Sự khám phá ra bộ lạc Kogi cũng là một sự tình cờ. Năm 1974, một phi công bay lạc trên khu rừng rậm Bắc Sierra, đã phát hiện ở phía dưới, thấp thoáng trong rừng một công trình có hình tương tự như kim tự tháp, nhưng không giống kim tự tháp Ai cập hay các kim tự tháp khác thường thấy ở Nam Mỹ.
Người Kogi là ai ?
Colombia là một quốc gia ở nam Mỹ Châu. Phần lớn lãnh thổ nước này được bao phủ bởi rừng rậm rạp ít được khai phá, đặc biệt là vùng quanh rặng Sierra Nevada, thì gần như còn nguyên vẹn từ mấy ngàn năm nay, rất ít người đặt chân đến đây. Đối với dân vùng này thì Sierra Nevada được coi là chốn linh thiêng, còn chứa nhiều điều bí ẩn. Huyền thoại xứ này nói rằng đó là chỗ ở của các đấng thần linh, có nhiệm vụ che chở cho loài người, nơi mà ngưòi dân Nam Mỹ dầu bạo gan đến mấy cũng không dám bén mảng đến vì sợ thần linh nơi đây quở phạt.
Sierra Nevada de Santa Marta là dãy núi sát bờ biển cao nhất trên thế giới, nằm sát phía Tây Bắc Nam Mỹ, có vách dựng đứng, với rừng rậm bao phủ từ chân núi, cây cối mọc chằng chịt, lan dần lên gần đỉnh núi có tuyết quanh năm ở độ cao 5.775 mét trên mặt biển. Trên vùng cao của dãy núi Sierra Nevada có một bộ lạc thiểu số gọi là Kogi sinh sống biệt lập, không giao tiếp với ai, cách biệt khỏi các nền văn minh ngày nay đã nhiều thế kỷ. Họ rất nghi kỵ những người khác bộ lạc. Họ hình như không muốn liên lạc hay tiếp xúc với bất kỳ người lạ nào. Họ thường rút dần lên vùng núi cao, định cư trong những khu rừng sâu thẳm, nơi mây và sưong mù huyền ảo bao phủ quanh năm giúp họ cách biệt với mọi người.
Sự khám phá ra bộ lạc Kogi cũng là một sự tình cờ. Năm 1974, một phi công bay lạc trên khu rừng rậm Bắc Sierra, đã phát hiện ở phía dưới, thấp thoáng trong rừng một công trình có hình tương tự như kim tự tháp, nhưng không giống kim tự tháp Ai cập hay các kim tự tháp khác thường thấy ở Nam Mỹ. Các nhà khảo cổ và địa chất đã đến đây nghiên cứu và họ đã khẳng định rằng công trình đồ sộ, cách xây cất khác lạ, bị rừng che kín, là di tích của một nền văn minh xa xưa, đã đạt trình độ rất cao, đã được xây dựng trên bảy hay tám nghìn năm, trước cả nền văn minh Incas và Maya, và có lẽ là một trong những nền văn minh cổ nhất ở Nam Mỹ. Các nhà khảo cổ và dân tộc học dự đoán rằng bộ lạc Kogi có thể là hậu duệ còn sót lại của chủ nhân di tích văn hoá cổ xưa nóí trên.
Tôi may mắn được đến thăm người Kogi
Điều cực kỳ may mắn với tôi là đã có dịp đến Sierra Nevada thăm người Kogi. Tháng 2 năm 1992, được mời tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ tư về Khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia tại Caracas, Vênêduêla. Có gần 1.000 đại biểu thuộc hơn 100 nước tham gia hội nghị. Việt Nam chỉ có mình tôi, với tư cách là Uỷ viên Hội đồng quốc tế về Các Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên của Hiệp hội quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (IUCN). Báo cáo của tôi tại Hôi nghị đưa ra quan điểm là “muốn quản lý tốt các khu bảo tồn thiên nhiên, phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương và khu bảo tồn phải đem lại lợi ích thiết thực cho họ”. Ý kiến của tôi đề xuất được nhiều đại biểu tán thành, nhất là các đại biểu thuộc các nước đang phát triển. Một đại biểu của Colombia, cùng là uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo vệ các loài có nguy cơ bị tiêu diệt (SSC) thuộc IUCN như tôi, là Tiến sĩ Juan Mayer Maldonado hết sức hoan nghênh ý kiến của tôi và tỏ ý muốn mời tôi thăm Colombia một chuyến để biết được dân cư trong các khu bảo tồn ở Colombia sinh sống như thế nào? Juan chỉ hỏi tôi có đi bộ được không. Tôi hết sức vui mừng và nhận lời. Juan lo mọi việc cho tôi hết sức chu đáo.
Hành trình thăm người Kogi Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, tôi lên đường thăm Colombia. Cùng đi với tôi ngoài tiến sĩ Juan còn có một người Mỹ, tiến sĩ Richard. Đến sân bay Bogota, thủ đô Colombia, chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh.
Khi tôi vừa trao tấm hộ chiếu cho công an cửa khẩu, ông này kêu to lên: “Ông là người Việt Nam đầu tiên đến Colombia!”. Đó là ngày 22 tháng 2 năm 1992. Nhiều người đứng gần quanh đó chạy đến chào tôi hết sức niềm nở. “Hoan hô Việt Nam, Hoan hô Hồ Chí Minh, Hoan hô Võ Nguyên Giáp”. Không thể nói hết nỗi xúc động trong lòng tôi. Cũng đã vài lần được người nước ngoài hoan nghênh, nhưng chưa lúc nào tôi cảm động và tự hào bằng lúc này.
Ra khỏi sân bay, ô tô chạy men theo bờ biển phía bắc, len đi giữa những giải dài rừng ngập mặn, đưa chúng tôi đến một thành phố nhỏ, Santa Marta nằm sát chân rặng Sierre Nevada. Nghỉ lại một đêm ở đây để sáng hôm sau lên núi. Ts. Juan lúc này mới giải thích thêm cho tôi về chuyến viếng thăm đặc biệt này.
Ông cho biết người Kogi biết rất nhiều điều bí ẩn về thiên nhiên làm cho các nhà khoa học phải suy nghĩ lại về những vấn đề liên quan đến môi trường và vũ trụ. Sức mạnh về cuộc sống tinh thần của họ thật kỳ lạ mà chúng ta khó hiểu được.
Rất ít người Colombia biết được họ là ai và họ sống như thế nào. Họ luôn luôn tự xưng mình là anh cả và gọi tất cả chúng ta đều là em nhỏ. Có rất nhiều điều chúng ta phải học lại từ họ để xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn, bảo vệ được thiên nhiên nguyên vẹn như nó vốn có.
“Người Kogi không muốn bất kỳ ai đến vùng sinh sống của họ, nhưng chúng tôi sẽ bảo đảm là họ sẽ đón tiếp các ông một cách vui vẻ vì chúng tôi là Tổ chức Bảo vệ Sierra Nevada và dân tộc Kogi, được họ hết sức tín nhiệm”, Ts. Juan nói..
Sáng hôm sau, Juan đưa chúng tôi lên núi Sierra Nevada. Phải mất gần một ngày ô tô leo dốc, chúng tôi mới đến được một thị tứ nhỏ bé là địa điểm cuối cùng có đường ô tô, ở độ cao khoảng 4.000 mét. Ở đây dân cư rất thưa thớt, phần lớn là người Colombia. Để đến được nơi người Kogi sinh sống còn phải mất hai ngày trèo núi cật lực. Juan giới thiệu ngưòi dẫn đường, đồng thời là người chịu trách nhiệm tổ chức cho chúng tôi ăn ở và làm việc tại hiện trường.
Ngày đầu chúng tôi đã phải trèo núi ít nhất 10 tiếng đồng hồ liên tục mới kịp đến nơi có thể hạ trại nghỉ qua đêm an toàn ở trong rừng. Ngày tiếp theo phải đi 6 tiếng. Dọc đường trèo núi, băng rừng, tôi mới hiểu được tại sao Juan chỉ hỏi tôi có đi bộ được không. Tôi cũng là người ít nhiều đã quen đi bộ, trèo núi, làm việc trong rừng, nhưng quả thật tôi chưa lần nào trèo núi dốc một cách vất vả khó khăn và đau nhức chân như lần này, mặc dầu mọi đồ dùng cá nhân cần thiết đã có một con lừa mang cho, và Juan còn dành cho tôi một con lừa riêng để cưỡi vì tôi là người lớn tuổi nhất trong đoàn. Có nhiều đoạn, mặc dầu chân đau và mỏi, nhưng tôi cũng không dám cưỡi lên lưng lừa vì đường dốc, nhiều đá rất dễ trượt ngã. Con lừa ngoan ngoãn bước theo tôi và chỉ khi đến đoạn đi trên sống núi tương đối băng phẳng, tôi mới dám trèo lên lưng lừa trong chốc lát cho đỡ chồn chân.
Chúng tôi lặng lẽ vượt qua vùng rừng rậm rạp theo con đường mòn hẹp không có người qua lại. Thỉnh thoảng gặp một vài nền đất, hay một vài túp lều nhỏ bỏ hoang không người ở, được người dẫn đường cho biết đó là những chỗ mà người Kogi đã bỏ đi để đến nơi xa hơn, cao hơn, khi có người da trắng xuất hiện. Ngày đầu còn đỡ, đến ngày hôm sau, đường đi dốc hơn, khó đi hơn, hai chân tôi đau nhức mà không dám ngồi nghỉ. Tôi phải chặt một đôi gậy để chống mới bước đi được. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi cần đến.Trước mắt tôi là một xóm nhỏ có những túp lều hình tròn làm bằng thân cây gỗ nhỏ xếp quanh, mái lợp bằng lá, có một cửa ra vào. Gần đó có một số người, cả người lớn và trẻ em đang cùng ngồi nghỉ, chuyện trò. Tất cả, nam cũng như nữ đều để tóc dài, da ngăm đen, dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc giống nhau: vải tự dệt bằng sợi thô màu trắng, ống tay áo rộng, ngang lưng đeo một con dao dài.
Khi hỏi về các phong tục tập quán của người Kogi, người dẫn đường đã cho chúng tôi biết, mỗi gia đình đông người thường có hai lều, một lều cho đàn ông, một cho phụ nữ. Khách lạ đến thăm là đàn ông không được vào lều phụ nữ, và ngược lại. Ngoài ra họ không thờ cúng, cũng không có tín ngưỡng như các bộ tộc thiểu số khác. Họ không ăn cá, thịt nên không săn bắn. Họ tôn trọng tất cả các loài động vật và sống rất thân thiện với chúng. Tính tình họ hết sức hiền lành, điềm đạm, ít nói. Tuy nhiên có điều nên biết là họ không thích người da trắng. Tôi hỏi thế liệu da tôi thế này họ có ghét không thì ông ta cũng không biết.
Vừa đến nơi, ông bạn đường Richard của tôi, mồ hôi ướt đẫm như tắm, tỏ vẻ hơi lo lắng. Ông liền soạn lại các thứ mang theo và chuẩn bị lều, võng và tắm rửa trước lúc trời tối. Còn tôi chỉ có một ý nghĩ, là làm thế nào tiếp cận được người Kogi.
Một em bé khoảng 6 tuổi đến gần bên tôi, nhem nhuốc, đi chân đất, dáng đi hơi khập khiểng như có cái gì vướng ở gót chân. Tôi bế em bé lên, em vẫn để yên không kháng cự. Gót chân em dẫm phải gai, đã mưng mủ. Tôi liền bế em xuống suối cạnh đó rửa sạch chân tay, mặt mũi cho em. Bế em lên, rút túi thuốc tuỳ thân trong túi xách mang theo, lấy bông tẩm cồn lau sạch nơi mưng mủ rồi lấy kim sạch chọc nhẹ nơi vết thương để nặn mủ ra. Em bé kêu lên một tiếng rồi cười vui vẻ. Tôi lau sạch vết thương, lấy băng dính băng lại thả em ra và để ý xem những người ngồi đó có phản ứng gì không.
Ngay sau đó, một đôi vợ chồng trẻ bế một em bé đến bên tôi, mặt em có nhiều vết lở như kiểu bỏng dạ, nước chảy ra nhem nhuốc, ngứa ngáy. Tôi chợt nghĩ là họ đã tưởng nhầm tôi là thầy thuốc. Bí quá không có cách nào khác tôi đành lấy bông, cồn lau sạch mặt em bé. Lấy một viên thuốc tetraciclin (vì cũng không có thứ kháng sinh nào khác), dùng tờ giấy trắng gói lại, tôi nghiền nhỏ bằng hai hòn đá rồi rắc bột thuốc lên các vết loét trên mặt và cổ em bé. Bằng cử chỉ, vì không nói được tiếng họ, tôi đưa cho người cha 2 viên tetraciclin, hai tờ giấy trắng và nói với anh ta cách nghiền nhỏ như tôi đã làm để rắc cho em vào ngày hôm sau.
Qua thái độ của những người đang theo dõi tôi vừa qua, tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình thử đến chào họ để làm quen. Tôi tiến về phía họ, cúi chào, họ tỏ ra vui vẻ, họ sờ vào tay tôi, hình như họ thấy tôi không ướt đẫm mồ hôi như ông bạn người Mỹ. Không biết nói gì hơn, tôi ngó vào trong chiếc lều gần đó, có một người đàn ông đứng tuổi ngồi trên chiếc võng bên bếp lửa, mắt lim dim, dáng như đang trầm ngâm suy nghĩ. Tôi ra hiệu xin vào lều và được ông gật đầu đồng ý.
Ngồi bên bếp lửa cùng ông ta, nhưng cả hai người không nói được câu nào. Miệng ông ta luôn nhai một thứ lá khô đựng trong một túi lưới, tay ông ta cầm một chiếc ống nhỏ hình quả bầu eo, một que nhỏ cắm vào qua miệng ống, thỉnh thoảng một tay ông xoay chiếc que nhỏ, đồng thời tay kia xoay quả bầu rồi rút chiếc que ra chấm một thứ bột trắng vào lưỡi. Môi ông ta có màu vàng nghệ thẫm. Tôi nghĩ ông ta đang nhai một thứ lá như ta nhai trầu cùng với thứ bột như vôi để có thứ màu vàng nghệ trên môi. Không biết làm gì thêm, tôi liền xin ông một vài lá. Ông sẵn sàng cho tôi. Đưa lên miêng nhấm, thấy có vị hơi đắng. Ngày hôm sau, hỏi người dẫn đường mới biết đó là lá cocain và chỉ nam giới trưởng thành mới được nhai thứ lá đó sau khi đã được trưởng lão làm phép. Tôi đưa máy lên xin chụp ảnh, ông ta gật đầu đồng ý. Tiếp theo tôi xin được ngồi kề bên ông và nhờ một bạn trẻ đang đứng thập thò ngoài của lều vào giúp tôi chụp ảnh cả hai người. May mà máy ảnh của tôi có thể chụp tự động, nên ảnh chụp được khá rõ nét.
Vào lúc đó ông bạn Mỹ, không thấy tôi và tưởng tôi biến đi đâu mất liền gọi. Tôi ra khỏi lều và bảo là tôi đang ngồi chơi với người Kogi, không những thế mµ đã chụp được một số ảnh với họ. Ông ta hết sức ngạc nhiên không hiểu sao tôi đã làm được những việc như thế mà không qua người hướng dẫn. Ông ta cũng vội vàng đem theo máy ảnh đến để chụp, nhưng vừa đưa máy lên, mọi người đã xua tay từ chối.
Sáng sớm hôm sau, lúc tôi vừa thức dậy, đã thấy hai vợ chồng bế theo em bé trên tay đến bên lều của tôi. Họ vui mừng chỉ cho tôi biết các vết chảy nước trên mặt em bé đã khô hết. Chắc vì ở đây chưa dùng kháng sinh bao giờ nên tetraciclin rất có công hiệu. Bằng những cử chỉ hết sức thân thiện, hai vợ chồng dẫn tôi đến lều riêng của gia đình, bên kia sườn đồi. Cùng ngồi bên bếp lửa, ông chồng khều trong tro nóng một củ sắn nướng tặng tôi. Quá cảm động, tôi bóc sắn ăn mà rơi nước mắt trước thái độ hết sức vui mừng của đôi vợ chồng trẻ. Tôi chưa bao giờ được ăn một miếng sắn ngon lành như vậy. Đây quả là một hành động, một lời cảm ơn thật đơn giản mà đầy ân tình, một tình người chân chính, không bao giờ có thể quên được.
Chúng tôi ở lại đây hai ngày, nói chuyện với mọi người, tìm hiểu phong tục tập quán, thăm rừng, nương rẫy. Tôi được mọi người tiếp đón vui vẻ, nhất là các em bé, luôn xoắn xít bên tôi, đến mức ông bạn Mỹ phải thốt lên: “Tôi chịu ông, không hiểu tại sao mà ông lại được người Kogi quý mến đến thế”. Tôi được tự do chụp ảnh, mọị người vui vẻ chụp ảnh cùng tôi, người lớn tuổi cũng như trẻ em, trong khi đó ông bạn người Mỹ đành chịu không được phép chụp ảnh họ.
Trong hai ngày ngắn ngủi sống với người Kogi, tôi nhận thấy nhiều điều khác lạ với những bộ lạc ít người trong vùng mà tôi đã có dịp đến thăm như ở Brazil hay Vênêzuêla thường không có quần áo. Tất cả người Kogi đều mặc quần và áo với vải họ tự sản xuất lấy. Họ là những người nông dân hết sức bình dị, sinh sống bằng cách trồng trọt một vài thứ cây đơn giản như sắn, khoai sọ, rau, chuối…Phương pháp trồng trọt cũng hết sức thô sơ là chọc lỗ để gieo hạt hay thu nhặt hoa quả trong rừng và như họ nói là theo đúng như cách sinh sống mà tổ tiên xa xưa hàng nghìn năm truyền lại. Họ sản xuất vừa đủ dùng và không hề tích trữ, luôn sống vừa đủ, không dư thừa, do đó mà tại đây không hề có trộm cướp hay các tệ nạn như ở các bộ lạc khác.
Điều đặc biệt là người Kogi không hề ăn cá thịt, khác hẳn với các nơi khác. Họ không săn bắn, không đánh cá, không giết hại các động vật sống hoà đồng với họ. Họ hết sức tôn trọng thiên nhiên và yêu mến tất cả các loài động vật vì cho rằng mọi con vật đều biết đau đớn. Họ rất thông hiểu về các loài cây cỏ dùng làm thuốc, và nhờ thế họ sống khoẻ mạnh, thanh thản, nhiều người trong họ không bệnh tật, sống thọ trên trăm tuổi.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là tổ chức xã hội và cuộc sống tinh thần của bộ tộc thiểu số được xem là “lạc hậu” này. Đơn vị nhỏ nhất là gia đình có bố mẹ và con cái. Khi trẻ còn nhỏ, được cha mẹ nuôi dưỡng, khoảng 7 tuổi thì chúng rời cha mẹ đến ở với ông bà để được học hỏi về cách sống tự lập. Đến 21 tuổi thì đi theo các bậc trưởng lão để học hỏi thêm, đến khoảng 30 tuổi khi đã có những kiến thức vững vàng về mọi mặt mới khởi lập gia đình. Ngoài ra không có một nhà trường nào khác. Cách dạy dỗ ở đây là truyền miệng từ cha mẹ, ông bà đến con cháu và từ các bậc trưởng lão đến những thanh niên trong bộ lạc. Họ không có chữ viết và cũng không thấy sách vở.
Cách giáo dục thanh niên ở đây cũng hết sức kỳ lạ. Khi đến tuổi khỏang 21, thanh niên được gửi theo học với các trưởng lão. Nơi học là một hang tối, hay một túp lều đơn sơ dựng nơi thanh vắng trong rừng sâu. Tại đây họ ngồi im lặng, quay mặt vào vách đá để nghe ông trưởng lão ngồi ở phía sau giảng dạy. Thời gian học là từ 7 đến 9 năm. Họ chỉ nhai một ít lá cây, uống chút nước và tĩnh tâm suy ngẫm về những điều được giảng dạy. Mỗi ngày vào giờ nhất định, vị trưởng lão có nhiệm vụ hướng dẫn, trao cho họ một đề tài để suy ngẫm, và như một trưởng lão giải thích: “Đời sống là một sự mầu nhiệm, nếu con người biết tu dưỡng thân và tâm để ý thức được đời sống một cách trọn vẹn thì người ta sẽ cảm nhận được nhiều việc khác phi thường hơn”. Quả thật cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu nói đó của vị trưởng lão. Hình như trong câu nói có hàm ý về tâm linh mà chúng ta khó nhận thức được.
Một điều lạ lùng nữa là một bộ lạc, một cộng đồng dân tộc ít người mà không có người lãnh đạo. Theo tôi tìm hiểu, thì mọi công việc ở đây đều được quyết định chung, mọi người được tự do phát biểu ý kiến và tất cả mọi người thực hiện công việc một cách tự giác. Người có uy tín trong cộng đồng là các trưởng lão, được xem là người có hiểu biết sâu về mọi mặt, nhất là về mặt tinh thần, tâm linh, là người hướng dẫn về tinh thần cho cả cộng đồng. Nơi hội họp của cả cộng đồng là một ngôi nhà chung, được dựng lên ở nơi thuận lợi cho mọi người. Ngôi nhà chung này cũng hình tròn, nhưng rộng rãi, sạch sẽ, trong nhà không hề có một bức tượng hay một vật thể nào biểu trưng cho tôn giáo hay tín ngưỡng như ở các bộ lạc khác.
Gặp được một cơ may hiếm có là đến thăm người Kogi ở biệt lập trên vùng núi cao, hiểm trở Sierra Nevada, tôi đã nhận thấy được một số điều kỳ lạ ở họ, là ý thức tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống tâm linh của một nền văn minh cổ xưa mà thế giới con người ngày nay rất cần nghiên cứu và học tập..
Vào cuối năm 1993, tôi nhận được tin ký giả Alan Ereira đài BBC là người đầu tiên và cũng có thể là người cuối cùng được bộ lạc Kogi cho phép cùng với một số người giúp việc đến quay phim và tìm hiểu về mọi sinh hoạt của bộ lạc với điều kiện là phải chuyển một thông địệp ghi lời của họ gửi cho tất cả chúng ta mà họ gọi là “các em nhỏ” thông qua Đại hội Các Tôn giáo Toàn Thế giới tổ chức tại Chicago vào tháng 9 năm 1993. Điều kỳ lạ là người Kogi sống biệt lập nơi vùng núi cao, không giao tiếp với ai, không biết bằng cách nào mà họ biết được là có Hội nghị đó? Thông điệp đó đã làm cho cả thế giới phải ngạc nhiên về những hiểu biết và tâm tư của họ về tình trạng nguy nan của Trái đất và cả nhân loại hiện nay. Sau đây là một vài ý trích từ bản thông điệp: “…Chúng tôi nói bằng trái tim, những lời nói chân thành nhất rằng: nhân loại đang sắp bước vào một thảm hoạ rất lớn mà từ trước tối nay chưa từng xẩy ra. Loài người cần biết rằng tất cả chúng ta đều là anh em một nhà, đều là con cùng một mẹ. Dù chúng ta có màu da khác nhau, có những truyền thống khác nhau, tuân theo những quan niệm khác nhau, sống trong những điều kiện khác nhau, nhưng tất cả chỉ là bề ngoài mà thôi. Bên trong chúng ta đâu có khác biệt: khi đói chúng ta đều đói như nhau, chúng ta đều có cảm giác vui buồn như nhau. Hiển nhiên đúng như vậy rồi vì chúng ta đều là con cùng một mẹ, nhưng tiếc là các em đã không chú ý đến điều này vì các em đã quên mất nguồn gốc thiêng liêng của các em rồi.”
“Sống xa Mẹ đã lâu, các em quên hẳn người Mẹ đã sinh ra các em, săn sóc che chở, nuôi dưỡng các em. Vì thiếu ý thức, các em đã phá nát gia tài Mẹ để lại, phá hoại một cách không thương tiếc! ….Các em đang dày xéo lên thân thể Mẹ mà các em không biết rằng các em đang giết hại chính đấng sinh thành ra mình! Các anh biết rõ việc này, nên chỉ muốn khuyên các em hãy dừng lại, quan sát và ý thức việc làm hiện nay của các em, vì giết hại đấng sinh thành ra mình là giết hại mình đó.
Mẹ của các em là ai? Chính là Trái đất này. Lòng Mẹ chính là biển cả và trái tim của Mẹ chính là những dãy núi cao có mặt khắp nơi. Này các em, đốt rừng, phá núi, đổ đồ ô uế xuống biển chính là chà đạp lên thân thể của Mẹ đó! Mẹ là nguồn sống chung và con người không thể sống mà không có mẹ. Nếu Trái đất bị huỷ hoại thì chúng ta sống ở đâu? Đây là một vấn đề hết sức quan trọng và cần xét đoán một cách nghiêm khắc. Các anh không biết trong vòng vài năm nữa, thế giới sẽ biến đổi như thế nào? Chắc không lấy gì làm tốt đẹp lắm đâu nếu các em cứ tiếp tục phá hoại mà không biết bảo vệ môi trường sinh sống của mình. Tại sao thừa hưởng một gia tài tốt đẹp như thế mà chúng ta lại phá hoại nó đi? Tại sao các em không nghĩ rằng trải qua mấy ngàn năm nay, các thế hệ trước đã giữ gìn cẩn thận, đã trân trọng từng tấc đất, từng ngọn núi, từng khóm cây, ngọn cỏ mà ngày nay các em lại phá nát mà không hề thương tiếc? Làm sao các em có thể tự hào rằng mình là văn minh khi nhân loại và mọi sinh vật mỗi ngày một đau khổ nhiều hơn xưa? Làm sao có thể nói nhân loại đã tiến bộ khi con người ngày nay đang gia tăng hận thù, chỉ thích gây chiến tranh khắp nơi? Làm sao nói cho các em biết rằng vũ trụ có những định luật vô cùng lớn lao, khồng thể vi phạm được. Lòng các anh vô cùng đau đớn vì các anh thấy rằng Trái đất đã khô kiệt rồi, mọi sự sống đang lâm nguy và thảm hoạ diệt vong chỉ còn trong giây lát. Do đó các anh muốn kêu gọi khẩn thiết rằng, hãy thức tỉnh, ngừng ngay những việc có tính cách phá hoại lại, nếu không thì trễ quá mất rồi! … Trái đất, Mẹ của tất cả chúng ta sắp chết nếu chúng ta không biết săn sóc Người.”
Vào tháng 2 năm 1993, khi đoàn của ký giả Alan Ereira rời khỏi bộ tộc, những người Kogi đã ân cần nhắn nhủ “Xin các ông hãy mang thông điệp này gửi cho thế giới bên ngoài để nhân loại biết rằng tình trạng đã thật sự nguy kịch lắm rồi! Nếu họ không chịu thức tỉnh thì đợi đến bao giờ nữa đây”. Quả đúng như vậy, thế giới ngày nay đang đối mặt với tình trạng hết sức nguy cấp về cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Trái đất đang nóng lên hàng ngày vì chính các hoạt động thiếu suy nghĩ của chúng ta trong quá trình phát triển. Nguy cơ suy tàn của thiên nhiên và cả loài người đang đến gần mà nhiều người trong chúng ta vẫn như mù, như điếc, chưa nhận thức được để sớm có biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu. Chúng ta vẫn còn chần chừ. Trong lúc đó người Kogi, chỉ một nhóm rất ít khoảng 20 làng bản sinh sống cách biệt trên vùng cao của dãy Sierre Nevada lại biết rất rõ để cảnh báo cho chúng ta. Đó là một điều bí ẩn không thể giải thích được. Có lẽ họ đã nhờ tâm linh sáng láng mà cảm nhận được điều đó chăng?
0 nhận xét:
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!