Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

20 tháng 8, 2011

Sự trùng hợp kỳ lạ


của một nhạc phẩm Trịnh Công Sơn
Cho một người năm xuống
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật sự là một hiện tượng âm nhạc kỳ lạ của Việt Nam. Các ca khúc của anh đi vào lòng người một cách tự nhiên và sống mãi.

Đông đảo quần chúng không phân biệt giới tính,tuổi tác,chính kiến,tôn giáo đều thuộc nằm lòng ca khúc của anh. Mọi người hát  ca khúc của anh một cách say sưa với cả nỗi lòng yêu thương của mình. Ai cũng dường như tìm được chính mình trong ca khúc Trịnh. Bởi vậy khi hay tin người nhạc sĩ tài hoa qua đời nỗi đau đã vỡ òa. Đó không còn là nỗi đau của riêng gia đình, bạn bè thân hữu của nhạc sĩ mà đó là nỗi đau của  tất cả những ai đã từng hát và yêu say đắm những ca khúc của anh. Mà số lượng đó thì đông lắm không kể xiết. Và nhiều người đã đến đưa tiễn anh trong nước mắt, hoa và tất nhiên là không thể thiếu những ca khúc tuyệt diệu của Trịnh Công Sơn...
Anh vốn là một giáo sư triết học. Lại là một người Huế vốn thâm trầm sâu sắc. Trong ca khúc của anh có rất nhiều bài về tình cảm,thân phận con người thật là hay. Là một người rất đam mê với cuộc sống rất quý trọng tình cảm của mọi người có phải vì vậy chăng mà trong ca khúc của Trịnh Công Sơn  ta thấy có sự ám ảnh của cái chết, nỗi buồn của sự cô đơn. Thế nhưng có điều lạ anh nhắc đến cái chết như là một sự suy nghĩ về nó, coi đó là lẽ thường tình đương nhiên, buồn đó để rồi lạc quan đó. Phải chăng vì đời chỉ là cõi tạm, một quán trọ, một cõi đi về -theo anh-mà thôi!


Đường nào dìu tôi đi đến nơi say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế 
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi
(Bên đời hiu quạnh)

Đến tiễn đưa anh, đám đông đã hát những ca khúc quen thuộc với họ: Hạ trắng, Diễm xưa, Một cõi đi về …điều đặc biệt có một ca khúc được cất lên khiến nhiều người phải sửng sốt vì có sự trùng hợp đến lạ kỳ. Đó là ca khúc Cho một người nằm xuống. Cứ theo ý trong lời của ca khúc thì  đây là  lời tiễn biệt của nhạc sĩ tại nghĩa trang trước nấm mồ của một người lính không quân. 

Vùng trời nào đó anh đã bay qua
Chỉ còn lại đây những sáng bao la 

...
Lời ca khúc thật da diết ngậm ngùi nhớ thương.

Bạn bè còn đó anh biết không anh
người tình còn đó anh nhớ không anh
vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên
Khi bóng anh như cánh chim chìm  xuống                            

Có dịp tôi đã đọc lại trọn vẹn lời ca khúc này và ngân nga hát để hiểu thêm và thấm thêm từng lời ca từng giai diệu tuyệt vời. Thấy được tình người sâu sắc, thấm đẫm nhân văn của nhạc sĩ

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong môt ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn


Anh đã cầu nguyện thật chân thành:
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.

Tại nơi tiễn biệt anh ở nghĩa trang Gò Dưa,  mọi người hát say sưa ca khúc Cho một người nằm xuống không phải với cảm xúc dành cho một người lính không quân nào đó mà là dành cho chính anh-tác giả của ca khúc, vì nhận thấy rằng không có ca khúc nào lại hợp cảnh và hợp tình như vậy. Có lẽ chính nhờ cái đặc điểm dễ dàng hoán đổi sở chỉ đã khiến cho ca khúc tùy theo bối cảnh hát khác nhau, đã mang những ý nghĩa không hoàn toàn giống nhau...
Tôi thật sự xúc động khi nghe anh Nguyễn Trọng Huấn- một kiến trúc sư -gốc Huế là một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể về cảm xúc của anh về ca khúc tại Lễ tiễn đưa nhạc sĩ cách nay vừa tròn 8 năm.
Anh kể rằng khi tang lễ kết thúc người thân của nhạc sĩ cũng về hết rồi thì anh cùng mấy người bạn mới vào viếng mộ. Người vẫn đông kìn kịt.Trước mắt anh trên khu mộ của Trịnh Công Sơn được rải đều một lớp cánh hoa hồng bạch. Có hai cô bé con lấy hoa hồng nhung rứt ra từng cánh xếp thành hai chữ Anh Sơn. Một dàn hợp xướng quần chúng vây quanh mộ anh say sưa hát những ca khúc của Sơn. Có những lúc đang hát nửa chừng bỗng dưng cả đám đông quên lời bài hát là lập tức có một người lĩnh xướng vào ngay một bài khác và cả đám đông lại tiếp tục hát say sưa bài nọ tiếp nối bài kia không ngừng, không nghỉ. Dàn hợp xướng kỳ lạ đó kéo dài có lẽ cũng đến 3 giờ đồng hồ. Nhưng xúc động nhất là bài hát Cho một người nằm  xuống. Những người chứng kiến đều không cầm được nước mắt. Anh Huấn tâm sự: “ Tôi chưa từng thấy có một bài hát nào dành cho người đi xa hay như bài đó. Lời ca thật tuyệt vời. Trời ơi sao mà hợp cảnh hợp tình đến như thế":

Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã rong chơi trong cuộc đời này
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống không bạn bè,không có ai
Không có ai từng ngày
Không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi mùa mưa tới
Trong nghĩa trang này có loài chim thôi
                

Cảm động vô cùng trước một đám đông quần chúng vô danh tự nguyện tiễn đưa nhạc sĩ bằng những ca khúc như một dàn Thánh ca. Họ hát Liên khúc Trịnh Công Sơn trong sự im lặng thành kính của những người xung quanh. Ai cũng cử động nhẹ và nói nhỏ để chăm chú lắng nghe...

Có chút việc anh Huấn đi ra bên ngoài khoảng 15 phút trở vào thì thật ngạc nhiên trên khu mộ của Trịnh Công Sơn không chỉ là một thảm hoa hồng bạch như trước mà thay vào đó là một rừng hoa hồng bạch. Người ta đã cắm thật nhiều hoa hồng bạch lên mộ của nhạc sĩ . Và dàn hợp xướng vẫn tiếp tục ca khúc Cho một người nằm xuống.
         
Nhạc sĩ quả là một nhà tiên tri tài ba. Hát cho người mà cũng chính là hát cho mình. Ai rồi cũng sẽ vậy thôi. Đến với cuộc đời này như một sự rong chơi. Để rồi khi chết đi cũng sẽ vào nghĩa trang. Và khi đó ngủ vùi chỉ có loài chim là còn lại  bên mình.
Nghĩ được như vậy thì con người sẽ sống nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn. Quên bớt hận thù phiền muộn. Âu đó cũng là những lời nhắn nhủ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi lại cho cuộc đời mà anh vốn rất yêu thương này.

Trần Diệu Hiền (giaidieuxanh.com.vn)

1 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang