Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

11 tháng 9, 2011

Những Huyền Thoại Thất Sơn.P3

Một Vòng Quanh Bảy Núi (t.t)

Vĩnh Tế Hà 

Rời chợ Tịnh Biên, tôi tiếp tục xuôi theo con đường thẳng dọc bên bờ kinh thẳng tắp đi mãi. Bên trái tôi là dãi núi Cấm hùng vĩ mây lành che phủ mượt mà như gấm như lụa, tên Thiên Cẩm Sơn quả là không sai. Bên phải tôi là dòng kênh nhân tạo thẳng tắp như 1 cây thước kẻ. Như có linh tính tôi tra Googlemap và thốt lên: đây chính là kinh Vĩnh Tế lừng danh của xứ Thất Sơn này.
(kinh Vĩnh tế)

Kinh Vĩnh Tế là con kinh đào dài gần 90km chạy song song với biên giới Việt-Campuchia kéo dài từ Châu Đốc (An giang) tới Hà Tiên (Kiên Giang) nối liền sông Hậu và sông Giang Thành. Kênh được đào vào năm 1819 thời vua Gia Long đến 5 năm sau mới hoàn thành. 


(Sơ đồ toàn cảnh kinh Vĩnh Tế)

Kênh được thực hiện dưới sự chỉ huy tổng trấn Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu. Để hoàn thành công trình khó khăn này Thoại Ngọc Hầu đã huy động 80.000 dân binh khắp nơi. Bởi công việc ở chốn “đồng không mông quạnh”, nhiều “sơn lam chướng khí”; việc ăn uống, thuốc men thảy đều thiếu thốn, khiến số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như sấu, rắn rít... quá cao. Nên khi làm xong công trình, số mộ phần của những người phu xây dựng đã được chôn cất thành nguyên khu vực lớn trước lăng của Thoại Ngọc Hầu ngày nay. 


(Lăng Thoại Ngọc Hầu ở núi Sam)

Vua cho phép Thoại Ngọc Hầu lấy tên vợ là Châu Thị Tế, dòng họ Châu vĩnh, đặt tên cho núi Sam là Vĩnh Tế Sơn và dòng kênh mới đào là Vĩnh Tế Hà

Từ khi có kênh Vĩnh Tế đã giúp cho sự phát triển của kinh tế trong vùng không nhỏ, mặt khác nó còn góp phần vào bảo vệ quan ải biên cương. Trịnh Hoài Đức cũng đã khen ngợi:" Vĩnh Tế Hà, tổng cộng dài 205 dặm rưỡi mà đường sông đi lại rất thông. Từ đó kế hoạch quốc gia về biên giới cũng như sự buôn bán của nhân dân cùng hưởng sự tiện lợi vô cùng."


(kinh Vĩnh Tế ngày nay)

Đến bây giờ, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thuỷ, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nông nghiệp của triều Nguyễn. Giờ đây đi trên con đường xanh mát rợp bóng cây bên bờ kinh Vĩnh Tế lòng tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những gian khổ xưa thời khai hoang lập cõi. Khung cảnh trước mắt tôi có lúc đẹp không thể tả, một bên sông nước hữu tình, bên kia mây núi chụp hình về xem.


(mây lành núi Cấm đẹp như Gấm Trời và núi Dài nhìn từ kinh Vĩnh tế)

Ca dao có câu:
Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên,
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu. 


(con đường dọc theo kinh Vĩnh tế)

Tôi chạy xe dọc theo con đường ven kinh Vĩnh tế vượt qua cánh đồng bên dưới thung lũng núi Cấm, núi Dài, núi Tà pẹc. Vùng này con đường này là ven biên nên dân cư rất thưa thớt hầu như không có nhà ở. Ruộng đồng bao la bát ngát trải dài từ bờ sông đến tận chân núi. Tôi dõi mắt ra xa xa bên kia bờ sông là biên giới Campuchia nơi có những dãy núi cao to còn hùng vĩ hơn cả Thất Sơn. Không biết trong dãy đó có núi nào là núi Tà Lơn không vì xưa có câu: "Nhất Tà Lơn nhì ông Cấm". Ý ám chỉ 2 ngọn núi linh thiêng nhất vùng biên giới này. 


(từ kinh Vĩnh Tế nhìn về biên giới Campuchia)

Hiện con đường vận chuyển hàng hoá đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên chủ yếu thông qua kênh Vĩnh Tế. Bởi tuy đã có đường bộ là tuyến quốc lộ 91 nhưng chất lượng rất kém nên các công ty vận tải thường lựa chọn đường thủy. Tuy nhiên, dưới lòng kênh Vĩnh Tế vẫn còn nhiều bãi đá ngầm nên tàu trên 250 tấn không vào được. Huyện Tịnh Biên đã đề xuất tỉnh An Giang hỗ trợ chi phí để tiến hành nạo vét lòng kênh. Dự kiến, công trình sau khi hoàn tất có thể cho tàu trên 500 tấn ra vào suốt năm. Hiện đã có nhà đầu tư đồng ý xây dựng cầu cảng bốc dỡ hàng hoá tại bến kênh Vĩnh Tế để giải phóng nhanh lượng hàng vào khu kinh tế cửa khẩu. Hy vọng với những thay đổi trên sẽ tác động tích cực đến vùng đất vẫn còn nghèo khó này.


Liên Hoa Sơn
(đường vào núi Tượng)

Đang đi, tôi bỗng thấy ngọn núi thâm thấp rất gần bên trái có tảng đá to như hình đầu Voi phục. Tôi reo mừng trong bụng: "Chắc đây chính là điểm linh thiêng kế tiếp. Núi Tượng." Đến cây cầu có ngã 3 rẽ vào núi Tượng tôi men theo đó và tiến gần đến chân núi. Tôi ước lượng: cao khoảng 150m, dài hơn 500m, ngang hơn 300m.


(núi Tượng nhìn từ kênh Vĩnh Tế)

Xưa người ta leo từ bên này núi qua bên kia núi có một chỗ quằn xuống gọi là đường quằn. Bên cạnh đường đi có một ao sen lá to như bánh xe bò, nên quen gọi là núi Hoa Sen. Hán Văn đọc là Liên Hoa Sơn.

Ngày nay, sen không còn nữa, vì núi có một vồ đá trông như đầu voi, còn thân mình là cả ngọn núi nên người ta gọi là núi Tượng. Núi Tượng là nơi tu hành mở đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa một hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương.


Ba Chúc
(thị trấn Ba Chúc - cây dầu 300 tuổi - núi Tượng phía sau)

Tôi vào thị trấn Ba Chúc, vùng Ba Chúc chủ yếu là vòng quanh núi Tượng, thung lũng nhỏ, cổ kính, có cảnh “trước miễu, sau chùa”, miễu (là đình làng độc đáo, thờ trăm quan đại thần) cất phía trước, chùa phía sau, kề sát nhau. Câu ca dao khá xưa, dễ gợi giây phút lâng lâng:

Dạo chơi trước miễu sau chùa.
Đụng người mua bán quê mùa thiếu chi.

Ở miền đất này đã xảy ra một số sự kiện lớn như:

Đạo nạn
Trước năm 1870, vùng núi này hãy còn hoang vu, nhờ ông Ngô Lợi (Đức Bổn Sư núi Tượng), người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa), dẫn dắt một số đệ tử vào vùng núi Tượng khai hoang lập những thôn ấp, mà sau này trở thành làng An Định, An Hòa, An Thành, An Lập; dựng chùa Tam Bảo, chùa Phi Lai khiến nơi đây ngày một trở nên đông đúc.

Từ 1876 - 1888, quân lính Pháp đã đến đốt phá, bắt bớ, tra tấn, tù dày những tín đồ ở làng An Ðịnh cả thảy bảy lần, tín đồ Hiếu Nghĩa gọi là “đạo nạn”. Ngô Lợi cùng với tín đồ đạo Hiếu Nghĩa kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Sivôtha (Campuchia) nổi dậy, nhưng bị Pháp nhanh chóng đưa quân vào trấn áp rồi còn cho đóng đồn dọc kênh Vĩnh Tế để dễ theo dõi, chế ngự. Lần đạo nạn này, Ngô Lợi phải cùng với nhiều tín đồ phải chạy sang Campuchia để lánh nạn. Đến khi trở về, nhà cửa, chùa chiền chỉ còn lại những đống tro tàn.
Cây dầu 300 tuổi tại An Định xưa
Một góc phố Ba Chúc tức thôn An Định xưa. Phía cuối đường là Núi Tượng.Nhưng bi thảm nhất là vào năm 1887 khi lính Pháp xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người. Người Pháp giải tán làng An Định cho sáp nhập vào làng Ba Chúc, thiêu hủy tất cả chùa chiền, nhà cửa và cưỡng bức nhiều gia đình gồm gần hai ngàn người già trẻ xuống tàu về quê quán...

Nói đến đạo nạn, kệ giảng của đạo Hiếu Nghĩa có những câu:


Lập an chùa miễu vững xong,
Bước qua Ất Dậu, gió giông ai tường.
Mã tà, Mã kỵ rần rần
Phá làng, phá xóm vang rền tứ vi.
Kẻ chạy, người ở thêm thương,
Cám nổi đoạn trường chua xót đắng cay…

(trích Chánh Tăng Phật tích)

Đang miên man, tôi bất chợt ớn lạnh rùng mình khi nghĩ về trận chiến năm xưa cũng tại vùng này Khơme đỏ đã tràn qua diệt chủng dân ta vô số. Nguyên xã Ba Chúc bị bắt giết gần hết, người lớn thì bị giết dã man, phụ nữ bị cưỡng hiếp, con nít thì bị xé làm đôi như xé gà. Từ Khơ me gọi những hành động đấy là Cáp-zùn. Tôi cảm nhận vô số linh hồn oán thù vẫn còn vang lên tiếng khóc ai oán từ vùng núi hang sâu thẳm vọng về. Một cảm giác lạnh sống lưng làm tôi sờ sợ.



Đi vào thị trấn Ba Chúc, tôi ghé qua nhà mồ Ba Chúc nơi lưu dấu hàng ngàn bộ xương già trẻ lớn bé được giữ lại để ghi nhớ tội ác đẫm máu của Pôn pốt KhơMe Đỏ.



Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã tập trung đánh vào xã Ba Chúc, đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản, giết người hàng loạt. Qua 11 ngày lấn chiếm (từ 18/4/1978 đến 29/4/1978), giặc đã giết hại hơn 3.000 dân lành. Nhà mồ Ba Chúc được xây dựng trên một khoảng đất giữa hai chùa Phi Lai và Tam Bửu, cách núi Tượng (Liên Hoa Sơn) 100m về hướng đông để ghi dấu tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pôn Pốt.

"...Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã tập trung đánh vào xã Ba Chúc, đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản, giết người hàng loạt. Qua 11 ngày lấn chiếm (từ 18/4/1978 đến 29/4/1978), giặc đã giết hại hơn 3.000 dân lành. Nhà mồ Ba Chúc được xây dựng trên một khoảng đất giữa hai chùa Phi Lai và Tam Bửu, cách núi Tượng (Liên Hoa Sơn) 100m về hướng đông để ghi dấu tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pôn Pốt.

Sáng 18/4, sau khi chọc thủng phòng tuyến của du kích xã, bọn Pôn Pốt xua quân vào Ba Chúc. Xã bị dìm trong biển lửa và máu. Những cảnh tượng giết người hàng loạt dã man hơn cả thời trung cổ: Bắn người tập thể, dùng búa đập đầu, cắt cổ; với trẻ em thì chúng xé làm đôi hoặc nắm hai chân đập đầu vào gốc cây, vách tường, bờ đất hay tung lên và xóc lưỡi lê vào cơ thể; với phụ nữ thì bọn dã thú hãm hiếp, dùng dao xẻo vú, thọc tầm vông, cán búa hoặc nhét đất đá vào chỗ kín cho đến chết. Những người dân Ba Chúc từng chứng kiến đã rùng mình hồi tưởng và cho đến bây giờ họ vẫn thảng thốt ngạc nhiên tại sao có những kẻ mang khuôn mặt con người mà độc ác, dã man đến như vậy!...

.....nhân dân thường chạy vào chùa trú ẩn vì cứ ngỡ rằng chúng sẽ không giết người trước Ðức Phật từ bi. ... chúng bắn trúng hậu liên Tam Bửu tự. 40 người chết không toàn thây, 20 người bị thương, máu loang đỏ nền chùa, tiếng kêu la cất lên thảm thiết. Sáng hôm sau, giặc tràn vào chùa Tam Bửu và bắt hơn 800 người đang ẩn nấp nơi đây và xua họ đi thảm sát tập thể ở cánh đồng Cầu Sắt và giồng Ông Tướng. 

Chùa Tam Bửu
Ðối diện với chùa Tam Bửu là chùa Phi Lai. Ba giờ chiều hôm đó giặc tràn vào đây và xả súng bắn chết tại chỗ 80 người; 100 người khác kinh sợ bỏ chạy cũng bị chúng dùng báng súng và khúc cây đánh chết; 40 người khác nấp dưới bàn thờ Phật cũng bị lựu đạn tung vào chỉ sống sót 1 người. 


(chùa Phi Lai)

Những hang đá trên núi Tượng (Kỳ Lân Sơn trong dãy Thất Sơn) đã trở thành những mồ chôn người tập thể. Trong hang Ba Lê, 50 người trong một dòng họ không còn sót một ai và bên cạnh là giồng Ông Tướng đã vùi thây 100 sinh linh vô tội khác. Hang Cây Da có 17 người vào trốn, chúng xả súng giết ngay 14 người, hiếp dâm chị Chuột rồi dùng cây đâm vào cửa mình cho đến chết, ...., nhân dân Ba Chúc đã gom góp xương tàn của những người xấu số chất đầy cả... mấy chiếc xe bò!...



Tại hang Ðồ Ðá Dựng nằm trong lòng núi Tượng có 72 người trốn, trong đó có 4 cháu nhỏ. Do ở hang lâu ngày thiếu ăn, khát nước và bệnh tật, trẻ la khóc suốt ngày. Ðể đảm bảo bí mật cứu lấy số đông, mọi người phải đau lòng nghĩ đến chuyện bức tử các cháu bé nhưng không ai dám nỡ lòng. Ðến ngày 29/4, một tên nữ Khơme Ðỏ đi do thám và phát hiện tiếng trẻ khóc, thị la lên "thận or" (có người) và chạy đi báo thượng cấp. Trước nguy cơ tất cả bị tàn sát, mọi người quyết định phải tự tay giết 4 cháu bé. Ðứa con trai lên 5 của anh Trần Văn Tỏ biết mình sắp phải chết đã thảng thốt van xin: "Ba ơi! Ðừng giết con!". Anh Tỏ đã cố nén đau thương bóp mũi đứa con trai thương yêu của mình cho đến chết. Rồi tiếp đó là ông Hai Khế, ông Tư Ðức đã lần lượt tự tay giết ba đứa cháu nội của mình. Ba tiếng đồng hồ sau, bộ đội ta tấn công vào, những người dân trong hang Ðồ Ðá Dựng ôm 4 đứa trẻ vẫn còn hơi nóng mà đứt từng khúc ruột...



Bà Hà Thị Nga lúc ấy 39 tuổi. Cả dòng họ trên 100 người của bà đã bị bọn Pôn Pốt giết hại; riêng gia đình bà đã vĩnh viễn mất đi 37 người, từ cha mẹ, anh chị, chồng và 6 đứa con thân yêu. Bà đã tận mắt chứng kiến kẻ thù giết hại những đứa con của mình. Ðứa gái út bị chúng đập đầu ba lần không chết vẫn ngẩng đầu kêu "Mẹ ơi!" đau đến xé lòng. Bà đã ngất xỉu đi và gục lẫn vào đống xác người cho nên thoát chết.


(Bà Hà Thị Nga)

Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Sương năm ấy mới 11 tuổi - cha mẹ và tất cả anh chị em đều bị sát hại. Sương kể trong nước mắt: Chiều 18/4, giặc tràn vào chùa Tam Bửu và lùa bà con đi tàn sát tập thể, Sương chạy theo cha. Tại cánh đồng Cầu Sắt - Vĩnh Thông, cha chị cầm tay con mà dặn: "Cha còn 7 đồng bạc, con cầm lấy". Giặc bắn cha chị, xác nằm chung với hàng trăm người khác. Chị cũng bị bắn vào đầu và ngực nhưng may mắn không chết. Ban ngày Sương đi lượm xoài ăn, tối về nằm bên xác cha. Qua 11 ngày đêm, các vết thương trên người chị nhiễm trùng thối rữa ra. Sau thảm họa, chính quyền địa phương đã đưa chị đi bệnh viện điều trị ba tháng sau mới lành. Ông Nguyễn Văn Kỉnh là một trong 300 người bị bọn chúng dẫn đi tàn sát ở cánh đồng Vĩnh Thông. Ông kể, chúng chia từng tốp 20-30 người rồi đồng loạt nã đạn, đến tốp ông Kinh, khi súng nổ ông hoảng sợ chết ngất. Sáu xác người khác phủ lên người ông. 



Khi tỉnh lại ông bàng hoàng nhìn cảnh tượng xung quanh và muốn chết thật đi khi nhìn thấy đứa cháu ngoại 5 tháng tuổi của mình đang day vú mẹ trong khi người con gái của ông tắt thở tự lâu rồi..."

(Trích quyển Chứng tích của Tội ác)

Tôi vào nhà trưng bày "Chứng tích tội ác của bọn Pôn Pốt" và thấy vô số côn, dao, búa, dùi cui, tầm vông dùng để đập đầu nạn nhân, cưỡng hiếp phụ nữ. Tôi có thể hình dung thật rõ ràng những tội ác qua những hình ảnh trưng bày và nó như đang sống lại sinh động trước mắt tôi. Tôi có thể cảm thấy nỗi đau của hàng ngàn nạn nhân thông qua trực giác khá nhạy bén của mình. Bất giác tôi ứa nước mắt.

Nhà mồ có hình lục giác, mỗi trụ cột đỡ mái nhà được kiến trúc hình tượng như bày tay đẫm máu đang vươn thẳng lên. Bên trong nhà mồ là một khung hộp kính tám cạnh, chứa đựng 1.159 bộ hài cốt gom được của người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pôn Pốt thảm sát. Trước đây, nhà mồ trưng bày các hài cốt trong khung kính có thể được nhìn thấy từ ngoài xa.
(nhà mồ Ba Chúc)

Về sau người ta cho che lại bằng cách gắn thêm các cánh hoa sen bao quanh hình lục giác tạo thành bông sen ngụ ý giúp các linh hồn được siêu thoát.


(hài cốt của những nạn nhân xấu số)

Tôi dành chút thời gian cầu nguyện cho các linh hồn tội nghiệp ở nơi đây rồi nhanh chóng rời khỏi khu âm u này. Thật là xót xa cho những người chết theo cái kiểu như vậy.

(Còn tiếp)
Zero Không Vô 

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang