Tác giả: NGƯỜI NƯỚC HUỆ- tổng hợp từ Internet (theo FB Đức Bảo Phạm)
.Sau khi tôi post entry CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ VIỆC TRUNG QUỐC CHIẾM ĐÓNG CÁC THỰC THỂ ĐỊA LÝ VÀ XÂY ĐẢO NHÂN TẠO TẠI QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA lên FB ngày 12/5/2015, có nhiều bạn thắc mắc sao không post danh sách các đảo/đá/bãi do Việt Nam kiểm soát và quản lý mà chỉ post các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép? Nay xin trả lời:
1. CÁC ĐẢO/ĐÁ/CỒN/BÃI… THUỘC QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA (SPRATLY ARCHIPELAGO/SPRATLY ISLANDS/SPRATLYS) DO VIỆT NAM KIỂM SOÁT:
Đảo Trường Sa lớn (Spratly Island), Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay), Đảo Sơn Ca (Sand Cay), Đảo Nam Yết (Namyit Islands), Đảo Sinh Tồn (Union Bank/Reefs), Đảo Sinh Tồn Đông (Sin Cowe East Island/Grierson Reef), Cồn/Đảo An Bang (Amboyna Cay), Đá Len Đao (Lansdowne Reef), Đá Cô Lin (Collins Reef /Johnson North Reef), Đá Phan Vinh (Pearson Reef ), Đá Đông (East Reef), Đá Lát (Ladd Reef), Đá Tây (West Reef), Đá Núi Le (Cornwallis South Reef), Đá Núi Thị (Petley Reef), Đá Tiên Nữ (Tennent Reef/ Pigeon Reef), Đá Tốc Tan (Alisn Reef), Đá Trường Sa Đông (Central Reef), Đá Thuyền Chài (Barque Canada Reef), Đá Nam (South Reef), Đá Lớn (Discovery Great Reef).
Ngoài ra, Việt Nam còn kiểm soát các thực thể địa lý nằm trên thềm lục địa phía Nam, nằm ở phía tây nam và phía nam quần đảo Trường Sa, gồm: Bãi Phúc Tần (Prince of Wales Bank), Bãi Quế Đường (Grainger Bank), Bãi Phúc Nguyên (Prince Consort Bank), Bãi cạn Tư Chính (Vanguard Bank), Bãi Huyền Trân (Alexandra Bank), Bãi ngầm Ba Kè (Bombay Castle), Bãi Vũng Mây (Rifleman), Bãi Đất (Oriena shoal/Orleana shoal), Bãi Dinh (chưa rõ tên tiếng Anh)…
Trên những bãi ngầm này, Việt Nam lắp đặt các cụm dịch vụ kinh tế – khoa học – kỹ thuật, được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý, gọi tắt là DK1 và DK2. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ – Khoa học kỹ thuật, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là hệ thống DK2. Đây chính là những cột mốc chủ quyền trên biển của Việt Nam thời hiện đại.
2. CÁC ĐÁ/BÃI NGẦM/RẠN SAN HÔ… THUỘC QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA MÀ TRUNG QUỐC ĐANG CHIẾM ĐÓNG TRÁI PHÉP:
– Đá Châu Viên (Cuarteron Reef, Trung Quốc gọi là Huayang Jiao), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef, Trung Quốc gọi là Yonshu Jiao), Đá Ga Ven (Gaven Reef, Trung Quốc gọi là Nanxun Jiao hay Xinan Jiao), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef, Trung Quốc gọi là Chigua Jiao), Đá Vành Khăn (Mischief Reef, Trung Quốc gọi là Meiji Jiao), Đá Xu Bi (Subi Reef, Trung Quốc gọi là Zhubi Jiao), Đá Huy Gơ/Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef, Trung Quốc gọi là Dongmen Jiao), Đá Ba Đầu (Whitson Reef, Trung Quốc gọi là Niuer Jiao), Ðá Ken Nan (Mckennan Reef, Trung Quốc gọi là Ximen Jiao).
Tổng cộng Trung Quốc đã chiếm 9 đá, bãi ngầm trong quần đảo Trường Sa và đang cải tạo thành đảo nhân tạo ở 7/9 đá, bãi ngầm này. Trong đó cải tạo và bồi đắp mạnh nhất là tại các đá, bãi ngầm: Chữ Thập, Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên, Tư Nghĩa…
Ngoài ra, có thể một số vị trí khác như: Đá Én Đất (Eldad Reef), Bãi Trăng Khuyết (Half Moon Shoal), Cồn san hô Jackson (Jackson Atoll/Reef), Bãi Chóp Mao/Bãi cạn Sa Bin (Sabina Shoal) cũng đang thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.
3. CÁC ĐẢO/ĐÁ/BÃI… THUỘC QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA MÀ PHILIPPINES ĐANG KIỂM SOÁT:
Đảo Song Tử Đông (Northeast Cay), Đảo Dừa/Đảo Bến Lạc (West York Island), Đảo Bình Nguyên (Flat Island), Đảo Vĩnh Viễn (Nanshan Island), Rạn đá Thị Tứ (Thitu Reefs), Bãi san hô Loại Ta (Loaita Bank), Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).
4. CÁC ĐÁ/BÃI… THUỘC QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA MÀ MALAYSIA ĐANG KIỂM SOÁT:
Đá Kỳ Vân (Mariveles Reef), Đá Hoa Lau (Swallow Reef), Đá Công Đo (Commodore Reef), Đá Én Ca (Erica Reef), Đá Sác Lốt (Royal Charlotte Reef), Bãi Thám Hiểm (Investigator Shoal), Bãi Kiệu Ngựa (Ardasier Bank).
5. ĐẢO THUỘC QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA MÀ ĐÀI LOAN ĐANG CHIẾM ĐÓNG: Duy nhất Đảo Ba Bình (Itu Aba Island).
(Xem các bản đồ sau để rõ thêm về vị trí và tình trạng quản lý/chiếm đóng các đảo/đá/bãi/cồn… thuộc quần đảo Trường Sa.
Lưu ý: Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) thì chỉ có đảo (island) mới được hưởng quy chế lãnh hải (12 hải lý). Còn các đá, bãi ngầm, cồn/rạn san hô… thì không được hưởng quy chế này.
Vì thế mà Trung Quốc đã và đang tích cực bồi đắp các đá, rạn san hô, bãi ngầm… mà họ đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo, mà theo họ là để phục vụ ngư dân, hậu cần nghề cá, tàu bè vào tránh trú bão… Nhưng thực chất là biến những thực thể này thành những căn cứ quân sự, rồi âm mưu dùng sức mạnh quân sự để áp đặt và sức mạnh kinh tế để mua chuộc các nước thừa nhận đây là các đảo, rồi tiến tới đòi hỏi quy chế lãnh hải cho các đảo nhân tạo này. Đây là âm mưu hiểm độc của Trung Quốc khiến các nước liên quan quan ngại, phản đối và lên án.
————————-
Đọc thêm:

Hoàng Sa, Trường Sa: Thực trạng đóng quân của các nước?

Tác giả: Hồng Chuyên (Infonet)

Nhiều người vẫn băn khoăn về thực trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vị trí chiếm đóng của các bên tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện nay như thế nào?

TS Trần Công Trục trả lời:
1. Đối với quần đảo Hoàng Sa: Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XX (năm 1909), mở đầu là sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp với tư cách là lực lượng được Chính quyền Pháp, đại diện cho nhà nước Việt Nam, giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý quần đảo này.
Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục, họ phải rút luôn số quân đang chiêm đóng ở quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Giơ ne vơ và trong khi chính quyền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa.
Năm 1974, lợi dụng quân đội Việt Nam Cộng hòa đang trên đà sụp đổ, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm phía Tây Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.
Mọi hành động xâm lược bằng vũ lực nói trên của CHND Trung Hoa đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân đội Việt Nam Cộng hòa và đều bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam quản lý phần lãnh thổ niềm Nam Việt Nam theo quy định của Hiệp định Geneve năm 1954, lên tiếng phản đối mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và dư luận.
  Hoàng Sa, Trường Sa: Thực trạng đóng quân của các nước? - Ảnh 1

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

2. Đối với quần đảo Trường Sa:
Quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 134 đảo, bãi đá, bãi ngầm có diện tích từ 160 đến 180 nghìn km2. Nằm ở phía Đông Đông Nam bờ biển Nam Trung Bộ trong giới hạn từ 60 30’ vĩ Bắc đến 120 0’ vĩ Bắc và từ 1110 30’ đến 1170 30’ kinh độ Đông thuộc lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp biển Philippines, phía Nam giáp biển Malaysia, Brunei và Indonesia. Phía Tây là vùng lãnh hải tiếp giáp lãnh hải và tuyến đảo ven bờ của vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Trong hơn 100 đảo, bãi san hô có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Các đảo, bãi đá, bãi ngầm ở đây có dạng hình vành khăn hay elip. Do tác động của điều kiện khí tượng thủy văn nên hình dạng của đảo nổi và các bãi đá ngầm ở đây thường xuyên bị biến dạng. Đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Ba Bình có diện tích 0,6 km2 tiếp theo là các đảo Trường Sa hay Nam Yết diện tích mỗi đảo từ 0,1 đến 0,2 km2.
Trên một số đảo có nước ngầm. Cơ chế hình thành các túi nước ngầm ở đây giống như các đảo ven biển khác, nằm ở độ sâu từ 1,7 đến 2,5m dưới mặt đảo ứng với tầng trên cùng của lớp san hô. Một số đảo lớn như đảo Ba Bình, Trường Sa, Song Tử, Thị Tứ, Đảo Dừa có nước lợ tương đối nhiều thuận tiện cho sinh hoạt.
Khí hậu vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt so với các vùng biển ven bờ, mùa hè mát hơn, mùa đông ấm hơn và có thể chia làm mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa lớn nhất với khoảng 2.575mm, có ngày mưa tới 198 mm, số ngày nắng là 270 ngày.
  Hoàng Sa, Trường Sa: Thực trạng đóng quân của các nước? - Ảnh 2

Trường Sa Lớn, đảo thủ phủ huyện đảo Trường Sa, nơi Việt Nam ngày đêm bảo vệ chủ quyền.

Việt Nam đang thực thi chủ quyền hợp pháp tại 21 điểm đảo. Có thể chia thành thành 2 nhóm đảo, tuyến Bắc Trường Sa và Nam Trường Sa. Các đảo Bắc Trường Sa mà Việt Nam đang canh giữ, thực thi chủ quyền gồm 10 đảo, đá lực lượng sau: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn. Các đảo Phía Nam Trường Sa mà Việt Nam đang bảo vệ gồm 11 đảo, đá sau: Trường Sa,Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh , Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây, Đá Đông, Đá Lát.
Ngoài ra, còn một số đảo bị các bên chiếm đóng bất hợp pháp gồm:
a. Phía Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa từ những năm 30 của thế kỷ trước, mở đầu bằng một công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định “các đảo Nam Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc”.
Năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân quốc xâm chiếm đảo Ba Bình. Năm 1956, quân đội Đài Loan lại tái chiếm đảo Ba Bình.
Năm 1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa huy động lực lượng đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía tây bắc Trường Sa, ra sức xây dựng, nâng cấp, biến các bãi cạn này thành các điểm đóng quân kiên cố, như những pháo đài trên biển.
Năm 1995, CHND Trung Hoa lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, nằm về phía Đông Nam Trường Sa. Hiện nay họ đang sử dụng sức mạnh để bao vây, chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Như vậy, tổng số đảo, đá, bãi cạn mà phía Trung Quốc (kể cả Đài Loan) đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đến nay là 9 vị trí. Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và mở rộng thêm 1 bãi cạn rạn san hô.
b. Philippines: bắt đầu nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bằng sự kiện Tổng thống Quirino tuyên bố rằng quần đảo Trường Sa phải thuộc về Philippines vì nó ở gần Philippines.
Từ năm 1971 đến năm 1973, Philippines đưa quân chiếm đóng 5 đảo; năm 1977-1978, chiếm thêm 2 đảo; năm 1979, công bố Sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11 tháng 6 năm 1979 gộp toàn bộ quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa, vào trong một đơn vị hành chính, gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Philippines. Năm 1980, Philippines chiếm đóng thêm 1 đảo nữa nằm về phía Nam Trường Sa, đó là đảo Công Đo… Đến nay, Philippines đã chiếm đóng 10 vị trí trong quần đảo này, gồm 7 đảo, đá san hô và 3 bãi cạn, rạn san hô.
c. Malaysia: mở đầu bằng sự việc Sứ quán Malaysia ở Sài Gòn, ngày 03 tháng 02 năm 1971, gửi Công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa hỏi rằng quần đảo Trường Sa hiện thời thuộc nước Cộng hòa Morac Songhrati Mead có thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa hay Việt Nam Công hòa có yêu sách đối với quần đảo đó không? Ngày 20 tháng 4 năm 1971, Chính quyền Việt Nam Công hòa trả lời rằng quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, mọi xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo này đều bị coi là vi phạm pháp luật quốc tế.
Tháng 12 năm 1979, Chính phủ Malaysia xuất bản bản đồ gộp vào lãnh thổ Malaysia khu vực phía Nam Trường Sa, bao gồm đảo An Bang và Thuyền Chài đã từng do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.
Năm 1983-1984 Malaysia cho quân chiếm đóng 3 bãi ngầm ở phía Nam Trường Sa là Hoa Lau, Kiệu Ngựa, Kỳ Vân. Đến nay, số điểm đóng quân của Malaysia lên đến 7 điểm nằm ở phía Nam Trường Sa, tất cả đều là những rạn san hô.
d. Brunei : Tuy được coi là một bên tranh chấp liên quan đến khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng trong thực tế Brunei chưa chiếm đóng một vị trí cụ thể nào. Yêu sách của họ là ranh giới vùng biển và thềm lục địa được thể hiện trên bản đồ có phần chồng lấn lên khu vực phía Nam Trường Sa.
————