Chuyện phiếm của Gã Siêu
Cách đây không lâu, một anh bạn
từ bên Mỹ, chẳng biết sưu tầm được ở đâu, đã gửi cho gã một mẩu chuyện, đọc
xong gã chẳng biết nên cười hay nên khóc. Mẩu chuyện ấy như thế này :
Lần đầu tiên mới tới Hà Nội, tôi không khỏi bỡ ngỡ
khi tìm nhà của một người bạn, hiện làm trưởng một khu phố văn hóa.
Thấy có mấy đứa trẻ đang nô đùa ngoài đầu ngõ, tôi
hỏi :
- Này các cháu, các cháu có biết nhà ông trưởng khu
phố văn hóa này ở đâu hay không ?
Một đứa bé trai, khoảng trên dưới mười tuổi, ngước
nhìn tôi bằng ánh mắt xấc láo và ranh mãnh, rồi đáp gọn lỏn :
- Biết nhưng…đéo chỉ.
Tôi lắc đầu, tiếp tục đi sâu vào con hẻm văn hóa.
Gặp một thanh niên, tôi liền hỏi:
- Anh ơi, anh có biết nhà ông trưởng khu phố văn hóa
này ở chỗ nào hay không?
Gã trẻ tuổi chẳng thèm nhòm ngó gì đến tôi và trả
lời cộc lốc :
- Đéo biết.
Miết rồi cũng tìm thấy nhà ông trưởng khu phố văn
hóa. Khi gặp ông, tôi kể lại chuyện này cho ông ta nghe với lời than thở :
- Anh ạ, các bậc cha mẹ ở đây không dạy dỗ con em
hay sao mà để chúng nó ăn nói với những người khách lạ một cách thô bỉ và tục
tĩu đến thế hả anh ?
Chẳng cần suy nghĩ, ông trưởng khu phố văn hóa đã
thuận miệng trả lời tôi ngay:
- Có dạy đấy chứ, nhưng chúng nó…đéo nghe.
Lúc ấy người con gái của ông bạn tôi, hiện là một cô
giáo dạy môn văn, vừa từ nhà trường trở về và tôi liền đem câu chuyện ấy ra mà
kể.
Thay vì trả lời trực tiếp cho tôi, cô giáo xin phép
thuật lại một sự việc như sau :
Hôm ấy, cháu
giảng bài văn, có đoạn trình bày thành tích anh hùng và dũng cảm của
nhân dân ta đã đánh gục giặc Tây, đã đánh nhào giặc Mỹ…Cuối cùng, cháu kêu một
em trai lớn nhất lớp và bảo :
- Em hãy định nghĩa xem hai chữ “dũng cảm là gì ?”
Nó đứng lên, suy nghĩ một lúc rồi đáp gọn lỏn :
- Thưa cô, nghĩa là…đéo sợ ạ.
Sau đó, trong cuộc tiếp xúc với ông bộ trưởng giáo
dục và đào tạo, cháu liền đem câu chuyện thằng bé học trò đã cắt nghĩa hai chữ
“dũng cảm” là…”đéo sợ” cho ông ta nghe.
Nghe xong, ông bộ trưởng tỏ vẻ đăm chiêu, ra điều
suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng, ông nghiêm nghị nhìn tôi, rồi gật gù như một
triết gia uyên bác vừa mới khám phá ra một chân lý cao siêu, ông ta chậm rãi đáp :
- Ừ, nó cắt nghĩa như thế thì cũng…đéo sai.
Nghe vậy, tôi chua chát nghĩ thầm trong bụng rằng :
- Giáo dục và đào tạo theo kiểu này thì đất nước
mình…đéo khá lên được.
Gã nghĩ rằng mẩu chuyện trên
đây chỉ là một giai thoại được “phệu ra” với một chủ đích…châm chích chọc nào
đó mà thôi. Nhưng câu chuyện dưới đây lại là một câu chuyện có thật “một chăm
phần chăm”, do một cha già khả kính đã kể cho gã nghe.
Vào buổi sáng ngày lễ Giáng sinh, cha già đạp xe từ
nhà thờ xứ tới nhà thờ họ lẻ để ban lễ vào lúc tám giờ. Cũng trong khoảng thời
gian ấy, có hai vợ chồng nhà kia chẳng hiểu lục đục với nhau vì lý do gì, đã
chửi bới nhau một cách thậm tệ.
Thế nhưng, đang lúc hăng say dọn cho nhau xơi những
thứ cao lương mỹ vị, chị vợ nhác thấy bóng cha già sắp đi qua bèn đề nghị…đình
chiến. Chị nói :
- Thôi, không cãi nhau nữa, cha đấy.
Anh chồng còn đang hậm hực và tức tối, từ trong nhà
chõ mõm ra ngoài ngõ và quát lớn:
- Cha thì ông cũng…đéo sợ.
Ngay lúc đó, vị cha già khả kính của gã đạp xe ngang
qua và đã nghe thấy “nguyên văn” câu nói ấy.
Như vậy, chẳng phải chỉ có
người Hà Nội mới chửi, mà người Saigon cũng chửi. Chẳng phải chỉ có người miền
Bắc mới chửi, mà người miền Nam cũng chửi. Chẳng phải chỉ có đờn ông mới chửi,
mà đờn bà cũng chửi. Ngôn ngữ chửi là ngôn ngữ chung của mọi người, ở mọi nơi
và trong mọi lúc, từ đông sang tây cũng như từ cổ chí kim.
Và gần đây, gã thấy hiện tượng
này xem ra đã bùng nổ mãnh liệt và liên tục phát triển nơi giới…nữ sinh. Cứ
nhìn những cặp môi ngây thơ và xinh đẹp ấy phát ngôn một cách bừa bãi, tuôn ra
rông rổng những lời chửi bới cộc cằn. Chẳng khác gì các bà hàng cá, hàng tôm,
hàng thịt… Dường như đối với các em mới nhớn này phải biết chửi mới là dân chơi
thứ thiệc, chính hiệu con nai vàng ngơ ngác.
Tình cờ đi qua một đám nữ sinh
đang chu mỏ lại bình loạn về lão nọ, lão kia. Nhưng những lão ấy là ai thế ? Gã
xin thưa những lão ấy có khi là cha mẹ của họ, có khi là thầy dạy của họ và
cũng có khi là…bồ bịch của họ nữa.
Nghe được những lời bình loạn
này, hẳn nhiều người sẽ phải sởn gai ốc, nổi da gà và phát sốt phát rét lên ấy
chứ. Nếu có sống lại, Đức Khổng Tử cũng phải thở dài thườn thượt, rồi sau đó
lăn đùng ra mà chết, miệng vẫn còn nói những lời sau cùng như muốn cảnh báo :
- Hỉ ôi! Hỉ ôi! Hậu sinh khả…ố. Tứ đức công dung
ngôn hạnh của ta biến sạch đằng nào cả rồi ?
Như trên gã đã xác quyết bằng
cả hai tay lẫn hai chân rằng :
- Ngôn ngữ chửi là ngôn ngữ
chung của mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Thực vậy, đã là người thì ai
cũng có tình cảm. Và theo sự phân tích của người xưa, thì có bảy thứ tình cảm
chi phối toàn bộ đời sống con người và được gọi là thất tình.
Vì vậy, gã xin cả tiếng lại dài
hơi thanh minh thanh nga rằng : thất
tình ở đây chẳng phải là mất đi tình yêu để rồi phát buồn phát sầu mà đi lang
thang như người cõi trên. Trái lại, thất tình là bảy thứ tình cảm chất chứa
trong lòng con người, đại khái như sau :
Thứ nhất hỉ là mừng.
Thứ hai nộ là giận.
Thứ ba ai là buồn.
Thứ tư cụ là sợ.
Thứ năm ái là yêu.
Thứ sáu ố là ghét.
Thứ bảy dục là muốn.
Kinh nghiệm cho thấy khi cái sự
“nộ” tức là cái sự giận nổi lên đùng đùng, nó sẽ ám vào lục phủ ngũ tạng khiến
cho đương sự như bị tẩu hỏa nhập ma, mặt đỏ tía tai và thế nào miệng cũng phát
ra những lời chửi bới độc địa.
Vậy thế nào là chửi ?
Theo gã nghĩ chửi là biểu lộ sự
nóng giận của mình bằng những lời lẽ thô lỗ, xúc phạm tới ông bà cha mẹ người
ta, gán cho người ta những tên xấu xa của súc vật, hay cho người ta ăn những
của lạ…Như vậy, sự chửi bới thường đi đôi với những lời nói tục tĩu.
Gã không phải là một nhà ngôn
ngữ học, nhưng xem ra cách chửi của dân An-nam-ta vừa trầm lại vừa bổng, vừa
đậm đà lại vừa ý vị, ăn đứt những dân tộc khác trên trái đất này.
Nếu coi việc chửi bới là như
một chứng bệnh, thì gã có thể phân chia thành hai loại.
Loại thứ nhất là chửi mãn tính.
Chửi mãn tính là thứ chửi
thường xuyên. Người mắc phải chứng bệnh này, hễ mở mồm ra là phải chửi. Họ chửi
một cách tự nhiên. Họ chửi một cách vô tư, không tội vạ chi sốt. Nếu không chửi
thì xem ra họ sẽ bị nhạt miệng hay bị ngứa ngáy khó chịu.
Bất cứ câu nói nào của họ cũng
phải được đệm theo một thứ tiếng lạ, như tiếng Đức hoặc tiếng Congo... Tất cả
tạo thành một thứ hợp âm cho ngôn từ của họ được tròn trịa, được hài hòa và cân đối.
Hồi còn bé sống trong nội trú,
tên nào chửi tục mà bị thầy giám thị vớ được, sẽ bị trừ điểm kỷ luật và chiều
thứ năm, thay vì được đi “bát phố”, thì sẽ phải ở nhà để làm công tác. Vì thế,
những tên “ghiền” chửi tục, đã bịa ra những từ nhẹ nhàng và thanh tao hơn để mà
chửi, cho dù bản chất vẫn là thô tục.
Chẳng hạn như từ “điếu” :
- Ông điếu sợ…
Chẳng hạn như từ “bè mẹ” :
- Bè mẹ nó chứ, ông đánh cho vỡ
mỏ ra bây giờ.
Thanh thử, đám trẻ cứ thoải mái
qua mặt thầy giám thị cái vù, mà chẳng hề hấn chi.
Gã có một anh bạn mắc phải
chứng bệnh này một cách “thâm niên quân vụ”. Là miền người Bắc, nhưng vì sống
lâu năm với đám học trò nhỏ người miền Nam, nên tiếng đệm của anh ta cũng bị
pha trộn.
Hầu như lúc nào trên môi miệng
anh ta cũng vang lên điệp khúc “đủ mẻ”. Vì thế, gã đã phong cho anh ta cái hỗn
danh là “ông thầy Đủ Mẻ”.
Ngày kia, anh ta đang lái xe
phom phom đi trên đường phố, nhưng có lẽ vì lơ đãng hay sao ấy, anh ta đã va
quẹt vào chiếc xe của một cô gái. Thế là nhanh như chớp, anh ta xuống xe, khoa
chân múa tay mà chửi :
- Đủ mẻ, lái thế mà coi được à.
Bộ đui bộ mù hay sao ?
Tội nghiệp cho cô gái, hai mắt
rưng rưng như muốn khóc, lên tiếng năn nỉ ỉ ôi với anh ta:
- Thôi mà chú. Tội nghiệp cháu.
Chú đừng chửi nữa. Cháu sợ lắm. Hết bao nhiêu cháu xin đền ạ.
Về tới nhà, gã bèn hỏi anh ta :
- Sao lúc đó ông hung hăng con
bọ xít đến thế ?
Anh ta điềm nhiên trả lời :
- Đủ mẻ nó chứ, hễ đụng xe
là phải chửi liền tù tì. Bắn chậm thì chết thế nào, thì chửi chậm cũng
chết như vậy. Đó là quy luật của muôn đời, mày phải nhớ cho kỹ, rồi đem ra mà áp dụng mỗi khi…hữu
sự nghe con.
Đặc biệt nhất là khi tâm hồn
anh ta sảng khoái và ngồi vào bàn nhậu. Anh ta đã từng phát biểu thật hách xì
xằng :
- Đã không “dzô”thì thôi, “dzô”
thì là một chăm phầm chăm. Đủ mẻ thế mới đã!
Thậm chí anh ta còn cao hứng
nghêu ngao hát :
Đâu có tình yêu thương, ở đó uống rượu thật nhiều.
Đâu có tình bác ái, ở đó uống rượu không say.
Đâu ý hiệp tâm đầu, ở đó uống chăm phần chăm.
Còn rất nhiều những sự việc hay
ho hấp dẫn về “ông thầy Đủ Mẻ” này, nhưng gã xin khép lại ở đây để tiếp tục bàn
về chứng bệnh chửi.
Loại thứ hai là chửi cấp tính.
Chửi cấp tính là thứ chửi đột
xuất, khi tự ái bị chạm mạch và sự nóng giận bốc lên đầu, khiến người ta chửi
thành từng câu hay thành từng bài với ý đồ thâm hiểm nhằm hạ nhục đối phương,
làm cho đối phương phải te tua nát nước.
Tùy theo tính tình của từng
người mà cơn bệnh cấp tính này mang những âm độ khác nhau.
Trước hết, đối với với những kẻ
nhát gan, không đủ can đảm biểu lộ sự bực tức ra bên ngoài, bèn nuốt giận mà
chửi lén hay chửi thầm.
Chửi lén là chửi sau lưng, là
chửi lúc người ta vắng mặt. Họ giống như hội đồng nhà chuột. Căm thù trước sự
dã man của mấy lão mèo, dòng họ nhà chuột đã họp hội đồng và trong cuộc đại hội
này, từ tên chuột cống đến tên chuột nhắt, tất cả đều to mồm chửi bới mấy lão
mèo. Thế nhưng khi mấy lão mèo xuất hiện, thì họ hàng nhà chuột đều mạnh
ai nấy trốn, bỏ của chạy lấy người. Giá
như có một tí trí khôn để suy nghĩ, thì không thiếu những tên chuột khom lưng
quì gối mà nịnh bợ mấy lão mèo.
Còn chửi thầm là chửi âm ỉ
trong cõi lòng của mình mà không phát thành tiếng thành lời, bản lãnh lắm thì
cũng chỉ lẩm bẩm nơi cửa miệng mà thôi. Nhiều khi cơn giận làm cho thâm gan tím
ruột, mà bản mặt thì vẫn cứ phải tươi cười, cho dù cái cười có quay quắt và héo
hắt.
Tiếp đến, đối với những kẻ bạo
phổi thì sự bực tức được phát tiết ra bên ngoài, nhất là nơi miệng lưỡi bằng
những lời lẽ cộc cằn và thô lỗ. Đồng thời, tùy theo đối tượng được nhắm tới, gã
có thể chia loại chửi này thành hai kiểu.
Kiểu thứ nhất là chửi trực
diện, hay nói theo ngôn ngữ tin học, thì đó là chửi trực tuyến, nghĩa là chửi
thẳng vào mặt đối phương, chẳng cần phải nể nang, chẳng cần phải rào trước đón sau.
Những “lời hay và ý đẹp” cũng như những món “cao lương mỹ vị” cứ tuôn ra ào ào,
khiến cho đối phương bị tối tăm mặt mũi chẳng biết đâu mà đỡ. Nếu không có nội
lực thâm sâu, thì chắc chắn sẽ bị…sụm bà chè mất thôi. Kiểu chửi này được bàn
dân thiên hạ gọi chửi tưới hột sen, chửi
như tát nước.
Kiểu thứ hai là chửi gián tiếp.
Ta cứ gào to giữa làng và giữa xóm, giữa đường và giữa phố, để cho ai có tật
thì phải giật mình. Ta cứ rút dây cho rừng phải động. Ta cứ nổ sấm bên đông
cho động tới bên tây. Ta cứ nói đấy để
cho đây phải chạnh lòng. Vì thế, kiểu chửi này được bàn dân thiên hạ gọi là
chửi đổng, chửi khống, chửi lông bông, chửi xiên chửi xéo…
Một đứa bé học trò nghịch ngợm
trong lớp, bị ông thầy đánh cho ba roi. Trong khi ông thầy quất cái roi xuống,
đứa bé theo phản xạ tự nhiên bèn đưa tay ra đỡ. Chẳng may cái roi dụng phải cái
móng tay đứa bé và làm cho nó chảy máu.
Đứa bé nước mắt lưng tròng chạy
về nhà kể lể và tả oán với bố nó. Ông bố cáu tiết bèn làm một màn chửi đổng.
Ông ta vừa chạy dọc theo con đường duy nhất trong làng, vừa quát tháo ầm ĩ :
- Tiên sư bố nó. Nó không đẻ, nó không đau, nó dám
đánh con người ta như thế kia à. Tiên sư bố nó…Tiên sư bố nó…
Gã có thể quả quyết được rằng
việc chửi đổng hay chửi xiên chửi xéo nơi một số quí bà quí cô đã đạt tới trình
độ nghệ thuật với chất lượng cao, nếu không muốn nói là tuyệt vời và trên cả
tuyệt vời nữa.
Họ chửi có cung có điệu và có
trầm có bổng. Họ chửi thành câu thành cú và thành bài thành bổn. Lời họ chửi
chẳng khác chi một bài thơ, có bằng có trắc và có vần có vế. Tiếng họ chửi khi
thì dồn dập như thác lũ, khi thì nỉ non ai oán như tiếng người vợ nức nở tiễn
đưa người chồng vào nơi chín suối.
Trời bắt đầu nhá nhem. Bà hàng
xóm ném một nắm thóc xuống khoảng sân đất và lên tiếng gọi :
- Chắt, chắt, chắt…
Bầy gà lục tục kéo nhau về, mổ
những hạt thóc cuối cùng trong ngày trước khi lên chuồng.
Bà hàng xóm đếm đi đếm lại mà
sao vẫn thiếu một anh gà trống choai. Rồi bà đếm lại đếm đi mà sao vẫn cứ
thiếu. Và thế là bà ra đứng trước ngõ, mắt long lên còng cọc, cất cao giọng the
thé mà chửi một bài cả thể.
Nhân vật được bà ưu ái nhắm tới
thuộc vào hàng vô ngã, “impersonnel”, nên lời chửi của bà cũng vu vơ và bâng
quơ. Tuy vu vơ và bâng quơ, nhưng lại nhằm trực tiếp tới một thằng cha nào đó
đã cả gan dám ăn cắp gà của bà.
Tiếng chửi của bà nhờ gió
chuyển tới các gia đình trong khu xóm :
Cha tiên sư ông cụ,
ông kỵ bảy đời nhà nó.
Nó chẳng bỏ công
nuôi,
mà lại muốn ăn không của bà.
Thì đây bà cho nó ăn….
Tới chỗ này thì xin cho gã tự
đục bỏ và cắt xén, không dám viết thêm nữa vì sợ sẽ làm cho kẻ thanh sạch mất
lòng khiết tịnh. Chỉ biết rằng anh gà trống choai của bà hàng xóm sáng hôm sau
đã xuất hiện thật sớm trên khoảng sân đất. Anh ta vỗ cánh đùm đụp, rồi cất
giọng ồ ề mà gáy. Có lẽ đêm hôm qua anh ta đã đi tán tỉnh, hay đi mừng sinh
nhật của một chị gà mái tơ nào đó chăng ?
Về việc chửi bới cũng như về
nhiều việc khác nữa, đôi khi đã xảy ra một nghịch lý đáng buồn trong phạm vi
gia đình.
Thực vậy, cha mẹ nào cũng muốn
dạy bảo con cái mình phải nghiêm túc trong lời nói, tránh đi những lời nói nóng
nảy, cộc cằn và tục tĩu. Thế nhưng, chính những bậc làm cha làm mẹ ấy lại luôn
có những lời nói nóng nảy, cộc cằn và tục tĩu ấy trên môi trên miệng của mình.
Một ông bố đã căn dặn con mình
như sau :
- Mày nhớ nhé, không được nói tục nghe con. Mày mà
nói tục, ông cha sở nghe thấy, thì ông ấy sẽ xẻo lưỡi mày đấy. Đủ mẻ mày đã
nghe rõ chưa ?
Cũng thế, một bà mẹ luôn nhắc
nhở đứa con gái cưng của mình phải thành thật. Thế nhưng, khi có người đến đòi
nợ, bà đã trốn kỹ dưới bếp và sai đứa con gái ra nói người khách bất đắc dĩ ấy
rằng bà đi vắng.
Đứa con gái mở cổng và rất ngây
thơ nói với người khách :
- Thưa bác, má cháu bảo cháu ra nói với bác rằng má
cháu không có nhà.
Cũng thế, buổi sáng nghe chuông
nhà thờ vang lên, ông bố cuộn mình trong chăn, vội lên tiếng giục giã con cái :
- Nào, thức dậy, đi đái, lấy nước, súc miệng, đánh
răng, rửa mặt, đi lễ.
Trong khi con cái uể oải thực
thi những mệnh lệnh kể trên, thì ông bố vẫn cứ nằm ngủ nướng…nướng đến độ cháy
khê cháy khét.
Thảo nào, khi người ta hỏi
một cậu bé rằng :
- Em muốn gì ?
Cậu bé không ngần ngại trả lời
:
- Em muốn làm người lớn.
Người ta hỏi tiếp :
- Tại sao lại thế ?
Cậu bé nhoẻn một nụ cười đầy bí
mật và nói :
- Để được chửi tục, nói dối và nằm ngủ nướng mà
không bị la mắng!
Cha mẹ nói một đàng nhưng lại
làm quàng một nẻo, thành thử trống đánh xuôi kèn thổi ngược, những lời dạy bảo
của họ không đủ sức thuyết phục con cái.
Phương thế giáo dục đạt hiệu
quả cao nhất, đó chính là gương sáng của cha mẹ, bởi vì chỉ gương sáng của cha
mẹ mới là một bài giảng hùng hồn hấp dẫn được con cái mà thôi, chả thế mà người
xưa đã bảo :
Lời nói như gió lung lay, việc làm như tay lôi kéo.
Để kết luận, gã nhớ lại lời
người xưa đã khuyên :
Hãy ngoáy lưỡi bảy lần trước khi nói.
Có nghĩa là phải thận trọng đắn
đo trước khi nói, để tránh đi những lời chửi bới và tục tĩu, trái lại hãy có
những lời ôn tồn và thành thực để tạo được một bàu khí hòa thuận cũng như bắc
được một nhịp cầu cảm thông, vì :
Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa
lòng nhau.
Hơn thế nữa, kinh nghiệm cũng
cho thấy :
Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình.
Hay như người Pháp cũng đã bảo
:
Khi chửi bới thì chính chúng ta lại là người đầu
tiên phải nghe những lời tục tĩu ấy.
Hơn thế nữa, lòng đầy thì mới
tràn ra ngoài. Căn cứ vào lời nói mà thiên hạ có thể đánh giá được con người
chúng ta. Nếu lời nói của chúng ta cộc cằn và thô lỗ, thì con người chúng ta
cũng cộc cằn và thô lỗ như vậy. Trái lại :
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe.
Gã Siêu
--
ST
2 nhận xét:
"Chửi" là bức bình phong của thất tình lục dục, hay nói khác hơn là 1 dạng
bệnh thiểu năng không thể biểu cảm, cũng có thể định nghĩa như " xì trum" của xứ sở " xì trum"
Xem cái này để biết
"Người Việt xấu xí"
như thế nào:
http://www.mediafire.com/?uwjol8d2oehhaq6
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!