Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

12 tháng 8, 2014

“Dạy con phẩm chất thành công”

Thứ Sáu, Tháng Tám 01st, 2014
Thư gởi bạn xa xôi (8/14)
Buổi nói chuyện với các vị phụ huynh trường Việt – Úc hôm rồi là do Hội quán Các bà mẹ mời, đề tài “Dạy con phẩm chất thành công”.
Đề tài này thì ai cũng biết cả rồi, dĩ nhiên là trên lý thuyết còn để thực hiện thì không dễ chút nào! Nào nghị lực, tự tin, nào tinh thần trách nhiệm, hòa đồng, nào can đảm, nào trung thực, nào kỹ năng sống…! Và, trước hết, sức khỏe. Có lẽ vì thế mà họ mời một bác sĩ… nhi khoa.

Mình nói thành công là phải mang lại hạnh phúc, hạnh phúc cho mình và cho người. Nếu thành công đạt với “bất cứ giá nào” thì có khi nguy! Và quan trọng hơn, cần phát huy trên một nền tảng văn hóa bản địa, như chính trường Việt Úc đã nêu như một tiêu chí.
IMG_7864

Mình “cực lực phản đối” việc bây giờ nhiều trẻ con người Việt, ở giữa đất nước mình mà không biết nói tiếng Việt. Cha mẹ ông bà có vẻ tự hào về điều này mới lạ! Không chỉ vậy, tác phong của một số còn kênh kiệu, ta đây, coi khinh những bạn cùng lứa và khi gặp người lớn thì “Hi!” cái là xong. Về kỹ năng sống cũng vậy, đừng tưởng kỹ năng sống là những chuyện gì cao xa, chính những chuyện nấu cơm quét nhà rửa chén giặt đồ cũng là những “kỹ năng sống” cần thiết cho một đứa trẻ. Công việc nhà nhiều em không được động đến móng tay, mọi việc có mẹ có cha có người giúp việc lo hết! Trẻ chỉ còn mỗi việc chơi game và ăn  fastfood! Cho nên bây giờ có những em đi học ở nước ngoài, không biết làm gì hơn xin mẹ gởi cho mì gói!
Mình nhắc chuyện của Pearl Buck kể một bà mẹ nghèo nuôi con du học thành bác sĩ, lấy vợ đầm, khi vợ chồng về thăm mẹ chê mẹ dơ bẩn, đầy vẻ khinh khi… Dĩ nhiên cũng nhắc chuyện bà mẹ Mạnh Tử phải dời nhà ba lần, từ đó để thấy môi trường rất quan trọng với trẻ. Mình cũng kể chuyện Walter Mishe làm một thí nghiệm thưởng kẹo cho mấy trẻ 4 tuổi để đánh giá IQ và EQ ở trẻ, chứng tỏ rằng IQ cao là chưa đủ để thành công.

Khi nói về sức khỏe, mình nhắc một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Không khỏe thì trẻ không thể học giỏi được. Ăn trước hết. Ăn đủ và ăn đúng. Tránh béo phì. Béo phì chẳng những gây nhiều bệnh mà còn khiến trẻ có mặc cảm với bạn bè, tội nghiệp lắm! Sau ăn là Ngủ. Trẻ phải ngủ đủ vì ở trẻ con kích thích tố tăng trưởng (Growth Hormone) hình thành trong giấc ngủ. Ngủ đủ, như sạc đầy pin, trẻ thông mình hơn, hoạt bát hơn. Bắt trẻ học như điên, học trường, học thêm, học kèm, học ngày học đêm thì dễ tẩu hỏa nhập ma. Ngày càng nhiều học sinh bị stress, bị trầm cảm, tự tử… Sau ăn, ngủ là chuyện vệ sinh cá nhân. Đứng quên chuyện bón, chuyện trĩ ở học sinh. Chọn trường cho con nhớ… tham quan cái toilet! Và cuối cùng, thể dục thể thao.
Chú ý phát triển tâm sinh lý khi trẻ lên 9 lên 10 vì thời nay trẻ dậy thì sớm, do khí hậu trái đất nóng lên, do thực phẩm… quá béo bổ tạo nhiều kích thích tố, do tác động internet, phim ảnh, truyện tranh… đầy sex!
IMG_7851
Phải dạy cho trẻ tính “tự học”, trước hết là phải “mê” đọc sách. Đọc sách tốt như có ông thầy, đọc nhiều sách thì có nhiều ông thầy, mau giỏi lắm! Một phụ huynh hỏi có cách nào giúp trẻ chịu đọc sách không trong thời buổi trẻ chỉ mê internet, TV, di động các thứ ? Thì trước hết người lớn phải làm gương, ông bà cha mẹ có đọc sách thì con cháu mới bắt chước. Rồi phải thường dẫn trẻ đi nhà sách; chịu khó kể chuyện hay trong sách; đọc sách cho bé nghe từ thuở lên ba; nhiều khi phải giấu sách, “cấm” đọc sách này sách nọ, thì trẻ vì tò mò sẽ lén đọc, rồi… mê! Mình kể chuyện hồi nhỏ vì bị cấm đọc mà mỗi lần đi mướn sách cho bà Cô mình đã vừa đi vừa đọc dọc đường hết trơn, nhờ vậy mà “ngốn” hết sách cả tiệm cho mướn sách đó! Sau này, mình cấm mấy đứa con đọc kiếm hiệp, giấu kỹ trong tủ nên tụi nhỏ lén đọc tuốt hết! Nhiều bậc cha mẹ khuyên con đọc sách về giáo dục giới tính vì không tiện nói và không biết cách nói thế nào thì trẻ cương quyết không chịu đọc. Nhưng thử mua vài cuốn như “Bỗng nhiên mà họ lớn” hay “Những câu hỏi của tuổi mới lớn”, “Khi người ta lớn”… của BS ĐHN (quảng cáo!) về đọc trước rồi làm bộ để quên đâu đó trên bàn, hoặc cấm trẻ không được… đụng tới, thế nào trẻ cũng lén đọc!  Ngoài ra, khi bé có người… yêu (bây giờ yêu sớm lắm!) ham đọc sách thì người yêu bảo gì nó cũng nghe. Mọi người cười sảng khoái vì chắc ai nấy cũng đều có kinh nghiệm! Một bà mẹ nói con bà 14 tuổi chỉ chịu đọc Tam Quốc Chí, Hán Sở tranh hùng, Thủy Hử… mà không đọc gì khác. Hỏi nó sao con không đọc mấy chuyện như… thì nó nói đó là chuyện con nít! Tốt, cứ để nó đọc theo sở thích, miễn không phải sách nhảm nhí.
Vậy đó, những buổi trò chuyện, giao lưu của mình toàn “tào lao” như vậy.
Vì bạn đã hỏi thăm thì phải “phúc trình” thôi!
Thân mến,
BS Đỗ Hồng Ngọc

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang