Lê Vĩnh Trương
(Một bài viết rất hay về thái độ ứng xử của Việt Nam trước những cuộc gây hấn liên tiếp của gã khổng lồ tham lam Trung quốc trong thời gian gần đây.
Xin lỗi các bạn, nếu như có ai đó không thích chủ đề này, nhưng tôi nghĩ, là một người Việt nam chân chính thì có lẽ chẳng ai thờ ơ với tình hình đang sôi động trong những ngày qua, nên đã mạnh dạn đưa lên blog một số bài viết về chủ đề này để các bạn tham khảo. Rất cảm ơn, nếu các bạn bỏ qua cho!
Nếu bạn nào quan tâm, xin vào ngayxua forum xem loạt bài "Biển Đông dậy sóng" tôi vừa up lên xong!)
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Một bài viết rất hay về thái độ ứng xử của Việt Nam trước những cuộc gây hấn liên tiếp của gã khổng lồ tham lam Trung quốc trong thời gian gần đây.
Xin lỗi các bạn, nếu như có ai đó không thích chủ đề này, nhưng tôi nghĩ, là một người Việt nam chân chính thì có lẽ chẳng ai thờ ơ với tình hình đang sôi động trong những ngày qua, nên đã mạnh dạn đưa lên blog một số bài viết về chủ đề này để các bạn tham khảo. Rất cảm ơn, nếu các bạn bỏ qua cho!
Nếu bạn nào quan tâm, xin vào ngayxua forum xem loạt bài "Biển Đông dậy sóng" tôi vừa up lên xong!)
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Từ các cuộc chiến lớn của nhân loại, các nhà sử học, địa chính trị và cả tâm lý học đã nghiên cứu nhiều về động thái của những quốc gia và cá nhân liên quan để tìm cách hóa giải các cuộc chiến từ trong mầm mống. Đó cũng là phần nào nhiệm vụ bảo vệ hòa bình cho nhân loại hiện nay.
Trong các thủ thuật ứng xử được sử dụng, các nhà nghiên cứu như Susan L. Carruthers[1], Joseph Nye[2] có đề cập nhiều đến chính sách nhân nhượng –appeasement- bao gồm những nhượng bộ đối với một bên theo đuổi sự trả đũa –revanchist (hoặc đối với một quốc gia nào đó quá ham muốn lãnh thổ) với hy vọng rằng đáp ứng những yêu cầu nhỏ sẽ giảm đi sự thèm muốn của quốc gia bành trướng.[3]
Chủ nghĩa quốc xã không hề che giấu tham vọng về lãnh thổ. Theo cuốn Mein Kampf, các kế hoạch bành trướng lãnh thổ và kỳ thị chủng tộc của Hitler là rõ ràng. Vậy thì tại sao các chính phủ Pháp và Anh đã không làm gì nhiều để dừng tay Hitler ? Tại sao Hitler được phép tái võ trang vùng Rhineland, sát nhập Áo và xâm lược Tiệp Khắc trước khi quân Đồng Minh đối đầu với cuộc phiêu lưu của y vào Balan năm 1939? Tóm lại tại sao Hitler lại được nhượng bộ nhiều một cách khó lý giải đến thế?
Nhân nhượng và nỗ lực ngăn cản chiến tranh cận đại
Chính sách nhân nhượng mà các cường quốc Châu Âu theo đuổi trong gần hết những năm 30 thế kỷ 20 đã thu hút chú ý của học giới và vẫn còn đó như một nguồn tư liệu cho các nhà làm chính sách suy gẫm. Thế hệ các sử gia hậu chiến tiếp sau đó đã khá nghiêm khắc với các chính trị gia theo chính sách nhượng bộ: Thủ Tướng Anh Chamberlain và các đồng cấp người Pháp của ông đã được gọi là “bọn tội phạm Munich” ( Guilty Men of Munich). Nhượng bộ Hitler một cách lộ liễu, các nhà lãnh đạo Pháp và Anh đã đơn thuần vỗ béo y, và làm cho “Fuehrer”[4] càng tin rằng y có thể xâm phạm táo tợn hơn đối với Hiệp ước Versailles 1919.
Một số các sử gia thì có ý kiến khác hơn về các chính trị gia nói trên. Dĩ nhiên giới quan sát không đánh giá thấp tầm quan trọng của các khủng hoảng quốc tế và nội địa mà các nhà nước ấy đã phải đương đầu vào những năm 1930. Những cuộc vi phạm chủ quyền Trung Hoa từ phía Nhật Bản cũng là một mối lo mạn Viễn Đông. Những sự kiện tại châu Á do vậy đã tạo vỏ bọc thuận tiện cho Hitler rút ra khỏi hiệp ước giải trừ quân bị Geneva, ra khỏi Hội Quốc Liên năm 1933 và tái võ trang nước Đức. Đức cũng hưởng lợi từ việc Ý xâm lược Abyssinia (Ethiopia ngày nay) và vẫn còn chưa mặn mà liên kết với đồng minh sau này là Mussolini trong suốt cuộc chiến kéo theo sau đó, dẫu Mussolini đã tuyên bố thành lập Trục Rome Berlin tháng 11 năm 1936.... Đúng hơn là Hitler đã gởi một ít quân đến Abyssinia, chính xác là để kiềm hãm cuộc chiến, nhằm cho phép Đức có thể xé dần hiệp ước Versailes cho tả tơi hơn. Trong khi đó thì Anh và Pháp vẫn đang chú tâm đến Đông Bắc Phi. Khi Hội Quốc Liên vẫn còn lúng túng liệu có nên cấm vận Ý về việc Abyssinia thì nổ ra nội chiến Tây Ban Nha. Các vết nứt gãy về ý thức hệ tại châu Âu đã quá hiển nhiên.
Nhà đương cục Anh và Pháp khi ấy đối diện với kịch bản phải chiến đấu trên ba mặt trận là Thái Bình Dương với Nhật, Địa Trung Hải với Ý và Trung Âu với Đức. Cả Anh và Pháp đều không chuẩn bị kỹ cho tình trạng này. Cũng vậy trong khoảng các năm 1930 thì phần lớn công dân Anh Pháp đều không muốn ra trận để chận đứng hay thủ thắng trong một cuộc chiến. Bởi đang có những vấn đề nội bộ phải giải quyết như thất nghiệp và nghèo đói do Đại Khủng Hoảng gây ra. Hơn nữa ký ức về Chiến tranh thế giới lần thứ nhất vẫn còn ảnh hưởng và do vậy các nhà chính trị - những người hiểu rõ công chúng họ đang phục vụ, cảm thấy phải cẩn thận nếu phải xuất quân để giải quyết các vấn đề quốc tế. Vì thế, một số sử gia đánh giá chính sách nhân nhượng là chính đáng để có thể kéo dài thêm thời gian[5]. Chính sách ấy giúp cho Anh và Pháp có thể chuẩn bị lực lượng võ trang, dân vận để khi phải đương đầu với Đức về quân sự thì chí ít cũng cầm chân y.
Nhưng cách diễn giải này về chính sách nhân nhượng bị lên án ở chỗ cho rằng người nhân nhượng sẽ hưởng lợi về lâu về dài với không gian sinh tồn rộng nhằm đương đầu Hitler hiệu quả hơn. Trong khi thực sự những người nhân nhượng Anh Pháp ngày ấy lại đã sai lầm khi nghĩ rằng nếu Hitler được đằng chân thì y sẽ không lân đằng đầu. Chamberlain không chỉ cho rằng Đức có những quan ngại chính đáng (!) mà còn nhìn nhận Hitler như những chính trị gia bình thường khác! Thủ tướng Anh do vậy nghĩ rằng các dị biệt của chính giới châu Âu có thể được san bằng nhờ hòa giải và đàm phán vì tất cả các bên cơ bản là cần hòa bình. Việc đánh giá thấp về ý định của chủ nghĩa Quốc xã cuối cùng đã cho phép Hitler tung ra hàng loạt những cuộc tấn công, phá nát Hiệp ước Versailles một cách vô tội vạ. Y tái chiếm Rhineland vào 1936 và đáng ngạc nhiên là Pháp hầu như không phản ứng gì. Y cổ vũ cho các phong trào quốc xã ở Áo và gây sức ép để Thủ tướng Áo Schuschnigg đưa người của đảng Quốc xã vào nội các. Tháng ba năm 1938, y đem quân đến biên giới Áo sáp nhập Đức Áo thành Anschluss. Kế tiếp là Tiệp khắc. Tại đây Hitler đã chỉnh cái thiệt mà Đức đã mắc phải vào 1919: ba triệu rưỡi người Đức thuộc Sudetenland đã cho sát nhập vào nước Tiệp. Tại thời điểm ấy, lãnh đạo Anh Pháp đều đã được cảnh báo rõ ràng về diễn biến này song họ lại tiếp tục nhượng bộ Hitler và đỉnh điểm của chính sách nhân nhượng này là Hiệp ước Munich ô nhục tháng chin năm 1938. Tại Munich, các Thủ tướng Anh và Pháp đã đồng ý cho Đức chiếm đóng Sudetenland nhưng đưa ra một bảo đảm (với Đức và Ý) về các đường biên giới của nước Tiệp còn lại. Thậm chí Hitler còn hứa với Chamberlain là hai nước sẽ không đụng chạm gì đến nhau.
Sự việc xảy ra sau đó hoàn toàn khác. Vào tháng ba 1939, Đức xâm lược phần còn lại của Tiệp khắc, và thế là Anh và Pháp chỉ còn biết lờ đi những gì đã cam kết tại Munich, khi đó Chamberlain đã quyết vài tháng trước rằng Czechslovakia là không thể tự vệ. Tuy vậy khi cuộc chiếm đóng Trung Âu của Đức làm mọi người bừng tỉnh thì các cường quốc Tây Âu lại đưa ra hàng loạt các bảo đảm đối với các nước còn chưa bị xâm chiếm tại Đông Âu và Balkan. Vì đâu có động thái này? Có vẻ như nhân nhượng đã không còn giá trị gì nữa khi mà tham vọng của Hitler đã vượt xa những thứ Hitler cho là mất mát Đức vốn gánh chịu từ 1919. Tiến công Prague, Hitler đã bộc lộ tham vọng lãnh thổ của y không chỉ là nhằm vào đất đai Germanic nữa. Thế thì làm sao nhóm Chamberlain lại có thể cho rằng y sẽ thỏa mãn với Tiệp khắc? Ba Lan và Pháp đã trong tầm ngắm nguy hiểm của chủ nghĩa bành trướng Đức. Lo ngại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của chính họ và nếm vị đắng sai lầm của nhân nhượng và một trật tự quốc tế mới bất lợi, Anh và Pháp quyết định tuyên chiến với Đức vào tháng chin năm 1939.
Hitler thủ lợi từ sự nhân nhượng của Anh Pháp với Đức, và y khôn ngoan ký kết hiệp ước bất tương xâm với Stalin vào tháng tám năm 1939 dù vẫn kêu gọi chống Bolshevik. Sự hòa hoãn này của Hitler ở mặt trận phía Đông kéo dài đến tháng 6 năm 1941 khi y tấn công Liên Xô dù chưa thủ thắng các cuộc không và hải chiến với Anh. Cuộc mở rộng chiến tranh này là do y tin sẽ đánh bại Stalin mau chóng để nâng cao sức chiến đấu ở mặt trận với Anh. Nói một cách khác y chuyển sự nhân nhượng nham hiểm từ Đông sang Tây. Ngoài khả năng dụng binh, cách xử lý ngoại giao, thì các cuộc hòa hoãn tình thế và lợi dụng tối đa sự nhân nhượng của các nước với Đức đã mang chiến thắng cho quân đội Hitler ít nhất đến 1941. Tuy nhiên khả năng chiến tranh của y không thắng nổi cá tính hoang tưởng vào thuyết chủng tộc thượng đẳng Aryan. Điều này dẫn đến hai sai lầm lớn: tuyên chiến với Mỹ tháng 12 năm 1941 và không tranh thủ sự hợp tác của người Ukranian mà y coi nhẹ về mặt chủng tộc.
Thế cờ của các cuộc nhân nhượng
Lật lại lịch sử, từ thế kỷ 5 trước công nguyên, trước khi diễn ra cuộc chiến Peloponesian (431-401 TCN), Corinth đã tranh luận với người Athen là họ phải được quyền sát nhập Corcyra. Người Athen đã từ chối nhân nhượng Corinth và thế là bắt đầu một cuộc đổ máu. Một số chi tiết sau này cho thấy nếu có một sự nhân nhượng nào đó trước đòi hỏi về Corcyra thì đã có thể không xảy ra cuộc chiến Peloponesian.
Một trớ trêu được giới sử học đưa ra bàn luận đó là giá như các đồng minh Châu Âu nhượng bộ Đức vào những năm 1910 thì có lẽ đã không xảy ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ngược lại, nếu như Chamberlain và các đồng cấp của ông cứng rắn hơn, không nhượng bộ Đức vào những năm 1930 thì hẳn có lẽ đã không có chiến tranh thế giới lần thứ hai.[6]
Về sau Chamberlain có bày tỏ rằng ông ta muốn tránh một cuộc súng gươm tương tự chiến tranh thế giới lần thứ nhất (7 triệu người chết và 13 triệu người bị thương). Tuy vậy trách nhiệm vẫn thuộc về ông vì đã thiếu quan sát sâu sát tình hình thực tế. Nếu chiến tranh thế giới lần thứ nhất là một cuộc leo thang thù hận không ai muốn xảy ra, thì Chiến tranh thế giới lần thứ hai lại là một sự thất bại trong ngăn chận Hitler, để cho y có dịp chuẩn bị một cuộc chiến thật chu đáo.
Do vậy cách thức giả định để ngăn chận hiệu quả hai cuộc thế chiến là hoàn toàn khác nhau. Thuận theo ý nước Đức vào thời gian sắp nổ ra cuộc chiến thế giới lần 1 thì có thể ngăn chận cuộc chiến này, nhưng ngăn cản nước Đức một cách khéo léo vào thời gian những năm 1930 thì sẽ chận được cho nhân loại một thảm họa vẫn di chứng đến nay.
Trong cùng thời gian,các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chận Nhật Bản làm cho nước này cảm thấy bị đưa vào thế bí và họ cảm giác chọn lựa hòa bình sẽ tệ hơn là xốc tới bước vào cuộc chiến.
Dĩ nhiên chọn lựa hòa hay chiến không hề đơn giản như vậy. Thế chiến thứ nhất không hẳn chỉ do ngẫu nhiên và thế chiến thứ hai nổ ra , ít lắm tại Thái Bình Dương, lại không đơn thuần là do Hitler hiếu chiến. Những người làm công tác khoa học lịch sử sẽ luôn tìm kiếm và giả định những phép thử để thấy phương cách nào là phù hợp với hiện thực lịch sử và liệu pháp giả thiết có phù hợp với hiện tại hay không…
Chính sách nhân nhượng giữa người Palestine, thế giới Ả rập và Israel kể từ cuộc chiến 1967 đến nay cũng mang một màu sắc khác biệt. Thậm chí cụm từ đổi “đất lấy hòa bình” kỳ dị thể hiện cho tâm lý cầu bại đã khiến cho các hậu thuẫn quốc tế phần nào nhạt phai đối với người Palestine. Cố nhiên Israel có một cộng đồng hậu thuẫn đặc biệt hiệu quả tại Mỹ đã làm thay công việc của những đoàn ngoại giao mưu trí hay chiến xa hùng mạnh nhất.
Với Việt Nam hiện nay...
Hàng loạt các cuộc nhân nhượng của nhà Nguyễn từ hiệp ước Nhâm Tuất
1862 (nhượng Biên Hòa Gia Định và Định Tường cho Pháp) đến hiệp ước Quý Mùi 1883 (xác nhận quyền lực của Pháp tại Việt Nam) rồi Giáp Thân 1884 đã đưa nước ta vào tình cảnh mất hết toàn bộ chủ quyền và độc lập. Cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam cũng đã diễn ra sau một quá trình đấu tranh, đàm phán và nhân nhượng lâu dài từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946. Theo hồi ký của Tướng Giáp, thực dân Pháp đã liên tục khiêu khích từ sau tạm ước 14/09/1946 cho đến ngày 20/12/1946. Chính sự nhân nhượng của Việt Nam với sự leo thang khiêu khích của thực dân Pháp đã nung nấu căm thù của người Việt.
Ngẫu nhiên và trớ trêu, khi ấy nhân nhượng lại cần thiết như một trọng lượng nén thanh thép tạo thành sức bật và sức mạnh trừ phạt khử bạo. Chính sách nhân nhượng cũng đã được đúc kết trong nhiều văn kiện. “Và nếu hòa bình chưa thể có được vì lòng tham và sự mù quáng của chủ nghĩa đế quốc, thì đây là những giây phút hòa hoãn để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, mà chúng ta tin nhất định sẽ giành thắng lợi”[7]
Chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978-1979 cũng đã diễn ra cấp tập sau một hàng loạt các động tác nhân nhượng với tuyên bố ba điểm đề nghị Khmer Đỏ ký hiệp ước bất tương xâm ngày 5/2/1978 và để cho quốc tế giám sát ngừng bắn trên 1 hành lang biên giới chung. [8] Nhìn từ năm 2009, có thể thấy Việt Nam sẽ ra sao nếu nhân nhượng nhiều hơn với Polpot Iengsary hơn ba mươi năm trước? Nếu chậm xử lý Khmer Đỏ trong thời gian ngắn nữa thì Polpot có thể đã hoàn tất quy trình diệt chủng vạch sẵn. Và trách nhiệm của Việt Nam về đạo lý và về luật pháp quốc tế[9] cũng hệ trọng không kém nguy cơ bị tước đoạt chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trên đây là vài góc nhìn về chính sách nhân nhượng. Bảo vệ hòa bình bằng nhiều giá và bảo vệ đất nước trước những bất trắc của lịch sử là công việc của mọi người Việt. Trong tình cảnh sức khỏe, phương tiện kiếm sống, sinh mệnh và phẩm giá của ngư dân, và gần đây là tài sản quốc gia (Tập đoàn dầu khí PVN) bị coi rẻ bởi sự bạo ngược, thì cách ứng xử nhân nhượng có lẽ cũng cần một giới hạn nào đó nhằm bảo toàn không gian hành động, bảo vệ đất nước.
Trước đây khi tàu khảo sát địa chấn Philippines bị tàu Trung Quốc đe dọa tháng 3/2011, họ đã đưa hai chiến đấu cơ ra và tàu Trung Quốc đã rút đi.[10]
Gần đây, Trung Quốc ngang ngược cắt cáp tàu Bình Minh 2 (26/05/2011) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và sau đó còn vu cho Việt Nam tạo sự cố ở biển Đông![11] Việt Nam sẽ chuẩn bị những gì để ứng phó với hành động leo thang đang thử thách những giới hạn của tinh thần hòa bình Việt Nam?
Việt nam có nghĩa vụ và những có quyền khác trong cộng đồng quốc tế ngoài chuyện ứng xử nhân nhượng vì hòa bình. Trong số các tài liệu ngoại giao, các công hàm của Bộ ngoại giao Việt Nam ngày 21 tháng 10 năm 2009[12] phản đối quyết liệt các hành động “vô nhân đạo” của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam, và công hàm phản đối Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2[13] cho thấy các ngưỡng của sự nhân nhượng. Có khi nhân nhượng là bảo vệ hòa bình nhưng có khi nhân nhượng lại làm ngược lại, tức khuyến khích cho kẻ thù phát động chiến tranh. Nhân nhượng là lửa rèn thanh kiếm thép để bảo vệ đất nước và quyết định dùng võ lực khi cần thiết cũng chính là bảo vệ hòa bình.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] The Globalization of World Politics- Oxford University-2006
[2] Understanding international conflicts- Josepoh Nye –Havard University 2009
[3] Appeasement: a policy of making accessions to revanchist (or otherwise territorial acquisitive state) in the hope that settlement of more modest claims will assuage expansionist appetites (Trang 87 The globalization of world politics by John Baylis & Steve Schmidt, 2006)
[4] Quốc trưởng
[5] Tham khảo cách Việt Minh nhân nhượng với Pháp từ 14/09/1946 đến 20/12/1946
[6] Trang 110-111 Understanding international conflicts – An introduction to Theory and History. Joseph S.Nye, Jr.
[7] Trang 168, Những năm tháng không thể nào quên. Võ Nguyên Giáp- Hữu Mai thể hiện
[8] Trang 216, Brother Enemy- The War after the War, Nayan Chanda
[9] Cấm vận, chi phí chiến tranh, chi phí cơ hội bị mất đi…
0 nhận xét:
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!