Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

17 tháng 11, 2012

NGƯỜI & NGƯỜI...

Hôm nay tôi vô tình đọc được một bài thơ hết sức ý nghĩa của nhà thơ Hữu Thỉnh: 

HỎI 

Tôi hỏi đất: 
-Ðất sống với đất như thế nào? 
– Chúng tôi tôn cao nhau. 

Tôi hỏi nước: 
-Nước sống với nước như thế nào? 
– Chúng tôi làm đầy nhau. 

Tôi hỏi cỏ: 
-Cỏ sống với cỏ như thế nào? 
– Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời. 

Tôi hỏi người: 
– Người sống với người như thế nào? 

Tôi hỏi người: 
– Người sống với người như thế nào? 

Tôi hỏi người: 
– Người sống với người như thế nào? 


Khi hỏi đất sống với nhau như thế nào, đất bảo đất tôn cao nhau. Đất tôn cao nhau để làm nên những Phan Xi Păng, Phú Sĩ hay Everest. Đất tôn nhau lên để cùng vươn đến những tầm cao mới và làm nên những đỉnh cao vời vợi.

Khi hỏi nước sống với nhau như thế nào, nước bảo nước làm đầy nhau. Nước làm đầy nhau để tạo nên sông Hồng, sông Mã. Nước làm đầy nhau để tạo nên chín con rồng của Cửu Long Giang. Nước làm đầy nhau để tạo nên những đại dương. Nước làm đầy nhau để khởi nguồn và nuôi dưỡng sự sống. 

Khi hỏi cỏ sống với nhau như thế nào, cỏ bảo cỏ đan vào nhau. Cỏ đan vào nhau không chỉ để tạo nên những thảo nguyên xanh mượt thơ mộng, mà cỏ đan vào nhau để tạo nên những đồng cỏ với sức sống mãnh liệt nơi miền nước ngập, trên triền núi cao, ở vùng cực băng giá hay cả sa mạc khô cằn. Cỏ đan vào nhau để vẫn có thể vươn mình từ những khe đá cheo leo hay bê tông cốt thép của loài người. Cỏ đan vào nhau để được sống bằng cả khát vọng. 

Nhưng khi hỏi người sống với nhau như thế nào thì người lại im lặng, im lặng và im lặng. Ba câu hỏi: 

- “Người sống với nhau như thế nào?” 
- “Người sống với nhau như thế nào?” 
- “Người sống với nhau như thế nào?” 

Nếu được hỏi bởi một người bộc trực, khẳng khái thì sau mỗi câu hỏi có lẽ âm lượng sẽ to hơn mạnh mẽ hơn – cái cảm xúc tuôn trào của sự uất hận bấy lâu bị dồn nén nay được dịp bùng nổ, như một lời quát thẳng vào mặt ai đó, một ai đó hư vô như chính cuộc đời này… 

Nếu được hỏi bởi một người hiền lành, nhẫn nhịn thì sau mỗi câu hỏi có lẽ âm lượng sẽ nhỏ dần yếu dần, tưởng chừng như bất lực – cái nín nhịn thắt chặt, không còn giận dữ nữa mà tất cả chỉ còn là ngậm ngùi cay đắng và lựa chọn lặng im… 

“Ừ nhỉ, người sống với người như thế nào? Mình sống với người như thế nào? Người sống với mình như thế nào?” 

Còn nhớ giữa dòng đời mải miết, cố nhạc sĩ đáng kính Trịnh Công Sơn từng viết nên câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi…”. 

Có lẽ chẳng bao giờ xã hội có thể đồng ý với nhau được chính xác tại sao người nhạc sĩ họ Trịnh lại viết như thế. Mỗi người có một cách hiểu riêng, và điều đó tạo nên không chỉ cái đẹp mà còn độ sâu cho những ca từ ấy. 

Đối với tôi, những ca từ đó dường như ngụ ý rằng, sống ở đời ai cũng cần có một tấm lòng, nhưng thay vì một tấm lòng mang nặng bao giận hờn, oán trách, buồn đau, thất vọng,… thì hãy để tấm lòng ấy là một tấm lòng thanh thản, nhẹ nhàng – nhẹ nhàng đến mức gió có thể cuốn đi được. Phải chăng, người nhạc sĩ muốn ngụ ý rằng, sống ở đời cần có một tấm lòng để khoan dung và tha thứ cho nhau? 

Đơn giản, dễ hiểu hơn nhưng không kém phần sâu sắc, nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết: 

“Con ong làm mật yêu hoa 
Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời 
Con người muốn sống con ơi 
Phải yêu đồng chí yêu người anh em 
Một ngôi sao chẳng sáng đêm 
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng 
Một người đâu phải nhân gian 
Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi.” 

Cha mẹ sinh ra ta, mang cho ta dáng vóc hình hài, giọng nói, tiếng cười,… Nhưng chính những người xung quanh ta, có thể là gia đình, có thể là người yêu hay vợ chồng, có thể là bạn bè, có thể là cả những đối tác,… mới chính là những người có thể góp phần xây dựng nên ta. Mỗi người sinh ra đều với một cái tôi bản năng dữ dội và quyết liệt để sinh tồn, nên ta cần lắm yêu thương để làm cái tôi của mình trở nên mềm mại và hiền hòa hơn. Phải chăng người với người sống để yêu thương nhau? 

Nhưng rồi sống nhiều năm trong cái xã hội vốn đầy rẫy những bất công và dối tra, con người ta dần dần xem yêu thương như một món hàng xa xỉ. Một món hàng ấy xa xỉ đến mức người giàu có bao nhiêu tiền cũng chẳng mua được. Một món hàng ấy xa xỉ đến mức mà đôi khi khiến chúng ta cảm thấy rằng mình chỉ dám cho vài người và cũng chỉ dám nhận từ vài người. 

Để rồi đến một lúc nào đó, cùng với những năm tháng của cuộc đời, chúng ta nhận ra rằng, giàu có, danh vọng, địa vị,… mới là những thứ xa xỉ. Còn yêu thương nó gần gũi, giản đơn và bình dị lắm, miễn là ta dám cho đi. Cuộc sống sẽ luôn đáp trả lại những gì chúng ta dành cho nó. Cho nên, có những thứ là không thể, nhưng yêu thương mãi là có thể. 

Kể từ hôm nay, nếu có bất kỳ ai hỏi tôi rằng: “Người sống với nhau thế nào?” 

Tôi sẽ trả lời rằng: “Người với người sống bằng nghĩa đậm với tình sâu. Người với người sống để tha thứ và thương nhau. Người với người sống để người hơn.”. (st )

6 nhận xét:

VietQuoc nói...Trả Lời

"Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí yêu người anh em ..."
Chỉ yêu "đồng chí" - người "cùng phe" với ông thôi sao "nhà thơ" Tố Hữu?
Tưởng rằng ông chỉ yêu chính mình và yêu quyền lực thôi chứ!

HuỳnhThơ nói...Trả Lời

TN.Bài đăng hay lắm ,đọc bài này mình nhớ mình đã đọc 1 câu ở đâu đó và mình rất thích:" cám ơn đời:mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa dể yêu thương "

thanhnhan nói...Trả Lời

Huynhtho@
Đó là câu của TCS cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa dể yêu thương "Cảm ơn Huynhtho nhé ,chúc sức khỏe & nhiều vui

VietQuoc nói...Trả Lời

@HuỳnhThơ & thanhnhando
"Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta được thêm ngày mới để yêu thương" là do Anh Bồ Câu chuyển thoát ý thành thơ từ câu "Wake at dawn with winged heart and give thanks for another day of loving" trong tác phẩm nổi tiếng The Prophet (Lời Thiêng, Ngôn Sứ) của một tác giả người Liban - Kahlil Gibran.
Ông là nhà thơ kiêm họa sĩ, triết gia, nhà chiêm tinh nổi tiếng, được cả thế giới Tây Phương lẫn Đông Phương nể phục và được đánh giá là tác giả có nhiều người đọc nhất trên thế giới, sau Shakespeare và Lão Tử.
(Nguồn: Báo Thanh Niên 2-9-2008/ http://hongbagai.blogspot.com/2011/01/ngon-su-prophet-14-gibran-kahlil-gibran.html/ http://chutluulai.net/forums/showthread.php?s=a10dfdbe460e6490a3bc124829e4b82f&t=4806)

Bạn nào muốn xem bản dịch nguyên tác Lời Thiêng (The Prophet) hãy vào đây mà xem:
http://damau.org/archives/17779

thanhnhan nói...Trả Lời
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
thanhnhan nói...Trả Lời

Hihii Cảm ơn VQ cho biết nguồn gốc tác giả (Thank you very much)

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang