Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

20 tháng 10, 2011

Đừng đánh thức giấc ngủ của Mẹ!


Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng vẫn còn đó những dư âm. Thế hệ hôm nay khó mà có những cảm nhận tường tận. Vẫn còn đó những vết sần của quá khứ. Vẫn còn đấy hình ảnh người mẹ già nua mòn mỏi từng ngày từng giờ ngóng trông về phương trời xa…

Tôi về thăm nhà mẹ Thứ vào một buổi chiều cuối tháng 9 khi những tia nắng yếu ớt của một ngày đã dần tắt. Hoàng hôn đang bắt đầu buông xuống. Tất cả như một sự sắp đặt của tạo hoá. Con đường vào nhà mẹ dài thăm thẳm. Từ Quốc lộ 1A, xuôi lên xóm Rừng, làng Thanh Quýt 2 (xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn) thẳng tắp. Chừng vài trăm mét là đến được nhà mẹ. Nhà mẹ không thật khó tìm.

Cũng khá tình cờ, trước khi về với nhà mẹ, tôi đã đôi lần được nghe nhà báo Huỳnh Trương Phát kể về những kỷ niệm mà nhà báo được may mắn gặp mẹ. Nhưng đó là những kỷ niệm của 15 năm về trước, khi mẹ còn khoẻ, còn nói cười và trên hết là còn sống. Nhưng giờ thì mẹ đã không còn nữa…

Hàng cau nhỏ dài dăm mười mét từ ngoài ngõ đưa tôi đến gần hơn nhà mẹ. Nhà mẹ rộng và khang trang. Sân trước được lát bê tông. Xung quanh mát và thoáng đãng bởi những tán cây vú sữa, cây mận và cây mít. Cách gian nhà không xa là giếng nước… Bỗng dưng, một tiếng động từ trong nhà vọng ra. Âm thanh ấy dường như đang báo cho tôi biết là nhà có chủ. Tôi tiến lại gần hơn và nhìn vào nhà thì thấy một bà già đang nằm ngủ. Tôi đoán ngay ra đó là Mẹ VNAH Lê Thị Trị (con gái mẹ Thứ, nay cũng đã hơn 80 tuổi).

Tôi quan sát thêm một lúc rồi chầm chậm bước từng bước chân nhỏ nhẹ rồi gõ cửa và thỏ thẻ: “Thưa! Nhà có ai không ạ!”. Từ trên giường, mẹ Trị ngồi dậy và vọng ra: “Ai đó! Mời vào!”. Tôi xin phép mẹ Trị được thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ Thứ. Mẹ Trị mỉm cười như đồng tình. Giữa hương khói nghi ngút, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được nỗi đau mất mát. Tôi đứng thẫn thờ tự hỏi: Nghị lực nào đã giúp mẹ Thứ vượt lên tình mẫu tử ruột rà để lần lượt tiễn 9 người con ra đi mà không một lần hội ngộ?... Sức mạnh nào đã giúp mẹ trở thành một huyền thoại sống ở tuổi 106?...

Sau khi thắp hương cho mẹ Thứ xong, mẹ Trị mời tôi lại bàn uống nước trà và hỏi chuyện. Cuộc trò chuyện thân mật ấy đã giúp tôi hiểu thêm về mẹ Thứ.

Thế nhưng trong những ngày gần đây, dư luận xã hội lại xôn xao việc xây dựng tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu mẹ Thứ. Việc xây dựng tượng đài mẹ Thứ ngay trên quê hương Quảng Nam anh hùng là niềm tự hào không chỉ riêng cho những người con đất Quảng mà còn là niềm kiêu hãnh của lớp lớp người Việt trên khắp mọi miền đất nước. Họ hy vọng rồi mai đây thế giới sẽ biết nhiều hơn đến Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé nhưng quá đỗi hào hùng, vì nơi đây có hình ảnh những bà mẹ tần tảo sớm hôm và giàu đức hy sinh. Niềm vui như được nhân lên gấp bội khi Nhà nước quyết định tăng kinh phí xây dựng tượng đài mẹ trở thành khuôn viên với quy mô và tầm vóc của một công trình trọng điểm cấp quốc gia. Việc nâng tầm của công trình là điều đáng ghi nhận, song việc đầu tư quá nhiều tiền của vào một công trình vô tri, vô giác bằng đá thì thật đáng buồn.

Tuy mẹ giờ đã đi xa, nhưng những gì mẹ để lại cho Tổ quốc thì vẫn trường tồn. Mẹ đã để lại một dáng hình đất nước. Mẹ đã để lại cả bầu trời xanh. Hình tượng của mẹ vẫn sống mãi trong biết bao thế hệ người con đất Việt. Mẹ sẽ rất buồn khi thấy con cháu của mình mãi bàn tán việc tiền của để xây dựng tượng đài cho mẹ. Mẹ sẽ cảm thấy vui hơn khi con cháu đời sau vẫn thường xuyên ghé thăm nhà mẹ ở xóm Rừng để thắp cho mẹ và những đứa con của mẹ một nén hương ấm nồng.

(ST)

2 nhận xét:

oanhoanh nói...Trả Lời

Hay và cảm động lắm VL ơi !!

Xuyennhac nói...Trả Lời

kinh phí làm tượng đài chi bằng dùng làm 1 con đường đại lộ,rồi đặt tên "Đại lộ Bà mẹ VN anh hùng" có phải thực tế hơn không ?!Công tư vẹn cả đôi đường ?

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang