Công bố hàng trăm bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Kỳ 7): Trịnh Công Sơn - Dao Ánh qua hồi ức của Trịnh Vĩnh Trinh
03/04/2011 1:20
Trịnh Vĩnh Trinh là em gái út, cũng là người đưa thư của Trịnh Công Sơn (TCS) đến tận tay Dao Ánh trong một thời gian dài. Chị đã chia sẻ với Báo Thanh Niên về mối tình đẹp này.
>> Kỳ 2: Yêu một người tên hoa hướng dương>> Kỳ 3: Ba trăm bức thư - một cõi đi về...>> Kỳ 4: Huế - một thành phố nhớ>> Kỳ 5: Dù còn phút cuối xin em nụ cười>> Kỳ 6: Những bức thư đầy chất thơ
1. Dao Ánh là em ruột của Ngô Vũ Bích Diễm (người mà nhạc sĩ TCS từng yêu và viết tặng Diễm xưa). Mối tình của anh Sơn với Bích Diễm không sâu nặng như với Dao Ánh. Khi Bích Diễm vào Sài Gòn học đại học, anh Sơn và chị Diễm không còn dịp gặp nhau nhiều nữa, cũng như do trắc trở gì đó không rõ lắm nên hai người đã gần như không có ước hẹn lâu bền. Có dạo Bích Diễm từ Sài Gòn ra Huế nghỉ hè và ghé thăm anh Sơn. Lúc ấy Trinh còn rất nhỏ, khoảng 6-7 tuổi, nhưng vẫn nhớ một chi tiết rất ấn tượng. Đó là một bữa anh Sơn bị ốm, đang nằm dưỡng bệnh trong nhà, bỗng nhiên nghe có mùi thơm của hoa dạ lan tỏa ngát phòng. Anh gắng đứng dậy bước ra và thấy có một bó hoa dạ lan thật lớn đặt sẵn trước cửa, trong hoa có một lá thư của Bích Diễm viết chia tay mình. Anh buồn bã quay vào và sau này khi Trinh đã lớn, anh Sơn nhiều lần kể lại với Trinh về bức thư ấy...
Trịnh Công Sơn có 7 người em - 2 trai: Trịnh Xuân Tịnh, Trịnh Quang Hà và 5 gái: Trịnh Vĩnh Thúy, Trịnh Vĩnh Tâm, Trịnh Vĩnh Ngân, Trịnh Hoàng Diệu và Trịnh Vĩnh Trinh. |
2. Và cũng chính từ khi biết chị mình (Diễm) đã chia tay anh Sơn, Dao Ánh viết thư nhờ Ngân (em gái TCS học cùng trường Đồng Khánh với Dao Ánh) đem về cho TCS, thư nói lên tình cảm thân thương của chị Ánh đối với anh Sơn trước những ngày không vui đang bủa vây anh. Anh Sơn viết thư trả lời. Từ đó anh với chị Ánh thư từ qua lại thường xuyên. Năm ấy, vào 1963, chị Ánh mới 15 tuổi.
3. Chị Ánh là người gốc Bắc, gia đình chuyển vào sống tại Huế từ lâu và ở cách nhà chúng tôi một cây cầu, đó là cầu Phú Cam. Ba của chị Ánh là giáo sư dạy tiếng Pháp. Chị nói giọng Bắc và là người rất kiệm lời. Gia đình chị rất gia giáo, nghiêm khắc, thường dạy dỗ và kiểm soát sinh hoạt của con cái rất chặt chẽ. Vì thế việc “nhận” và “gửi” thư của chị Ánh không thể lộ liễu, thường chỉ gửi vào lúc chạng vạng tối khi bắt đầu học bài. Người đưa thư anh Sơn đến với chị Ánh là Trinh và hai người chị kế của mình. Ba chị em thay phiên nhau “xin” anh Sơn cho được mang thư qua nhà chị Dao Ánh. Như đã nói, nhà chị Ánh chỉ cách nhà mình có cây cầu thôi, nên mỗi khi đưa thư là mấy chị em thay nhau đạp xe đi. Lúc đó vì quá nhỏ nên cả ba chị em còn chưa ngồi đến chiếc yên xe đạp cao hơn mình nữa, mà chỉ… đứng và đạp đi. Hình ảnh đó đến giờ Trinh vẫn không thể nào quên. Nhà chị Ánh trồng rất nhiều hoa dạ lan nên mấy chị em rất thích qua đó để được thấy hoa nở, hoa thơm, đôi lúc được chị Ánh hái đưa cho một vài cành thơm ngát. Mỗi khi tới nơi Trinh thường lấp ló ngoài cổng hoặc núp sau gốc cây một lát. Chị Ánh thì đã quen với khoảng thời gian có người “đưa thư” cuối ngày, khi trời sập tối, nên chị cứ canh giờ ấy là đảo mắt nhìn xem có ai ngoài cửa hay không. Khi biết Trinh hoặc chị Ngân đã tới, thì chị Ánh lẻn ra bằng cửa bên hông để nhận thư và giấu vào người...
Trịnh Công Sơn và em gái út Trịnh Vĩnh Trinh - Ảnh do gia đình TCS cung cấp
|
4. Không chỉ có Trinh mà những ai gặp chị Ánh đều nói chị Ánh đẹp, cao, duyên dáng, sang trọng và tính tình rất dịu dàng. Chị không thích ồn ào, không thích đám đông và sống nội tâm, kín đáo, rất hợp với anh Sơn. Dao Ánh trước đó là bạn của chị Trịnh Vĩnh Thúy, nhưng người thường được Dao Ánh nhờ đưa thư ở trường là Trịnh Vĩnh Ngân (học cùng trường nhưng nhỏ hơn chị Ánh). Cũng như bao cuộc tình khác, khi yêu nhau cả hai cũng có những lúc giận hờn nhau. Song anh Sơn vốn là người hiền lành, từ tốn, nên khi giận cũng hết sức nhẹ nhàng.
5. Về nguyên nhân chia tay, anh Sơn cũng nhiều lần nói với Trinh là anh nhận phần lỗi về mình. Anh nói thời đó anh chưa thể đem lại cho người mình yêu một cuộc sống hôn nhân trọn vẹn, nên anh chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Còn phía chị Dao Ánh không thể chờ lâu được. Theo Trinh thì ai cũng buồn mỗi khi người yêu đi lấy chồng, nhưng nỗi buồn của anh rất lạ và rất nhân từ. Chúng tôi từng nói với nhau không phải vì anh Sơn là anh mình mà mình ca tụng, song rõ ràng anh là một con người đặc biệt, chúng tôi cứ tự hỏi vì sao có một con người nhân từ đến thế, cái gì anh cũng nhẹ nhàng. Ngay cả cách dạy dỗ em út trong nhà, mỗi khi ai đó có lỗi, anh thường bày tỏ ý trách giận bằng cách để thư trên gối của người đó. Mỗi lần thấy thư trên gối là chúng tôi sợ lắm, không cần anh phải la mới sợ. Cái cách mà anh giận cũng rất khác người, mọi thứ nhẹ nhàng. Thời trước chưa có điện thoại di động nên mỗi khi đi đến đâu anh thường lấy điện thoại bàn gọi về nhà và cho biết anh đang ở chỗ ấy cùng với số điện thoại ấy. Sau này chúng tôi cũng học anh cách đó. Anh Sơn tập cho chúng tôi thói quen là làm gì thì làm, nhưng đến buổi trưa mọi người phải quây quần bên nhau để ăn uống, còn chiều tối ai muốn đi đâu cứ đi.
6. Dao Ánh sang Mỹ tiếp tục học và lập gia đình. Chị vẫn giữ liên hệ rất thân thiết với những người trong nhà của chúng tôi. Sau này mỗi khi có dịp dù ở trong nước hay ở ngoài nước, Trinh và chị Ánh vẫn thường đi chơi với nhau vào cuối tuần. Sống ở Mỹ chị làm ngân hàng và có hai người con. Hiện chị đã chia tay chồng. Còn những lá thư chị Ánh trao cho gia đình chúng tôi vào một dịp chị về VN và chị nói với gia đình chúng tôi rằng những lá thư này giờ đã nằm trong tâm tưởng của chị. Chị muốn đưa ra để mọi người cùng biết thêm về anh Sơn thời trẻ, thời yêu thương say đắm dẫn đến sự ra đời của những bản tình ca mượt mà. Mới đây, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh Sơn, gia đình đã mời chị Ánh xuất hiện trước công chúng, nhưng vốn là người không thích có mặt trước đám đông nên chị đã cám ơn và xin khất lại…
Thủ bút Trịnh Công Sơn trong thư gửi Dao Ánh 19.9.1965
|
(Giao Hưởng-Dạ Lý giới thiệu)
(các bạn không có sách thích đọc từ đầu thì vào google tìm nhé)
1 nhận xét:
Chưa đến tháng chạp,mà đã viết sẵn sớ táo quân rồi...
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!