Phạm Viết Đào.
Mạng Mysinchew vừa dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với báo chí rằng: “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi với quần đảo Trường Sa và lãnh hải gần đó. Trung Quốc và Việt Nam nhiều lần đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về cách xử lý phù hợp các vấn đề hàng hải và duy trì ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ có các nỗ lực nghiêm túc để thực hiện những đồng thuận liên quan”…
Đây là một tuyên bố theo kiểu lấp lửng, úp mở của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một cách làm thường thấy của Bộ Ngoại giao nước này nhằm dọn đường dư luận để gây sự với Việt Nam hoặc ai đó ?!
Đây là tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh với thông tin Trung Quốc hạ thủy con “ ngoáo ộp “ đầu tiên, chiếc tàu sân bay được hoàn thành ?
Cái lối tuyên bố nửa kín nửa hở này có giống với cái cách Tào Tháo xóa thư gửi cho Hàn Toại khi xưa để gây nghi ngờ, chia rẽ quan hệ giữa Mã Siêu-Hàn Toại trong trận Đồng Quan ? Để chia rẽ liên minh Hà Toại- Mã Siêu, Tào Tháo đã viết thư cho Hàn Toại, đồng minh của Mã Siêu, trong thư Tào Tháo cố tình tẩy xóa một số chỗ…Hành vi úp mở này nhằm mục đích làm cho Mã Siêu nghi là Hàn Toại cố tình xóa đi để che dấu những thỏa thuận ngầm nào đó, những việc làm mờ ám, đi đêm…Kết cục cuối cùng Tào Tháo đã chia rẽ được cái liên minh quân sự Mã Siêu-Hàn Toại thời Tam Quốc, đẩy liên minh này đến chỗ tan rã…
Theo người viết bài này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đưa ra tuyên bố này cũng nhằm đạt múc đích: gây hoang mang trong dư luận dân chúng Việt Nam; thúc đẩy sự phân tâm trong nội bộ lãnh đạo chóp bu của Việt Nam; giữa lãnh đạo và dân chúng; rằng đã có ai đó đã có một sự đồng thuận, thỏa thuận ngầm, thậm chí có thể coi là đi đêm với Trung Quốc trong vấn đề phân chia lãnh hải Biển Đông…
Quả thật trong thời gian qua, chúng ta có một số việc làm xuất phát từ sự mất cảnh giác, do thiếu thông tin và có thể là ăn mảnh của một số cấp nào đó; nhưng vấn đề Biển Đông theo người viết bài này là chưa có… Nếu có chắc chắn Trung Quốc đã ngửa bài ra…Do đó, lời tuyên bố kể trên cũng chỉ là một thứ đòn gió mang tính chất hù dọa, nhằm đánh lạc hướng dư luận và nhắm vào mục tiêu phân tâm nội bộ Việt Nam…
Khi nói đến sự thỏa thuận nào đó về phía Việt Nam có liên quan tới Biển Đông, báo chí ngoài nước và các mạng hải ngoại có nhắc tới mấy sự kiện sau đây:
1/ Bức thư ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai;
2/ Sau khi giải phóng miền Bắc năm 10/1954, có một thời gian, do thiếu phương tiện nên chúng ta có nhờ Trung Quốc trông hộ đảo Bạch Long Vĩ…
3/ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã không bày tỏ công khai chính kiến của mình trước việc Trung Quốc cho hải quân ra đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa năm 1974; thời điểm đó quần đảo này thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam cộng hòa…
Ngoài 3 sự kiện trên, không biết có sự kiện nào nữa không mà Trung Quốc đã nắm được thóp của ai đó, nhưng chưa muốn ngửa bài ra…Nếu có đề nghị Trung Quốc nên ngửa bài ra, không nên “lập lờ đánh lẫn con đen” như tuyên bố kể trên; hoặc ai đó biết được thì thử đưa lên mạng xem coi…
Theo người viết bài này, cả 3 sự kiện có thật nêu trên không thể coi đó là bằng chứng xác nhận tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi với quần đảo Trường Sa và lãnh hải gần đó. Trung Quốc và Việt Nam nhiều lần đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về cách xử lý phù hợp các vấn đề hàng hải và duy trì ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ có các nỗ lực nghiêm túc để thực hiện những đồng thuận liên quan”…
Về vấn đề thứ nhất:
Bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc; Xin được đưa lại nguyên văn bức thư này:
Thưa đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mối quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể…”
Trong nội dung bức thư cuả thủ tướng Phạm Văn Đồng như nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi đã phân tích, không hề có dòng nào đề cập, hay thừa nhận chủ quyền các hòn đảo trên Biển Đông; Trong bức thư ghi là đã viết là: sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc… như bản Tuyên bố 4-9-1958 của Chính phủ Trung Quốc “…
Vào thời điểm đó, Trung Quốc chỉ tuyên bố chủ quyền lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý; trong khi đó thì luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia được áp đặt đặc quyền kinh tế của quốc gia mình trên biển trong phạm vi 20 hải lý…Như vậy tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đâu có hớ, đâu có làm cơ sở pháp lý để cho Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc; càng không liên quan tới học thuyết đường lưỡi bò trên biển cả do Trung Quốc đưa ra !
Về vấn đề thứ 2:
Việc có một thời gian Chính phủ Việt Nam có nhờ Trung Quốc giữ hộ đảo Báchh Long Vĩ, sau đó Trung Quốc đã bàn giao trả lại và tặng luôn Chính phủ Việt Nam cả đội tàu; đó là hành động thiện chí, hữu hảo của phía Trung Quốc chứ Việt Nam không hề dùng sức mạnh quân sự để buộc Trung Quốc bàn giao trở lại đảo Bạch Long Vĩ…
Vấn đề thứ 3:
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không ra tuyên bố phản đối hành động vũ trang của Trung Quốc đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 ? Ở đây không thể vận dụng phương ngôn: Im lặng là đồng ý…
Vào thời điểm đó, Việt Nam dân chủ cộng hòa đang dốc toàn tâm toàn ý cho cuộc kháng chiến, nhằm đạt mục đích thống nhất đất nước; do đó chưa lên tiếng với hành vi của Trung Quốc, một đồng minh từng có nhiều trợ giúp về vật chất cho cuộc kháng chiến; đó là một sự thất thế, có điều lịch sử cũng nên châm chước, thể tất cho việc làm cực chẳng đã này.
Nếu lúc đó Việt Nam dân chủ cộng hòa ra tuyên bố phản đối Trung Quốc, thì chắc chắn sẽ gặp nhiều hệ lụy khó lường cả về ngoại giao, quân sự, kinh tế có thế ảnh hưởng tới công cuộc thống nhất đất nước. Do đó sự nhịn nhục này là một việc làm ngoài ý chí chủ quan, và Trung Quốc không thể mượn cớ về sự im lặng này để coi đó là hành động đồng thuận của Việt Nam.
Hơn nữa, người có “hộ khẩu thường trú” tại Hoàng Sa lúc đó là Việt Nam cộng hòa đã cho quân chống cự, đã lên tiếng phản đối…Thời điểm 1974, phía Việt Nam dân chủ cộng hòa không muốn thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là một chính phủ hợp pháp; còn hiện nay, với cách nhìn nhận theo thông lệ ngoại giao, lịch sử thì Việt Nam cộng hòa là một pháp nhân đại diện cho một bộ phận của nhân dân và chính quyền Việt Nam…Rất nhiều cam kết quốc tế của Việt Nam cộng hòa đã được Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa kế, tiếp quản…
Do đó về mặt cam kết về luật pháp quốc tế, Trung Quốc không thể dựa vào sự im lặng của Việt Nam dân chủ cộng hòa để cho rằng chính quyền Việt Nam đã đồng thuận cho Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa của Việt Nam…
Bằng nhũng dẫn chứng và phân tích kể trên, người viết bài này cho rằng: Tuyên bố úp mở của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa qua, nếu không là một tuyên bố vu vơ về cơ sở pháp lý thì đó chẳng qua cũng chỉ là một đòn tâm lý chiến không hơn không kém…
Hơn lúc nào hết, người Việt Nam luôn thường trực nỗi lo canh cánh về hiểm họa xâm lược từ phương bắc cần phải cùng nhau đoàn kết, tránh bị mắc mưu chia rẽ; phải tự hoàn thiện và nâng mình lên, triệt để loại bỏ những loại sâu đục thân, đồng thời nhận chân ra những tuyên bố mang tính chất kích động, gây chia rẽ, “ hổ giấy “ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc !
P.V.Đ.
0 nhận xét:
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!