Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

20 tháng 12, 2013

“Cú sốc” từ một bức thư tình



(Dân trí)- Bài trích đăng bức thư tình của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn gửi người yêu 16 tuổi từ gần 50 năm trước bỗng trở thành một trong những bài viết có số lượng truy cập “kỷ lục” tuần qua. Tại sao?
Những tưởng, giữa thời đại bùng nổ thông tin “sốc” như hiện nay, chẳng ai còn quan tâm đến một bức thư tình viết tay với ngôn ngữ văn chương, lãng mạn.
Báo chí nhiều năm nay mải mê “chạy đua” đưa tin sốc, giật gân. Ai cũng nghĩ, chỉ những tin “sốc”, “sex”, “cướp, giết, hiếp”… mới có “view”, mới có sức hút “kinh khủng” với độc giả. Người ta săn lùng tin sốc như một thói quen nghề nghiệp, và mặc định tin sốc cũng là thói quen đọc, là “nhu cầu”, là thị hiếu của độc giả.
Những tưởng, giữa thời đại của Facebook, của Smart-phone, khi tất thảy mọi việc (kể cả tình yêu) đều được “giải quyết” nhanh gọn, chóng vánh, sẽ chẳng còn mấy ai quan tâm đến thư tình.
Những tưởng, giữa cuộc sống vội vã, mê mải mưu sinh với “cơm áo gạo tiền” như hôm nay, khi giá xăng, giá vàng, giá điện còn “đảo điên”… sẽ chẳng mấy ai có thời gian để lưu tâm đến sự lãng mạn, nên thơ của những bức thư tình.
Những tưởng, chuyện viết thư tình và đọc thư tình đã là chuyện của “ngày xửa, ngày xưa”.


Bức thư Trịnh Công Sơn gửi người yêu Dao Ánh năm 1965 khi cô còn là một nữ sinh
Thế nhưng, bài viết “Bức thư tình tuyệt hay Trịnh Công Sơn gửi người yêu 16 tuổi” đăng trên trang Văn hóa của báo điện tử Dân trí ngày 26/11 đã trở thành bài viết có số lượng độc giả “kỷ lục”, là một trong những bài viết có sức thu hút lớn nhất trong tuần qua trên Dân trí.
Bài viết không chỉ thu hút đông đảo độc giả vào đọc bài, vào “Like”, còn thu hút đông đảo những ý kiến “comment” chia sẻ. Những dòng thư tình lãng mạn tưởng như đã bị lãng quên giữa cuộc sống đương đại thực dụng, vội vã, nay lại có thể làm sống dậy biết bao kỷ niệm, biết bao ký ức, biết bao cảm xúc trong lòng độc giả.
Đông đảo độc giả đã chia sẻ với chúng tôi, rằng cuộc sống “cơm áo gạo tiền” lâu nay đã khiến tâm hồn họ khô cằn, rằng những vội vã, chóng vánh của tin nhắn, Facebook, đã khiến họ chai sạn, nhưng khi đọc bức thư tình của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, biết bao người đàn ông đã nhớ lại ngày xưa khi còn viết thư tay tỏ tình với cô hàng xóm, hàng tuần sau mới dám gửi, và biết bao phụ nữ đã bày tỏ mong ước sẽ lại được nhận những bức thư tình lãng mạn, nhét vội sau khung cửa như thế…
Ở thời đại, khi “chụp ảnh tự sướng” trở thành một hiện tượng ngôn ngữ, “thư tình” đã trở thành từ khóa bị lãng quên. Khi những ký tự đã được “đồng bộ hóa” trên bàn phím điện thoại, bàn phím máy tính, những email, tin nhắn gửi cho nhau cũng được “khô cứng hóa”. Đọc, nhìn ngắm và suy nghĩ trước một bức thư tình viết tay cách đây gần 50 năm bỗng khiến biết bao nhiêu người lặng đi, xúc động.


Ngô Vũ Dao Ánh (lúc 16 tuổi) và Trịnh Công Sơn thời trẻ (Ảnh do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cung cấp)

Trịnh Công Sơn sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng được, bức thư tình ông gửi cô nữ sinh Dao Ánh, sau gần 50 năm, lại làm được những điều kỳ diệu như thế. Bức thư tình làm sống dậy biết bao cảm xúc, biết bao nhớ thương, biết bao suy nghĩ giữa một thời đại đã “số hóa” tất cả.
Những con chữ giản dị, văn phong tài hoa, cảm xúc đời thường, những yêu thương tha thiết, những rung động thuần khiết… của người nhạc sỹ vô tình đã chạm đến vùng ký ức xa lắc vốn bị bỏ hoang bấy lâu trong tâm hồn biết bao người.
Ai đó đặt câu hỏi, bài viết “Bức thư tình tuyệt hay Trịnh Công Sơn gửi người yêu 16 tuổi” sở dĩ được đông đảo độc giả đón nhận như vậy phải chăng vì độc giả đã bị báo chí “bỏ đói” quá lâu với những tin giật gân, gây sốc?
Hay, giữa cuộc sống bộn bề, bươn chải, trong tâm hồn mỗi chúng ta, đâu đó vẫn tràn đầy cảm xúc. Chỉ cần một “cú hích” từ một bức thư tình lãng mạn, từ những con chữ giàu sức gợi, tất cả ký ức, kỷ niệm, cảm xúc sẽ ùa về, bung trào nhung nhớ.
Bởi ai trong chúng ta cũng có (và muốn có) một nơi như thế, một thời như thế, cho mình.
B’lao, 23 tháng 9/ 1965
Ánh

Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ đã điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen.

Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây.

Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.

Ngồi ở đây nhìn ra từng ô cửa kính rất lớn anh mơ hồ thấy mình như lạc về một vùng đất nào mới sơ khai. Cả thành phố chỉ xanh rì những cây cối và từng khoảng đất đỏ.

Hiện giờ ở Tỉnh đang có một buổi văn nghệ sẽ tổ chức vào cuối tháng. Anh phụ trách chương trình này nên bây giờ vẫn còn được rỗi rảnh không làm việc gì cho đến cuối tháng.

Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh.

Những bụi bờ dọc theo những con dốc đất đỏ ở đây anh vừa đi qua ban sáng và thấy lá của hoa mặt trời xanh um. Anh ngắt gửi về Ánh một ngọn. Hoa thì vẫn chưa nở. Có lẽ đợi hôm nào có mặt trời thì hoa mới bắt đầu hiện diện và cũng là mùa mà anh đã gọi là mùa sinh nhật của hướng dương.

Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn.

Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.

Buổi trưa trời âm u và hơi lạnh.

Anh vẫn không thể nào không thấy sự lạc lõng của mình nơi đây.

Ở trường Đồng Khánh giờ này chắc Ánh đang mài miệt với những bài vở mới. Sân trường đã có những cây hoa vàng, tím mọc nhoi lên trên từng bãi cỏ xanh. Đúng không. E cũng phải mất đến hằng mấy tháng anh mới tạm ổn mình được vào với thành phố này lại.

Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng, Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa Đông này?

Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì.

Anh đang có Ánh – tuổi – nhỏ trước mặt trong chiếc hộp nhỏ anh mang theo đó.

Mưa rất buồn. Như một điệp khúc dai dẳng trong mấy tháng mùa Đông này.

Ánh ơi

Nếu còn sự yêu thương và nhớ nhung nào trong Ánh thì hãy gửi làm quà cho anh để anh coi thường những tháng ngày ẩm mục nơi đây

Nhớ vô ngần

Thân yêu, yêu dấu

Trịnh Công Sơn (ký tên)

0 nhận xét:

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang