu cung đình làng Vũ Đại, dư vị khoái cảm vẫn còn vảng vất đâu đây trong cơ thể đã bắt đầu phì nộn của hắn. Dư vị là những bó cơ mỏi nhừ. Dư vị là cảm giác khát đến khô họng. Dư vị là sự mệt mỏi rã rời. Mệt nhưng khoan khoái. Cảm giác mệt này khác hẳn cái thứ bải hoải sau một đêm uống say bí tỉ rồi ói mửa mà Phèo từng trải qua trong hàng ngàn buổi sáng trước đây, khi hắn còn là gã lưu manh sống bằng nghề chửi bới.
Phèo dụi mắt cho tỉnh hẳn rồi vớ lấy bình nước vối tu ừng ực. Một chốc, dường như đã thỏa cơn khát, hắn uể oải đứng dậy vươn vai rồi bước ra sân. Từ khoảnh sân này hắn có thể nhìn bao quát cả làng Vũ Đại. Cái làng mà hắn đã sống từ khi còn là đứa trẻ bị vứt nơi lò gạch cũ đến lúc trở thành bợm nhậu khét tiếng giang hồ. Cái làng đã chứng kiến cuộc thư hùng bão táp giữa hắn và Bá Kiến. Cái làng mà hắn đã nắm trọn trong tay kể từ sau khi hạ đo ván lão Kiến gian hùng. Phèo khẽ vặn mình, làm vài động tác thể dục buổi sáng. Xương cốt trong người hắn ré lên răng rắc răng rắc, nghe như tiếng cánh cửa nhà kho làng mở ra làm gián đoạn giấc ngủ của hắn vào mỗi buổi sáng, sau những cuộc say mèm thuở trước.
Giữa lúc Phèo đang chìm trong mớ cảm xúc hỗn độn, trộn lẫn giữa quá khứ, hiện tại và tương lai thì bỗng đâu từ cuối thôn vang lên tiếng trống thùng thùng, tiếng mõ lóc cóc. Mớ âm thanh hỗn độn này mỗi lúc một lớn, mỗi lúc một chói tai. Dường như có một đoàn người đang diễu hành tới đình làng vậy. Quả không sai, trong chốc lát đám đông đã kéo tới sân trước. Từ chỗ đó, đoàn người không trông thấy Phèo, nhưng hắn lại thấy rõ mồn một. Hắn thấy dẫn đầu đám đông là hai tay Xuân Tóc Đỏ và Nghị Quế. Tưởng ai, hóa ra là bọn này, cũng đều do một tay Phèo cất nhắc lên phụ trách đám đánh trống gõ mõ cả. Phèo thở phào, trong bụng chắc mẩm rằng đám tay chân sắp đến tung hô lão vì chuyện giải quyết êm đẹp vụ Lý Toét, Xã Xệ.
Nhưng giữa lúc Phèo đang khoan khoái thì tên gia nhân Tám Bính hớt hải chạy vào:
- Bẩm quan lớn, ng…uy ng…uy to rồ…iii!
Phèo trợn mắt:
- Cái gì mà nguy? Nói rõ xem.
- Thưa, thư…a, thư…a…
- Còn thưa gửi gì nữa, nói rõ tao nghe!
- Thưa quan lớn, đám đánh trống gõ mõ làm loạn rồi. Bọn chúng, bọn chúng… chửi quan lớn ạ.
Số là sau khi thả Lý Toét, Nở đã tham mưu Phèo bắt nhốt hai thằng đánh trống gõ mõ Hoàng và Độ vô lao. Trong một phút nóng giận nhất thời, đám đánh trống gõ mõ dưới sự lĩnh xướng của Xuân Tóc Đỏ và Nghị Quế đã làm toáng lên để kêu oan cho đàn em. Bọn chúng tụ tập tay chân, kích động dân chúng la hét om sòm, lại còn giăng biểu ngữ kêu gọi thả người này nọ. Giờ chúng kéo đến sân đình chắc cũng muốn làm ra môn ra khoan vụ này. Bọn chúng quả là đã ăn phải gan hùm rồi. Phèo gầm lên:
- Hừm, hừm, hừm, thật là tức chết đi được, thật là tức chết đi được!
Tâm trí Phèo rối bời, bao nhiêu dư âm khoái cảm không cánh mà bay. Hắn cứ gầm lên, gầm lên. Thói quen của Phèo tự thuở còn là gã lưu manh đến nay vẫn thế, chỉ biết gầm và chửi rủa mà không hề dùng đến cái đầu để suy nghĩ mưu kế. Giữa lúc Phèo đang lồng lộn thì Thị Nở từ trong hoan phòng bước ra, miệng cười tình tứ. Nụ cười này hợp với bộ quần áo xách xy trên người thị đã bao phen làm Phèo chết điếng. Nhưng hôm nay thì gã không còn tâm trí đâu mà động phòng hoa chúc nữa.
- Ngươi còn đứng đó mà cười!? Cao kiến của ngươi giờ dẫn tới sự thể này đây. Bọn thằng Xuân, thằng Quế nó khởi nghĩa đến nơi rồi.
Nở đá lông nheo:
- Ấy ấy, quan lớn đừng có giận quá mà ảnh hưởng tới long thể, tổn thọ nguyên khí. Quan lớn vào trong này thiếp có đôi nhời muốn thưa.
Phèo rống lên một tiếng nữa để xả bớt khí giận rồi chui tọt vào phòng trong cùng Nở.
- Thưa quan lớn, phương thuốc mà tiện thiếp kê đã phát huy tác dụng. Giờ thì những kẻ chống đối quan lớn đều đã lộ mặt, quan lớn chỉ cần vung một mẻ lưới là hốt gọn. Hic, có phải quan lớn chỉ cần bắn đi hai viên đạn Toét Xệ mà đã hạ gục được cả đống chim chóc không. Còn chần chờ gì nữa mà không vung một mẻ lưới.
 - Như vậy có chắc thắng không? Ta ngán với đám rửng mỡ này rồi. Hừm!
 - Sao lại không chắc, quan lớn mà triệt đám Xuân Quế thì lũ còn lại như rắn mất đầu. Bọn chúng sẽ cúc cung tận tụy với quan lớn cho mà xem. Thế chẳng phải là thâu tóm thiên hạ, châu về Hợp Phố sao. Còn không mạnh tay, bọn chúng sẽ được đà lấn tới. Nay mai có khi bọn chúng khởi nghĩa cũng nên.
 - Thế lại nhốt tù à?
 - Cũng chả cần phải nhốt, tốn cơm nuôi mà lại đánh động dư luận. Cứ điều chuyển nó đi làm công tác cắt cỏ dọn vườn, chùi bô giặt áo chẳng hạn hoặc cho chúng về hưu non. Quan lớn đã cất nhắc chúng lên thì giờ quẳng chúng ở đâu mà chả được. Làm thế dư luận cũng không thể nói quan lớn ra tay đại thanh trừng được.
 Nghe lời Nở, Phèo một mặt sai Tám Bính ra giải tán đám đông đang điên tiết trước sân đình, cấm chúng ta thán chuyện Hoàng Độ, một mặt triệu tập ngay mấy gã đầu têu trong đám đánh trống gõ mõ lên hậu cung họp khẩn.
 Ít lâu sau, người ta thấy đám này rời đội đánh trống gõ mõ của mình, khăn gói lên đình làng giữ chân thổi cơm giặt áo.
 Làng Vũ Đại từ đó lại yên bình như xưa. Tiếng trống tiếng mõ vẫn vang lên đều đặn nhưng tuyệt đối không còn âm thanh phản loạn.
 Vào những đêm trăng thanh gió mát, Chí Phèo và Thị Nở lại giao hoan nơi hậu cung đình làng. Cái đình làng vốn được dựng lên từ nền lò gạch cũ thuở xưa. Màn giao hoan của họ giờ đây tưng bừng hơn trước nhờ có tiếng trống, tiếng mõ, tiếng tù và từ đầu thôn đến cuối xóm cổ vũ.
 Quả là,
Hết đêm lại tiếp đến đêm
Làng ta Vũ Đại triền miên đen ngòm

25 nhận xét:

Nặc danh nói...Trả Lời

Mr Do ơi, là Mr Do!
Tui bị đau bao tử rồi nè!

VietQuoc nói...Trả Lời

@Nặc danh
Chắc là có sự hiểu lầm ở đây rồi ông/cô bạn ơi!
Chỉ là sự trùng hợp thôi, "tiểu thuyết" này làm sao tui viết nổi, chỉ sưu tầm trên net thôi mà! Ngẫu nhiên mà tác giả là cái ông Mr. Do nào đó, có vẻ như trùng họ với tui thôi! Sorry!

VietQuoc nói...Trả Lời

Về cai gọi là tiểu thuyết này có lẽ người thì thích, người thì không thích cái lối ám chỉ của tác giả. Thậm chí cũng có người giận dữ nữa. Nhưng có lẽ ai cũng phải thầm công nhận cái gã Mr. Do này ám chỉ độc địa và xác thực thiệt

chua thanh nguoi nói...Trả Lời

có máu nóng lại thành nguội lạnh
tưới ào lên làm bỏng da mình
có dòng máu ngàn năm vẫn thế
nốt lăn trầm còn máu nữa hay k?

VietQuoc nói...Trả Lời

- Biết mình chưa thành người là đã thành người rồi!
- Thấy bạn viết nhiều comment trên blog này, mà toàn là những câu thơ thâm thúy (và khó hiểu nữa, hihi...), có lẽ bạn cũng là cựu hs TKN ngày xưa?

chua thanh nguoi nói...Trả Lời

thật mạn phép, mình cũng là cựu học sinh thủ khoa nghĩa!
một nơi của những tâm hồn đồng điệu

oanhoanh nói...Trả Lời

Rất hân hạnh đươc biết bạn "chua thanh nguoi"!Bạn thật biết nói đùa!
Chào mừng bạn đến với "ngày xưa",hãy tham gia cho vui đi.
Mong bạn là nữ, hãy bênh vực cho OO và TN nhé!(Bị các Mr..râu đàn áp te tua luôn!)
Hoan hô bạn!: cựu học sinh thủ khoa nghĩa! một nơi của những tâm hồn đồng điệu.

chua thanh nguoi nói...Trả Lời

âm thịnh dương suy
dương suy âm thịnh
tự tình, tình tự
tự mình yêu nhau

VietQuoc nói...Trả Lời

@oanhoanh
He he... tui cũng khoái bạn í là nữ nữa, nhưng có vẻ như hỏng phải vậy, nghe khẩu khí ra dáng nam nhi lém! Nhưng hỏng sao, miễn "đồng điệu" là được rùi, nhất là lại đồng môn nữa thì càng hay!
Bạn gởi địa chỉ email cho tôi để tôi gởi lời mời nhé!
đ/c của tôi: qhtnguyentien@gmail.com

VietQuoc nói...Trả Lời

@chua thanh nguoi
"tự tình, tình tự
tự mình yêu nhau"
Nghe cái ni coi bộ hơi hơi à nghen! Hi hi hi...

Đồng điệu nói...Trả Lời

@chua thanh nguoi
Multi system TV ???

chua thanh nguoi nói...Trả Lời

mọi người lại trêu mình rồi...cảm ơn admin va mọi người...blog Ngayxua, để mình có nơi " nương tựa" và đôi khi là chạy trốn

thanhnhan nói...Trả Lời

Mọi người đang chờ bạn ,hãy tham gia cho vui nhé,và TN cũng rất hân hạnh được biết bạn, nếu bạn có thời gian mời bạn vào đ/c này xem nhé
http://tbb7178.blogspot.com/ rất hân hạnh chào đón bạn.

Câu hồn khách nói...Trả Lời

Lôi kéo khách đi nơi khác không phải là cách hành xử về lối "sống đẹp".

VietQuoc nói...Trả Lời

Cảm ơn bạn "Câu hồn khách" (giống Kim Dung quá! hihi...) đã ủng hộ blog này. Không sao đâu bạn, bên ấy cũng là bạn bè mình (trên blog này) thôi mà! Rất tiếc là giờ thì không còn nữa!

VietQuoc nói...Trả Lời

@THANH NHÀN
TN yên tâm, mình vừa ghé vào thăm trang N giới thiệu đó! Đẹp và hay!

chua thanh nguoi nói...Trả Lời

mình dã gửi mail cho admin. thanks!

thanhnhan nói...Trả Lời

Lối sống đẹp là phải đối xử đẹp với tất cả ...không phải với cá nhân ai,ở đây TN chỉ mời các bạn tham quan thôi và nếu có bạn nào họp tác thì cũng tốt thôi ,vì lối sống đẹp luôn mỡ rộng vòng tay chào đón các bạn ,và tình bạn thì bao la ,mênh mong không phân biệt ...dù ở đâu trong hay ngoài nước cũng thế ...tình bạn thiêng liêng và cao cả "cầu mong người trường tồn ...ngàn dặm nối kết nhau "đây là câu nói hàng ngày chúng ta thường nghe nhất...

VietQuoc nói...Trả Lời

@chua thanh nguoi
Vừa gởi lời mời cho bạn xong, bạn mở email và làm theo hướng dẫn để gia nhập blog nhé. Mong sẽ sớm được đọc nhiều bài của bạn!

VietQuoc nói...Trả Lời

@chua thanh nguoi
Mà nè, tò mò chút nhé! Phải bạn ở ĐH An giang không?

VietQuoc nói...Trả Lời

@chua thanh nguoi
"Âm thịnh dương suy
Âm suy dương thịnh (hình như câu này bạn viết lộn?)
Tự tình tình tự
Tự mình yêu nhau"

Bài thơ rất đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ẩn ý mà ai muốn hiểu sao là tùy cảm nhận của mỗi người, đúng không?

"Nghe cái ni coi bộ hơi hơi à nghen! Hi hi hi..."

@chua thanh nguoi
"Multi system TV ???"

Cũng na ná kiểu cảm nhận sao cũng được như rứa đấy ông/cô bạn! hihi..

chua thanh nguoi nói...Trả Lời

mình k ở đại học An Giang, admin sửa lại câu đó rất chính xác
mình xin giải thích 4 câu thơ để mọi người đừng hihi nữa
âm thịnh dương suy
âm suy dương thịnh ( dù có vật đổi sao dời)
tự tình tình tự
tự mình yêu nhau ( tự mình biết mình, tự trọng, yêu thương bản thể tròn vẹn trước đã)

VietQuoc nói...Trả Lời

@chua thanh nguoi
"tự mình biết mình, tự trọng, yêu thương bản thể tròn vẹn..."

Quả là cao nhân! Vậy là blog này có 2 vị rất hợp với nhau rồi: Hồ Ngọc Minh-Chưa thành người. Hihi...

Nặc danh nói...Trả Lời

Cái tiểu thuyết 4 tập này đọc nhức đầu quá bà con ơi! Toàn nói cạnh khóe chính chị thôi. Em là phận gái thuyền quyên, em chả thích chính chị chính em tì tị tì ti nào cả!

XN nói...Trả Lời

"em chả thích chính chị chính em tì tị tì ti nào cả!"
Vậy HT thích gì hãy nói ra,để mọi người chìu người đẹp!!! hi...hi..

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang