Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

11 tháng 11, 2014

Dời thủ đô về Đà nẵng

PHẦN 1 – LẬP LUẬN


Hà Nội ngày nay
Không kể những cơ quan ban ngành của Thành phố, Hà Nội ngày nay còn mang trong nó các cơ quan Đảng, Đoàn Trung ương. Các cơ quan thuộc Nhà nước, Chính phủ. Một số lượng lớn các bộ ban ngành, cùng vô số các trường đại học, cao đẳng và bệnh viện lớn.

Tỷ lệ thuận với đó là người người từ khắp nơi đổ về đây công tác, hội họp, học tập, chữa bệnh, hành nghề, kiếm việc làm v.v. Điều đó khiến cho dân số Hà Nội tăng nhanh theo từng năm. Hà Nội trở nên đông đúc, ngột ngạt, môi trường cũng như sông ngòi ở đây bị ô nhiễm nặng nề. Cơ sở hạ tầng luôn gặp phải vấn đề về quá tải như: Giao thông, điện, cấp và thoát nước v.v. Công tác quản lý không theo kịp và mất phương hướng.

Trước thực trạng như vậy, cực chẳng đã, ngày 29/5/2008 vượt qua mọi phản ứng của nhân dân cả nước, Quốc hội đã nhanh chóng thông qua một nghị quyết, cho phép Hà Nội được mở rộng thêm bao trùm toàn bộ tỉnh Hà Tây, một phần tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Để Hà Nội có quỹ đất giãn dân ở những nơi có mật độ cao, di chuyển một số cơ quan, trường học, bệnh viện ra khỏi nội thành.

Với quyết định đó, Hà Nội có thêm gần 1000km2 đất mới, cộng với cũ, Hà Nội trở thành Thủ đô thuộc nhóm 17 thành phố và thủ đô lớn nhất Thế giới có diện tích trên ba nghìn cây số vuông.

Để đề án mở rộng Hà Nội thành hiện thực, một lượng lớn đất nông nghiệp màu mỡ của đồng bằng sông Hồng sẽ phải dần mất đi. Cùng với đó là sự ngơ ngác của hàng vạn lao động nông nghiệp. Nhưng cũng đành vậy! Đó chắc là suy nghĩ, tình cảm của hầu hết những người dân nông nghiệp dành cho Thủ đô, với một hy vọng, Hà Nội sẽ thoát ra được tình cảnh hiện nay, đủ sức đáp ứng cho nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của hơn sáu triệu con người hiện tại và chín đến mười triệu trong tương lai.

Nhưng đến nay đã gần bốn năm trôi qua, kể từ cái ngày ra quyết định mở rộng, ngoài một vài cơ quan như Bộ Công an, Bộ Nội vụ… Còn lại hầu hết vẫn an tọa trong nội thành, chẳng chuyển biến gì nhiều. Hà Nội vẫn vậy, ngột ngạt, ô nhiễm, ách tắc…Trên những thửa ruộng đã được sáp nhập vào Hà Nội, đâu đâu cũng thấy những khuôn mặt quen thuộc hiện ra như: Vinaconex, Handico, SongĐa, Hud vân vân và vân vân. Với những tòa nhà chung cư các cấp, những dãy nhà phân lô như được đúc từ một khuôn nằm san sát nhau không người ở. Những khu đất rộng, trước là ruộng màu mỡ nay để cỏ mọc, được bao quanh cẩn thận bằng dây thép gai và hàng rào sắt, như những bức trường thành bất khả xâm phạm. Cứ đà này, có lẽ chẳng bao lâu nữa, người nông dân sẽ nhận ra rằng, sự hy sinh của họ chỉ là vô nghĩa.

Về diện mạo kiến trúc, đã là Thủ đô của một nước thì phải xứng tầm không chỉ trong nước mà còn phải ngang tầm khu vực và Thế giới. Nhưng Thủ đô ngày nay lại có bộ mặt kiến trúc rất lộn xộn, chắp vá.

Ở phía Đông Bắc là khu phố cổ được xây dựng cách nay hơn một thế kỷ, nơi đây đã từng là khu trung tâm sầm uất và đẹp nhất Hà Nội, nhưng do thời gian và không được tu bổ đúng mức nên đang xuống cấp nhiều.

Phía Đông Nam. Đây là khu vực được xây dựng sau ngày giải phóng, gồm nhiều khối nhà tập thể cao từ 5 đến 6 tầng. Được lắp ghép bằng những tấm bê tông đúc sẵn khổ lớn, có hình dạng giống nhau. Những khối nhà này xây lên để tạo chỗ ở cho tầng lớp cán bộ công nhân viên ngày đó. Do được xây dựng bằng một kỹ thuật không phù hợp với điều kiện khí hậu, cộng với sự cơi nới trong quá trình sử dụng, khiến những tòa nhà này đang bị liệt vào dạng “xuống cấp nguy hiểm”.

Phía Tây Nam Hà Nội. Có thể nói, đây là khu vực phát triển sôi động nhất hiện nay, với nhiều tòa nhà cao từ mười đến hơn ba mươi tầng. Cao nhất có thể kể là tòa nhà Keangnam, với 72 tầng. Nhưng do quy hoạch vội vàng, thiếu đồng bộ, nên khu vực này rất hiếm những không gian dành cho cộng đồng như: Quảng trường, công viên, cây xanh, mặt nước v.v.

Còn lại là Tây Bắc. Đây là dải đất phía Bắc huyện Từ Liêm, nằm bên con đê sông Hồng. Nơi này còn chậm phát triển, kiến trúc chủ yếu vẫn mang dáng dấp thôn xóm.

Xen kẽ với bốn dạng kiến trúc đặc trưng nêu trên, còn một kiểu kiến trúc nữa không thể không nói tới đó là kiến trúc nhà ống. Đây là kiểu kiến trúc hoàn toàn do dân tự thiết kế xây dựng. Nó có mặt khắp mọi nơi. Dài, rộng, cao, thấp, thò, thụt đủ cả. Hơn nữa, trong số này còn có nhiều nhà mang hình dáng kỳ quặc như: Siêu nhỏ, siêu mỏng, siêu méo.

Với diện mạo đó, cùng những yếu kém của cơ sở hạ tầng, Hà Nội thường chỉ nhận được những lời khen xã giao. Còn lại, không gì hơn ngoài sự thất vọng trong lòng bạn bè quốc tế về một thành phố nghìn năm tuổi.

Trách nhiệm: Là một nước có cấu trúc bởi ba thành phần chính gồm: Đồng bằng – Núi rừng – Biển. Nhưng phần lớn diện tích Thủ đô bao gồm cả mở rộng đều nằm gọn trong vùng đồng bằng, xa núi rừng, xa biển. Có lẽ vì thế mà người Thủ đô cũng như các thế hệ lãnh đạo ở đây bị mất cân bằng trong trách nhiệm với đất nước.

Với núi rừng, ngoài việc để cạn kiệt nguồn tài nguyên do nạn đào đãi trái phép, cũng như để lâm tặc chặt phá thì đời sống của người dân nơi đây cũng rất cơ cực. Cứ nhìn hình ảnh những em bé ăn mặc rách rưới, ngồi học trong những lớp làm bằng tre nứa lá trống tuềnh trống toàng, dưới những cơn gió lạnh mùa Đông là thấy ngay. Trong khi ở Hà Nội, rất nhiều biệt thự được xây lên với những chi phí tốn kém rồi bỏ hoang.

Với biển cũng tình trạng như vậy. Là dân của một nước có biển chạy dọc theo chiều dài đất nước, nhưng thật lạ kỳ, người Thủ đô rất ít khi nói về biển, thậm chí e ngại. Người ta chỉ nhớ đến biển khi mùa hè đến, nhiệt độ tăng cao, nóng nực khó chịu, họ muốn ra đó nghỉ ngơi cho mát. Rồi khi đã thỏa mãn, họ lại quay trở về Thủ đô với những lo toan cho bất động sản, chứng khoán v.v.

Cảm nhận: Không kể những du khách nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịch, còn thì các chính khách đến vì chuyện công cán đều không thể cảm nhận được đâu là hơi thở của một quốc gia biển. Bởi sau khi đáp máy bay xuống Nội Bài, bên tận Sóc Sơn, họ được hộ tống đi trên những con đường vòng vèo, đông đúc, bụi bặm để vào trung tâm chính trị Ba Đình. Sau một hoặc vài ngày được đón tiếp và làm việc ở đây, họ lại được hộ tống đi trên những con đường đầy bất tiện đó để ra sân bay về nước. Kết thúc chuyến thăm một quốc gia biển.


Đại La – Sự lựa chọn nghìn năm

Trước thời khắc lịch sử của mùa Thu năm Canh Tuất 1010, khi nước Việt còn nằm dưới sự đô hộ của phương Bắc, dưới cái tên Giao Châu, Đại La đã được chọn làm trung tâm cho vùng đất này. Với tư tưởng của kẻ xâm lược, nhiều thế hệ cai trị nhà Đường đã chọn nơi đây lập thủ phủ đô hộ, để thuận tiện cho việc cai trị và vơ vét.

Sau khi lên ngôi (1009), với ý chí dựng nghiệp, mong cho nước nhà phồn thịnh, vua Lý Thái Tổ (Người xưa – Ông Cha) đã suy tính tới việc tìm một nơi tốt hơn Hoa Lư để lập kinh đô mới. Đây chính là tiền đề cho việc ra đời Chiếu dời đô.

Có một điểm rất sáng được thể hiện trong Chiếu là vua Lý Thái Tổ không ban Chiếu bằng ý chí tuyệt đối của một bậc quân vương trị quốc, mà đã hỏi ý kiến các triều thần. Đây chính là ánh sáng xuyên suốt nghìn năm sau đó của Chiếu dời đô. Và sau khi được ban hành, Kinh đô nước Đại Cồ Việt được chuyển từ Hoa Lư về Đại La.

Đây là một vùng đất được đánh giá là: Cao, rộng, phẳng, màu mỡ nằm gọn trong vùng đồng bằng sông Hồng, nơi tập trung đông dân cư, có nền sản xuất nông nghiệp phát triển, điều kiện đi lại giữa các vùng thuận tiện. Nhìn vào Đại Cồ Việt khi đó, vùng đất này nằm ở vị trí trung tâm (“chính giữa Nam Bắc Đông Tây”). Nơi đây còn được bao bọc bởi nhiều dãy núi đồi hiểm trở, biển lại xa ở phía Đông, nên được cho là có địa thế trọng yếu, tốt cho việc phòng thủ.

Theo đánh giá của các nhà sử học nhiều đời sau và đã được ghi chép lại thì có thể nói: Quyết định chọn Đại La để dựng nghiệp của vua Lý Thái Tổ cũng như triều đình nhà Hậu Lý là vô cùng anh minh, thượng sách.
Chiếu dời đô xưa và tiêu chí mới cho thủ đô hôm nay

Vậy tiêu chí cho thủ đô hôm nay là gì? Và có cần sự xuất hiện của một đấng anh minh như vua Lý Thái Tổ hay không?

Xin thưa ngay là không! Vì tất cả đã có sẵn. Đó chính là ý chí, là kinh nghiệm tinh hoa của ngàn đời đã được đúc kết. Là lời răn, lời dạy của bậc Vua anh minh truyền lại cho hậu thế trong việc định đô, dựng nghiệp. Và đã được thể hiện rất rõ ngay trong Chiếu dời đô xưa. Con cháu ngày nay chỉ cần mang ra, phân tích một chút là có ngay lời giải cho thủ đô hôm nay.


CHIẾU DỜI ĐÔ 
(Lý Thái Tổ).

“Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại, ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”

(Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).


Qua nội dung của Chiếu dời đô, ta thấy nổi lên hai ý chính, nằm trong hai đoạn văn “chỉ”, làm tiêu chí quan trọng cho việc lựa chọn của Người xưa.

Trích lược:

Ở đoạn văn chỉ thứ nhất là: “Chọn ở chỗ giữa”.
Tiêu chí này còn được trình bày lại rõ hơn một lần nữa ở đầu đoạn văn chỉ thứ hai là: “Chính giữa Nam Bắc Đông Tây”.

Theo học thuyết của phương Đông, cũng như của người Việt thì vị trí “trung tâm” luôn được đề cao vì đây là nơi giao hòa của đất trời, vạn vật. Là nơi tích tụ tinh hoa, quan yếu bốn phương hội tụ. Vậy nên, đây là một kinh nghiệm không thể bỏ, cần phải được tiếp tục áp dụng cho đời nay.

Địa thế của đất nước ngày nay không còn như Đại Cồ Việt khi xưa, chỉ dài từ biên giới phía Bắc xuống đến Hà Tĩnh (Hoan Châu), nên Đại La mới ở vị trí (“chỗ giữa – chính giữa Nam Bắc Đông Tây”).
Đại La - Thăng Long ở vị trí "chỗ giữa" Đại Cồ Việt thời kỳ đầu nhà Hậu Lý

Đất nước ngày nay đã kéo dài tới tận cực Nam của bán đảo Đông Dương, đó là nhờ công mở mang bờ cõi của nhiều thế hệ cha ông. Thế nên, nếu mang kinh nghiệm: “Chọn ở chỗ giữa” đế xác định vị trí thì thế này: lấy Hà Nội làm điểm tâm, quay một vòng tròn có bán kính tới điểm cực Bắc của đất nước, ta sẽ thấy một kết quả là: Hà nội ngày nay không còn nằm ở vị trí“chỗ giữa” của đất nước, do lệch Bắc quá nhiều.
Hà Nội ngày nay không còn "ở chỗ giữa - chính giữa Nam Bắc Đông Tây" của đất nước

Tiếp tục với: “Chính giữa Nam Bắc Đông T ây”. Như đã nêu, đất nước Việt Nam có cấu trúc điển hình gồm ba thành phần chính là: Đồng bằng – Núi rừng – Biển. Để cho công tác quản lý không bị mất cân bằng và cũng là để dẹp bớt đi cái tư tưởng “đồng bằng” trong tư duy lãnh đạo thì thủ đô ngày nay phải hội tụ cho đủ ba yếu tố trên là: Có núi rừng; Có đồng bằng; Có biển.
Biển của Đại Cồ Việt khi xưa - phần nhỏ trong vịnh Bắc Bộ

Phải nói như vậy vì biển của ta bây giờ rất dài và rất rộng, vòng xuống tới tận cửa Vịnh Thái Lan, biển không còn nhỏ hẹp như thời vua Lý, chỉ là phần nhỏ trong Vịnh Bắc Bộ, nên trách nhiệm giờ cũng phải rộng lớn, sát thực hơn thì mới phù hợp. Vẫn biết ngoài đó luôn có “cá Kình, sóng dữ”, nhưng không vì thế mà cứ mãi ngồi đây “tựa núi” rồi mơ màng về biển.

“Đông”! Ở phía Đông đất nước mặc định đã là biển.“Tây”! Ở phía Tây hầu hết là núi rừng. Vì thế, tiêu chí để lựa chọn nếu cần phải viết ra sẽ là thế này:

Rừng – Biển – Bắc – Nam, ở giữa đất trời, bốn phương tụ hội.

Như vậy, càng tiếp tục phân tích ở ý chính thứ nhất, càng thấy Thủ đô hiện giờ không hội tụ được những yếu tố để phù hợp với tiêu chí xưa và nay.

Tìm hiểu và phân tích sang ý chính thứ hai, trong đoạn văn chỉ thứ hai là: “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng”.

Cụ thể, vị trí được chọn ở đây là một vùng đồng bằng sông Hồng rộng lớn.
Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng và nay đã mở rộng thêm

Khác với Đại Cồ Việt ngày trước, đất nước ngày nay đang phải đối mặt với những nguy cơ như: Dân số tăng cao, ruộng đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, một số bị bạc màu, thiếu đói vẫn thường xảy ra. Cả nước chỉ trông cậy vào hai nguồn cung cấp lương thực chính là: Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi ở phía Nam, ĐBS Cửu Long đang phải đối mặt với nguy cơ mất ổn định do dòng chảy sông MêKông bị con người can thiệp thì ở phía Bắc, ĐBS Hồng cũng đang bất lực nhìn…bê tông, dây thép gai và cỏ dại xâm lấn.

Cứ bình tâm mà nghĩ xem, trong khi Nhà nước đang ra sức dùng mọi biện pháp để kéo giảm mức tăng dân số, nhằm ứng phó với tình hình thiếu đất nông nghiệp thì nhiều tỉnh thành lại liên tục lấy đất nông nghiệp để phát triển quỹ đất cho xây dựng. Đây có phải là một nguy cơ hay không !?

Chính vì vậy, kinh nghiệm của Người xưa chọn:“Vùng…đất rộng mà bằng phẳng” (nơi đang là vựa lúa của miền Bắc) để định đô, nhất quyết không được lấy làm tiêu chí cho hôm nay.

Vùng đất phù hợp để được chọn làm thủ đô hôm nay và cả mai sau phải là vùng đất không lớn, có diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp. Như thế, mới mong làm gương cho cả nước trong việc gìn giữ đất nông nghiệp, để phục vụ cho an sinh muôn đời. Vì thế, tiêu chí thứ hai nay phải khác là:

Tuy hẹp mà “rộng”, cho muôn đời sau.
(cái rộng ở đây là cái rộng về trách nhiệm đối với nền nông nghiệp của nước nhà).

Và với tiêu chí mới này, Hà Nội ngày nay càng không thể phù hợp được nữa.

Trên đây là hai ý chính nói về kinh nghiệm của Người xưa trong việc lựa chọn vị trí để định đô. Và đây cũng là cơ sở để đánh giá, phân tích tìm ra cái cần giữ nguyên, cái phải thay đổi cho phù hợp với điều kiện của đất nước hôm nay.

Ngoài những ý chính có tính “phong thủy”, còn một nét nữa mang đậm chất “tâm linh”. Đó là, nhằm nêu bật vai trò trọng yếu của địa thế Đại La, vua Lý Thái Tổ đã gắn vào trong Chiếu hình tượng: “Rồng chầu hổ phục”.

Nói gì thì nói, yếu tố tâm linh chưa bao giờ bị coi nhẹ trong tâm thức người Việt. Vì thế, đây là một yếu tố cần phải được phân tích cho vấn đề của hôm nay.

Vì là hình tượng tâm linh, nên trên thực tế, khó có thể cùng chung nhận định đâu là “rồng chầu”, đâu là “hổ phục” ở mảnh đất này. Bởi vậy, chỉ có thể phân tích theo hướng tâm linh.

Từ xa xưa, hình tượng: “Rồng chầu Mặt Nguyệt”; “Rồng chầu Mặt Nhật” hay gọi chung là: “Rồng Chầu Nhật Nguyệt” đã được phổ biến trong dân gian. Còn một hình tượng nữa ít được phổ biến hơn là: “Lưỡng long triều châu” hay khác là: “Lưỡng long tranh châu”. Ở hình tượng ít được phổ biến này, đã có nhiều lý giải của các nhà chuyên môn, song tất cả đều chưa đứng vững. Bởi một lẽ, rồng là con vật linh thiêng, là sự hiện thân và mang khát vọng của muôn loài mà con người có thể tưởng tượng ra được, nên không thể có chuyện rồng chầu (triều) hay tranh nhau một cái hột gọi là“Minh Châu”. Cho dù vật báu đó có giá trị, có đẹp đến mấy cũng không thể khiến rồng phải chầu phục.

Thế nên, ở đây phải phân tích thế này: Khi xưa, hình ảnh “Lưỡng long triều châu” thường chỉ xuất hiện nơi vương triều.
"Lưỡng long triều châu" trên vương trượng
Nó ở trên vương trượng, trên mũ (miện) của vua chúa… Ở mũ là hình ảnh hai con rồng thêu chầu vào giữa, nơi có đính viên châu (hồng ngọc) báu vật của triều đình. Xung quanh báu vật này được thêu đài lửa. Như vậy, màu đỏ của ngọc và những ngọn lửa bao quanh là tượng trưng cho Mặt Trời. Báu vật được gắn ở đây còn có thể là ngọc lục bảo hoặc ngọc trai. Màu xanh của ngọc lục bảo tượng trưng cho màu xanh của sự sống trên Trái Đất, còn ngọc trai là tượng trưng cho Mặt Nguyệt. Hình ảnh này thường gắn với các bậc vương tôn, công chúa. Như vậy, hình ảnh “Lưỡng long triều châu” hay “Lưỡng long tranh châu” cũng chỉ mang ý nghĩa là: “Rồng chầu Nhật Nguyệt” mà thôi.

Vậy tại sao trong dân gian luôn phổ biến hình tượng rồng chầu? Câu trả lời sẽ là thế này, họ cho rằng đó là những: 
Trung tâm của sức mạnh vũ trụ – Nơi mang đến ngày và đêm cùng nhiệt lượng ấm áp để sự sống được duy trì. 
Trung tâm của sự sống – Nơi cung cấp điều kiện và nguồn sống cho muôn loài, vạn vật. 
Trung tâm của khu vực đất trời – Nơi tụ hội quan yếu bốn phương, tích tụ tinh hoa từ tám hướng và tỏa sáng . 
Trung tâm của quyền lực – Nơi định đoạt vận mệnh thời cuộc. 
Trung tâm của tôn giáo tín ngưỡng – Nơi ban phát niềm tin và đức hạnh cho trần gian. 

Sự hiện diện của rồng (chầu) ở những nơi như trên không phải để phô trương quyền uy hay sức mạnh gì của rồng cả, bởi ra oai với những nơi này thì có nghĩa gì đâu? Nghĩa của chữ: “chầu” cũng không cho ta cách lý giải nào khác. Mà ở đây là để đại diện cho muôn loài, thể hiện khát vọng sinh tồn, cùng với những điều tốt lành cho trần gian. Rồi cũng từ đó nhận được sự ban phát, giúp cho sự sống của muôn loài được tiếp diễn, sinh sôi và nảy nở. Và cũng để thay mặt cho muôn loài, bày tỏ sự hàm ơn đối với những nơi này.

Phải hiểu như vậy vì người xưa tin rằng, sự sống sẽ chấm dứt hoặc trở nên tăm tối nếu như những sự [ban - nhận] này không được diễn ra.

Lan man như vậy là đủ. Nói tóm lại ở đây, nơi địa thế khiến rồng và hổ phải chầu phục nơi đó phải là vị trí trung tâm của đất trời nước Việt.

Hà Nội ngày nay trên thực tế địa lý đã xác định, không còn nằm ở vị trí trung tâm (“ở chỗ giữa – chính giữa Nam Bắc Đông Tây”) của đất nước. Vậy có ai dám chắc, cả rồng cả hổ còn đang chầu phục ở nơi đây!?

Sẽ có ý kiến cho rằng, việc chọn địa thế cho thủ đô còn phải dựa vào vị trí có yếu tố phòng thủ, nhằm đảm bảo an toàn cho Bộ máy lãnh đạo trong mọi tình huống. Về điều này, cũng xin được nói ngay, đây là toan tính hoàn toàn chính đáng. Hơn nữa là, ở vào thời đại ngày nay, khi mà khoa học quân sự đã phát triển vượt bậc thì đúng là càng phải tính. Nhưng tính là tính trên bình diện chiến lược của đất nước, chứ không đơn thuần chỉ lo cho sự an nguy của cá nhân hay tổ chức nào cả.

Bởi suy cho cùng, thủ đô không phải là nơi để cho các nhà lãnh đạo “yếu bóng vía” ẩn náu. Lãnh đạo ngày nay phải là những con người đầy bản lĩnh, hiên ngang, luôn lấy sự an nguy của đất nước làm trọng. Là người lãnh đạo, phải chuyên tâm chăm lo cho dân thay vì chỉ tính đường thoát thân thuận tiện. Phải có đủ trí tuệ, lòng nhiệt huyết. Phải biết sắp xếp các giá trị, các lợi ích cho đúng với trật tự, đúng với vị trí của nó. Với những phẩm chất như vậy, lãnh đạo đất nước đâu còn phải lo cho sự an nguy của mình? Bởi khi đó “Trăm họ” sẽ xả thân ra mà bảo vệ, như bày ong bảo vệ chúa. Thế nên lãnh đạo ngày nay phải luôn hiểu rằng, chỉ có dân mới là thành trì vững chắc nhất dành cho họ.

Với lại, Hà Nội cũng không phải là thành trì bất khả xâm phạm. Lịch sử đã chứng minh, Thăng Long luôn dễ dàng bị thất thủ khi có lực lượng tiến đánh như trận: 1873, 1882. Ngay cả quân xâm lược Mãn Thanh thế kỷ trước đó, với hàng vạn quân tinh nhuệ chiếm đóng ở đây, cũng dễ dàng bị phơi thây trong vài ngày trước sức mạnh tiến công của quân Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy. Xa nữa là cuộc chiến chống Nguyên Mông của nhà Trần. Trong cả ba lần: 1258, 1285, 1287, Thăng Long nhanh chóng rơi vào tay giặc. Và rồi cũng nhanh chóng cả ba lần, giặc Nguyên Mông phải chịu thất thủ tại nơi này.

Và cũng vì mỗi khi “Phương Bắc” động binh với chúng ta là ngay lập tức Thăng Long nằm trong vùng nguy hiểm. Và cũng do đặc điểm địa – chiến lược bị động như vậy, mà đã diễn ra hành trình bảy thế kỷ Nam tiến của các triều đại nước Việt.

Chưa hết! Còn một hiểm họa không thể không nói, đó là Hà Nội nằm ở hạ nguồn, nơi gộp lại của ba dòng nước lớn đổ ra biển gồm: Sông Đà, sông Hồng và sông Lô. Trên thượng nguồn các con sông này, nhất là phía Trung Quốc, hiện đã có cả chục đập thủy điện lớn. Chỉ cần một con đập xảy ra sự cố sẽ dẫn đến vỡ dây chuyền. Khi đó thật là khôn lường. Mà như các nhà khoa học đã cảnh báo, nếu điều đó xảy ra, lượng nước đổ về sẽ cuốn phăng cả những chiếc xe tăng nặng 60 tấn đậu ở Hà Nội ra biển.

Trên đây là toàn bộ những ý chính quan trọng trong Chiếu dời đô, nói về kinh nghiệm của Người xưa trong việc định đô, đã được trích lược và phân tích. Chỉ duy nhất một ý không còn phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước hôm nay, cần phải thay đổi là: “Rộng mà bằng phẳng” thành: “Tuy hẹp mà rộng”.

Còn lại, tất cả vẫn giữ nguyên giá trị cho hôm nay. Và với kết quả phân tích như trên, đã dẫn tới một kết luận là:
Thủ đô Hà Nội ngày nay không còn mang những yếu tố để làm nên một nơi “thắng địa” của đất nước.

Và đây chính là cơ sở để hôm nay đặt ra một câu hỏi:
Có nên tính đến việc chuyển Thủ đô hay không và nơi chuyển đến là nơi nào???

Lời răn dạy của vua Lý Thái Tổ

Quả thực, chẳng ai nghĩ rằng, vấn đề của Thủ đô hôm nay lại được đặt ra như những gì mà Ông Cha ta đã phải làm một nghìn năm trước. Cũng không ai nghĩ rằng, những lời răn của Người xưa trong việc định đô lại trở nên nóng hổi như mới đây thôi và đang âm vang truyền lại cho hậu thế:

“Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại, ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.”(lời răn)

Và trên con đường dựng xây đất nước, mỗi người Việt Nam hôm nay đều phải nằm lòng những lời răn dạy này. Bởi nó sẽ soi đường, chỉ lối cho chúng ta bước tới


PHẦN 2 – ĐỀ XUẤT

- Nhìn vào thực trạng của Thủ đô hôm nay.
- Dựa vào những lời răn dạy của vua Lý Thái Tổ cùng các tiêu chí mới đã được phân tích.
- Căn cứ vào thực tế địa lý của đất nước (minh họa và bản đồ dưới đây).
- Xét đến hiệu quả, sự thuận tiện cho các hoạt động chính trị trong nước, khu vực và quốc tế.

Xin được đưa ra một đề xuất:

Chuyển Bộ máy hành chính Quốc gia ra khỏi Hà Nội và nơi chuyển đến là Đà Nẵng

Đà Nẵng – “ở chỗ giữa – chính giữa Nam Bắc Đông Tây” của đất nước
Đà Nẵng – Vị trí trung tâm trên bản đồ nước CHXHCN Việt Nam

Đôi nét về Đà Nẵng (Nói chung)

Đà Nẵng (chụp từ vệ tinh)

Nằm dọc theo vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là một vùng đất có giá trị thấp về mặt nông nghiệp. Hầu hết đất ở đây là đất cát, đất mặn, đất nhiễm phèn, đất xám, đất mùn đỏ…Riêng đất nông nghiệp ở đây chỉ chiếm 117km2 trên tổng diện tích tự nhiên xấp xỉ 1.300km2. Đất ở là 30km2, còn lại là đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng và đất chưa sử dụng.

Ở vị trí trung tâm (“chính giữa Nam Bắc Đông Tây”) của đất nước, nhìn thẳng ra biển Đông và là đầu mối giao thông lớn nhất của vùng cả về đường sắt, đường bộ, đường không và đường biển. Đặc biệt còn có đường hành lang Đông – Tây đi qua nhiều nước trong khu vực. Có tọa độ địa lý 15°15′ đến 16°40′ Bắc và từ 107°17′ đến 108°20′ Đông. Cách Thủ đô Hà Nội 759km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 964km về phía Nam. Địa hình vừa có đồng bằng, vừa có núi rừng và biển đảo. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, xen giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam và cũng mang hai mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 25,9°C ở đồng bằng và 20°C ở vùng núi cao.

Dân số hiện nay khoảng 950 nghìn người, trong đó người Kinh chiếm hơn 99%, còn lại là người CơTu, Tày, Mường, Nùng, Thái, Hoa… Tài nguyên chính là tài nguyên rừng, tài nguyên biển. Trong đó có nhiều hệ động thực vật mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, rừng và biển ở đây còn mang nhiều ý nghĩa to lớn về môi trường sinh thái, nghiên cứu khoa học, du lịch…

Vài nét (Nói riêng)

- Giao thông: Nằm ở vị trí “chỗ giữa” của đất nước, có đủ các loại hình giao thông như: Đường sắt Bắc Nam, đường quốc lộ 1A chạy qua thành phố. Đường không là sân bay quốc tế Đà Nẵng (đã được đầu tư nâng cấp) và đường biển gồm nhiều cảng biển lớn, độ sâu đủ sức tiếp nhận các tàu có trọng tải hàng chục nghìn tấn. Thế nên, việc đến và đi với Đà Nẵng từ các vùng miền trong cả nước trở nên rất thuận tiện, hiệu quả.
Đà Nẵng có vị trí thuận tiện về giao thông đối với trong nước và khu vực

Với khu vực và quốc tế thì lại càng hiệu quả, bởi với hai loại hình giao thông quan trọng đường biển và đường không, lại có vị trí gần với trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Từ đây có thể kết nối “trực tiếp” với các cảng biển và cảng hàng không của nhiều nước. Có thể kể ra ở đây là: Philipinnes, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Myanmar, Indonesia, Campuchia. Đông á là: Macao, Quảng Châu, Hồng Kông (TQ), Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Một tuyến giao thông nữa cũng phải kể là tuyến hành lang Đông – Tây (đường màu vàng trên bản đồ) kết nối hai bờ biển Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Trong tương lai, đây sẽ là tuyến giao thông quan trọng.

- Du lịch: Tọa lạc ở chính giữa quần thể du lịch miền Trung, với phía Bắc là Cố đô Huế và phía Nam là phố cổ Hội An cùng Cửa Đại (Quảng Nam). Lại được sự ưu đãi của thiên nhiên ban cho nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và hùng vĩ như: Ngũ Hành Sơn, Bà Nà – Núi Chúa, bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, vịnh Đà Nẵng, bãi biển Mỹ Khê, bãi biển Nam Ô, bãi biển Xuân Thiều, bãi biển Thanh Bình, bãi biển Bắc Mỹ An, bãi biển Non Nước, bãi Bụt…Đó là những bãi biển cát vàng còn hoang sơ, nước trong xanh và ấm áp quanh năm.
Đà Nẵng – Thành phố: “xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển”

Nếu phải dùng lời lẽ để ca ngợi những vẻ đẹp thiên nhiên này thì không đến lỗi quá khó. Nhưng sẽ là hay hơn nếu nhường lời lại cho tất cả! Và cũng mong rằng, những ai chưa một lần đến với Đà Nẵng và đi tham quan các danh lam thắng cảnh nơi đây, hãy đến ít nhất một lần, để được tự mình cảm nhận và đánh giá.

- Tiện nghi: Giống như Hà Nội có Cửa Bắc Thành, nhưng thành ở đây hoàn toàn do thiên nhiên tạo ra. Đó là một nhánh núi thuộc dãy Trường Sơn nhô ra biển ở phía Bắc thành phố. Trên đỉnh hùng vĩ là Hải Vân Quan, còn được gọi là: “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan” được xây dựng thời vua Minh Mạng. Từ cổng thành (hầm Hải Vân) đi vào thành phố, địa thế có hình thái rộng dần về phía Nam (hậu). Ở phía biển nổi lên một bán đảo nhô cao hướng ra biển xa, với độ cao xấp xỉ 700m so với mực nước biển, đảo Sơn Trà như một vọng gác tiền tiêu cho thành phố ở hướng biển. Về sông núi, không thua kém bất cứ nơi nào. Ở đây có rất nhiều núi. Núi xếp nối nhau trùng điệp ở phía Tây. Phía Đông (giáp biển) còn có năm ngọn núi nhỏ như những bức “bình phong”, tên mỗi ngọn núi tượng trưng cho các yếu tố cấu thành vũ trụ là: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Ở đây cũng có nhiều con sông, nổi bật là sông Hàn chảy qua thành phố rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng. Dòng sông đã tạo nên một hình thức giao thông đường thủy thuận tiện và đầy chất thơ trong nội đô. Cộng với những cây cầu có kiến trúc đẹp, hiện đại cùng mặt nước xanh êm ả, sông Hàn đã tô điểm cho Đà Nẵng một vẻ đẹp hữu tình hiếm có.

- Dương trạch: Nói đến “Dương trạch” là nói đến một khái niệm có thực. Một khái niệm được hiểu là kinh nghiệm nhìn nhận, đánh giá tốt – xấu về một “cuộc đất” để làm nơi cư trú, đình chùa… Mục đích là để giảm thiểu hoặc tránh đi được vận xấu hay giúp tăng thêm sự thành công và may mắn cho con người sống tại nơi đó. Tuy nhiên, dương trạch hay phong thủy cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ, cải biến, chứ không làm thay đổi được hoàn toàn.

Nhưng để hiểu được cặn kẽ về dương trạch cũng như phong thủy không phải là dễ vì nó rất phức tạp. Do có quá nhiều trường phái, nhiều phương pháp luận, nên dẫn đến không thống nhất, thậm chí đối lập nhau, nhiều điểm không rõ ràng. Vì vậy, ta chỉ cần hiểu một cách đơn giản là: Một cuộc đất tốt phải là cuộc đất hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, có môi trường sống tốt đẹp, trong lành, làm cho con người thấy khỏe mạnh, phấn chấn.

Thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng, nói một cách văn hoa thì nó xứng đáng được ngợi ca như lời của bài hát: ”Tổ Quốc Tôi Chưa Đẹp Thế Bao Giờ”. Thế nên, đây là một cuộc đất tốt vì một cuộc đất xấu không thể có những phẩm chất như vậy!

- Tâm linh: Như đã nói, đã là hình tượng tâm linh thì khó có thể chung một nhận định. Nếu như chỉ đơn giản cho rằng, những núi đồi, gò đống là hổ phục, hay dòng sông uốn lượn là rồng cuộn chầu thì trên khắp nước Việt này, rất nhiều nơi có địa vật như vậy. Vì thế, đây chỉ là một: “Yếu tố cần”. Để có thể trở thành: ”thắng địa – rồng chầu hổ phục” thì phải có thêm: “Yếu tố đủ” nữa là vị trí đó phải nằm ở ngôi trung tâm (“chính giữa Nam Bắc Đông Tây”) của đất nước. Và Đà Nẵng là một nơi như vậy.

Tuy khó có thể cùng chung nhận định, nhưng riêng thì lại rất dễ. Ở đây xin được mạnh dạn đưa ra một hình tượng dựa trên cái nhìn chủ quan, coi như là một nét để cùng tham khảo.
Minh họa: Phượng hoàng vờn biển Đông

Nhìn toàn cảnh địa hình Đà Nẵng từ trên cao, thật ngẫu nhiên, Đà Nẵng mang dáng dấp một con chim phượng hoàng đang vờn biển Đông, đầu hướng về phía Mặt Trời. Với cái đầu là vị trí tiền tiêu bán đảo Sơn Trà. Cánh trên giương cao bao trùm toàn bộ phần phía Bắc thành phố. Cánh dưới phủ bóng xuống hết phần phía Nam tới gần cửa Đại. Một đuôi che chở cho vùng núi Bà Nà. Hai đuôi còn lại ve vẩy trên dãy Bạch Mã.

Vài nét về chim phượng hoàng (nguồn wikipedia)
Nguyên thủy là con chim thần thoại của người dân khu vực Đông Á, ngự trị trên tất cả các loài chim khác. Là một trong tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Miêu tả phổ biến là chim phượng hoàng đang tấn công con rắn bằng móng vuốt của nó với đôi cánh dang rộng, lông có năm màu (ngũ sắc) đại diện cho sắc màu của ngũ hành và cao sáu thước.

Từ xa xưa, phượng hoàng được sử dụng như là biểu tượng của hướng Nam, mang ý nghĩa tích cực, biểu tượng cho đức hạnh, duyên dáng và thanh nhã. Phượng hoàng cũng biểu thị cho sự hòa hợp Âm – Dương. Theo truyền thuyết, nó xuất hiện trong thời kỳ hòa bình và thịnh vượng, nhưng không phải là thời kỳ tăm tối sắp đến (tóm lược).
“Long Phụng triều Dương” sẽ linh ứng với Đà Nẵng?
Rồng & Phượng – biểu tượng của sự: “Hòa hiến – Phúc hiến – Thịnh hiến”

P/s: Trước khi bước sang phần cuối cùng (ý nghĩa) xin được nêu bổ sung một vấn đề, tuy rằng nó không hề được đề cập đến trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ, nhưng chắc chắn nó sẽ xuất hiện khi “chuyển Thủ đô” được đưa ra bàn luận. Đó là vấn đề: ”Địa linh”.

“Địa linh”: Nói vậy thôi, chứ cả Trái Đất – nơi chúng ta đang được sống, đã là ”Trái địa linh” rồi! Nhưng đã là “xã hội” thì nó muôn màu. Cũng nhờ thế mà xã hội mới tươi đẹp phải không? Chính vì vậy, đây là vấn đề không thể bỏ qua.

Như tất cả cùng biết và không ai có thể phủ nhận được rằng, trong suốt quá trình 1000 năm hình thành và phát triển, kinh đô Thăng Long luôn là một mảnh đất “Địa linh”.

Bỏ qua giai đoạn trước Bắc thuộc, chỉ tính kể từ khi đất nước giành được độc lập, chấm dứt 1000 năm đô hộ của phương Bắc đến nay, đã có nhiều kinh đô được tạo dựng bởi các triều đại khác nhau, trên nhiều vùng đất khác nhau như:
- Hoa Lư – Ninh Bình (nhà Đinh)
- Thăng Long – Đại La (nhà Hậu Lý)
- Thành Tây Đô – Thanh Hóa (nhà Hồ)
- Thành Hoàng Đế – Quy Nhơn (nhà Tây Sơn)
- Kinh đô Huế – Phú Xuân (nhà Nguyễn).

Sự tồn tại về mặt thời gian của các kinh đô này như sau:
- Hoa Lư 42 năm (968 – 1010)
- Thăng Long 1000 năm (1010 – 2010, tính chẵn)
- Thành Tây Đô 7 năm (1400 – 1407)
- Thành Hoàng Đế 17 năm (1776 – 1793)
- Kinh đô Huế 143 năm (1802 – 1945, chỉ tính từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi mở đầu quốc gia Việt Nam thống nhất).

Như vậy, chỉ có duy nhất kinh đô Thăng Long là tồn tại được lâu với một thời gian là 1000 năm tuy không liền mạch. Và trong suốt hành trình lịch sử, hào kiệt bốn phương đã hội tụ về đây tạo lên một trang sử hào hùng cho đất nước, cho dân tộc.

Thăng Long địa linh là bởi như vậy. Vậy tại sao chỉ có Thăng Long là dài còn những kinh đô khác thì lại ngắn ngủi? Đây là câu hỏi cần phải được tìm hiểu để giải đáp cho vấn đề của hôm nay.

Trở lại với mảnh đất Đại La xưa, trước khi được vua Lý chọn làm kinh đô, mảnh đất này đã bị quân xâm lược phương Bắc giày xéo trong suốt 1000 năm đô hộ. Nếu đem so sánh với những mảnh đất khác của nước Việt khi đó như: Phong Châu, Cổ Loa, Mê Linh, Long Biên, nơi gắn liền với những tên tuổi và chứng tích oai hùng của dân tộc thì rõ ràng không thể sánh. Cũng chính vì thế mà Đại La đã không được chọn khi Ngô Quyền lên ngôi. Như vậy, Đại La không phải là mảnh đất địa linh khi vua Lý lựa trọn, mà chỉ là một nơi: ”Địa lợi” và điều này cũng đã được thể hiện rất rõ trong Chiếu rời đô.

Và từ mảnh đất bị giày xéo, cộng với hào kiệt tụ về, cộng với thời gian đã làm nên một Thăng Long địa linh như ngày nay. Vậy có gì khác nhau giữa những vùng đất của các kinh đô nước Việt? Phải chăng có tồn tại một sự huyền bí nào đó? Để đi tìm câu trả lời, không có cách nào khác là phải dựa vào những dấu tích và ghi chép của lịch sử.

Theo quan niệm của người Việt, để làm một việc gì lớn đạt tới sự thành công đều phải dựa vào ba yếu tố chính làm nền tảng xuất phát là:

1/ Thiên thời (điều kiện thuận lợi).
2/ Địa lợi (vùng đất được chọn, nói một cách cụ thể).
3/ Nhân hòa (chung một niềm tin).

Với ba yếu tố này, cộng với hào kiệt (thời nào cũng có), cộng với thời gian (nhiều vô kể) ta sẽ có chung một công thức để tìm câu trả lời như sau đây:

Dựa vào sử sách sẽ cho ta thấy: Kinh đô Hoa Lư – Thành Tây Đô – Thành Hoàng Đế – Kinh đô Huế, ở yếu tố “nhân hòa” đều là “ý chí tuyệt đối” (tự quyết) và có những kết quả là:

- Cố đô với Hoa Lư.
- Di tích với Thành Tây Đô.
- Di tích với Thành Hoàng Đế.
- Cố đô với Kinh đô Huế.

Chỉ duy nhất Thăng Long có yếu tố nhân hòa (chung một niềm tin), đã được thể hiện rất rõ trong Chiếu dời đô, ở lời chỉ cuối cùng: ”Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?” và mang đến kết quả 1000 năm địa linh.

Như vậy, địa linh ở đây là kết quả của năm yếu tố tạo thành: Thiên thời + Địa lợi + Nhân hòa + Nhân kiệt + Thời gian, với nhân hòa (niềm tin) là tâm điểm, chứ hoàn toàn không phải là một sự huyền bí nào cả!

Niềm tin sẽ quyết định! Và như thế, sẽ thật rộng đường để lập ra một công thức cho “Đại La mới” của đất nước hôm nay – Đà Nẵng.

Ý NGHĨA

Tiếp nối truyền thống Ông Cha
Chuyển Thủ đô về nơi mới – Đà Nẵng tức là tiếp nối và phát huy truyền thống, kinh nghiệm quý báu của Ông Cha trong việc định đô giữ nước (“nếu có chỗ tiện thì dời đổi”).

Cân bằng hơn trong trách nhiệm với đất nước
Do Đà Nẵng có địa lý mang đậm nét điển hình của cấu trúc đất nước là: Có đồng bằng; Có núi rừng; Có biển đảo. Vì thế người lãnh đạo ở đây sẽ được sát thực hơn, luôn cảm nhận được hơi thở của biển, tiếng động của núi rừng. Để rồi trong tư duy quản lý, sự cân bằng sẽ trở lại. Nhằm:
- Trách nhiệm hơn với biển.
- Hiểu và lo lắng hơn tới núi rừng.
Giải tỏa bất cập cho Hà Nội – Giành lại đất nông nghiệp cho đồng bằng sông Hồng

Việc rút Bộ máy hành chính Quốc gia ra khỏi Hà Nội, ngay lập tức sẽ mang lại cho Hà Nội sự thanh bình. Những bất cập do quá tải sẽ được giải tỏa. Bộ máy quản lý sẽ sớm tìm lại được phương hướng. Căn bệnh “phì đại” không còn cơ hội phát triển. Hà Nội sẽ trở về với giá trị thực của nó.
Và như thế cũng đồng nghĩa với việc, giành lại đất nông nghiệp cho đồng bằng sông Hồng (nói riêng) và cả nước (nói chung) một lượng lớn đất màu mỡ sẽ bị mất trong tương lai do việc mở rộng Hà Nội.
Hiệu quả, thuận tiện cho các hoạt động chính trị trong nước và quốc tế

Nằm ở “chỗ giữa’ của đất nước, ra Bắc không quá gần vào Nam không quá xa. Gần hơn với trung tâm Đông Nam Á xôi động của Thế giới. Có đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển, đường hành lang Đông – Tây, cùng với cảnh quan tươi đẹp và môi trường trong lành, chắc chắn sẽ mang lại nhiều tiện lợi, hiệu quả cho các hoạt động chính trị trong nước cũng như quốc tế.
Xây dựng cho đất nước một thủ đô tiêu biểu bên bờ biển

Là người Việt Nam, chắc ai cũng mong muốn cho đất nước có một thủ đô xứng tầm hàng đầu khu vực như:
- Đẹp về cảnh quan thiên nhiên.
- Trong lành về môi trường.
- Đồng bộ hiện đại về quy hoạch.
- Phong cách về kiến trúc.
- Lộng lẫy về sắc màu v.v.

Ngoài ra, thủ đô còn phải được thiết lập một chức năng thật rõ ràng, để nó phù hợp với điều kiện của tự nhiên. Và đây là cơ hội để thực hiện. Nếu có được sự giúp đỡ của quốc tế nữa thì việc thực hiện sẽ càng trở nên dễ dàng hơn.

Một thủ đô đầy ấn tượng, có chức năng “chuẩn chỉ” là: Trung tâm chính trị, du lịch và dịch vụ sẽ ra đời. Đồng hành với Hà Nội là: Trung tâm y tế, khoa học, giáo dục và thành phố Hồ Chí Minh là: Trung tâm công nghiệp và thương mại.

Thông điệp gửi tới mai sau
Chuyển Thủ đô xuống phía Nam (giãn Bắc) còn là một thông điệp gửi tới mai sau về ý chí Độc lập – Tự cường của dân tộc hôm nay. Bởi như một lẽ cần phải có, nếu chúng ta thực tâm mong cho đất nước dứt ra được nỗi: ”Bốn nghìn năm đất nước gian nan” thì xin hãy bắt tay vào quy hoạch cho đất nước một con đường.
Mang tên: Độc Lập – Tự Cường – Hòa Hợp.

Và một lần nữa:
- Với tất cả tấm lòng tôn kính đối với vua anh minh Lý Thái Tổ.
- Với tất cả thực trạng của Thủ đô hôm nay.
- Với tất cả niềm tin và ước vọng vào một kỷ nguyên mới phồn thịnh cho Nước nhà.

Xin trân trọng khởi xướng: Chuyển Thủ Đô vào Đà Nẵng!

----------------------------------------------------------------------------------------------------
Đỗ Thanh Tùng
332 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội
Thứ Ba, ngày 15/ 05 / 2012

----------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguồn: http://reds.vn/index.php/da-chieu/1152-chuyen-thu-do-ve-da-nang

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang