Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

20 tháng 10, 2012

Bánh mì "tàu ngầm" Sài Gòn nức tiếng thế giới



                                       
                                           Bánh mì Sài Gòn ở TP HCM. Ảnh: Phan Quang  


Không lâu sau khi những con tàu đầu tiên chở bột mì từ "mẫu quốc" Pháp ghé bến Bình Đông, thì người dân Sài Gòn biết đến thứ bánh mì que (baguette) mà người Mỹ còn gọi tiếng lóng là tàu ngầm...
Tàu ngầm đang rất nóng trong dòng thời sự biển Đông. Bánh mì Sài Gòn cũng nức tiếng khắp nơi trong dòng thời sự thế giới.
Tờ Guardian, rồi tờ National Geographic, đã bình chọn bánh mì Sài Gòn vào hàng top trong những loại thức ăn đường phố ngon nhất. Chỉ cần gõ hai chữ "banh mi" là có thể tìm thấy trang web của tờ "The Guardian" này. Bảng bình chọn là do hãng Lonely Planet thực hiện.
Thuở ban đầu nhập cư, nó trở thành "kẻ Việt gốc Pháp", đến bây giờ thế giới chỉ biết đến bánh mì Sài Gòn. Còn tổ tông "French baguette sandwich" (bánh mì que Pháp) lại chẳng mấy tiếng tăm trên đất cờ hoa này.
Có lẽ xứ sở của thức ăn nhanh, nhất là loại thức ăn đường phố, là một yếu tố để giúp cho bánh mì Sài Gòn lấy được "thẻ xanh" nhanh chóng trên đất Mỹ.
Tự điển Anh - Mỹ cũng vội đưa từ "banh mi" vào, sau khi, từ Việt Nam, bánh mì Sài Gòn đã sang định cư ở Mỹ. Wikipedia cũng có mục từ "banh mi".
Khách du lịch đến Việt Nam, nhất là dân du lịch bụi, quen dần với hình ảnh đâu đâu cũng có một xe bánh mì nhỏ gọn.
Xe bánh mì truyền thống thường bao giờ cũng có chiều ngang chừng tám tấc đến một thước, rộng chừng năm - sáu tấc. Nửa trên ba phía là kiếng, trưng nào bánh, nào thịt, nào gia vị để nhận vào ổ bánh. Nửa dưới đóng kín thường có một bếp than.
Bánh lúc nào cũng nóng. Bánh nhận đủ sắc màu ẩm thực quốc tế bên trong. Xíu mại, thịt quay, pâté, xá xíu, lòng heo, lòng bò khìa, phô mai, thịt ba rọi, cá mòi "ba cô gái" của Thái...
Nhiều xe bánh mì trông đơn sơ vậy, nhưng nổi tiếng cả vài chục năm, ngay một góc đường, hoặc trước một căn nhà.
Gần đây, lại có thêm những xe bánh mì ổ gầy và lùn tẹt, vừa nhang nhác người đẹp Triệu Phi Yến thời xưa bên Tàu, lại vừa hao hao cô người mẫu ốm nhách Kate Moss bây giờ, chỉ vừa chỗ để quết pâté. Trên xe luôn luôn có ghi địa chỉ online banhmique.com
Đi đã nhiều xứ, tôi chỉ thấy những xe bán bánh mì này là độc bản của Sài Gòn, thảng hoặc bên Pnom Penh, có vài xe. Ở Thái Lan thì hoàn toàn không có.
                                         
                                             
Chợt đến khi chuỗi bánh mì Tous Les Jours của Hàn Quốc ra đời, với loại bánh que y hệt Sài Gòn, tôi mới nghĩ ở đâu ra. Hàn Quốc không trực tiếp gì đến văn minh Tây, sao Tous Les Jours bên Seoul có bánh mì que. Rồi mấy năm nay sang tìm tương lai ở Sài Gòn?
Vậy là đâm nghi ngờ chắc mấy anh lính củ sâm qua Miền Nam hồi trước 1975, phát hiện được món bánh mì rất Sài Gòn này, một thứ fastfood ra đời sớm hơn cả fastfood Mỹ, bèn bắt chước chăng? Xin hãy cứ tồn nghi như thế cho nó cao trào chủ nghĩa dân tộc.
Bánh mì Sài Gòn phục vụ đủ tầng lớp, giai cấp. Nhiều sinh viên, học trò có bữa meo quá, chỉ mua một ổ bánh mì chan nước xíu mại. Thế là đủ năng lượng cho một buổi sáng.
Thời buổi lạm phát, tôi từng chứng kiến một ông đã ngà ngà say chận xe bánh mì di động rao bằng máy: "Bánh mì Sài Gòn thơm ngon, hai ngàn một ổ." Ông khách say mua một ổ, chàng trai bán bánh mì tính ba ngàn. Thế là xảy ra xô xát, (chửi thề) tại sao rao hai ngàn mà bán ba ngàn? Dạ em chưa có tiền thay cuộn băng...
Nhưng mở băng rao bán bánh mì là văn minh của miệt ngoài. Bên những quận nghèo ở Sài Gòn như quận 4, quận 8, vẫn còn những xe đạp bán bánh mì rao "live", chớ không rao băng, rao nhép như những ca sĩ dzỏm trong các showbiz.
Chừng năm giờ sáng mỗi ngày, đã nghe giọng rao thật ấm của một anh chàng bán rong: "Vừa mới ra lò đây. Ăn nhanh là còn ăn chậm là hết nghen".
Trễ hơn một chút: "Chuyến này là chuyến chót nghen".
Rồi đến tiếng rao già nua, hơi đã mòn mỏi theo tháng năm, hoà với âm thanh cọc cạch từ chiếc xe đạp cũng già nua như chính người bán: "Bánh mì nóng đây".
Rồi tiếng rao nhọn nữ kim của chị chạy xe gắn máy: "Bánh mì nóng giòn!"
Cách đây cả chục năm, bánh mì Như Lan Chợ Cũ - trên đường Hàm Nghi - nổi lên và đẻ ra cái sáng chế nhái bánh của bọn các hãng thức ăn nhanh hamburger Mỹ: bánh mì con cóc.
Ổ bánh mì thay vì que, thì trở thành tròn quay, lại to, mỗi lần cắn miếng bánh thì ruột xì ra tứ phương, đổ vãi tùm lum. Đúng là quái gở của sự "phá chấp" mà thiếu trình độ thâm hiểu về tiện nghi. Cũng may là giờ đây bánh mì con cóc đã tuyệt diệt.
Khổ thay, bọn trẻ bị phương tiện truyền thông làm cho ba cái thứ con cóc hamburger ám vào đầu. KFC đã đi vào ký ức sinh nhật của nhiều đứa trẻ. Bánh mì Sài Gòn đã không được những nhà bảo tồn đưa vào cuộc vận động như một thứ văn hoá cần lưu giữ.
Một ông bạn già mỗi lần ngồi nhậu ở quán Hai Cây Bàng bên quận 4, trước lò bánh mì Vân Đồn, thì cứ thương nhớ đến bánh mì lò than, củi. Đó là ăn một thức mà ngửi được mùi củi, nghe được tiếng củi nổ lép bép, rồi ngửi được mùi bột sống, mùi bánh chín từ lò bánh lan xa.
Ngày xưa, bọn trẻ nào cũng thích bị bệnh. Vì mỗi lần bệnh được hưởng tiêu chuẩn cao hơn. Ở nhà ba má tôi, bệnh là được ăn bánh mì chấm sữa đặc có đường - một loại sữa đang tiếp tục hại bọn trẻ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vì sữa thì không đủ, mà đường thì quá. Nên miếng bánh mì đã len vào kí ức từ hồi thơ ấu.
Lớn lên, đi học, bánh mì nó theo chân mình suốt cả quảng đời học trò. Bọn học trò ngày ấy dùng từ "gặm", "thổi kèn" để định danh cho hành vi ăn bánh mì. Đó là món ăn vừa gọn, vừa nhanh, vừa ngon cỡ nào cũng có.
Sang thì bánh mì gà quay, heo quay, meo thì bánh mì chỉ chan nước xíu mại thôi. Nhất là ổ bánh mì giấu dưới gầm bàn học, thỉnh thoảng gặm một miếng, nó ngon cái ngon ăn vụng phải biết đến cỡ nào.
Hai năm nay, quán La Dorée trên đường Lý Tự Trọng gần ngã ba Lê Anh Xuân - Lý Tự Trọng, lại làm phong phú thêm nỗi nhớ Nga của những người một thời quen với văn minh của nơi từng được vinh danh là "thiên đường của.. bánh mì đen".
Thế đấy, bánh mì Sài Gòn là một tổng hoà của nhiều thứ. Gốc Tây, ruột Tây, Việt, Tàu, Thái. Hương bánh mì Sài Gòn nó còn quyến rũ đến độ ngày xưa dân miền Tây lên Sài Gòn mà không mua mấy ổ đem về cho sắp nhỏ thì xốn xang...
Rồi lò bánh, rồi tiếng rao, rồi người bán rong, rồi xe bánh mì - gọi là xe, nhưng không có bánh, hoặc chỉ có mấy cái bánh nhỏ cho tiện di dời, mỗi khi thấy bóng thanh tra giao thông, hoặc công an đường phố.
Và cũng quên nói thêm, Hà Nội tuy không có những xe bánh mì như Sài Gòn, nhưng có một tiệm bánh Hà Nội ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Sài Gòn bự chảng, coi mòi cũng phát đạt.
Có bánh mì Hà Nội không ta?
Ngữ Yên

2 nhận xét:

Xuyennhac nói...Trả Lời

Có vẻ chú Hưng thích được "gặm" bánh mì hả!!hé...hé.

VietQuoc nói...Trả Lời

Một bài viết rất thú vị về một món ăn đơn giản mà không kém phần hấp dẫn cả khi nghèo túng lẫn lúc rủng rẻng túi tiền.
Trước kia có nghe dân Tây ba lô khen nhiều về món bánh mì kẹp thịt sài gòn, ai ngờ giờ nó đã được nình chọn đàng hoàng và nổi tiếng như thế!
Không biết có ai đăng ký bảo hộ bản quyền ở nước ngoài như hamburger chưa nhỉ?

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang