1. Giới thiệu tổng quát
Tìm hiểu về gốc của tên mười hai con giáp là một cơ hội để ta
tìm về cội nguồn tiếng Việt. Tên 12 con giáp là Tý/Tử, Sửu, Dần, Mão/Mẹo,
Thìn/Thần, Tỵ, Ngọ, Mùi/Vị, Thân/Khôi, Dậu, Tuất, Hợi. Thoạt nhìn thì thập nhị
chi trên có vẻ bắt nguồn từ Trung Quốc (hay Trung Hoa, tắt là TH) vì là những từ
Hán Việt (HV).
Khi phân tách các tiếng Việt, và thấy có những khác lạ, hay có một
khuynh hướng tổng quát chung nào đó, thì những dạng này cần được so sánh với
những từ khác với nguồn gốc, không phải là Việt. Thí dụ như trong các từ liên hệ
đến xe hơi chẳng hạn, ta thấy các dạng như pan (xe bị pan), phanh (thắng), láp,
két nước (tử két), đèn pha, máy bơm xăng, ống bơm, xăng, hòn (viên) bi, bị giơ
(lỏng), cái van, dây cáp (điện), dây xên, con vít, sạc điện …v…v... không kể các
từ đa âm khác như bugi, táp-lô, rô-đa, mỏ-lét, rờ-le, bù-loong … So với tiếng
Pháp và tiếng Anh hiện nay (không khác gì nhiều trong vòng trăm năm nay)
Tiếng
Việt Pháp Anh
Pan panne
(bị hư) out of
order
Pha phare
(đèn trước) headlight
Bi bille
(viên đạn) ball
Giơ jeu
(lỏng) loose worn
out
Sạc charge
(thêm điện cho đủ) charge
Van valve valve
Vít vis screw
Két caisse
(tủ, bình chứa) tank
Cáp cable
(dây điện) cable
Xăng essence gas, petrol
Bơm pompe pump
v…v…
Rõ ràng là các từ trên tương ứng với tiếng Pháp rất chặc chẽ so
với tiếng Anh, hay một ngoại ngữ nào khác - người viết dùng tiếng Anh và Pháp để
so sánh vì lịch sử cận đại cho thấy nhiều liên quan giữa nước Pháp, nước Mỹ với
VN. Ngoài ra, kỹ thuật chế tạo, lắp ráp và bảo trì xe hơi (ô tô) là từ các nước
Âu Châu trên.
Nếu mở rộng đề tài ra thì ta có các tiếng Pháp khác nhập vào tiếng
Việt như bót/bốt (đồn cảnh sát), ông cẩm (commissaire), nhà ga (trạm xe lửa),
lô, ký (kilogramme), xạc (sacrer, bị mắng), cuốc (xe cuốc, course, xe đua), cúp
(coupe), cà-lem, kem (crème) ..v..v..
Phần lớn các từ mượn từ tiếng Pháp có phạm
trù giới hạn và thường là thuật ngữ. Cách viết văn (cú pháp) và thành lập chữ
cũng bị ảnh hưởng phần nào qua giao lưu văn hoá với Pháp: như cách dùng bàn
giấy, giết thời gian…
Trong các bài sau, người viết sẽ chú trọng đến sự so
sánh các từ, các biến âm và phạm trù ngữ nghĩa của chúng. Giao lưu văn hoá với
Pháp xẩy ra chỉ gần đây (hai trăm năm trở lại và càng ngày càng ít đi từ thời kỳ
thuộc địa), thành ra các dạng biến âm rất dễ tra ra, cũng như từ phạm trù nghĩa
giới hạn của chúng.
Trở lại với tên 12 con giáp, thời kỳ giao lưu văn hoá với TH
đã xẩy ra rất lâu (ít nhất đã hơn hai ngàn năm, so với hai trăm năm) và từng đợt
chất chồng lên nhau, thêm vào đó là các tài liệu rất mơ hồ và thường hàm ý là
tên 12 con giáp là của TH (một tiền đề không ai dám tranh cãi hay tìm ra ngọn
ngành một cách rõ ràng và khoa học).
Các tài liệu lại thường viết bằng chữ Hán,
thêm vào đó là tiền đề (hầu như là một ‘công lý’ không ai chối cãi đuợc ?) về nguồn gốc
TH hợp với cách viết chủ quan và đầy tự cao dân tộc của một số tác giả TH càng
làm vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa.
Nhìn lại bảng so sánh một số tiếng Việt
trong lãnh vực kỹ thuật (xe hơi) như trên, dù ai có tự ái dân tộc lớn đến đâu
cũng không thể chối cãi quá trình mượn từ tiếng Pháp vào tiếng Việt, thêm vào đó
là các tài liệu sách vở trong vòng hai thế kỷ qua dễ cho chúng ta kiểm lại kết
luận này.
Thực ra, sự vay mượn qua lại là một hiện tượng rất tự nhiên của ngôn
ngữ loài người, chính sự thuần nhất (pure) ngôn ngữ mới là hiếm có hay là ngoại
lệ! Cũng như hiện tượng thuần chủng (pure race) vậy (cũng chính cách nhìn hạn
hẹp từ sự thuần chủng mà đã xẩy ra bao nhiêu tai hoạ như Đức Quốc Xã với giống
Aryen, chính sách White Policy hay "nước Úc cho người da trắng" chẳng hạn…).
Và
cũng chính thái độ ù lỳ không chấp nhận ‘mình vay của người’ mà nhiều sai lầm đã
xẩy ra, ngay cả cho một số công trình nghiên cứu trong quá khứ. Tiếng Nhật và
tiếng Đại Hàn có nhiều từ gốc Hán, tiếng Anh/Pháp cũng đầy các từ gốc La-Tinh,
Hi-Lạp … chẳng nước nào có ‘mặc cảm chữ nghĩa’ đâu!
Với các cảnh giác trên thì
ai là chủ nhân của tên 12 con giáp ?
2. Vài nhận xét sơ khởi về tên 12 con giáp
2.1. Tên 12 con giáp đọc như tiếng HV, theo giọng Bắc Kinh (BK)
và bằng cách ghi theo Phiên Âm (pinyin) là zĭ, chŏu, yín, măo, chén, sì, wǔ,
wèi, shēn, yŏu, xū, hài hoàn toàn không liên hệ đến cách gọi (tên) 12 con thú
trong tiếng TH hiện nay – ngay cả giọng Quảng Đông (QĐ) v.v.. Khi phục hồi âm
TH thời Thượng Cổ (Archaic Chinese) thì vẫn không tương đồng với các cách gọi
tên thú vật thời trước.
Như vậy nếu có một dân tộc nào đó dùng tên 12 con thú
tương tự như tên 12 con giáp thì dân tộc đó phải có liên hệ rất khắn khít với
nguồn gốc tên 12 con giáp này. Cũng như khi so sánh các từ về xe hơi phần trên,
ta có thể đi dến kết luận là tiếng Pháp đã cho tiếng Việt mượn trong thời kỳ
giao lưu văn hoá cận đại (1).
Nhưng người viết không đi sâu thêm nữa để tìm hiểu
các danh từ tiếng Pháp trên có nguồn gốc ở đâu. Xin nhắc lại ở đây là các bài
này viết về nguồn gốc tên 12 con giáp, còn nguồn gốc 12 con giáp ở đâu ra sẽ không
nằm trong phạm vi các phần sau.
2.2. Tại sao TH dùng con thỏ thay cho con mèo (biểu tượng của
chi Mão/Mẹo)?
Xem cách viết chữ miêu (con mèo, giọng BK là māo) bằng bộ trĩ hợp
với miêu (mầm mống, hài thanh) so với thỏ là chữ tượng hình – hay thố HV, giọng
BK là tù viết bằng bộ nhân cho thấy sự quan trọng của thỏ đối với văn hoá TH.
Hầu như chỉ có dân Việt mới dùng mèo cho chi Mão: nguyên âm e hay iê là các
dạng cổ hơn của a như kẻ/giả, vẽ/hoạ, xe/xa, khoe/khoa, hè/hạ, chè/trà,
keo/giao, beo/báo…. Nhờ sự khác biệt này mà ta bắt đầu thấy mối dây liên hệ của
tiếng Việt với 12 con giáp.
Mèo hiện diện trong đời sống dân Việt thường xuyên
hơn. Còn chi Ngọ liên hệ đến ngựa hầu như không cần giải thích nhiều, so với mã
HV (mă BK, giọng BK hiện nay không còn âm ng- nữa mà đã bị môi hoá thành w- và
m-). Các dạng Mão/Mẹo/mèo và Ngọ/ngựa dễ cho ta nhận ra sự liên hệ giữa tên 12
con giáp với tiếng Việt hiện nay.
Thời tiền Hán, tiếng Việt ta không có nhiều
thanh điệu (tone) như bây giờ, nên sự khác biệt về thanh điệu không có gì lạ.
Như trong khẩu ngữ ta, ta có cách dùng “chờ một tý” cũng như “chờ một chút”, “đưa
chút tiền” cũng như “đưa tý tiền”… vào thời tiền Hán, các câu trên đọc như
giọng Huế hay người Hòn bây giờ (ít thanh điệu hơn so với giọng Hà Nội) thì ta
thấy ngay chút hay *chụt/chuột chính là các dạng của tý vậy. Biến âm t-ch (phụ
âm đầu) của tý/tử HV -chuột còn thấy qua các liên hệ như ty/tư HV là chủ,
tỷ-chia, tứ-cho, từ-chữ, tự-chùa, tỷ-chị, tựu-chầu (tụ lại), tốt-chết, từ-chợ,
thị-chợ, thố-chua, thù-chuốc, thục-chuộc, thúc-chú….
Thành ra, ta có sơ khởi là
ba chi Mão/Mẹo, Ngọ và Tý có liên hệ với mèo, ngựa và chuột trong tiếng Việt
hiện đại. Các phần sau sẽ phân tách chi tiết hơn về sự tương quan giữa tên các
chi và các tên thú vật trong tiếng Việt.
2.3. Nếu quả thật tên 12 con giáp TH bắt nguồn từ tiếng Việt
(Cổ), thì kết quả này còn phù hợp với các kết quả trước đây như:
- Triết gia Kim
Định đã cố gắng chứng minh văn hoá TH xuất phát từ văn hoá Việt (SàiGòn vào thập
niên 1970, như cuốn “Việt Lý Tố Nguyên”),
- Tác giả Nguyễn Hoài Nhân bên Pháp vào
thập niên 1980, như trong các bộ “VietNam en image” ghi nhận các bằng chứng về
khảo cổ và ngôn ngữ để đi đến kết luận: người Việt Cổ là người cho, người TH là
người nhận,
- Tác giả Lê Mạnh Thát qua cuốn “Lịch Sử Âm Nhạc Việt Nam - từ thời
Hùng Vương đến thời kỳ Lý Nam Đế” đưa ra các dữ kiện chứng tỏ rằng Việt Ca (Lưu
Hướng ghi lại trong Thuyết Uyển) có nguồn gốc Việt Nam (VN),
- Tác giả Nguyễn
Thiếu Dũng cũng bắt đầu đặt lại vấn đề nguồn gốc Kinh Dịch (từ tộc Việt) trong
những năm gần đây … Cho thấy chiều vay mượn là từ phương Nam vào thời thượng cổ,
chứ không phải là từ Bắc xuống Nam (cũng như các nước chung quanh) vào các đời
Hán, Đường lúc văn hoá TH cực thịnh.
Tuy nhiên, không tác giả nào đề cập đến
nguồn gốc tên 12 con giáp, và rất ít dùng cấu trúc của chữ Hán, Hán Cổ cùng các
biến âm trong cách lý giải.
Để thấy rõ hơn các liên hệ của tên thú vật và tàn tích trong
tiếng Hán Cổ, chúng ta hãy xem một số từ chỉ con vật thông thường như cóc, voi…
và cấu trúc của tiếng Hán cho thấy tàn tích của tiếng Việt mà đã từ từ mất đi
trong ngôn ngữ TH hiện nay.
Hi vọng từ đó khi tập trung nhìn vào các tương quan
của tên 12 con giáp, thì các liên hệ sẽ được rõ ràng hơn, nhất là qua sự so sánh
các ngôn ngữ láng giềng với tiếng TH, HV, tiếng Việt.
2.4. Muốn tìm hiểu ngọn ngành trên phương diện so sánh các ngôn
ngữ, ngày nay ta không đến nỗi phải đi tới những nơi xa xôi (du học) nữa, nhất
là về đề tài 12 con giáp. Các tài liệu thông tin, mạng Internet, sách vở được ấn
hành nhiều hơn và cởi mở hơn. Thêm vào đó là chánh phủ địa phương có vẻ như càng
ngày càng mở mang và thành thật hơn, không độc đoán và che dấu hay ‘bóp méo’ các
dữ kiện khảo cổ, ngôn ngữ như xưa.
Cách đây hơn 50 năm, Phan Khôi - một nhà
nghiên cứu văn hoá VN rất nhiệt thành – đã phải lên tiếng “… người VN chúng ta
về sau phải sang TH ở lâu mà nghiên cứu, may ra tìm được các dấu vết tương quan
của dân tộc ta với dân tộc TH từ đời thượng cổ…” (trang 34, “Việt Ngữ nghiên
cứu” Phan Khôi, bài viết năm 1954, in lại – NXB Đà Nẵng, 1997).
Đương nhiên là
các kết quả của so sánh ngôn ngữ phải phù hợp với những kết quả từ ngành khảo
cổ, lịch sử và di truyền (DNA)… để tăng mức độ chính xác.
3. Tiếng Việt và tiếng Hán Cổ (hay tiếng Hán và tiếng Việt
Cổ)
3.1. Cóc là loài vật vừa ở trên cạn vừa ở dưới nước (gọi là
amphibian) hiện diện trong các ngôn ngữ Đông Nam Á như:
- ku-óc, cóc (tiếng Mường),
- ka kọc (Nùng),
- róc (Lào: lụt róc, kăn kắk, khăn khắk: cóc),
- khàng khók (Thái),
- king kuok (Khme),
- a-rok (Chàm),
- kok, kokke, khog (Mundari, Birhor, Hor…ngữ hệ
Munda),
- cơưk (Hmong) v.v..
Trong vốn từ TH hiên nay, còn một chữ rất hiếm là
cúc HV, viết bằng bộ trùng, hợp với chữ cúc hài thanh (HT, cúc nghĩa là nắm, túm)
- giọng BK bây giờ là jú, qú.
Để chỉ con cóc, tiếng TH có các từ:
- thiềm HV (chán,
zhān BK) viết bằng bộ trùng (cũng có nghĩa là bóng đen trên mặt trăng, tiếng
ghép HV thiềm thừ là con cóc);
- thừ HV (shú, chú, yú BK) viết bằng bộ trùng hợp
với chữ dư HT;
- ma HV (má, mò BK viết bằng bộ trùng, còn là một loại ếch);
- Ba/pha/bì HV (bŏ, pí BK viết bằng bộ trùng hợp với chữ bì HT - từ này ít dùng
với tần số dùng là 10 trên 365.398.752 cho thấy một cách phân biệt cóc và nhái qua
lớp da sần)…Trái cóc có vỏ như da cóc…
Theo người viết thì cóc (2) có thể là một
từ tượng thanh (con cóc có tiếng kêu đặc biệt ‘cọc… cọc”) với âm yết hầu k-, và
do đó một số ngôn ngữ khác không liên hệ gì đến tiếng Việt hay Nam Á như ngôn
ngữ của Easter Island ở Nam Thái Bình Dương cũng gọi cóc là kok, tiếng Inđônesia
là kodok, katak, tiếng Kơho là kit trô…
3.2. Voi là một từ đáng chú ý: có nhiều cách viết chữ Nôm, như:
- Bộ khuyển hợp với chữ vi HV (hài thanh, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị/ĐNQATV),
- Bộ khuyển
hợp với chữ bôi (cái chén, HT cho thấy liên hệ b-v),
- Bộ khuyển hợp vớI chữ bút…
Các chữ voi này rất xa lạ với người TH.
Tiếng TH hiện nay có tượng HV, giọng
BK bây giờ là xiàng, giọng QĐ jeung (6) liên hệ đến giống tiếng Việt, viết bằng bộ
nhân hợp với chữ tượng HT. Chữ tượng có cách viết cổ giống như hình con voi, nhưng lại dựng đứng lên để theo chiều từ trên xuống dưới và để tiết kiệm diện
tích viết chữ.
Tượng còn dùng để chỉ bức tượng trong tiếng Việt so với tiếng TH
bây giờ phải dùng các từ ghép như diāoxiàng BK (điêu tượng, tượng được khắc),
sùxiàng (tố tượng, tượng được nặn hay đắp thành). Ông hay bà quản tượng là người
coi (kiểm soát) voi hay là mahout, là tiếng Ấn Độ/Hindi, mahaut gốc tiếng Phạn là
mahamatrah.
Con tượng còn là con voi trong bàn cờ tướng. Một điểm đáng chú ý là
chỉ có voi là loài vật khác trong các loại lợn được viết bằng bộ thỉ (con lợn)
thứ 152.
Dự là từ HV đã từng có nghĩa là con voi (chữ này viết bằng bộ thỉ,
thật ra là chữ dư hợp với chữ tượng) hiện thời có các nghĩa như vui vẻ (nghĩa
bây giờ hơi khác hơn và thiên về an nhàn), thoải mái, du ngoạn (hàm ý vui vẻ),
do dự, dự bị, một trong chín châu (Cửu Châu) của TH thời xưa (bao gồm tỉnh Hà
nam, do đó Dự cũng là tên cổ của Hà Nam) (3), gạt gẫm… và rất ít tự điển ghi nhận
nghĩa cổ của dự là voi (4).
Theo người viết, vui là âm cổ cũng như một dạng khác là
voi. Liên hệ u-o (vui-voi) còn thấy trong các cách dùng tương đương như
tùng-tòng (thông), chùm-chòm, vũ-võ, trụi-trọi, dung-dong, phù-phò, hụi-hội,
tui-tôi, thúi-thối…
Do đó, ta có cơ sở giải thích liên hệ dự-vui-voi.
Voi từ chữ
dự (có chữ tượng) hợp lý hơn là từ chữ vi (bộ trảo) theo Vương Lực (xem phụ chú
4).
Các dữ kiện hỗ trợ cho liên hệ dự-vui còn thấy qua các chữ HV như:
- Du (yú BK,
viết bằng bộ sước) có nghĩa là đi chơi, vui vẻ;
- Du HV (yú BK viết bằng bộ tâm)
có nghĩa là yên vui…
Các cách viết khác nhau để ghi lại âm ‘vui’ cho thấy lý
luận dự-vui thêm phần chính xác (nhớ rằng chữ viết có sau tiếng nói).
3.3. Vụ HV viết bằng bộ điểu, giọng BK bây giờ là wù, mù, giọng
QĐ mou6, muk6, Hẹ mu6, vu6… nghĩa là một loài vịt. Chữ này không thông dụng
trong vốn từ TH hiện đại với tần số dùng là 105 trên 368.707.021 so với các chữ
khác như áp HV (yā BK), nga HV (é BK, ngo4 QĐ – ngan, ngỗng là các dạng cổ),
nhạn HV (yàn BK, ngaan6 QĐ)…
Theo Thuyết Văn (TV), chữ ngan đồng nghĩa với
nhạn. Biến âm u-i của vụ-vịt không thường gặp, nhưng còn tàn tích trong các cách
dùng bút-viết, thụ-chịu, nhu-diệu, đinh-chuồn… Để ý phụ âm tắt – t ở sau nguyên
âm thường mất đi trong giọng BK (phương Bắc) nhưng vẫn còn duy trì trong tiếng
Việt, giọng QĐ, Hẹ…
3.4. Đinh viết bằng bộ trùng với chữ đinh HT, giọng BK bây giờ
là dīng, chēng, chéng, ding1, cing1 QĐ, Hẹ den1 …có nghĩa là con chuồn chuồn.
Chữ này rất ít dùng với tần số dùng là 14 trên 430.747.376. So với các chữ khác
thường gặp trong vốn từ TH hiện nay như tinh HV (dīng, tīng BK), đình HV hay
tinh đình, linh HV (líng BK viết bằng bộ trùng hợp với chữ linh/lệnh HT, để ý
linh HV viết bằng bộ kim hợp với chữ linh/lệnh là chuông)…
Nếu ta để ý biến âm
đ-tl/tr-ch (xem bài viết riêng về biến âm này cùng tác giả) như độn-trốn-chuồn,
đồn/đốn-truân-chiên, đồn-trôn, điền-trần, đục-trọc, đoàn-tròn,
động-trọng-chuộng, đồng-tròng (con ngươi), đản-trần … thì có thể giải
thích được liên hệ đinh -*chuôn (biến âm i-u nói ở phần 3.3), hay dạng chuồn
(thanh huyền có thể do ảnh hưởng của phụ âm mũi –n). Tiếng Mường cũng có dạng
chuồn chuồn, tiếng Zhuang là chi-chuồn.
Như vậy thì tiếng Việt vẫn còn tàn tích trong tiếng TH, tuy
nhiên các cách dùng từ ‘phương Nam’ từ từ mất dần đi (5), có thể là do các tiếng
phương Bắc thay vào (giai cấp thống trị), hoặc không hợp với hệ thống âm điệu
của Hán tộc hay sự cố tình bôi xoá (?).
Tóm tắt bài này là trong tiếng TH có những từ Việt (Cổ) nhưng
rất ít dùng, tuy nhiên trường hợp của tên 12 con giáp rất đặc biệt: được dùng
trong việc ghi lại thời gian, không gian, bói toán, cúng kiếng… rất phổ thông
trong văn hoá và tín ngưỡng dân gian, chúng gắn liền với lịch sử tư tưởng của TH
và VN, đóng một vai trò quan trọng trong văn hoá dân tộc. Do đó, chúng là những
từ hoá thạch (fossilised) gắn bó với câu ca dao
‘Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ
trơ’
4. Phụ chú
(1) Bảng so sánh trên cho thấy liên hệ giữa tiếng Pháp và Anh
như sạc tiếng Pháp và tiếng Anh giống y như nhau, gốc tiếng Pháp Cổ (Old French)
là chargier (chất đồ lên, tải), liên hệ đến tiếng La Tinh carrus (chiếc xe) do
đó ta có các dạng tiếng Anh như car/xe, carry/chở, chariot/xe… và nếu truy tầm
thêm nguồn gốc các chữ trên thì sẽ thấy nhiều tương quan của nhóm (dòng, ngữ hệ)
La Mã, họ Ấn Âu (Indo-European) phản ánh qua lịch sử và quá trình phát triển văn
hoá của Hi Lạp, Ý, Pháp v.v... Điều này ra ngoài mục đích của bảng so sánh cốt
là cho thấy các tiếng mượn từ tiếng Pháp mà thôi.
(2) Tác giả Lê Gia trong “Tiếng Nói Nôm Na” (NXB Văn Nghệ Thành
Phố HCM, 1999) thì giải thích cóc là từ hốc, cốc mà ra “loài vật dơ dáy, bẩn
thỉu, tối ngày ngồi trong hang trong hốc” (trang 1451).
(3) Tỉnh Hà Nam vẫn còn một số hoạt động như cỡi voi cho du
khách.
(4) Theo tác giả Nguyễn Văn Tu trong “Từ và vốn từ - tiếng Việt
hiện đại” (NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội 1976) thì voi có nguồn
gốc là chữ vi “…theo sự nghiên cứu của ngành Cổ Văn Tự, vi là chữ tượng. Theo
tiếng Việt thiên đọc là vi còn tượng đọc là voi…” (trang 266) - trích dẫn từ kết
luận của nhà ngữ học TH Vương Lực trong các cuốn “Hán Việt Ngữ nghiên cứu” và
“Hán ngữ sử luận văn tập” (khoảng 1958).
Sau gần 3 thập niên, tác giả Lê Đình
Khẩn cũng lặp lại điều này trong cuốn “Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt” (NXB
Đại Học Quốc Gia Thành Phố HCM, 2002), tuy nhiên tác giả có bàn thêm là thời
thượng cổ “…không chắc là âm đọc theo chữ nào trong hai chữ đồng nghĩa ấy …”
(trang 59).
Khi tra cách viết và khắc của chữ vi (Cổ Văn) ta thấy hình hai con
khỉ trên hình con voi tuy hình vẽ không rõ ràng lắm, theo ‘Tại Tuyến Hán Điển’
trên mạng Internet, và ‘Chinese Characters’ của L. Wieger - cả hai tài liệu này
đều ghi vi là ‘khỉ cái’. Để ý cách đọc vi HV là wèi BK, Hẹ wui3, wuị, wi3, wi5…
Còn theo Từ Nguyên thì nghĩa cổ nhất của dự là “tượng chi đại giả - kiến Thuyết
Văn” .
Voi giữ một địa vị đặc biệt trong lịch sử VN: nào là chuyện bà Triệu cỡi
voi chống ngoại xâm, nào là những khi được triều cống cho TH, nào là các hình
phạt cho voi xé xác, voi giày… và hiện diện trong ca dao thành ngữ như “khoẻ
như voi”, “muỗi đốt chân voi”, “chỉ buộc chân voi”, “được voi đòi tiên”, “trăm
voi không được bát nước xáo”, ”có con gái lớn trong nhà như cỡi đầu voi dữ”,
“trời sinh voi trời sinh cỏ”… trong khi hiếm lắm ta mới thấy vài thành ngữ có voi
trong văn hoá TH như “tượng trợ ngọc bôi” (đũa bằng ngà voi và chén bằng ngọc,
chỉ cuộc sống giàu sang) hay “tượng xỉ phần thân” (voi chết chỉ vì muốn lấy ngà,
của cải đem đến nguy hiểm)
(5) Khuynh hướng mất dần các vết tích của ngôn ngữ phương Nam
(thời Bách Việt về sau) đồng thời với khuynh hướng bành trướng của lãnh thổ TH
và các đợt di dân cùng pha trộn với dân bản địa trên lưu vực sông Hồng.
Các vết
tích của tiếng Việt như voi, vịt, cóc, chuồn chuồn…trong tiếng TH chứng tỏ phần
nào nhận định tổng quát này.
Tác giả: Nguyễn Cung Thông
nguồn: khoahoc.net
0 nhận xét:
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!