Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

13 tháng 11, 2011

Đọc sách về nhà thơ Đỗ Hữu


Tên sách:
NHÀ THƠ ĐỖ HỮU VẪN CÒN ĐÓ
Tác giả: Tô Kiều Ngân


Chúng ta có dịp đọc bài Đỗ Hữu: Nhà thơ tài hoa bị lãng quên trong đó ông Huỳnh Ngọc Chiến giới thiệu hai bài thơ Sầu Ai Lao và Chiều Việt Bắc; sau đó chúng ta được ông Hồ Công Trừng giới thiệu thêm Bài thơ thứ ba của Đỗ Hữu: bài Nắng ngút đường dài…
“Đỗ Hữu để lại ba bài thơ rồi biến mất. Bao nhiêu người mê thơ ông và mất công đi tìm tung tích tác giả, đặt nhiều câu hỏi và phỏng đoán, lại ngỡ rằng tác giả đã qua đời!”. Nhưng theo Tô Kiều Ngân thì:
“Xin chư vị hãy yên lòng. Tôi góp một tin vui: Đỗ Hữu vẫn còn đó! Ông tên thật là Lê Hữu Đỗ, ký bút danh là Đỗ Hữu. (…) hiện định cư ở San Jose, California. Ông từng làm chủ bút một tờ báo ở bắc Cali. Năm 2002, nhà xuất bản Dorrance có tiếng ở Mỹ đã ấn hành cho ông cuốn sách viết bằng tiếng Anh nhan đề Sounds of the bamboo forest, tên tiếng Việt là Âm vang rừng trúc nói về các ngôi chùa và các tông phái Phật giáo ở Việt Nam”.

Tô Kiều Ngân cho biết thêm: 
“Tại sao Đỗ Hữu không làm thơ nữa hay ông có làm mà không in ra? Thơ Đỗ Hữu chịu ảnh hưởng những ai? Những điều đó xin hẹn một dịp khác sẽ trở lại, còn bây giờ bạn Huỳnh Ngọc Chiến, bạn Hà Công Trừng và những người hâm mộ Đỗ Hữu (chắc là nhiều) muốn gặp Đỗ Hữu có thể liên lạc theo email: dohuu2005@yahoo.com”.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đỗ Hữu là một nhà thơ tài hoa đã bị lãng quên, thật là

Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm
Đem gởi hương cho gió phụ phàng,
Mất một đời thơm trong kẽ núi,
Không người du tử đến nhằm hang...

(Gửi hương cho gió - Xuân Diệu)

Ông sáng tác không nhiều, nhưng chỉ với hai bài thơ "Sầu Ai Lao" & "Chiều Việt Bắc" cũng đủ chúng ta cảm nhận "trên đỉnh mênh mông".

Trừ cái cấu trúc ...trèo lên lên trèo lên,trèo lên lên trèo lên*...của Đèo Cả,thì ý tứ bài Sầu Ai Lao này với Đèo Cả rất giống nhau.Vậy Hữu Loan và Đỗ Hữu:


1/ Là một?
2/ Ông nào là đạo sĩ?
Hãy đọc lại để thử so sánh 2 bài thơ này:

Sầu Ai Lao
Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt, 
Mây cứ sầu tuôn núi võ vàng.
Lá vẫn pha chàm trên sắc áo,
Mưa nguồn thác đổ đá mù sương.

Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm
Với nắng bâng khuâng mấy thuở nào
Với núi xanh lơ, chòi tím nhạt
Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao.


Lưng đèo quán gió mờ hun hút
Thôn bản nằm trơ dưới nắng chiều
Tai vẫn nghe đều dòng thác đổ
Người ơi, thương nhớ biết bao nhiêu!

Ở đây hơi đá chiều vây khắp,
Khép chặt mình tôi giữa núi rừng.
Buồn quá ngày đi, đêm trở lại,
Hoàng hôn hoa bản phấn rưng rưng.

Người có theo tôi lên dốc nắng,
Nhìn xem hoa rải sắc trên đường.
Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm,
Lá đổ sau chân một lối vàng.

Đèo Cả
Hữu Loan

Đèo Cả!
Đèo Cả!
Núi cao ngút!
Mây trời Ai Lao
               sầu đại dương
Dặm về heo hút
Đá Bia mù sương
Bên quán "Hồng quân"
                         người
                            ngựa
                               mỏi
Nhìn dốc ngồi than
                     thương
                        ai
                          lên
                            đường
Chầy ngày
           lạc giữa núi
Sau chân
         lối vàng
                xanh tuôn
Dưới cây
         bên suối độc
Cheo leo chòi canh
                      như biên cương
Tóc râu
         trùm vai rộng
Không nhận ra
                   người làng
Ngày thâu
           vượn hú
Đêm canh
          gặp hùm lang thang
Rau khe
         cơm vắt
Áo phai
       màu chiến trường
Gian nguy
          lòng không nhạt
Căm thù
          trăm năm xa
Máu thiêng
         sôi dào dạt
Từ nguồn thiêng
                ông cha
"Cần xây chiến lũy ngất
Đây hình hài niên hoa
- Xâm lăng!
Xâm lăng!
Súng thèm
          gươm khát..."
Ai ngân lung lay
                   đêm quê nhà
Nhớ lần thăm Đèo Cả
Hậu phương từ rất xa
Ăn với nhau bữa
                   heo rừng
                      công thui
                         chấm muối
Trên sạp cây rừng
Ngủ chung
         nửa tối
Biệt nhau
         đèo heo
                  canh gà
Râu ngược
         chào nhau
            bên dốc núi.
Giặc từ vũng Rô
                    bắn tới
Giặc từ trong
             tràn ra
Nhưng Đèo Cả
                  vẫn đứng vững
Đèo Cả Nam
              máu giặc
                       mấy
                           lần
                             nắng
                                khô
Sau mỗi lần thắng
Những người trấn Đèo Cả
Về bên suối đánh cờ
Người hái cam rừng
                       ăn nheo mắt
Người vá áo
               thiếu kim
                         mài sắt
Người đập mảnh chai
                          vểnh cằm
                                     cạo râu
Suối mang bóng người
                          soi
                             những
                                về đâu?
(1946)

Giống không?
-----------
*Lối thơ bậc thang ảnh hưởng Maiakowsky của Hữu Loan.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Có lẽ bài Đèo Cả của Hữu Loan đã gợi hứng Đỗ Hữu làm bài Sầu Ai Lao. Trong bài Sầu Ai Lao có bốn câu sau:

Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm,
Với nắng bâng khuâng mấy thuở nào,
Với núi xanh lơ chòi tím nhạt,
Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao!”.

Có điều lạ lùng là nhà văn Đỗ Chu, trong bài “Miên man Tuỳ bút – Kỳ II”, lại cho rằng bốn câu thơ nầy là của Nguyễn Xuân Thâm với bút danh Dao Ca.

Chúng tôi có thói quen tìm trên mạng các dữ liêu có liên quan đến bài dự tính post lên TVE và chúng tôi cũng đã làm như thế khi thực hiện ebook “Bài thơ thứ ba của Đỗ Hữu”, nhờ đó mà chúng tôi tìm được bài “Miên man Tuỳ bút – Kỳ II” (http://vietbao.vn/Van-hoa/Mien-man-t.../70082271/181/). Thú thật, đọc xong bài của nhà văn Đỗ Chu chúng tôi nghĩ rằng biết đâu Đỗ Hữu là một bút danh khác ngoài bút danh Dao Ca của Nguyễn Xuân Thâm. Chúng tôi chỉ ngờ vậy thôi vì biết đâu chúng tôi đã không hiểu đúng ý của tác giả nên chúng tôi chỉ chép nguyên văn bài “Miên man Tuỳ bút – Kỳ II” vào phần chú thích bài “Bài thơ thứ ba của Đỗ Hữu” để các bạn tham khảo mà không “bình luận” gì.

Gần đây, sau khi đọc bài “Nhà thơ Đỗ Hữu vẫn còn đó” trong đó Tô Kiều Ngân cho biết tên thật của Đỗ Hữu là Lê Hữu Đỗ; chúng tôi đọc lại bài “Miên man Tuỳ bút – Kỳ II” và chúng tôi nghĩ rằng có lẽ nhà văn Đỗ Chu đã nhớ lầm!

Nhân đây chúng tôi xin được nói thêm là tác giả của bài “Bài thơ thứ ba của Đỗ Hữu” là Hà Công Trường (KTNN số 627, ngày 10.01.2008, tr.44-45) chứ không phải là Hà Công Trừng như Tô Kiều Ngân đã viết trong bài “Nhà thơ Đỗ Hữu vẫn còn đó”. Chúng tôi chưa tìm được KTNN số 628 nên không biết Ban biên tập KTNN có đính chính về tên Hà Công Trường hay không. Nếu tên Hà Công Trường là đúng thì ghi Hà Công Trừng là sai. Chúng tôi lấy làm tiếc là đã không ghi chú sự sai biệt này khi thực hiện ebook “Nhà thơ Đỗ Hữu vẫn còn đó” của Tô Kiều Ngân. Xin chân thành cáo lỗi cùng các bạn.

ST
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang