Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

12 tháng 9, 2011

Những Huyền Thoại Thất Sơn.P4

Phần 4: Một Vòng Quanh Bảy Núi (t.t)

Thủy Đài Sơn

Đi vòng quanh núi Tượng, dõi mắt về hướng núi Dài để xem có hòn núi nhỏ nào không. Tìm mãi không thấy đâm chán, trên bản đồ địa phương thì chỉ án chừng nó thuộc cánh đồng Ba Chúc gần núi Tượng hướng ra núi Dài. Tôi bèn dò hỏi dân địa phương thì đến được một nơi giống như cái gò đất nhỏ. Nếu không có thổ địa dẫn đường tôi cũng không tin nó chính là Thủy Đài Sơn hay còn gọi là núi Nước.
Núi Nước là hòn núi nhỏ nhất, nhỏ hơn tất cả những ngọn đồi và núi khác, gần như đất bằng, cao không quá 50m, ở gần núi Tượng. Khi chưa có đê bao chống lũ, vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 đến cuối tháng 10 âm lịch), chung quanh núi này là một biển nước mênh mông, đỏ quạch phù sa. Vì lẽ đó, núi có tên là núi Nước. Ở núi có một ngôi chùa nên được gọi là Thủy Đài Sơn. Chùa tên là chùa Linh Bửu, do Ngô Lợi giáo chủ Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho xây dựng vào ngày 9 tháng 6 năm Giáp Thân (1884).

Thủy Đài Sơn 

Trong vùng có rất nhiều núi khác khá lớn như: núi Trà Sư, núi Phú Cường, núi Sam, núi Nam Vi... đều lớn hơn núi Nước nhưng không có tên trong Thất Sơn. Núi Nước được người xưa đặt tên và đưa vào Thất Sơn, có thể do sự tác động bởi những quan niệm thần bí, siêu nhiên trong dân gian...

Theo các tôn giáo trong vùng thì Thủy Đài Sơn chính là 1 cây "ếm", và chính đức Bổn Sư (người lập đạo Hiếu Nghĩa) đã mở cây ếm đó. Tương truyền trên đỉnh núi, thuở xa xưa ai đó đã chôn sâu một trụ đá khắc chữ Tàu, cốt để trấn ếm long mạch, nhưng sau này đã được Bổn Sư Ngô Lợi cho đào lên phá hủy, và sau nữa người ta dựng lên ở đỉnh một con rùa bằng đá và xi măng. 

Rùa Đá trên Thủy Đài Sơn 

Núi tuy nhỏ và có dáng dấp như một hòn non bộ lớn, nhưng núi cũng có một ít cây cổ thụ, một ít hang động nhỏ... 
Cổ Thụ trên Thủy Đài Sơn 

Len qua là những bậc thang của núi, để lên đỉnh - một tảng đá bằng phẳng, cây lâm dồ che rợp mát, đủ để hơn 20 người ngồi sinh hoạt tập thể, ngắm nhìn ra bốn phía ruộng lúa xanh tươi, hưởng trọn không khí trong lành, nhất là vào mùa nước nổi từ tháng 6 đến tháng 10 trong năm. Núi Tượng và quần thể khu di tích Nhà mồ, chùa Phi Lai, Tam Bửu, đồi Tức Dụp, quần thể căn cứ Ô Tà Sóc - núi Dài đều đã được công nhận di tích cấp quốc gia.

Ngọa Long Sơn

Núi Dài 

Rời Ba Chúc, Tôi chạy dọc theo con đường nhựa đến Tri Tôn. Lúc này bên trái tôi là một ngon núi thật to và dài xa mịt mù. Tôi nhìn vào Googlemap thì thấy núi trải dài từ Đông sang Tây và hao hao dáng con rồng nằm ngủ. Không sai chạy tí nào tôi đã đến được điểm tâm linh kế tiếp: núi Dài.

Núi Dài còn có tên núi Dài Lớn, núi Dài Ba Chúc. Do có dáng như con rồng nằm nên còn có tên là Núi Rồng Nằm hán văn gọi là Ngọa Long Sơn. Đây là trái núi dài nhất trong Bảy Núi (khoảng 8.000m), cao 580 m, nằm dọc theo tỉnh lộ 955B thuộc bốn xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì của huyện Tri Tôn tỉnh An Giang.

Núi Dài thuộc dạng núi dốc, được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt nên núi có độ cao và có độ dốc lớn trên 25 độ. Đỉnh núi gần như bằng phẳng trải dài hơn 8km, khó xác định đâu là điểm cao nhất. Dù trên núi có hai di tích lịch sử quốc gia là điện Trời Gầm và đồi Ma Thiên Lãnh nhưng Ngọa Long Sơn vẫn là con rồng đang yên ngủ bởi chưa khai thác du lịch được. Xưa kia núi Dài từng đầy rẫy ác thú.

Tương truyền vào năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu huy động dân binh xuống đóng trại tại Ba Chúc, chuẩn bị đào kênh nối Châu Đốc - Hà Tiên, đêm xuống tuy người đông song lúc nào cũng phải nổi lửa hoặc đánh động để xua đuổi cọp thường lảng vảng xung quanh. Huyền thoại Thất Sơn còn nói tới con nưa chín mũi (giống như trăn nhưng mũi có tới chín lỗ nhỏ) hết sức hung dữ, có con thân mình to bằng cây cột nhà!
(con nưa)

Núi Dài còn có rất nhiều nương rẫy, vườn cây ăn trái và thắng cảnh. Nhưng đặc biệt hơn cả đó căn cứ Ô Tà Sóc (suối Ông Sóc – theo tiếng Khmer là Tà), một di tích cách mạng đã được xếp hạng.

(Ô Tà Sóc)

Ô Tà Sóc có nghĩa suối ông Sóc, nằm trên điểm cao của núi Dài, thuộc ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, cách thị trấn Tri Tôn 11km. Đây là một vùng sơn lâm hiểm trở, cho nên từ năm 1962 đến năm 1967, nơi này là căn cứ của Tỉnh ủy An Giang với nhiều cơ quan trực thuộc...

(Điện Trời Gầm)

Ngoài Điện Trời Gầm, nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy, còn có Điện Huỳnh Liên, Vồ Cò, Vồ Cỏ Xã...là nơi những cứ điểm quan trọng. Đặc biệt trên đồi Ma Thiên Lãnh, có hang rộng có thể chứa hàng nghìn người.

Ma Thiên Lãnh 

Từ căn cứ địa này, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo quân và dân tỉnh đánh đuổi nhiều nhóm thổ phỉ và nhiều lần kháng lại các cuộc càng quét của quân đội Mỹ, quân đội Việt Nam cộng hòa...

Theo lời kể, một lần vào năm 1969, một tiểu đội tiền tiêu của Ðoàn 61, chủ lực Miền, bị máy bay đối phương ném bom làm sập miệng hang. Bảy chiến sĩ bị kẹt trong hang, lúc đầu đơn vị tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa sữa, cháo loãng... Mấy ngày sau, vì đối phương càn quét liên tục, đơn vị đành phải bỏ lại các đồng đội để rút về rừng U Minh. Ðã có nhiều áng văn chương, thơ ca, nhạc cổ ca ngợi sự hy sinh ấy, như:

Chiều nay bên núi dốc núi
Tôi lặng lẽ cúi đầu
Thương những người chiến sĩ
Nằm lại dưới hang sâu.

Suốt một ngày bom dội
Cây rừng đổ ngổn ngang
Đất đá dồn trút xuống
Chặn lối vào cửa hang...

...Nay suối rừng vẫn chảy
Rừng xanh thêm từng ngày
Hồn người trong hang lạnh
Vẫn như còn đâu đây...

(Ở lại Ô Tà Sóc, thơ Trần Quang Mùi) 

Để ghi nhớ các anh, và giữ yên chỗ các anh nằm lại mãi mãi. Ngày kỷ niệm 27/7/1997 ngành thương binh xã hội tỉnh An Giang, cùng địa phương xã Lương Phi, huyện Tri Tôn mở đường lên chót đồi này xây dựng bia tưởng niệm các anh. Thời gian qua có biết bao du khách về nguồn đều lên để cúng viếng các liệt sĩ vô danh ấy. 

Trong quần thể của căn cứ Ô Tà Sóc có trên mười địa danh khác nằm trong lò ảng từ chân suối lên gần đỉnh như đội Bảo Vệ, hang Quân Y, Dân Y, hang Tuyên Huấn, Điện đài, Phụ Nữ, Cơ Yếu… và điện Trời Gầm làm văn phòng, hội trường Tỉnh ủy chứa gần cả trăm người ăn ở, sinh hoạt – Là đỉnh cao căn cứ, nằm trải dài theo lòng suối thiên nhiên, hang động kỳ bí, quanh co uốn khúc theo lò ảng hơn 1.000 mét từ chân núi lên, nếu ai đã có nép mình vào địa đạo Củ Chi, thì đây là địa đạo thứ hai vậy. 

Cánh đồng rộng lớn dưới chân núi Dài 

Tôi ôm cua 1 vòng rõ lớn quanh chân núi Dài , dân cư vùng này rất thưa thớt, chủ yếu làm ruộng sinh sống. Lát đát đây đó vài căn nhà trồng Thốt nốt và bán Thốt Nốt lạnnh giải khát, vào đây thì yên tâm là Thốt Nốt nguyên chất rồi. Tôi dừng xe bên một quán nhà lá đông khách học sinh đang ngồi nghỉ. Đúng như tôi dự đoán, Thốt Nốt ở đây ngon hơn hẳn đậm đà hương vị không bị pha.

Tôi ghé thăm chùa Tà Miệt ở bên đường dưới chân núi Dài. Là chùa Miên nên kiến trúc rất đặc sắc. Mang đậm phong cách Phật giáo pha trộn Hindu.

Núi Dài - Ngọa Long Sơn tuy nằm trong hệ thống Thất Sơn và đang sở hữu căn cứ Điện Trời Gầm, Ô Tà Sóc đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia, nhưng trong cái nhìn của người làm du lịch An Giang, nó là chốn hoang vu, hiểm trở, ít tiềm năng. Chính nhờ vậy mà núi Dài còn giữ được nét nguyên sơ, hùng vĩ…

(Còn tiếp)
Zero Không Vô

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang