Đỗ Hữu
Mộng Liên đường chủ nhân, trong bài tựa Truyện Kiều, đã viết “Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê, đó là căn nguyên của hai chữ đoạn trường vậy” (Trần Trọng Kim dịch). Có tài mà không được gặp gỡ, đành phải đem chôn cuộc đời vào những chốn tầm thường dung tục, chịu cảnh vùi lấp của bao sự đời nhố nhế, từ ngàn xưa vẫn là bi kịch của kẻ tài hoa. Người xưa gọi đó là “Không cốc u lan” (Cánh hoa lan u buồn nơi cốc vắng), tức là cảnh ngộ “Biết bao hoa đẹp trong từng thẳm, Đem gởi hương cho gió phụ phàng, Mất một đời thơm trong kẽ núi, Không người du tử đến nhằm hang” (Xuân Diệu). Những tài năng bị vùi lấp đó thường phát tiết anh hoa ra ngọn bút, để tạo nên những vẻ đẹp hoặc bi tráng hoặc thiết tha cho cuộc sống, khiến ý nghĩa cuộc đời càng trở nên thăm thẳm, mênh mông.
Song cũng có những trang tài tử đem hết tài hoa để gởi lại cho đời những trang diệu bút, mà lại bị người đời quên lãng một cách quá đỗi bất công. Bên cạnh nhà thơ Lý Hạ của Trung Quốc, tôi muốn nói đến nhà thơ Đỗ Hữu của Việt Nam.
Tôi đã tìm tòi bao năm, kể cả trên mạng Internet, mà chỉ được một ít thông tin quá mơ hồ về Đỗ Hữu. Nhà thơ tiền chiến này chỉ được nhắc đến một cách tình cờ và được nhận xét chung chung “hay hơn thơ Quang Dũng”, thậm chí những câu thơ tuyệt diễm của ông còn bị đem gán cho người khác! Không biết thuở sinh tiền ông có thấy cay đắng hay không, nhưng mấy mươi năm sau, kẻ hậu học là tôi vẫn không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho một nhà thơ tài hoa tột bậc bị lãng quên.
Thế hệ chúng tôi, do những biến động của lịch sử, đã không có điều kiện tìm tòi và viết về Đỗ Hữu đã đành, nhưng không hiểu sao thế hệ đàn anh sao lại quá thờ ơ với ông. Tôi đã cất công sưu tầm bao nhiêu năm, nhưng cũng không tìm được thêm gì ngoài hai bài “Chiều Việt Bắc” và “Sầu Ai Lao”, được in trong phần phụ lục cuốn Một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan của Bùi Giáng (NXB Tân Việt, 1957). Hai bài đó, tôi chỉ được đọc sau khi sách ra đời hơn mười lăm năm, và chúng đã để lại trong tôi dấu ấn không thể phai mờ. Điều làm tôi ngạc nhiên, thậm chí giận dỗi là sau này, trong hai cuốn ghi chép tản mạn thượng thừa về thi ca là Đi vào cõi thơ và Thi ca Tư tưởng, lại không thấy nhà thơ Bùi Giáng nhắc đến Đỗ Hữu, dù trong đó, có lúc ông đã bốc đồng ca ngợi không tiếc lời những nhà thơ rất đỗi xoàng xĩnh hoặc vô danh. Nhà thơ họ Bùi đã quên mất người bạn cố tri mà ông đã từng trân trọng và gắn bó bằng những tình cảm đằm thắm từ thời bắt đầu cầm bút!
Bởi vậy, tôi cảm động xiết bao khi một lần về chơi ở đất Bình Dương, một người bạn già vong niên chuyên nghiên cứu văn học khoe với tôi bài thơ “Chiều Việt Bắc” được chép trong cuốn sổ tay, gồm những bài thơ hay và lạ do anh sưu tập. Nhìn nét chữ nắn nót, bay bướm trên trang giấy của một người yêu thơ đã bước vào tuổi “cổ lai hy”, ta mới thấy được tấm lòng trân trọng của anh dành cho bài thơ và cho tác giả. Có lẽ lúc đó anh cũng không nghĩ rằng tôi đã biết và đã yêu bài thơ này cách đó hơn ba thập kỷ, bởi cái tên Đỗ Hữu vẫn còn quá lạ lẫm đối với không ít những người làm thơ và yêu thơ của nhiều thế hệ.
Thi ca – tôi chỉ muốn nói đến thi ca đúng nghĩa – quả là vưu vật đáng trân trọng của trần gian. Một dân tộc không còn biết yêu thi ca, hoặc lạm dụng thi ca quá mức, là nền văn hóa đã đến lúc suy đồi. Đoàn Phú Tứ được nhắc đến như một tài năng thi ca lớn, chỉ với một bài “Màu thời gian”. Thế thì vì đâu mà bao nhiêu năm qua, chúng ta lại lãng quên Đỗ Hữu với hai tuyệt tác “Sầu Ai Lao” và “Chiều Việt Bắc”, mà nhiều người cho rằng còn hay hơn cả thơ Quang Dũng?
Đã mấy mươi năm qua, nhạc điệu của hai bài thơ vẫn mãi ám ảnh tôi, nghe như nhạc điệu trong bài “Đôi bờ” của Quang Dũng. “Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai? Sông xa từng lớp lơp mưa dài… Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa, Ðêm đêm sông Ðáy lạnh đôi bờ, Thoáng hiện em về trong đáy cốc, Nói cười như chuyện một đêm mơ”. Song trong hai bài thơ của Đỗ Hữu dường như trĩu nặng nỗi sầu cô lữ hơn cả “Đôi bờ”, và bàng bạc nỗi “mang mang thiên cổ sầu” trong hồn thơ Huy Cận.
Giai đoạn xa nhà để nổi trôi theo nợ áo cơm, một chiều đứng giữa rừng núi điệp trùng của một miền cao xứ Quảng, giữa “núi biếc chập chùng”, giữa “Buồn xưa chiều đọng sầu lau lách”, khi một mình lầm lũi trên “Dặm về lá đổ phấn tàn xiêu”, khách lữ thứ chợt cảm nhận ra nỗi buồn diệu vợi mênh mông. Không phải là nỗi “Tư cố hương” nhớ quê nhà hay là “Sầu tương tư” một bóng hình nào chia xa biền biệt. Không! Nó mênh mông man mác, nó tràn ngập cả hồn khách bằng nỗi sầu hoài cổ, bằng niềm dự cảm xót xa về cảnh đời hư ảo, về sự mong manh của tình yêu, về sự phù du của một kiếp người. Một nỗi buồn mênh mông như nỗi buồn trong “Chiều xưa” của Huy Cận: “Buồn gieo theo gió veo hồ, Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa, Đồn xa quằn quại bóng cờ, Phất phơ buồn tự ngày xưa thổi về….”. Sống trong đời, tôi cho đó chính là những phút giây hạnh ngộ, vì có khi chỉ trong những lúc ấy, chúng ta mới có cơ duyên cảm nhận hết được ý nghĩa kỳ diệu của thi ca. Cảnh vật tác động vào tâm hồn khiến những câu thơ như ngân lên những âm thanh huyền hoặc, và để lại những hình ảnh lắng đọng mà suốt đời ta không sao quên được. Và nó hé mở cho ta thấy ý nghĩa của cõi đời nhiều hơn là những trang luận thuyết dài dòng rối rắm về triết học, hay những trang kinh nặng nề màu sắc siêu huyền.
Một buổi chiều đi lao động lấy củi, đứng giữa cảnh núi rừng, đột nhiên những câu thơ của Đỗ Hữu tràn ngập trong hồn tôi, giữa ánh hoàng hôn đang dần tắt lịm, giữa núi đồi chập chùng. Khắp cả núi đồi, khắp cả đất trời như đắm chìm theo nỗi sầu bàng bạc. “Với núi xanh lơ, chòi tím nhạt, Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao”. Không phải là nỗi sầu Ai Lao mà là nỗi sầu cô lữ. Tự nhiên tôi thấy mình sao mà cô độc, sao mà lẻ loi giữa đất trời, và chợt cảm thấy mình sao như tên Do Thái đang lang thang phiêu bạc qua cõi đời để tìm về một vùng Đất Hứa mơ hồ, giữa những “Lá đổ sau chân một lối vàng ” và “Hoàng hôn hoa bản phấn rưng rưng”!
Giai điệu câu thơ “Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao” nghe sao mà buồn đến mênh mông diệu vợi. Câu thơ có một âm trắc duy nhất, nhưng đọc lên lại nghe êm dịu như những câu thơ toàn vần bằng trong bài “Tỳ bà” của Bích Khê. “Ô hay buồn vương cây ngô đồng, Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”! Câu thơ tuyệt diễm của Đỗ Hữu khiến cả xác thân ta như tan đi trong nỗi sầu bàng bạc giữa cảnh “Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm”.
“Nắng xuống phương nào người thấy không? Mà đây chiều tím rụng song song”, ta nghe như cả không gian với bầu trời hoàng hôn tím ngát như cùng rụng xuống với câu thơ. Không phải thương nhớ một người, mà thương nhớ cả không gian. Hình ảnh người yêu đã hóa thân vào nắng chiều, vào khói thuốc để cùng tình yêu bay lên những vùng trời chiêm bao sương khói. “Khói thuốc lên mờ xanh bóng ai, Phương xa chiều xuống ngút sông dài”. Nơi phương tôi chiều tím đang rụng xuống, nơi phương người cũng đang bảng lảng bóng hoàng hôn. “Mây phương tôi mộng xuống phương người” (H.N.). Hãy ngồi tĩnh lặng giữa bóng chiều hôm để cùng tìm gặp nhau trong cõi nhớ. Hồn thơ đã khiến cho không gian trở nên bao la hơn, nỗi sầu man mác hơn và khiến cho con người càng thấy nhỏ bé hơn trong nỗi sầu cô lữ. Và chính trong sự nhỏ bé ấy, trong niềm khắc khoải ấy, ta càng nhận ra ý nghĩa mênh mang của cõi đời, vốn đã bị cuộc sống xô bồ vùi lấp trong tiếng huyên náo của ngựa xe. Không biết rồi mai đây, những nỗi sầu của thế hệ “hiện đại” có tìm thấy được mình trong những vần thơ ngậm ngùi sâu lắng kia không, để cùng sẻ chia một chút ý nghĩa đời?
Tối về, nằm trong lán trại, trong ánh đèn dầu leo lắt, suốt đêm nghe tiếng côn trùng rả rích, tôi mới cảm nhận được sự mênh mang của nỗi sầu cô lữ. “Tai vẫn nghe đều dòng thác đổ, Người ơi, thương nhớ biết bao nhiêu”. Không có tiếng thác đổ, chỉ có tiếng gió lạnh xào xạc từng cơn trong kẽ lá, giữa vầng trăng sơ huyền ảm đạm “Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt, Mây cứ sầu tuôn núi võ vàng. Lá vẫn pha chàm trên sắc áo, Mưa nguồn thác đổ đá mù sương”, khiến tôi cảm thấy thêm lạc loài cô độc, và thêm thương nhớ bâng khuâng. “Người ơi, thương nhớ biết bao nhiêu”. Không phải thương nhớ một bóng hình, mà là bâng khuâng thương nhớ về một cõi nào đó rất đỗi mơ hồ và xa muôn trùng trong tâm tưởng. Cõi nào? Tôi không rõ. Người ơi! “Đêm nay gió thổi buồn ghê lắm”. Tôi trằn trọc suốt đêm, ghi lại cảm xúc của mình bằng hai câu thơ: “Chung dạ trùng thanh thiết, Mang mang cô lữ sầu”, rồi tự dịch : “Suốt đêm rả rích tiếng trùng, Kiếp cô lữ nặng nỗi buồn mênh mang”. Và chợt thấy thêm thấm thía những câu thơ nói về cảnh đời lữ thứ trong cõi Đường thi.
Thơ Đỗ Hữu khiến ta tưởng chừng như đang nghe lại những câu thơ thiết tha trong “Đôi bờ” của Quang Dũng. Không biết ai đã chịu ảnh hưởng của ai, vì chúng ta hoàn toàn không biết được hai bài thơ của Đỗ Hữu ra đời từ năm nào. Có người cho rằng Đỗ Hữu làm thơ trước cả Quang Dũng. Song điều đó không quan trọng, vì chỉ có những kẻ tài hoa mới có thể chịu ảnh hưởng của nhau theo lẽ “thanh khí ứng cầu” trong sáng tạo. Chỉ có những tâm hồn tài hoa như Quang Dũng và Đỗ Hữu mới có thể sáng tạo nên những vần thơ mênh mông đến thế. Còn kẻ bất tài khi bắt chước vẫn luôn cho ta thấy hắn đang khoác cái áo khổng lồ lên thân thể tí hon.
Không biết trong thi ca Việt Nam có còn những câu thơ nào đẹp hơn, đằm thắm hơn, mênh mông hơn thế nữa hay không? Nhưng chỉ cần những câu thơ của Đỗ Hữu hay Quang Dũng còn sống thì ta vẫn còn giữ trọn vẹn niềm tin tuyệt đối vào hồn thơ Việt!
Đỗ Phủ từng nói: “Văn chương thiên cổ sự, Đắc thất thốn tâm tri” (Văn chương là chuyện ngàn năm, Được hay mất chỉ tấc lòng biết thôi). Tôi tin rằng hai bài thơ của Đỗ Hữu không chỉ có “Thốn tâm tri”, mà nó sẽ được nhiều người biết đến, và trân trọng như là những tặng vật quý báu của một tâm hồn tài hoa trong cõi thơ tiền chiến.
7/2007
Huỳnh Ngọc Chiến
Talawas
0 nhận xét:
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!