Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

12 tháng 3, 2015

ĐI BUÔN THỜI BAO CẤP

Hồi ức Phan Chánh Dưỡng (1): Đi buôn thời bao cấp
Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên thành viên nhóm tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, “thủ lĩnh” của nhóm chuyên gia kinh tế “Thứ Sáu”.
LTS: Ba thập kỷ trước, công cuộc đổi mới tại Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng, với Đại hội 6 của Đảng là bước ngoặt lịch sử. Nhờ cải cách thể chế, sức sống của một nền kinh tế, của cả một xã hội, đã bật dậy mạnh mẽ.

Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên thành viên nhóm tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, “thủ lĩnh” của nhóm “Thứ Sáu” - nhóm chuyên gia kinh tế đã tham gia một cách dũng cảm và hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế, là một trong những người có nhiều trải nghiệm sâu sắc về giai đoạn đáng nhớ ấy.

Ông được đánh giá là người hội đủ phẩm chất cần có của một doanh nhân, tầm nhìn xa và sự quyết đoán của một nhà nghiên cứu kinh tế luôn gắn với thực tiễn, sự điềm tĩnh và kiên nhẫn cùng nỗ lực không ngừng nghỉ với trách nhiệm công dân sâu sắc để có thể vượt qua nhiều nghịch cảnh, đóng góp phần sức lực không nhỏ vào việc hồi sinh vùng đất Nhà Bè, giải bài toán quy hoạch Nam Sài Gòn, hình thành khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng... tại TP.HCM.

Được sự cho phép của tác giả, từ hôm nay, BizLIVE trân trọng gửi đến độc giả những dòng hồi ức của ông - trích từ tập ký “Nước xuôi gió ngược” - về một thời đất nước đổi mới, với những bài học kinh nghiệm cho đến giờ vẫn còn nhiều giá trị.

Kỳ 1: Đi buôn thời bao cấp

Cuối năm 1979, tôi từ giã ngành giáo, chuyển sang làm nhân viên Liên hiệp Hợp tác xã, quận 5 TP.HCM. Vừa lúc đó, anh Ba Hòa (Hồng Tôn Như), nguyên là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận 5, vừa được chuyển qua làm Phó Chủ nhiệm Liên hiệp.

Anh là người được Quận ủy cũng như Thành ủy trọng dụng trong nhiều công tác quan trọng sau ngày 30/4/1975, như cải tạo công thương nghiệp, xây dựng kinh tế mới, tổ chức sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại quận 5... Anh là người được nhiều người kính trọng. Tôi từng làm việc dưới quyền lãnh đạo của anh qua các đợt công tác tại quận. Nhờ thế khi tôi phải rời ngành giáo dục qua Liên hiệp công tác, cũng thấy không đến nỗi hụt hẫng lắm.

Đầu năm 1980, tình trạng kinh tế chung của nước ta là bi đát. Nguyên liệu vật tư, phụ tùng thay thế cho thiết bị máy móc công nghiệp của nền công nghiệp của TP.HCM đã cạn kiệt. Lãnh đạo TP.HCM chỉ thị cho quận 5 tập hợp những nhà tư sản người Hoa để bàn bạc, tìm cách nối lại mối quan hệ với thị trường Hồng Kông và Singapore. Và thông qua mối quan hệ kinh doanh xuất nhập khẩu trước năm 1975, ta có thể xuất khẩu nông sản phẩm và nhập lại nguyên liệu vật tư hàng hóa cung cấp cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố.

Thế là, dưới sự lãnh đạo của anh Ba Hòa, tôi được tham gia cùng một số anh em được gọi là “tư sản nhỏ” có chút kinh nghiệm buôn bán, tổ chức những chuyến đi buôn tìm nguồn hàng xuất khẩu, trong thời kỳ cả nước thực hiện chính sách ngăn sông cấm chợ, tận diệt tư thương đường dài một cách ác liệt nhất.

Những chuyến hàng đầu tiên chủ yếu là hải sản khô có giá trị cao như vi cá, bong bóng cá, mực khô, tôm khô… tiếp theo là các loại hàng thuộc nhóm dược liệu quý như quế, kỳ nam hương, trằm hương, yến sào, sa nhân, ba kích… và sau đó mở rộng ra các loại nông sản như đậu các loại, mè, hạt tiêu, hạt điều…

Số lượng hàng này được tập hợp về Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM, sau đó thống nhất đầu mối chở ra phao số “0” ngoài biển Đông với sự hộ tống của công an và lực lượng biên phòng để trao đổi hàng với các tàu hàng Hồng Kông và Singapore đã hẹn trước đó.

Hàng nhập về chủ yếu là các loại nhựa PE, PP, các loại sợi tổng hợp, vật tư, phụ tùng giao thông như vỏ xe các loại, thiết bị máy móc nhỏ lẻ, các loại hóa chất cho công nghiệp, thuốc tây dược, hàng tiêu dùng như bột ngọt, vải, bột giặt… Những chuyến hàng càng về sau danh mục càng dài ra, phần lớn được đặt hàng từ các xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất thuộc các quận hay từ các xí nghiệp sản xuất thuộc các bộ ngành Trung ương nằm trên địa bàn thành phố.

Một số lượng vật tư, hàng tiêu dùng còn lại thì chuyển đến các tỉnh để trao đổi hàng nông sản, thủy hải sản… Nguồn hàng từ các tỉnh chuyển về thành phố chủ yếu là để xuất khẩu, nên đều phải gia công, phân loại và đóng gói bao bì theo tiêu chuẩn hàng xuất khẩu tại các tổ gia công. Sau đó tồn trữ, chuẩn bị cho những chuyến trao đổi hàng tiếp theo.

Đây có thể xem là những chuyến đi buôn vượt rào tập dượt trước khi thành lập công ty.

Những điều trông thấy

Tôi nhớ một lần, vào đầu năm 1980, nhóm đi mua hàng hải sản khô gồm các anh Lưu Xương, Quan Đức Thắng, Trương Công Vũ, anh Trần Tiêu và tôi xuống tỉnh Minh Hải (Cà Mau), ngồi trên chiếc xe Ford cũ do anh Ba Hòa mượn của Mặt trận quận 5. Trên xe, mọi người nói nói cười cười trêu nhau cho đỡ mệt mỏi vì đường dài.

Ba anh Lưu, Quan, Trương (họ của ba anh) luôn bị anh Tiêu trêu: ba anh làm lễ "kết nghĩa vườn xoài" đi, Nhà nước (chỉ anh Ba Hòa) đã “tam cố thảo lư” nên các anh có dịp lập nghiệp trở lại rồi đấy. Chỉ có điều, anh Lưu nên đổi tên, chữ "Lưu" không nên đi với chữ "Xương" (chết bỏ xương trận mạc). Các anh sau này cũng không nên đi chung, để tránh “lộ tẩy” mánh làm ăn.

Anh Lưu Xương cười ha hả nói, nhờ ơn Nhà nước nên mới có chuyện đi buôn tập thể kiểu này. Anh Quan nói, lời lỗ thì dễ chia, chớ gặp "em út" thì khó chia lắm. Anh Trương Công Vũ lúc nào nghe chuyện cũng lắc lắc cái đầu (tật riêng). Anh Tiêu hỏi, không chịu chia thì thôi chớ mắc gì cứ lắc đầu hoài. Nói lại xem tên anh là “Công Vũ” hay “Công Ngũ”?... Cả đám cười ha hả.

Anh Vũ khi ấy tuổi đã trên 50, nhưng rất phong độ. Anh là người có mối quan hệ làm ăn ở khắp các tỉnh thành miền Nam trước đây. Mỗi lần đến một nơi nào là anh cũng tìm ra một người bạn làm ăn hay một nhân viên nào đó trước đây để thăm dò tình hình làm ăn ở địa phương.

Chuyến đó, chúng tôi đến thị trấn Sông Đốc và thị trấn Năm Căn để thu mua bong bóng cá và tôm khô. Đến Cà Mau vào chiều tối sau gần 10 tiếng trên xe, tìm được một khách sạn, trình giấy đi đường, nhận phòng, tắm rửa xong, tìm nơi ăn cơm. Anh Vũ đề nghị đến chùa Bà (Bà Thiên Hậu) để thắp cây nhang, nhân tiện gần đó có tiệm cơm của người bạn anh quen từ trước.

Cả bọn cùng vào chùa đốt nhang. Rất may, “ông từ” chủ chùa là bạn học của tôi, sau khi hỏi thăm qua loa về bạn bè, được biết nhiều gia đình sau đợt cải tạo đã vượt biên. Khi ấy, việc làm ăn không mấy ai bàn tới nữa. Hệ thống chành, vựa (đầu mối thu mua nông hải sản) bị cải tạo, thương lái không còn, nguồn hàng nhỏ lẻ trong dân không ai thu gom. Hơn nữa, các hệ thống bán buôn từ thành phố xuống tỉnh, thị xã, thị trấn gắn với vô số tiệm “chạp phô” đầu làng, thôn xóm cũng không còn.

Như vậy là, chuỗi lưu thông hàng hoá hai chiều từ thành thị đến nông thôn và ngược lại (hệ thống băng tải gắn nền công nghiệp với nông nghiệp) đã bị tê liệt. Trong khi đó, hệ thống thương mại quốc doanh và hợp tác xã mua bán lại được dựng lên bằng những con người không có nghiệp vụ (không biết mua bán, luôn ở tư thế tâm lý làm quan, ban phát hay chăn dắt dân) nên không thể đãm đang được vai trò hệ thống cung cầu cho nền kinh tế.

Trong buổi cơm, anh Vũ hỏi thêm tình hình mua bán hải sản khô tại Cà Mau và tại thị trấn Sông Đốc, sau đó anh nhờ người bạn thuê cho một chiếc vỏ lãi (ghe gắn máy) để hôm sau chúng tôi làm phương tiện đi Sông Đốc và Năm Căn. Trước khi ra về, anh không quên dúi cho người bạn một cây thuốc lá và dặn dò tìm xem trong đám vựa cá khô trước đây, còn ai còn kinh doanh hay không. Qua bữa cơm, chúng tôi đã nắm bắt được nhiều thông tin và đồng thời giải quyết luôn chuyện phương tiện đi lại.

Hôm sau, vào khoảng trưa, chúng tôi đến thị trấn Sông Đốc, tìm những người quen. Anh Ba Vũ tìm được hai người quen cũ làm nghề bán dụng cụ đánh bắt kèm thu mua cá khô trước năm 1975. Tôi thì gặp lại một bạn học vừa có hai tàu đánh cá (một nhỏ, một lớn), vừa có một tiệm cơm. Qua anh em, được biết, việc ra biển đánh bắt được quản lý nghiệm ngặt. những người có lý lịch “không rõ ràng” khó lên tàu ra khơi.

Bạn tôi vừa bán chiếc tầu đánh cá lớn cho những người tổ chức vượt biên. Nếu chúng tôi mua hải sản khô tại đây thì giá khá rẻ, nhưng sẽ không chở về được, nếu không có giấy phép của ủy ban huyện và quản lý thị trường của tỉnh. Trừ phi mua trực tiếp từ công ty thủy hải sản thuộc sở thuỷ hải sản của tỉnh quản lý, dù giá thì đắt hơn nhiều. Rất may là chúng tôi có giấy giới thiệu của quận 5, nên xin đến làm hợp đồng trao đổi hàng với sở thuỷ hải sản tỉnh.

Buổi chiều, chúng tôi đến gặp lãnh đạo ủy ban nhân dân thị trấn để xin xác nhận và đóng dấu vào giấy đi đường, rất may lại gặp lãnh đạo huyện, anh Trần Văn Thời. Anh từng lên TP.HCM và có đến quận 5 tham quan. Anh rất nhiệt tình giới thiệu đoàn qua làm việc với công ty thủy hải sản trực thuộc sở, đang có xí nghiệp đông lạnh và xí nghiệp chế biến hàng khô tại thị trấn. Anh không quên dặn là tối nay, các đồng chí nhớ trở lại đây, anh em mình “nhậu”.

Chúng tôi hết sức phấn khởi! Anh Lưu Xương nhanh miệng, cám ơn đồng chí, tối chúng tôi chắc chắn đến. Anh Vũ hỏi, ông có tham gia cách mạng ngày nào đâu mà ông xưng "đồng chí"? Anh Tiêu đỡ lời, kỳ này chúng mình theo anh Ba Hoà đi buôn theo chủ trương của thành phố, vậy thì, ai cũng là cán bộ, ai cũng là đồng chí.

Ngày hôm sau chúng tôi đến thị trấn Năm Căn, làm việc với công ty thương nghiệp huyện. Công ty có 8 tấn tôm khô cần bán. Đổi lại, họ cần xăng dầu, vải, lưới cá, bột ngọt, ống nước máy bợm, máy nổ và môt vài mặt hàng tiêu dùng khác. Anh giám đốc tỏ ra khá thành thạo việc mua bán (sau này chúng tôi mới biết anh gốc Hoa, từng có thời gian vừa là thương nhân vừa hoạt động cho cách mạng). Tôi sốt ruột thấy anh Lưu Xương chuyện gì cũng hứa, khách hàng xin mua gì, ông cũng nói có...

Bài học vỡ lòng

Tối đến, tôi hỏi Lưu Xương, có nhiều mặt hàng ta đâu có, mà tại sao anh đều nói có vậy? "Ông thầy giáo ơi, đi buôn mà người ta hỏi mua cái gì ông cũng không có, thì làm ăn gì nữa?".

"Nhưng mình thật không có! Mà sao anh dám nói có? Còn đòi người ta đặt cọc?".

Anh Lưu nói ngay: "Nhận cọc cho chắc. Ta về thành phố thì sẽ đi tìm mua hàng đó bán lại cho họ. Nếu tìm không có thì trả lại tiền cọc. Nhưng phải tìm cho được. Khi bán lại chỉ tính giá vốn cũng được. Như thế là ta giữ được khách hàng. Chúng ta chỉ nên lời những mặt hàng nào ta đang có, là đủ".

Ông tiếp tục dạy tôi thêm: anh biết 3 lần 7 cũng bằng 7 lần 3. Nếu bán cho 3 khách hàng để lời được 21 đồng (lời đậm), so với bán cho 7 khách hàng để lời 21 đồng (lời mỏng), thì nên chọn cách sau, vì ta vẫn được 21 đồng nhưng ta có 7 khách hàng trong tay, hơn là chỉ có 3 khách hàng.

Khi có 7 khách hàng, ta tăng lên 8, lên 9 rất dễ. Còn từ 3 khách hàng mà muốn lên 4 thì khó hơn nhiều. Thậm chí có thể tuột xuống 2, một khi người ta phát hiện có nơi khác bán rẻ hơn. Bí quyết của mua bán là phải mở rộng thị trường, tăng trưởng số lượng khách hàng, thì sự nghiệp kinh doanh mới phát triển bền vững.

"Người Hoa gọi là “bạc lợi đa tiêu, hóa như luân chuyển” nghĩa là lời mỏng để bán được nhiều, hàng hóa ra vào quay vòng nhanh như cái bánh xe quay, biết không ông thầy giáo?".

"Còn nữa, cái ông cán bộ ngồi ngoài kia, đòi "đối lưu" hai cái áo len đó. Anh không hiểu hả, ông ta muốn xin hai chiếc áo lạnh loại tốt cho vợ và con ổng đấy. Nhớ về mà kiếm cho được. Nếu không có áo len thì tìm loại khác tốt cũng được. Cơ hội thuận lợi cho chuyến gặp gỡ kỳ sau đấy!".

Thú thật, gia đình tôi cũng từng có tiệm tạp hóa buôn bán ở đầu xóm phố, tôi cũng đã có 3 năm trong nghề trước khi chạy lên Sài Gòn. Nhưng bí quyết này thật sự chưa biết. Đây quả là phương châm của người kinh doanh bán buôn lớn.

Chiếm lĩnh thị trường là mục tiêu hàng đầu. Vì đây là động lực, cũng là không gian sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp. Khi đã có thị trường ổn định thì nguồn lợi tự nhiên sinh ra.

Đây chính là bài học đầu tiên, bài học vỡ lòng, để tôi từ một người buôn bán nhỏ đầu xóm phố bắt đầu bước vào nghề kinh doanh thật sự...
PHAN CHÁNH DƯỠNG

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang