NĐ: ..."Nhiều kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn cho biết – học thuyết Mác - Lê Nin có cái trước đúng nay vẫn đúng, có cái trước đúng nay không còn phù hợp vì bối cảnh xã hội đã có quá nhiều thay đổi, có cái trước và nay đều không đúng. Còn về CNXH, các nhà sáng lập ra nó, đã đưa vào đó những ý tưởng rất nhân văn, rất đáng trân trọng. Nhưng mô thức tổ chức xã hội XHCN trên thực tế, lại có không ít những nội hàm quá lạc hậu, nhất là lạc hậu so với yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại vốn mang những đặc tính cơ bản đã được sàng lọc, lựa chọn trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, bao gồm nền kinh tế thị trường, sức mạnh văn hóa, xã hội dân chủ và nhà nước pháp quyền." - PGS Đào Công Tiến.
Là người Việt Nam có trách nhiệm với tiền đồ của dân tộc, tất phải quan tâm đến việc “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” vì dù muốn hay không muốn, một điều hiển nhiên hầu như ai cũng biết, là Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình vận động khách quan của lịch sử, đã và đang đứng ở vị trí lãnh đạo đất nước. Do đó, không “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” một cách đúng hướng thì không chỉ hại cho Đảng, mà lớn hơn nữa còn là hại cho đất nước, dân tộc.
Sự nặng lòng đó, cũng gắn liền với những điều bức xúc, trăn trở về những chuyện dân, chuyện nước, mà công cuộc đổi mới nói chung và “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” nói riêng, không thể quay lưng lại với nó được:
1. Đảng “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” vì Đảng, vì ý thức hệ cộng sản của Đảng, hay vì lợi quyền của đất nước, của dân tộc?
Tiếp cận các văn kiện của Hội nghị lần thứ tư BCH TW Khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, mặc dù không ngạc nhiên nhưng tôi vẫn cảm nhận bị hẫng hụt vì Đảng vẫn cứ vì “sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ” hoặc vì “sự sống còn của Đảng ta, chế độ ta”[1] chứ không phải vì nước, vì dân với những nỗi trăn trở cần nhận được những chia sẻ từ việc “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Yêu cầu và nguồn lực từ đất nước, dân tộc đối với “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” chẳng lẽ mờ nhạt đến thế sao? Như vậy, Đảng với tư cách là người lãnh đạo Nhà nước ta, xã hội ta, có vượt qua được những rào cản bởi ý thức hệ cộng sản của mình, để tạo nhiều cơ hội cho sự phát triển và hoàn thiện xã hội vì mục tiêu tối thượng là “bảo tồn nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”?. Những câu hỏi đó mà không có lời giải hoặc giải không đủ sức thuyết phục thì Nghị quyết TW4 không đi vào cuộc sống được và công cuộc “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” sẽ không thể thành công.
2. Nếu Đảng, từ Đảng của quốc tế vô sản trở về với dân tộc, trở thành Đảng của dân tộc và vì dân tộc Việt Nam, thì Đảng là đứa con của dân tộc, đứng trong lòng dân tộc.
Vai trò, sức lớn mạnh và năng lực lãnh đạo của Đảng gắn liền với yêu cầu và nguồn lực của đất nước, của dân tộc cũng có nghĩa là không thể tách rời với nguồn lực của nền dân chủ và pháp quyền Việt Nam đang và sẽ phát triển và hoàn thiện như một quá trình tất yếu. Công cuộc “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh do vậy chỉ có thể đạt kết quả tốt, nếu nó được đặt bên trong tiến trình phát triển và hoàn thiện tất yếu đó. Còn nếu vẫn tiếp tục đứng bên ngoài, thậm chí đứng trên những nguyên tắc cơ bản về dân chủ và pháp quyền, thì Đảng tất yếu sẽ tiếp tục bị tha hóa – tha hóa từ sự tập trung quyền lực thái quá mà thiếu chế tài cảu dân quyền và pháp quyền và hệ lụy khôn lường từ sự tha hóa đó sẽ là một bế tắc – Đảng sẽ là rào cản của tiến trình phát triển dân chủ và pháp quyền. Về phần mình, dân chủ và pháp quyền vì sự phát triển tất yếu của nó, buộc nó phải phá bỏ tất cả các thứ rào cản, và như vậy phá luôn cả những rào cản từ Đảng, do Đảng tạo ra, và phá luôn cả Đảng vì Đảng là tác nhân của những rào cản đó. Sự bế tắc đó không chỉ là cảnh báo, mà trong chừng mực không nhỏ đã là hiện thực.
Trên tinh thần đó, tôi tiếp tục bị hẫng hụt và khó có thể chia sẻ một cách đầy đủ với sự “đặc biệt nhấn mạnh” trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư về “tự rèn luyện, tự củng cố, chỉnh đốn” và coi đó như là việc riêng của Đảng “không ai có thể làm thay được”[2]. Vậy, vai trò của nhân dân ở đâu và do dân ở chỗ nào đối với việc “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”?
Phải chăng, “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” là chuyện độc quyền của Đảng, như Đảng đã và đang “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy ...”; độc quyền chọn lựa và giới thiệu nhân sự cho các tổ chức dân cử theo kiểu “Đảng cử dân bầu”. Chuyện mới còn nóng hổi – vụ cưỡng chế thu hồi đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng – chuyện của Nhà nước và công dân, Đảng cũng coi như là chuyện của riêng mình và tự làm hầu như tất cả... Sự độc quyền đó được nuôi dưỡng trong môi trường không có cạnh tranh, không có đối thoại, bởi quyết sách cấm đa nguyên, đa đảng của Đảng Cộng sản. Quyết sách đó đã đến lúc phải thay đổi, vì nếu không thay đổi được thì không “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” được.
3. Đảng Cộng sản ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã chọn học thuyết Mác – Lê Nin và chủ nghĩa xã hội làm nền tảng chính trị tư tưởng và kim chỉ nam cho tư duy và hành động của Đảng.
Nhiều kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn cho biết – học thuyết Mác - Lê Nin có cái trước đúng nay vẫn đúng, có cái trước đúng nay không còn phù hợp vì bối cảnh xã hội đã có quá nhiều thay đổi, có cái trước và nay đều không đúng. Còn về CNXH, các nhà sáng lập ra nó, đã đưa vào đó những ý tưởng rất nhân văn, rất đáng trân trọng. Nhưng mô thức tổ chức xã hội XHCN trên thực tế, lại có không ít những nội hàm quá lạc hậu, nhất là lạc hậu so với yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại vốn mang những đặc tính cơ bản đã được sàng lọc, lựa chọn trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, bao gồm nền kinh tế thị trường, sức mạnh văn hóa, xã hội dân chủ và nhà nước pháp quyền.
Nếu vẫn cứ tuyệt đối trung thành và kiên định một cách máy móc với những gì đã cũ kỹ, lạc hậu đó, và cứ duy trì mãi những rào cản từ đó, thì không thể nào cải thiện được tình trạng suy giảm lòng tin với Đảng, bởi nền tảng chính trị tư tưởng của Đảng quá lạc hậu, vốn đã bị cuộc sống loại bỏ. Sự lựa chọn đó đã không còn đủ sức thuyết phục thì làm sao giữ được lòng tin. Sự lạc hậu của lý luận và những rào cản từ đó đã đến lúc phải thay đổi, vì nếu không thay đổi được thì không “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” được.
Thiết nghĩ, đã đến lúc phải cương quyết đoạn tuyệt với những gì không còn phù hợp của học thuyết Mác - Lê Nin và CNXH để thực sự trở về với chủ nghĩa yêu nước, với khát vọng giữ vững độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.
4. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là vấn đề cấp thiết trong “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” – nói dễ nhưng làm không dễ. Có những điểm nghẽn trong vận hành “công thức” này là: (1) tập trung thái quá quyền lãnh đạo của Đảng làm cho Đảng bị tha hóa và cũng làm cho các bộ phận quyền lực khác trong hệ thống chính trị bị vô hiệu hóa, trở thành hữu danh vô thực; (2) nội hàm của “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thiếu cụ thể, rõ ràng, thiếu thể chế hóa bằng pháp luật, dẫn đến tùy tiện, lạm dụng, làm hư vai trò, vị trí và mối quan hệ của “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; (3) còn quá nhiều khiếm khuyết của yếu tố con người trong lãnh đạo, quản lý và làm chủ, bởi những căn bệnh không thể coi thường được là quan liêu xa rời dân, làm việc tắc trách, kèn cựa địa vị, cậy chức cây quyền, tham ô lãng phí,… vì thiếu tầm trí tuệ và thiếu cái tâm trong sáng. Điều đáng quan ngại là những khiếm khuyết đó không những không bị đẩy lùi, mà còn phát triển phức tạp hơn với những liên kết theo kiểu “nhóm lợi ích”, “băng nhóm tội phạm”, nhất là trong “chạy chức chạy quyền”, “mua quan bán chức” và tham nhũng . . .
Trong “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, thiết nghĩ nên: (1) thiết lập một trật tự mới cho hệ thống quyền lực – “quyền làm chủ của dân, quyền quản lý của Nhà nước, quyền của đảng cầm quyền” phải đi liền với thể chế “dân quyền, pháp quyền và quyền của Đảng, trong đó dân quyền và pháp quyền được đặt lên trên quyền của Đảng”; (2) kêu gọi “từ tâm” và cách hành xử có văn hóa trong vận hành của hệ thống quyền lực là cần thiết, nhưng chưa đủ, phải thực sự coi trọng việc kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân, coi trọng tư vấn, phản biện từ dân, vì ý nguyện và sự chọn lựa với trách nhiệm đầy đủ của công dân theo luật định; (3)tạo điều kiện và khuyến khích sử dụng người tốt, người tài cho hệ thống chính trị; (4) Đảng còn có cơ hội để được chọn vào vị trí của đảng cầm quyền hay không phụ thuộc một phần không nhỏ ở chỗ, Đảng có từ bỏ siêu quyền lực, nhất là quyền lực cứng để trở lại với chủ yếu là quyền lực mềm như thời chiến tranh giải phóng.
Thay lời kết
Mặc dù chỉ là “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” như giới hạn của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, nhưng vì cuộc sống sinh ra những cái mà Hội nghị Trung ương quan tâm (suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đội ngũ cán bộ cấp cao chưa được xây dựng một cách cơ bản; thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu chưa được xác định rõ), đâu phải chỉ sinh ra từ những lỗ hổng đơn lẻ, mà còn từ, thậm chí chủ yếu từ lỗi hệ thống, phải có sự nhìn nhận và xử lý hệ thống, chứ không thể cắt khúc, bóc tách đơn lẻ mà giải quyết được.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 04/03/2012
PGS Đào Công Tiến
(Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, TP HCM)
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ” hoặc “công tác xây dựng Đảng luôn luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta” (Xem lời phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư của BCH TW khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay).
[2] Trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư của BCH TW khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn có được sức mạnh và uy tín thì Đảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, đổi mới, chỉnh đốn, không ai có thể làm thay được”.
0 nhận xét:
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!