Những năm còn là sinh viên tại Việt Nam tôi đã có dịp đọc qua những câu chuyện thật cảm động về loài cá Hồi (tiếng Anh gọi là Salmon). Tuy nhiên các tài liệu tôi đọc qua về loài cá Hồi này chỉ được giải thích một cách giản dị.
Theo một số tài liệu tham khảo thì giống cá Hồi bắt nguồn từ tập tính sinh học của loài cá có hình dáng to lớn và điểm đặc biệt là chúng có thể sống thích hợp cả hai môi trường đối nghịch là nước mặn lẫn nước ngọt. Cá Hồi được sinh trưởng tại vùng nước ngọt, nơi bắt nguồn của các con sông, sau đó chúng xuôi theo dòng, ra sinh sống tại các vùng biển nước mặn. Đến mùa giao phối, chúng lại ngược dòng, quay về thượng nguồn để sinh sản rồi chết tại đây, để lại thế hệ con cái lại tiếp tục quay ra biển sinh tồn, duy trì giống nòi.
Chính vì đặc điểm lạ lùng quay về cội nguồn của chúng đã khiến người Việt chúng ta gọi chúng là "cá Hồi".
Nếu chỉ hiểu biết về giống cá Hồi như thế thì quả thật là quá đơn giản, trái ngược so với bao gian nan, khổ ải mà giống cá này phải trải qua.
Được dịp đến tận nơi, nhìn tận mắt sự về nguồn để duy trì dòng giống của loài cá Hồi, thì chúng ta mới có thể chứng kiến được sự kiến tạo lạ lùng của tạo hoá, sự kỳ diệu của thiên nhiên mà hiện nay dân gian chỉ có thể giải thích mơ hồ trong lảnh vực tôn giáo, trong khi chưa có một khoa học gia nào có thể giải thích được làm sao loài cá này có thể nhớ được cội nguồn, mà tìm về đúng quê quán để sinh sản và trút hơi thở cuối cùng tại nơi mà chúng đã mở mắt chào đời.
Tôi đã may mắn có cơ hội viếng thăm Issaquah Salmon Hatchery (F.I.S.H.) thuộc tiểu bang Washington vào một buổi chiều giữa tháng 10 năm 2007. Issaquah là thành phố cổ của thổ dân da đỏ từ ngàn năm về trước. Ở đây cảnh vật bao la với núi đồi trùng trùng đìệp điệp, tôi thăm viếng nơi này đúng lúc thời tiết đang mùa Thu, nên lá cây đổi màu đỏ, cam, vàng tuyệt đẹp như cảnh thần tiên.
Mùa Thu Iassaquah
Trước khi vào đến Issaquah, chúng ta phải ngang qua một chiếc cầu phao nổi bập bềnh trên cửa biển thật vĩ đại. Nơi đây tôi đã có dịp thưởng ngoạn cảnh nước biển cuồn cuộn, chảy hoà hợp với các dòng thác thiên nhiên, tạo ra một sắc thái của bức tranh thủy mạc thật linh động, ru hồn mà không bút mực nào có thể diễn tả được. Bên cạnh khung cảnh đẹp thiên nhiên đó thêm vào câu chuyện thật cảm động của loài cá Hồi, là đề tài chính mà tôi sẽ tường thuật lại để chia sẽ cùng các bạn hôm nay.
Cầu phao nổi đường đến Issaquah - I90 Floating Bridge
Cổng chính của trung tâm Issaquah Salmon Hatchery có một chiếc cầu bắc ngang qua một giòng suối nhỏ. Vừa vào đến từ trên cầu nhìn xuống, trước mắt tôi là cả ngàn con cá Salmon (cá Hồi) đang lũ lượt bơi ngược giòng nước như một cuộc diễn binh vĩ đại, chúng đi từng đàn rất thứ tự. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy từng cặp song hành bên nhau. Tuy nhiên, cũng có những con cá bơi lẽ loi trông thật tội nghiệp. Có lẽ phối ngẫu đã chẳng may lâm nạn dọc đường, trúng phải lưỡi câu vô tình của loài người .
Khi chúng càng tiến đến gần cuối dòng để vào địa điểm tập trung (Hatchery), thì nước càng chảy xiết mạnh. Đàn cá càng phải dùng sức nhiều hơn để bơi ngược dòng. Cuối dòng suối là một bờ đê lớn, nước tuôn tràn rất mạnh để ngăn cản đàn cá không được đi xa hơn nữa. Như những nhà điền kinh dự thi thể thao, có vài chú cá nhảy tung mình lên bờ đập ngăn nước, để cố tìm đường đi tắt về nguồn,. Cảnh tượng thật đẹp mắt, nhưng trong tôi không khỏi dâng tràn xúc cảm tội nghiệp cho loài cá này.
Nước càng chảy xiết cuồn cuộn thì đàn cá càng cố sức vượt qua bờ đê nhưng đầy vô vọng. Cảnh tượng xảy ra cứ như vậy, cứ liên tục gần như không bao giờ chấm dứt...
Hằng ngàn con cá Hồi lũ lượt bơi ngược giòng như một cuộc diễn binh vĩ đại.
Nhìn đàn cá cố bơi vượt giòng nước chảy ngược với thân thể rách nát đầy thương tích, hầu như không một con cá nào còn toàn vẹn, lòng hiếu kỳ đã thúc đẩy tôi leo lên trên giòng thác để quan sát rõ hơn. Và tôi đã gặp may, khi tại đây tôi gặp Dr. Bob Manner là một khoa học gia chuyên nghiên cứu về cá Hồi.
Claudia Loza (cô gái người Mễ gốc da đỏ), QD và Dr. Bob Manner
-“Nhìn ông, tôi biết ngay ông không là người cư ngụ tại địa phương này” Bất chợt ông Bob Manner với ánh mắt hiếu kỳ hỏi tôi.
- “Đúng rồi, tôi đến từ California, nhân đi công tác nên ghé lại đây”, tôi mỉm cười trả lời .
Sau gần 1 giờ tiếp chuyện với Dr. Manner, tôi đã thật sự xúc động. Nếu không có dịp đến tận nơi này và chứng kiến tận mắt sự hy sinh cho sự sinh tồn nòi giống của loài cá Hồi, chắc tôi sẽ không bao giờ biết được hết ý nghĩa của tình nghĩa phu thê, tình phụ tử và tình mẫu tử mà thượng đế đã sáng tạo cho loài cá Salmon này.
Theo Bác Sĩ Manner, tục lệ đón bắt cá Hồi đã có từ vài trăm năm trước đây do các bộ lạc người Da Đỏ thực hiện. Hàng năm cứ vào mùa Thu giữa tháng 10 thì tại đây có lễ hội đón Cá Hồi do dân chúng địa phương thuộc bộ tộc Issaquah tổ chức rất long trọng.
Dọc trên bờ sông Issaquah hàng ngàn người đã đến đây để chận bắt cá Hồi, vì đây là mùa mà đàn cá vĩ đại trở về nguồn để giao hợp và sinh sản. Đàn cá cả triệu con tập trung vào một khoảng sông nhỏ tạo ra những cảnh tượng thật nhộn nhịp và mang đầy ý nghĩa cổ truyền của dân tộc da đỏ. Vào thời đìểm này thì người dân Issaquah cho rằng các vị “thần linh” vì thương dân Da Đỏ nên lùa cá về để làm thức ăn cho các bộ tộc Issaquah của họ .
Nhận xét về phương diện khoa học thì cá Hồi có nhiều giống khác nhau, tuy nhiên chúng được chia ra làm 4 loại chính: Chinook, Coho, Sockeye và King Salmon.
Tuy chúng có khác nhau về hình dạng, nhưng về đặc tính thì hoàn toàn giống nhau. Sinh ra từ các giòng suối nước ngọt, sau khoảng 6 tháng thì cá Hồi bắt đầu di chuyển ra vùng nước lợ - đây là giòng nước giao tiếp giữa sông và biển.
Chúng sinh sống tại đây hơn 6 tháng để bắt đầu làm quen với môi trường nước mặn trước khi vượt đại dương và về sống tại các vùng biển sâu.
Khoảng sau một thời gian 3 hay 4 năm, khi đã thật sự trưởng thành thì chúng bắt đầu tìm bạn đời cho mình. Khoảng thời gian tìm bạn “phối ngẫu” này các con cá Hồi trống thường giao chiến rất dữ tợn. Cá Hồi có thể ăn thịt luôn đối thủ để dành cho được người đẹp đã đắc ý.
Đặc điểm đáng kể khi Cá hồi đã có đôi, thì chúng rất chung thủy bên nhau. Mỗi cặp cá sẽ cùng sống bên nhau cho đến khi cá mái bắt đầu có trứng thì những đôi uyên ương này lại bắt đầu tìm về quê hương để đẻ trứng, tìm về nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên .
Có thể nói rằng, hành trình hồi hương của cá Hồi là một hành trình bi thảm, nhưng anh hùng nhất so với các cuộc hành trình của các loài vật khác.
Hơn 3 tháng trời các cặp cá lội ngược dòng không màng ăn uống gì cả, để kịp về đúng ngày giờ khai hoa nở nhụy. Trên suốt lộ trình tìm về quê hương chúng luôn bơi sóng đôi, và cá trống luôn luôn phòng thủ để bảo vệ cho vợ mình trước những bất trắc có thể xảy ra.
Khó khăn lắm mới chụp được hình này vì sự việc xãy ra rất nhanh
Vượt thác về với quê hương
Dr. Manner cho biết rằng, tại đây người ta đã tìm thấy những con cá Hồi trở về Washington State từ bên kia bờ đại dương xứ Úc Đại Lợi. Hơn 3.000 dặm đường biển không địa bàn, không kim chỉ nam và không phương hướng! Làm sao cá Hồi biết đường về? Đây là câu hỏi mà chưa ai có thể chứng minh cụ thể.
Một số nhà khoa học nêu ra minh thuyết mùi vị.
Nhà sinh vật học người Mỹ - Hasler, khi còn trẻ trong những chuyến về quê nghĩ ngơi thường đi dạo trên những đoạn đường ngan ngát mùi hoa cỏ và rong rêu. Sau này mỗi lần ngửi thấy mùi vị đó ông lại nhớ đến thuở ấu thơ. Điều này làm ông liên tưởng đến chuyện quay vòng của cá Hồi.
Ông bắt tay vào nghiên cứu tìm câu giải đáp cho cá Hồi theo hướng mùi vị. Trải qua hơn 20 năm thí nghiệm, ông thấy rằng mỗi dòng sông đều có một mùi vị riêng, ông ta cho rằng mùi vị này đã gây ấn tượng mạnh đối với cá Hồi con. Khi lớn lên, chúng theo dấu vết cũ của mùi vị đó dẫn đường để trở về nơi sinh của mình.
Nhưng ở ngoài biển cả, chúng định hướng bằng cách gì để trở về nơi có mùi vị quen thuộc? Điều này cho đến nay vẫn như một câu đố hóc búa mà chưa có lời giải đáp .
Trong công trình thử nghiệm về sự hồi hương của loài cá Hồi tại Issaquah, người ta đã chia ra làm 7 trạm khác nhau để nuôi và thả cá trên một đoạn đường dài gần 30 cây số.
Khi cá con lớn khoảng một gang tay (5 hay 6 inches) và trước khi thả cá con về sông, các nhân viên làm việc tại trung tâm Salmon Issaquah đã đánh dấu từng con cá nhỏ, để sau này có thể theo dõi cá thuộc nhóm nào và phát xuất từ trạm nào, bắng cách cắt bỏ một phần vi hay đuôi của cá.
Một điều thật thú vị đầy kinh ngạc là, sau khi các con cá được thả ra biển sinh sống đến 3 hay 4 năm sau, khi trở về, chúng có thể trở lại đúng nơi trạm chúng đã được sinh ra và lớn lên trước đây, không một con cá nào về lộn trạm của mình cả! Đây qủa thật là điều huyền bí của tạo hóa mà người trần mắt thịt trên thế gian này không một ai có thể giải thích nổi.
Một trạm "quê hương" của cá Hồi
Dr. Manner đã đưa tôi đến một station (trạm) thả cá, ông ta chỉ cho tôi thấy một trạm có những hàng rào để chận cá lại. Mục đích của trạm này là để dồn những con cá về trạm xuất phát của chúng. Chỉ những con cá sinh ra và lớn lên ở trạm mới biết chui vào con lạch nước dẫn vào trạm này mà thôi, còn những con cá thuộc trạm khác chỉ bơi lòng vòng, chờ đợi đúng trạm của chúng được mở cổng, hay cố tình nhảy qua hàng rào để lọt vào đúng trạm của chúng. Nếu cổng không mở, các con cá này sẽ khai hoa nở nhụy ngay trước cổng của trạm rồi chết, chứ nhất định không chịu vào trạm cá khác.
Một trạm có những hàng rào để chận cá lại.
Mục đích của trạm này là để dồn những con cá về trạm xuất phát cuả chúng
Mục đích của trạm này là để dồn những con cá về trạm xuất phát cuả chúng
Khi cổng trạm mở các cá Hồi sẽ vượt qua các thang cấp này để về trạm
Cánh cửa để mở trạm cho cá vào bên tay phải
Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy một chú cá đang cố tinh vượt biên
Chú cá này nôn nóng không muốn chờ đến giờ mở cổng
Thông báo về số lương cá Hồi trong ngày.
Một điều thật xúc động mà tôi được chứng kiến tận mắt, là tình nghĩa phu thê thủy chung của loài cá Salmon.
Suốt 3 tháng không ăn gì cả và cố lội ngược giòng nước tìm về quê quán, vậy mà cá trống lúc nào cũng sẵn sàng xả thân bảo vệ cho người bạn đời của mình.
"Giai đoạn này cá không ăn mồi, làm sao người ta vẫn câu được chúng?"
Câu hỏi của tôi được vài người câu cá tại đây giải thích một cách hữu lý - Đối với cá Hồi trống, bất cứ con vật hay người nào cũng không thể đụng cham đến cá Hồi mái của anh ta.
Những người câu cá Hồi chứng minh cho tôi thấy bằng cách, thả những lưỡi câu có gắn những lông gà có màu sắc sặc sỡ, cố tình chọc phá cá mái. Lập tức, anh chồng dũng cãm nhào tới cắn ngay vật lạ đó để bảo vệ cho nàng.
Đó là cách duy nhất mà những người câu cá có thể nhử và câu được cá Hồi. Khi chồng bị nạn, nàng cá Hồi lồng lộn, cắn phá bất cứ sinh vật nào đi ngang qua, luôn cả việc cắn vào các lưỡi câu để mong tìm cách giải nguy cho chồng mà không màn đến thân xác.
Nhìn cảnh tượng đó, lòng tôi thật sự xót xa chi lạ. Loài cá Hồi có tấm lòng thủy chung vô biên, nhưng trớ trêu thay, thượng đế đã không ban tặng cho loài người chúng ta niềm vui hạnh phúc tuyệt đối này.
Mục đích chính của cá Hồi vượt qua những thác nước cam go, đương đầu với bao nhiêu trở ngại trên suốt chặng đường trở lại cố hương, là để thực hiện sự sinh tồn cho thế hệ sau của chúng. Bạn không thể nào cầm lòng được khi chứng kiến giai đoạn cuối cuộc đời của loài cá Hồi.
Khi về đến nơi sinh trưởng, những con cá mái lồng lộn trong đau đớn cùng cực để thải ra vô số trứng màu vàng. Kích thước của trứng to gần bằng đầu của chiếc đũa tre. Cùng lúc đó, những con trống cũng lồng lộn bơi xoay quanh vợ. Chúng tự xuất ống dẫn tinh để phun ra tinh trùng bao bọc các trứng.
Trứng cá hồi
Sau khi hoàn thành xong công việc này, chỉ vài giây sau, cá trống ngã ngửa ra và qua đời. Cũng không lâu sau đó, cá mẹ sau khi đã cho ra hết trứng, cũng lặng lờ tắt thở, chìm xuống đáy giòng nước.
Cá mẹ chết ngay sau khi đẻ trứng
Khi bắt đầu cuộc hành trình vượt biển trở về nguồn cội, cá Hồi rất mạnh khoẻ và xinh đẹp với làn da óng mượt. Nhưng sau một đoạn đường dài vượt đại dương, khoảng hơn 3 tháng không ăn, cá Hồi đã vắt kiệt năng lượng của chính bản thân mình để nuôi trứng và tinh trùng, nên khi về gần đến đích, thì thân thể không còn được như xưa nữa.
Đây là lý do tại sao trung tâm Salmon Issaquah Hatchery không cho đánh bắt và sản xuất thịt cá Hồi khi chúng đã về đến trạm.
Khi đã làm xong nhiệm vụ sinh sản rồi chết, thì thịt cá Hồi không còn chất béo bổ cho loài người. Để không bị phí phạm, người ta đã dùng thân xác của những cá Hồi cha mẹ để chế biến thực phẩm nuôi cá Hồi con.
Theo ông Manner, cá hồi con không thích ăn các thực thẩm nào khác ngoài thức ăn làm ra bằng thịt xương của chính cha mẹ chúng. Thống kê cho biết, số cá Hồi trở về ít hơn số luợng chúng được thả đi. Cứ khoảng 100 cá Hồi con thả ra biển thì chỉ còn 1 con sống sót trở về.
Nếu để cho cá sanh sản một cách tự nhiên như thế, thì với số sống sót nhỏ nhoi này, có ngày loại cá này cũng sẽ bị triệt vong. Vì lẽ đó, cơ quan bảo vệ hải sản tại Issaquah mới thành lập hội bảo vệ Salmon vào năm 1936. Đây là một hội thiện nguyện, trợ giúp cho sự sinh tồn của loài cá Hồi.
Điều cũng cần lưu ý là, trên đoạn đường gian nan trở về nguồn cội, có rất nhiều lý do để một số cặp cá mất đi chồng hoặc vợ như bị câu hay lưới của con người, bị các loài cá lớn ngoài biển khơi ăn thịt, bị gấu hay rắn nước ăn thịt... Hội bảo vệ cá Hồi Issaquah Salmon Hatchery đã được thành lập với nhiều tình nguyện viên trong vùng nhằm bảo vệ cho cá hồi thoát khỏi những tai ương ấy trên đường hồi hương.
Trạm nghiên cứu cá Hồi
Đa số cá Hồi trở về đều bị kiệt sức, nên không thể tự sinh sản và thụ tinh một cách hoàn hảo được. Vì lẽ đó, hội bảo vệ cá Hồi được sự bảo trợ của chính phủ địa phương cùng các thành viên thiện nguyện đã tổ chức các trạm để phối hợp trứng cá Hồi và tinh trùng với nhau.
Sau khi về đến trạm, cá Hồi sẽ được mổ bụng để lấy trứng và tinh trùng, còn thân xác của chúng sẽ được dùng làm thực phẩm cho cá Hồi con và các thú vật khác.
Trứng và tinh trùng được cho thụ tinh nhân tạo trong phòng thí nghiệm. 2, 3 tuần sau khi được thụ tinh, cá Hồi con sẽ chào đời. Chúng được nuôi dưỡng kỹ lưỡng trong vòng 6 tháng, sau đó các cửa trạm sẽ được mở ra, và cá hồi con sẽ thoát ra các giòng sông rồi lần lượt ra biển để sinh sống tự lập.
Về tới quê hương - Giờ chờ đợi về thiên đường Cá
Trứng và tinh trùng được cho thụ tinh nhân tạo trong phòng thí nghiệm. 2, 3 tuần sau khi được thụ tinh, cá Hồi con sẽ chào đời. Chúng được nuôi dưỡng kỹ lưỡng trong vòng 6 tháng, sau đó các cửa trạm sẽ được mở ra, và cá hồi con sẽ thoát ra các giòng sông rồi lần lượt ra biển để sinh sống tự lập.
Cá Hồi con sẽ đươc nuôi tại đây và sẽ được trả về biển sau 6 tháng.
Tại trung tâm Issaquah, mỗi năm có chừng 2 triệu cá Hồi con được thả ra biển. Con số sống sót trở về tùy theo điều kiện điều thời tiết của sông biển mỗi năm. Theo báo cáo thì hằng năm trung bình có chừng 150 ngàn con trở về. Nhưng Theo Dr. Manner, con số này đang gia tăng hàng năm.
Thật tình cờ, tôi đã có cơ may đến thăm trạm Issaquah Salmon Hachery vào đúng lúc mùa lễ hội cá Hồi trở về quê quán, và cũng thật đúng lúc cổng của trạm cá được mở cửa. Nhờ vậy mà tôi đã được chứng kiến từng đoàn cá lội ngược giòng nước về với cội nguồn để thực hiện tiến trình tái sinh cho thế hệ sau mà tạo hoá đã dành cho chúng.
Cuộc thăm viếng này đã cho tôi cảm giác vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình đã được chứng kiến sự sáng tạo kỳ diệu của Thượng Đế, những gì mình chưa từng thấy qua trong đời. Buồn thật nhiều khi thấy những thân thể rách nát của loài cá Hồi nhỏ bé lênh đênh trên những dòng sông .
Tôi đã thực xúc động về sự hy sinh cao cả của loài vật này, cảm xúc thật nhiều cho tình nghĩa phu thê thủy chung cũng như ân tình của cha mẹ dành cho con cái, cho dầu chúng chỉ là loài vật. Phải chăng đây cũng là bài học vô giá mà thượng đế muốn ban tặng cho loài người chúng ta qua hình ảnh của loài cá Hồi?
Băng qua cây cầu nhỏ để ra về, tình cờ tôi nhìn thấy một cặp vợ chồng. Hình ảnh họ thật dễ thương trìu mến bên nhau. Cô vợ dúi một cent vào tay chồng và thầm thì, "Anh hãy cùng em ném đồng tiền này xuống con suối, hãy cùng khấn nguyện cho tình nghĩa vợ chồng chúng ta mãi mãi bên nhau cho đến ngày nhắm mắt như loài cá Salmon kia".
Bất chợt, tôi cũng muốn cầu chúc cho họ được như ý nguyện. Và dường như nắng ấm chiều Thu tại đây đang còn níu kéo bước chân tôi ...
QD - Mùa Thu 2007 Tạm biệt Issaquah - quê hương Cá Hồi
2 nhận xét:
Bài rất hay,quá đầy đủ về cá hồi,giúp ta hiểu biết và thương quý loài cá này hơn.
VQ í ơi! Sao lúc nào cũng quá xá hay ,vậy ta?..
Cảm ơn bài viết của anh.
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!