Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

12 tháng 11, 2014

Cáp treo Sơn Đoòng: Phá, phá nữa, phá mãi!



Lê Quỳnh Trang
* Tác giả gửi bài cho VNTB

Có hay không việc lợi nhuận hóa Sơn Đoòng bằng mọi giá thông qua cái “bắt tay” giữa doanh nghiệp Sun Group và những nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Bình?




Những tiếng nói “đầu tư”

Sơn Đoòng, một kỳ quan thiên nhiên thế giới với hệ sinh thái riêng biệt hình thành 2,5 triệu năm trước đây được phát hiện vào năm 1991 bởi một người Việt tên là Hồ Khanh, và công bố chính thức vào tháng 4/2009 bởi phái đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh, đang gây tranh cãi xoay quanh dự án “cáp treo 3.000 tỷ đồng”.

Đầu tháng 11/2014, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp báo về dự án cáp treo Sơn Đoòng, theo đó, dự án (do Sun Group làm chủ đầu tư) dài 10,6km, gồm hai chặng (Trạ Ang – Sơn Đoòng), nhà ga thứ hai sẽ cách cửa động 300 mét.

Dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Phong Nha – Kẻ Bàng.

Về phía chủ đầu tư là Sun Group cho biết, đã tiến hành khảo sát trong 9 tháng đầu năm 2014, qua ba phân khu, với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, dự án này có sự tham gia của công ty Doppelmayr Seilbahnen GmbH – được đánh giá là “có kinh nghiệm thực hiện 14.000 dự án cáp treo” ở cả những vùng mà được UNESCO công nhận di sản. Chưa kể cái lợi của dự án là đem lại “nguồn thu ngân sách, việc làm cho tỉnh, và quyết tâm bảo vệ di sản bằng mọi giá”.

Về phía tỉnh Quảng Bình, ông Chủ tịch tỉnh - Nguyễn Hữu Hoài tự đánh giá “tỉnh mình còn nghèo, và Phong Nha – Kẻ Bàng như một viên ngọc để mời gọi đầu tư”.

Yếu tố lợi nhuận không chỉ được thốt ra từ những chủ đầu tư, bản thân lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mà còn được “gợi ý” từ những người đang làm trong công tác quản lý, bảo tồn di sản và cả Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH).

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã nhận định, nếu không có những doanh nghiệp tiên phong dám nghĩ, dám làm thì những nơi hoang sơ sẽ mãi rơi vào cảnh “đắp chiếu”.

Một số khác cũng không tỏ ý phản đối, dựa trên quan điểm “bản thân cáp treo không có tội”, và tỏ ý so sánh Yên Tử với Sơn Đoòng như ngầm ý giảm nhẹ “sự quan ngại” của dư luận về vấn đề cáp treo đối với Sơn Đoòng trong tương lai. Trong số này, có ông ĐBQH Dương Trung Quốc.



 khảo sát động Sơn Đoòng


Rủi ro: hàng hiệu thành hàng si-đa

Những ý kiến, quan điểm “đầu tư” đó dĩ nhiên chỉ làm vừa lòng một số người, chứ không xua tan đi sự lo ngại về những rủi ro mà dự án mang lại, khi bản thân sự biện hộ trên chứa quá nhiều mâu thuẫn.

Đầu tiên, việc ông giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Lê Thanh Tịnh đánh giá dự án như là một “sản phẩm du lịch hoàn toàn mới” bằng sự trải nghiệm rừng nguyên sinh “trên cao”. Hay ngay cả quan điểm của chủ đầu tư khi tiến hành mời nhà thầu có kinh nghiệm xây dựng cáp treo ở những điểm mà UNESCO công nhận di sản vốn để “trấn an” dư luận và bản thân vị ĐBQH Dương Trung Quốc cũng “ngỏ ý” thuận theo cũng là những nhận định hời hợt, chủ quan khi chưa tính toán kỹ đến yếu tố đầu tiên là sự thích hợp của động nói chung, và Sơn Đoòng nói riêng trong việc áp dụng trào lưu “cáp treo”, nhất là khi Sơn Đoòng sở hữu “hệ sinh thái với các đặc điểm môi trường lý hóa đặc biệt, rất dễ bị tổn thương và hủy hoại bởi sự thăm viếng vượt quá sức chịu tải của nó”, như ông PSG Tạ Hòa Phương chỉ ra. Và tất nhiên, càng không thể nào duy trì cái ý nghĩ quái gở, rập khuôn rằng “Sơn Đoòng nên “học hỏi” Yên Tử”, bởi cả hai điểm có quá nhiều dị biệt (về tính chất, quy mô, yếu tố tự nhiên và khả năng bị tác động bởi dự án nhân tạo).

Song song đó, với công suất cáp treo lên đến “1.000 lượt khách/h và điểm ga tập kết nằm cách động 300 mét” thì mọi sự sẽ trở nên tồi tệ hơn, không dừng ở việc chuyện chặt cây theo đường cáp, xây điểm ga, mà nó nằm ở việc chuyên chở một lượng khách quá lớn đến quá gần Sơn Đoòng sẽ khiến cho sự đa dạng sinh học cao của động trở nên quá “yếu ớt” trước một lượng lớn “tiếng ồn của động cơ, lượng rác thải sinh hoạt khó kiểm soát”.

Chưa kể, nếu mở đại trà, chỉ riêng tính hiếu kỳ và ý thức không được tốt của một lượng lớn du khách bình dân, sẽ biến Sơn Đoòng trở thành một cứ điểm Điện Biên Phủ, còn các hành động vô thức cũng như chuỗi hạng mục về dịch vụ nhà hàng, đường nhựa sẽ như dây thòng lọng dần co thắt lại và giết chết hang động 2,5 triệu năm tuổi trong giai đoạn ngắn. Lúc đó, Sơn Đoòng sẽ chỉ còn một hang động bình thường không hơn, không kém. Và 3.000 USD/ lượt biến mất, trong khi rác thải sẽ nhiều dần lên, tính thu hút lẫn hấp dẫn sẽ mất đi hoàn toàn. Và như thế, việc phát triển du lịch đại trà ở Sơn Đoòng thông qua cáp treo “chẳng khác nào bán rẻ tài nguyên, bán rẻ tiềm lực của đất nước”, ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Actice Travel Asia gay gắt bày tỏ.

Việc chủ đầu tư chia sẻ về hoạt động tiến hành khảo sát (có mời chuyên gia nước ngoài) trong 9 tháng đầu năm 2014, qua ba phân khu. Nhưng chủ đầu tư trả lời thế nào về quan ngại của ông PSG Tạ Hòa Phương, nhà địa chất Việt Nam đầu tiên đi xuyên qua hang Sơn Đoòng về việc: “Trong kế hoạch xây dựng có dự kiến xây nhà ga ở khu vực miệng hố sập thứ 2 của hang Sơn Đoòng, nhằm đưa du khách vượt hàng trăm mét xuống tham quan “Vườn Edam” - khu rừng nhiệt đới độc đáo phát triển trong hang. Nếu điều này xảy ra thì đó sẽ tổn hại với khu rừng do quá tải lượng người tới thăm.”

Nhưng nguy hiểm hơn, là sự đánh tráo khái niệm của ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi ông cho rằng, “Di sản sẽ bị đắp chiếu nếu không có khách du lịch, giống như vàng kim cương nằm dưới đáy biển thì cũng chỉ là cục đất”.

Ông lo sợ Sơn Đoòng sẽ bị “lãng quên” nên “cổ vũ” cho việc “thập phương du khách”, hàm ý tán đồng việc tiến hành cáp treo để phục vụ du khách.

Có lẽ ông Phó tổng cục trưởng Du lịch đã quên không cập nhật thông tin, khi không biết rằng, “nỗi lo” của ông đã trở nên quá thừa khi đặt bên cạnh một Sơn Đoòng chứa một giá trị rất riêng, cái giá trị độc nhất và duy nhất (lớn nhất, nối liên 150 động khác, hình thành từ 2,5 triệu năm, sâu nhất, dòng sông ngầm trong động dài nhất…). Chính cái giá trị đó đã khiến cho Sơn Đoòng sẽ không rơi vào tình trạng “đắp chiếu” như ông tưởng tượng (ví von), khi mà bản thân hang động này được báo New York Times xếp vào vị trí thứ 8 trong 52 địa danh trong danh sách “Những nơi nên đến năm 2014”. Và việc triển khai thử nghiệm khám phá Sơn Đoòng đã được đăng ký kín chỗ vào năm 2015, mặc dù giá của nó lên đến 3.000 USD/ lượt. Tất nhiên, sẽ chẳng có cáp treo nào ở đây cả. Và tại Quảng Bình, chỉ cần với hai điểm đến “phổ thông” là Phong Nha-Tiên Sơn và Thiên Đường là đủ đáp ứng những gì ông Hà Văn Siêu mong muốn, mà không cần phải “huy động” tới Sơn Đoòng.

Rõ ràng, “nỗi lo” đó dường như không xuất phát từ sự quan tâm đầy đủ đến yếu tố bảo tồn di sản thiên nhiên, mà nó đến từ quan điểm “di sản phải sinh ra lợi nhuận bằng mọi cách” – một suy nghĩ não trạng thường thấy của không ít quan chức nhà nước.

Bên cạnh đó, lời hứa hẹn về việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên của đại diện Sun Group là một lời hứa không đáng tin cậy, khi tập đoàn này có quá nhiều vết chàm trong tiến hành xây dựng các công trình du lịch. Chính nhà đầu tư này, đã biến một vùng núi đồi hoang sơ, se lạnh, một Đà Lạt thứ hai tại miền trung mang tên bà Nà trở thành một ụ pháo đài bê-tông thô thiển và thiếu sức sống. Dự án thi công Resort Intercontinental (Sơn Trà), khiến một diện tích lớn rừng bị tàn phá. Dự án cáp treo Fansipan cũng bị báo giới và những người thích “khám phá” đánh giá là một thảm họa khi điểm du lịch này bị biến thành “khu nghỉ dưỡng cao cấp” gồm khách sạn 4-5 sao, khu vui chơi, mua sắm, sân golf…, khu tâm linh với một ngôi chùa trên núi và bức tượng Phật khổng lồ.” Chưa kể “một vạt rừng và thảm thực vật rộng khoảng 10 mét bị đốn chặt phía dưới đường dây cáp; phần trên của một bề mặt thảm thực vật rộng lớn phải bị phá bỏ để làm trạm dừng, cửa hàng, và lối đi bê-tông”.



“Lợi ích nhóm” từ thế giới đến Việt Nam

Trên thế giới, có những khu vực, vừa là điểm du lịch vừa là khu di sản. Và khi thấy yếu tố xâm hại, chính quyền sở tại thường ban hành những luật lệ nhằm bảo tồn, trong đó có hạn chế số lượng người được viếng thăm/ ngày hoặc nghiêm cấm vĩnh viễn du khách bén mảng tới. Ví như giếng Karst Swallows ở Mehico; nhà nguyện Sistine ở Vatican hạn chế khách; trong khi hang Lechuguilla (Hoa Kỳ), nơi có hệ thạch nhũ đẹp nhất hành tinh chỉ dành cho giới khoa học và người nghiên cứu…

Tuy nhiên, điều đó khó xảy ra ở Việt Nam, khi mà lợi ích nhóm còn chi phối quá lớn, trở thành “điểm ghi nhớ đầu tiên” trong mọi dự án. Nhất là khi, “nhà kinh tế thường đặt lợi nhuận lên hàng đầu chứ không phải lợi ích di sản.” - ông PGS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra.

Chính điều đó đã dẫn đến tư duy “rừng vàng biển bạc” và “đời ta - ta hưởng”, khiến nhiều di sản, danh lam thắng cảnh bị bắt phải “cày ra tiền” trên cái có sẵn, chứ ít có ý thức bảo vệ/ tôn tạo, làm cho đa phần các điểm du lịch bị vắt cạn về tính độc đáo lẫn sự thu hút, dẫn đến sự đổ nát, hoang tàn. Và cũng chính “não trạng” làm du lịch đó, đã khiến cho Huế vừa rồi bị mất “giá trị nổi bật toàn cầu” trong một phiên họp của UNESCO vào tháng 6 vừa rồi, do tính toàn vẹn của Huế bị xâm hại nghiêm trọng.

Chính “lợi ích nhóm” cũng đã biến một Bà Nà sương mù trở thành cụm công trình bê-tông trên cao (dự án cáp cũng là do Sun Group làm chủ đầu tư), một Đà Lạt với rừng thông mơ mộng nay sau bao năm đưa vào khai thác du lịch, kết cục là đã “phá hoại thành công” thành phố sương mù ấy với thác Cam Ly trở thành “sông Tô Lịch” nặng mùi rác thải, đưa Hồ Xuân Hương với độ ô nhiễm đến nỗi cá phơi bụng, Hồ Tuyền Lâm thì bị ô nhiễm tảo lam do nguồn rác dân cư ở thượng nguồn… Ngay như rừng thông – vốn là đặc trưng của Đà Lạt cũng ngày một thu hẹp do bị chặt phá…

Liệu rằng, Sơn Đoòng và dự án 3.000 tỷ có khiến cho cho Quảng Bình mất luôn danh tính đặc hữu Phong Nha – Kẻ Bàng, tính độc nhất vô nhị của Sơn Đoòng, và bị tước hẳn danh hiệu “di sản thiên nhiên thế giới” cũng như những lời khen ngợi của UNESCO đối với “công tác bảo tồn” mà ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình tự hào chia sẻ trong buổi họp báo không?

Chắc chắn có, nếu như quan chức tại Quảng Bình vẫn giữ thái độ chưa biết sợ và chưa nhận thức đầy đủ việc bảo tồn di sản thế giới như hiện nay. Cái “thái độ” dựa trên sự xâm thực về mặt lợi nhuận khiến họ vội vã, lẫn “quyết tâm” thúc đẩy dự án dù ngay từ đầu, dự án này đã vi phạm sự toàn vẹn theo Luật di sản văn hóa (Điều 32.1.a), khi triển khai trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (Trà Áng – cửa sau động Sơn Đoòng).

Cũng xin nói thêm, “lợi ích nhóm” trong các dự án du lịch kiểu như cáp treo Sơn Đoòng với 3.000 tỷ đồng hoàn toàn không mới lạ, khi mà trước đó, một số dự án đầu tư đình đám cũng từng đi vào lằn ranh này. Cụ thể, vào cuối năm 2004, một dự án trị giá 4,9 triệu USD, xây dựng dãy khách sạn rộng 7ha với hai khối nhà khách sạn (100 phòng nghỉ) nằm trên đồi Vọng Cảnh được thông tin. Đến đầu năm 2005 thì được tiến hành động thổ, dự án này gặp sự phản đối rất lớn từ dư luận và những nhà Huế học, bởi nó phá vỡ cảnh quan môi trường phía Tây Nam Huế.

Thế nhưng, cũng như Sơn Đoòng, rất nhiều quan chức lẫn các vị chuyên gia lại cho đây là cơ hội tốt để đẩy mạnh kinh tế của Huế đi lên. Ông Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lúc bấy giờ là Tôn Thất Bá đã lên tiếng ủng hộ bởi dự án vì “tính cần thiết” của nó và bày tỏ: “Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng bảo tồn có nghĩa là giữ nguyên không phát triển”. Hoàn toàn không khác gì so với cách nói của ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, hay quan điểm ví von của ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cả, vì nó dựa trên sự đề cao dự án, trong khi không đánh giá (nhận thức) đầy đủ về các tác động môi trường do dự án gây ra.

Đến năm 2011, một dự án cũng gây nóng diễn đàn truyền thông là dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A trong vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Đồng Nai nằm ở khu vực Bàu Sấu, thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được UNESCO công nhận. Trước đó, dư luận lẫn báo chí từng lên tiếng vì sông Đồng Nai đang bị “cạn nguồn”.

Cái cách mà tập đoàn Đức Long Gia Lai, đơn vị đầu tư xây dựng thuỷ điện cho biết diện tích xây dựng thuỷ điện chỉ lấy đi 200 ha rừng thứ sinh, và “không gây nguy hại cho môi trường”. Thêm nữa, tập đoàn này cam kết, thông qua dự án, sẽ “tạo công ăn việc làm, mở đường giúp phát triển vùng hẻo lánh, giúp người dân phát triển nghề đánh cá trên lòng hồ và một số người dân tại khu vực đã ủng hộ”, cũng không khác gì so với những lời cam kết đầy hoa mỹ của Ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Sun Group – chủ đầu tư dự án cáp treo Sơn Đoòng khi nhấn mạnh: “Dự án có tổng vốn 3.000 tỷ đồng” …“sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn người, đồng thời tạo nguồn thu lớn cho tỉnh. Chúng tôi đầu tư nên hoàn toàn chắc chắn không xâm hại môi trường và di sản”.

Cả hai dự án khởi công, thậm chí được “bật đèn xanh” bởi cấp Chính phủ, nhưng sau đó, với sự đe dọa “rút/ tước danh hiệu Di sản” của UNESCO, cùng với sự lên án của cộng đồng, thì dự án mới đình chỉ lại.

Hiện tại, UNESCO cũng đã lên tiếng, yêu cầu tỉnh Quảng Bình giải trình và trình hồ sơ thiết kế dự án để UNECSO thẩm định. Theo đó, “tổ chức này sẽ đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam có nên hay không nên thực hiện dự án đó”.

Nhưng với cách ông Chủ tịch “than” tỉnh còn nghèo, và Phong Nha – Kẻ Bàng như một viên ngọc để mời gọi đầu tư. Cũng đã cho thấy tính chất “đặt lợi nhuận, tăng ngân sách” là quan điểm ưu tiên của lãnh đạo tỉnh và nó là giá đỡ cho việc đút túi riêng từ hoạt động “bắt tay Sun Group”. Bản thân ông Chủ tịch tỉnh cam kết tham khảo ý kiến bộ ngành T.Ư và UNESCO trong cuộc họp báo ngày 4/11, nhưng đến hết ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho báo giới biết, “vẫn chưa nhận được văn bản UBND tỉnh Quảng Bình”.



Bền vững, lâu dài thay “não trạng ngắn”

Có thể nói, các hoạt động ký tên cứu lấy Sơn Đoòng hiện nay, cũng như những lời phản đối từ các nhà khoa học không phải là những hành vi “cản trở” giới đầu tư tìm đến Quảng Bình, ngăn trở tỉnh này không sài được ngọc mang tên Sơn Đoòng. Mà đó là những tiếng nói “cảnh báo” – dành cho một dự án 3.000 tỷ có quá nhiều bất ổn khi đặt vào trong một không gian nguyên sinh, trong đó có hang động 2.5 triệu năm.

Do đó, làm du lịch với Sơn Đoòng, phải đứng từ việc nhận thức tác động tiêu cực mà nhiều dự án sinh thái từng gặp phải, ngay như Đà Lạt, Bà Nà (Đà Nẵng) là một ví dụ điển hình cho “ý thức làm du lịch” kiểu ăn xổi ở thì đó.

Qua đó, UBND tỉnh Quảng Bình nên tiến hình giữ nguyên hình/ nguyên trạng, và không cho phép bất kỳ dự án đầu tư nào tác động vào nó, ít nhất là loại bỏ hoàn toàn các dự án nằm trong phân khu bảo vệ. Bởi để làm một cáp treo thì chỉ có vài năm, nhưng để hình thành một Sơn Đoòng thì cần đến vài triệu năm. Chưa kể di họa lâu dài về mặt hình ảnh du lịch Việt Nam, qua sự tác động lớn lao của Sơn Đoòng đối với bên ngoài.

Tuy nhiên, vẫn có thể triển khai hoạt động du lịch hạn chế như hiện nay, đó là tiến hành lối khai thác du lịch mạo hiểm, trải nghiệm bên trong thì vì “trên cao”, với giá 3.000 USD, mỗi tour chỉ tối đa 6 người và mỗi năm tổ chức tối đa được cho khoảng 240 người. Điều này hoàn toàn khả thi, tiềm năng, tạo tính phân khúc “cao cấp” cho Sơn Đoòng nhằm loại bỏ yếu tố nguy hại về du lịch đại trà và tác động cáp treo. Bởi như ông Nguyễn Văn Mỹ, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Có thể cáp treo Sơn Đoòng sẽ hút du khách về Quảng Bình đông hơn, nhưng kèm theo đó là vẻ đẹp thiên nhiên của hang Sơn Đoòng sẽ bị ảnh hưởng do tác động của nhiều yếu tố”.

Nếu tự thân UBND tỉnh Quảng Bình không đủ tầm quản lý một di sản, bản thân Việt Nam cảm thấy “cần kinh tế” hơn thì tốt nhất, hãy vì tương lai, thế hệ con cháu mai sau có cơ hội chiêm ngưỡng Sơn Đoòng mà đóng cửa lại. Đừng để con cháu về sau chỉ mường tượng 1 Sơn Đoòng độc nhất, lạ nhất, tuyệt nhất qua sách vở và ký ức của người già, xen lẫn sự nuối tiếc.

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang