Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

8 tháng 9, 2014

"Ôm xà nẹo" là ôm mần răng hỉ?

"... nói “sáng say, chiều xỉn, tối xà quần” thì đều chỉ người say rượu ở những mức độ khác nhau (người Kinh gọi là say, người Hoa gọi là xỉn, người Khmer gọi là xà quần)". 
(Lê Xuân Bột, Nét đặc sắc cần lưu giữ của phương ngữ Nam Bộ, nhavantphcm.com.vn)

"...Thật ra xà quần không chỉ đích danh cái sự say. Nó có nghĩa là luẩn quẩn, rối rắm... Ở Nam Bộ có thành ngữ “xà quần xà nẹo” chỉ sự lẫn lộn, rối rắm... Tôi không rành tiếng Khơ-me nhưng tôi nghĩ xà quần có gốc Việt (quẩn) chứ không phải gốc Khơ-me vì người Nam bộ thường dùng xà như một “tiếp đầu ngữ” để thêm sắc thái cho từ tiếp theo như: xà lết, xà nẹo, xà quay, xà quần... Xỉn có gốc từ chữ trình (âm Hán Việt), âm Quảng Đông là xỉn, có nghìa là “say ba ngày mởi tỉnh” (từ điển Từ Hải), đã thành từ Việt chớ không còn của người Hoa, xà quần cũng vậy. Do “sáng say, chiều xỉn” mà thuận miệng nói tiếp “tối xà quần” (đầu óc rối rắm, lẫn lộn của người say) chứ xà quần (quẩn) không có nghĩa là say... ". 
(Trần Thanh Giao, Xà quần - xà nẹo, nhavantphcm.com.vn)

------------------------------------------

Tôi nghĩ, cả hai tác giả này đều đã nhầm.
Theo tôi, "xà" ở đây chẳng hề là "mức độ say xỉn" hay "lẫn lộn, rối rắm" hoặc "quẩn quanh" chi ráo trọi. 
Đơn giản, "Xà" là "Rắn". Còn "quần" là quần thảo, vật nhau, và "nẹo" là từ cổ, chỉ cái sự trên giường, là "make love". 
"Xà quần" nghĩa là rắn "quần" nhau, quấn nhau; "xà nẹo" là rắn make love nhau. 

Tôi đã "google" từ lâu để tìm những giải thích cho phương ngữ nam bộ đặc biệt này, nhưng không tìm đâu được lời giải đáp. Một lần tình cờ đọc được ở đâu đó nhắc đến một từ cổ, từ "nẹo". Chợt liên hệ với một trải nghiệm khi còn bé, hồi mấy mươi năm trước, tôi đột nhiên hiểu ra từ "xà quần, xà nẹo" như vừa nói. 
Lần đó, bọn trẻ con chúng tôi rủ nhau vào hầm cá vồ ở Châu đốc chọc trái me nước, một món khoái khẩu không mất tiền của trẻ con thời ấy. 
Đang mải mê khều khều, móc móc mấy chùm me nước chín đỏ au lơ lửng tít trên cao, bất chợt nghe trong bụi chà gai tiếng rột rẹt khác thường càng lúc càng to. 
Nhìn qua đám bụi rậm, thấy mấy nhánh chà rung rinh dữ dội, tiếng rột rẹt kia cũng phát ra từ đó... 
Tiến lại gần hơn, lũ con nít chúng tôi há hốc mồm vừa sợ, vừa thích thú khi thấy một đôi rắn hổ đất to bằng cùm tay đang quấn xoắn vào nhau, quằn quại, đê mê trong giây phút thăng hoa ân ái (là sau này lớn lên mới nghĩ vậy, chứ lúc đó cứ ngỡ rằng chúng oánh lộn. Hehe...). 

Đó chình là "xà quần, xà nẹo" theo cách hiểu mà tôi tin đến 99% rằng đúng. Thật, không thể có từ nào tượng hình để diễn tả cái sự quấn quýt nam nữ bằng từ "xà nẹo" hay "xà quần" như tôi đã trải nghiệm. 
Tôi tin rằng, bất cứ ai đã từng chứng kiến cảnh đôi rắn quấn xoắn vào nhau từ đầu tới đuôi, quằn quại dữ dội khi làm tình, sẽ đồng ý với tôi. Kể cả hai tác giả ở trang web nhavantphcm mà tôi đã dẫn ở trên. 

Vậy thì "sáng say, chiều xỉn, tối xà quần" chẳng hề là ngày nhậu "quắc cần câu" nên tối "hết thấy đường gắp mồi", hay chỉ là nói cho "thuận miệng". Đó là cách nói "hịch hạc", bổ bã theo cái kiểu phóng khoáng, cách nói "huỵch tẹt" của dân Nam bộ về cái sự "tửu-sắc" liền kề của đệ tử lưu linh mà thôi!

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang