Phóng viên (PV): Thưa ông, đối với người kinh doanh, có bao nhiêu điều quan trọng?
Doanh nhân:Theo tôi thì có hai thôi: tìm ra thị trường và tìm ra nguồn vốn
PV: Thị trường đôi lúc là nhân tố khách quan. Còn đồng vốn không phải như vậy, đúng không ạ?
Doanh nhân: Đúng. Vốn phải tự có. Hoặc thông thường nhất phải đi vay.
PV: Vay ai?
Doanh nhân: Bất cứ ai. Nhưng trên thực tế, chủ yếu là vay ngân hàng.
PV: A, ngân hàng. Có phải nơi mà dư luận luôn nói là đang ôm nhiều nợ xấu đó không?
Doanh nhân: Xin nhà báo định nghĩa lại cho tôi biết “nợ xấu” là gì?
PV: Là nợ không có khả năng thu hồi. Nói nôm na là không đòi được.
Doanh nhân: Thế hiện nay các ngân hàng ôm nợ xấu nhiều không?
PV: Ô, ông không biết à? Vô cùng nhiều, nhiều đến mức bao nhiêu rất khó thống kê. Nguy cấp lắm.
Doanh nhân: Tôi nghĩ khác, nhà báo ạ. Tôi hoàn toàn cho như vậy là “nợ đẹp”.
PV: Nợ đẹp?
Doanh nhân: Phải. Vì với tư cách doanh nhân, tôi biết lúc mắc nợ thì lo lắng vô cùng, mất ăn mất ngủ, bị ám ảnh, và khả năng mất tài sản vào bất cứ lúc nào. Nhưng mất ăn mất ngủ tôi chưa thấy, chứ cho tới bây giờ nhìn ông ngân hàng nào cũng phây phây, chưa thấy ai mất gì, cũng hầu như chưa thấy ai bị sao. Nợ như vậy gọi nợ đẹp chứ còn gì nữa.
PV: Ừ nhỉ.
Doanh nhân: Nợ mà không thống kê rõ số nợ, nợ mà không biết chính xác ai nợ bao nhiêu và ai là người ký quyết định cuối cùng cho vay, nợ mà không đòi được cũng chả chết thì xấu làm sao được.
PV: À há.
Doanh nhân:Nếu nhà báo cho tôi vay một triệu đồng, tôi không trả nhà báo vẫn bình an, vẫn có cơm ăn áo mặc, vẫn giữ nguyên chức vụ và vẫn hứa chứ đâu phải trả tiền. Thì nhà báo thấy sự nợ như thế có nhẹ nhõm không?
PV: Nhẹ nhõm vô cùng.
Doanh nhân: Ngược lại, nếu tôi cho vay mà tôi không đòi cũng chả làm sao, tài sản cá nhân của tôi không hề suy chuyển; địa vị, danh tiếng của tôi vẫn oai hùng thì món nợ đó đâu làm tôi đau đớn lắm.
PV: Đúng vậy.
Doanh nhân: Tóm lại, rất kỳ lạ, tôi có cảm giác nợ xấu đang biến thành nợ đẹp với cả người cho vay lẫn người đi vay, nghĩa là cả hai cứ ì ra mà chả làm sao cả.
PV: Không phải như vậy đâu.
Doanh nhân: Tôi chưa biết bên trong các vị xử lý nhau như thế nào, nhưng bên ngoài nhìn vào chỉ thấy nợ xấu là một kẻ vô danh, không hình ảnh, không mặt mũi, và con số thì khá lờ mờ. Còn trong cuộc sống, nếu tôi cho ai vay tiền, hoặc tôi đi vay của cá nhân nào đó thì vay bao nhiêu, bao giờ trả hoặc không trả, sẽ ra sao. Chắc chắn họ tính chính xác tới từng xu.
Cho nên nói nợ xấu đang có khả năng biến thành nợ đẹp do chưa thấy ai chết cũng không phải không có lý. Hoặc ít nhất cũng có thể gọi đó là nợ êm dịu, nợ thanh thản hoặc nợ bình an. Không có chuyện một sống một chết giữa chủ nợ và con nợ.
Nợ kiểu như thế thì nói thật, có khi tôi muốn… vay thêm. Nợ kiểu đó, thì giữa chủ nợ và con nợ sẽ còn tình thương mãi mãi.
Lê Thị Liên Hoan (An ninh thế giới cuối tháng) 17/11/2013
0 nhận xét:
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!