Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

28 tháng 11, 2011

Dòng Sông và Con Nước

Vùng Châu Thổ Cửu Long 
Qua Cách Nói Dân Gian   

Đặc trưng sông nước Miền Nam có đến 5.700km đường kênh rạch. Phần đất được coi là Tây Nam rộng khoảng hơn 4.000km2, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng vài dãy núi thấp ở miền Tây An Giang và Kiên Giang. 

Địa hình ĐBSCL thấp và tương đối bằng phẳng, nhất là Tây Nam với hai vùng trũng rộng lớn là Đồng Tháp Mười và U Minh cùng vài cụm núi thấp ở Thất Sơn (An Giang) và Hà Tiên (Kiên Giang). Đi liền là mạng lưới sông rạch chằng chịt. Đây chính là vùng đất cửa sông giáp biển Đông. Những dòng sông hàng năm bồi đắp phù sa cho ruộng đồng màu mỡ. Đây cũng chính là nét đặc trưng cơ bản của các tỉnh trong khu vực. 

Chèo thuyền trên sông
Hệ thống sông Mekong (Cửu Long) là một trong những hệ thống sông lớn ở châu Á và thế giới. Dân gian gọi sông Cửu Long là sông Lớn, sông Cái từ khoảng ngã tư Phnom Penh (Nam Vang) trở lên Lào. Về đến Phnom Penh, sông Cửu Long chia làm 3 nhánh: nhánh Tonlé Sap chảy vào Biển Hồ và hai nhánh chảy vào Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu. Sông Cửu Long đổ ra biển Đông qua 9 cửa: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Cung Hầu, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Định An, cửa Bát Xắc (Bassac) và cửa Tranh Đề. Mang tên Cửu Long ngụ ý 9 con rồng tượng trưng cho 9 cửa sông:
Nam Kỳ sáu tỉnh em ơi,
Cửu Long chín ngọn cùng khơi một nguồn…

Mỗi khúc sông đều mang tên riêng: sông Mỹ Tho, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên, sông Tiền, sông Hậu:
Sông Tiền cá lội xòe vi
Chị Thúy Kiều sầu anh Kim Trọng tỷ như tui sầu mình.


Ngay từ thế kỷ 17, vùng cửa sông Đồng Nai và “từ Sài Gòn trở vào toàn là rừng rậm đến hơn mấy nghìn dặm”, “đất nhiều khe suối (hiểu là kinh rạch), đường thủy như mắc cửi, không thể đi đường bộ được”.Chẳng thế mà từ lâu đã truyền miệng câu ca dao nói lên đặc trưng vùng sông nước:
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma.

Do điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế – kỹ thuật thời ấy, cuộc chinh phục ĐBSCL phải tiến hành từng bước.

Kênh Vĩnh tế xưa
Từ năm Đinh Sửu(1817), Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) mang ấn vào phụ trách trấn Vĩnh Thanh, mở mang Cù Lao Dài thuộc hạ lưu sông Long Hồ, đồng thời kết hôn với bà Châu Thị Vĩnh Tế, thôn nữ đất Cù Lao thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). 

Năm sau, ông tổ chức đào kênh Đông Xuyên thông qua vùng Rạch Giá. Trên bờ kênh này có núi Sập. Để ghi nhớ công ơn khai phá của ông, cư dân đặt tên núi và tên làng là Thoại Sơn (thuộc huyện Huệ Đức, tỉnh An Giang, nay là huyện Thoại Sơn, An Giang) và qua các câu ca dao hoài vọng công lao khai mở của tiền nhân:
Ai về Châu Đốc quê em,
Thăm lăng ông Thoại, nhớ xem chùa Bà.

Từ năm 1821, đến án thủ đồn Châu Đốc, ông tiếp tục xây dựng làng mạc người Việt dọc theo bờ kênh Vĩnh Tế đến tận núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang):
Nước kinh Vĩnh Tế lờ đờ
Nhớ ông Bảo Hộ cắm cờ chiêu an.

Chàng trai tha phương vẫn hy vọng ngày đoàn tụ với người yêu cũ nên căn dặn thiết tha:
Anh đi Châu Đốc, Nam Vang,
Gửi thư nhắn lại em khoan có chồng.

Dân hàng hải ngày ấy thường đi thuyền buồm:
Ngó lên Châu Đốc, Vàm Nao
Thây buồm anh chạy như dao cắt lòng.

Theo nhiều tài liệu bản địa, chiếc xáng đào kênh đến ĐBSCL vào thập niên cuối thế kỷ 19 khi thực dân Pháp bắt đầu phát triển mạnh giao thông thủy lợi để khai thác triệt để các tiềm năng của vùng đất trẻ.
Câu hát hôm nào còn vang lên từ dòng sông Hậu:
Quả năm ngăn trong lòng sơn đỏ
Mấy lời to nhỏ: bạn bỏ sao đành
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
Tàu Tây kia chết máy, anh mới đành xa em!

Dân số ĐBSCL ở thế kỷ 17 khoảng 200.000 người (Gia Định thành thông chí), chỉ miền đất giáp với miền đất cao Đông Nam và vùng Châu Đốc. Vùng quanh Sài Gòn chỉ được khai phá và có dân định cư từ năm 1672, đến 1698 mới thiết lập phủ Gia Định, năm 1724 phát triển vùng Hà Tiên, 1732 mới đến vùng sông Tiền, năm 1750: vùng Tân An và Gò Công, năm 1757: toàn bo vùng bắc sông Hậu (Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc)… 

ĐBSCL có diện tích 3.995.261 mẫu, bao gồm 12 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.

Dòng sông và kênh rạch
Những dòng sông hiền hoà, quanh năm được phù sa bồi lắng cho ruộng vườn màu mỡ. Chính môi trường sông nước đó – như có người nhận định – đã sản sinh ra nền văn minh kênh rạch, văn minh miệt vườn.
Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi
Kẻo đêm đến rồi bờ bụi tối tăm!

Trên những dòng sông ấy, xưa kia đã từng chứng kiến những câu hò đối đáp (hát huê tình) trong khung cảnh gió mát trăng thanh sau vụ mùa bội thu giữa những đôi trai tài gái sắc:
Chèo vô Núi Sập, lựa con khô cá sặt cho thiệt ngon, lựa trái xoài cho thiệt giòn.
Đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm.
Em về em dọn một bữa cơm
Để cho người quân tử ăn còn nhớ quê…

Vài mươi năm trước, phương tiện vận chuyển chủ lực vẫn là ghe, tàu tùy thuộc vào đường thủy:
Long Xuyên nước ngọt gió hiền
Tàu xuôi Nam Hải, ngược miền Nam Vang
Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang
Tiếng rao lảnh lót nhịp nhàng chèo khua …

Muốn liên lạc với nhau chỉ còn cách giao lưu bằng thư tín:
Cách một khúc sông kêu bằng cách thủy,
Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa
Gởi thơ thăm hết nội nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.


Vào thời Nguyễn Cư Trinh, áp dụng quy chế vận hành đường sông đương thời quy định rất chặt chẽ, những chiếc ghe thương hồ nhất thiết phải vẽ và khắc địa danh vào mũi để tiện bề kiểm soát:
Ghe ai đỏ mũi, xanh lườn,
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?


“Đỏ mũi, xanh lườn" là màu sắc quy định để dễ kiểm soát và phân biệt với dân Hai Huyện theo chân Nguyễn Hữu Cảnh vào khẩn hoang. Lúc bấy giờ phủ Gia Định gồm 2 huyện Phước Long (vùng Biên Hòa) và huyện Tân Bình (vùng Sài Gòn qua các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long). Dân Hai Huyện được ca ngợi vì trong đám lưu dân phức tạp gặp nhau ở miền Nam, họ là người Việt “chánh gốc” từ Ngũ Quảng vào lập nghiệp tại vùng Ông Chưởng Long Xuyên, và cũng chính nơi đây dân địa phương luôn tự hào là dân gốc Hai Huyện theo gia đình đến lập nghiệp trên vùng đất mới. 
Đến thời thuộc địa, người ta tô màu và vẽ số lên mũi ghe: Gia Định số 1, Long Xuyên số 8, cuối cùng là Bạc Liêu mang số 20:
Chiếc tàu số một chạy ngang Vàm Cống
Chiếc tàu số hai chạy xuống Cần Thơ
Tuổi ba mươi ở vậy em chờ,
Lỡ duyên chịu lỡ, đóng cửa phòng đợi anh.

Các kỳ lão vùng sông nước Nam Kỳ vẫn còn nhớ những câu thứ tự thuộc lòng, giống như bài thiệu trong nghề võ:
Gia Châu Hà Rạch Trà; 
Sa Bến Long Tân Sóc; 
Thủ Tây Biên Mỹ Bà; 
Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc.

1- Gia Định, 2- Châu Đốc, 3- Hà Tiên, 4- Rạch Giá, 5- Trà Vinh,
6- Sa Đéc, 7- Bến Tre, 8- Long Xuyên, 9- Tân An, 10- Sóc Trăng,
11- Thủ Dầu Một, 12- Tây Ninh, 13- Biên Hòa, 14- Mỹ Tho, 15- Bà Rịa,
16- Chợ Lớn, 17- Vĩnh Long, 18- Gò Công, 19- Cần Thơ, 20- Bạc Liêu.

Chiếc đò là phương tiện chở khách sang sông. Cặp phạm trù đò-bến đã sớm đi vào lòng người:
Binh Lương gió lộng về chiều,
Bến đò Tận Tạo có nhiều khách sang.
Đò dọc rồi lại đò ngang,
Đò qua chợ Vĩnh, đò sang An Bình.


Bán ghe hàng là phương kế sinh nhai khá phổ biến. Người ta đi khắp nơi và sống nhờ gạo chợ, nước sông:
Tôi ở Trà Vinh nghèo quá,
Tôi chèo chiếc ghe vô Cà Mau, Rạch Giá.
Tôi mua ít tạ khoai lang,
Tôi đi thẳng Trà Bang,
Tôi bán một tạ lời mấy cắc!
Tôi trở về nhà thấy anh ngồi sòng tứ sắc,
Tôi kể chắc ảnh thua rồi.
Úy trời đất ôi!
Con đùm con đeo năm bẩy đứa,
Gạo em kiếm từ nồi anh có thấy không?

Con nước Miền Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng có những từ ngữ đặc trưng trong lời ăn tiếng nói dân gian, tồn tại qua hàng trăm năm như nét độc đáo của vùng sông nước miền Tây.


Nước lớn: Con nước từ nguồn chảy vào đầy ắp các sông rạch.
Bìm bịp kêu nước lớn em ơi,
Mua bán không lời chèo chống mỏi mê!

Nước rông: nước lớn đầy sông vào các ngày mùng một, mùng hai, mười bốn, rằm.
Nước rằm chảy thấu Nam Vang
Mù u chín rụng sao chàng bặt tăm?

Nước đầy mà: nước lớn đầy ắp cả sông rạch.
Nước chảy bon bon
Con vượn bồng con
Lên non hái trái
Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi.

Nước nửa mà: nước mới lớn phân nửa.
Nước lên gặp bổi nổi rêu
Tôi vớt mình nằm trại ngủ lều cũng xong!

Nước ròng: nước chảy từ ngọn đi ra sông lớn, đổ ra biển, thường là lúc nặng chèo.
Nước ròng con cá trở về sông
Liệu bề anh thương đặng gắng công đợi chờ

Nước ròng thả đáy đâm trui,
Muốn con chủ đáy ngược xuôi ráng chèo.

Đến huyện Đầm Dơi – Cà Mau còn nghe người ta hát:
Nước ròng đổ xuống Mương Điều,
Thương con chủ đáy nên liều ghé thăm!

Nước ròng sát: mực nước thấp nhất, lúc mãn con nước ròng.

Nước giựt: nước rút cạn đồng sau khi đã lên vượt mức bình thường.
Nước ròng tôm đất lội xuôi
Chỉ tơ thòng xuống cột tui với mình.

Nước kém: nước rút cạn rạch vào những ngày đầu trung tuần và hạ tuần âm lịch (mười một, mười hai; hăm mốt, hăm hai). Dân gian thường đúc kết kinh nghiệm thủy văn: Nước rông, nước kém một tháng hai kỳ

Nước ương: nước lình bình, yếu ớt:
Nước chảy riu riu
Lục bình trôi riu ríu
Có một mẹ già ương yếu ai nuôi?

Nước đứng: nước đã lớn đầy hay đã ròng cạn, hầu như ngưng chảy.

Nước nhửng: nước đến lúc bắt đầu chuyển sang ròng hay lớn, chảy từ từ.
Nước sông lững đững lờ đờ 
Thương thời nói vậy chứ biết chờ được không?

Nước quay: Nước từ phía trên nguồn bắt đầu quay hướng chảy một mạch ra biển, không chạy trở lại nữa chuyển từ màu trong sang màu đỏ đục phù sa, thường sau tiết Đoan dương.
Nước trong xanh em để dành tưới hẹ
Trai lỡ thời tại mẹ kén dâu!



Nước đổ: nước chảy xiết ra biển từ khoảng tháng 6 đến cuối tháng 9 âm lịch:
Nước chảy re re, con cá he nó xòe đuôi phụng
Em có chồng rồi, trong bụng anh vẫn thương.

Nước nổi: tháng nước dâng cao vào mùa thu (khoảng từ tháng 8 âm lịch trở đi) Hàng năm, vùng ĐBSCL có mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, phần lớn diện tích bị ngập lụt, sâu nhất là hai vùng trũng Đồng Tháp Mười và U Minh.

Nước nhảy: nước lớn tràn bờ vào ngày cuối mỗi tháng.
Ba mươi nước nhảy tràn bờ,
Mùng ai có rộng xin ngủ nhờ một đêm!

Nước chụp: dòng nước bất thường đổ dồn về làm ngập úng mùa màng.

Nước son: nước đổ mạnh, mang theo phù sa màu đỏ như son (màu đất) các thầy đồ thường mài để chấm điểm cho học trò thời xưa.

Giáp nước: chỗ hai ngọn nước gặp nhau rồi khựng lại.

Nước vận: nước quay vòng cuồn cuộn, thường gần nơi chân cầu đúc. Nếu không vững tay chèo chống, xuồng ghe qua lại dễ bị nhấn chìm. Ở quận Cái Răng, Tp Cần Thơ có Nhà máy Nước Vận, chỗ gần khu vực Lò Tương đi qua, gọi mãi thành tên.

Nước xoáy: ngọn nước quay vòng xoắn tròn rồi rút thóp xuống sâu…
Mùa bông điên đi

Mùa cá đồng
Thiên nhiên hào phóng, từ những dòng sông, con nước đã tạo nên nét tính cách độc đáo của cư dân vùng đất mới, tạo cho cư dân ĐBSCL thái độ ứng xử thích hợp với môi trường sông nước miệt vườn, khác với các vùng miền khác. Từ đó hình thành nét văn hóa riêng, nền văn minh sông nước mà không nơi nào có được.

Nguồn:.trieuthanhweeklymagazine.com

Trich Mekongculture Dr THUAN

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang