Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

29 tháng 10, 2012

BỮA CƠM GIA ĐÌNH

Trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới, bữa ăn gia đình được công nhận là một cơ chế vĩnh viễn và là thành tố quan trọng sống còn trong đời sống gia đình vững chắc, bền lâu. Bữa ăn gia đình thể hiện ý nghĩa sâu sắc về khái niệm “tổ ấm”, tạo thành công việc thường nhật và là nơi tuyệt vời để những người thân yêu chia sẻ những tâm tư tình cảm với nhau và nó còn là nơi để cho những đứa con có thể học cách lắng nghe, cách bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình.

Bữa ăn gia đình luôn chứa đựng những điều tuyệt diệu. Từ những bữa cơm chung, sự cân bằng tinh tế giữa tự do và kỷ luật có thể được thiết lập trong bữa ăn gia đình. Tình yêu thương, tiếng cười và các câu chuyện tâm tình hòa quyện với sự tôn trọng, cung cách ứng xử trong bàn ăn, sự chia sẻ, lắng nghe sẽ tạo nên một trải nghiệm hoàn hảo mà mỗi người sẽ mang nó theo trong suốt cuộc đời.
Không biết từ bao giờ bữa cơm gia đình đã hằn sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam, nó thể hiện một nét sinh hoạt văn hóa của người Việt. Chúng ta hãy trở lại với những nét văn hóa trong bữa ăn của dân tộc Việt để cảm nhận điều đó. Hẳn không ai trong số chúng ta có thể quên được những bữa cơm gia đình, nơi ấy cả nhà quây quần bên mâm cơm được đặt trên chiếu, phản gỗ, giường tre hoặc sập gụ... với các nghi lễ mang đậm dấu ấn Việt. Vào bữa, mọi thủ tục đầu tiên và là nghi thức bắt buộc cho mọi gia đình giầu nghèo, sang hèn là phải mời. Ăn xong, lặp lại cũng phải mời. Người Việt Nam quan niệm"Lời chào cao hơn mâm cỗ". Chào ở đây là lời mời vậy. Lời mời là người bé mời người lớn trước với thái độ trân trọng lễ phép. Ví dụ: "Cháu mời ông xơi cơm, mời bà xơi cơm", "Con mời bố mẹ xơi cơm"... rồi đến anh, đến chị... không những thế, còn có chữ "ạ" phía sau nữa. Xong bữa cũng phải mời, ví dụ : "Ông bà xơi cơm, con xin phép ạ"... rồi mới được đứng lên.
Khi ngồi vào mâm, người phụ nữ cao tuổi nhất, bà hoặc mẹ, hoặc chị gái lớn thường là ngồi đầu nồi, một chỗ không phải là danh dự nhưng là để cầm cân nẩy mực, để vừa ăn vừa trông chừng, vừa xới cơm phục vụ cả nhà. Chính người ngồi đầu nồi là người chú ý để mâm cơm vui vẻ, liều lượng vừa phải, xem chừng nếu hơi ít cơm, người ngồi đầu nồi ăn chậm lại, nhường người khác. Với người cao tuổi, phải xới cơm chỗ mềm, dẻo, và mỗi bát cơm cần xới vơi hay đầy thì người này đã quen đến ai cũng vừa lòng.
Trên mâm, miếng ngon nhất bao giờ cũng được gắp cho người cao tuổi nhất, và rồi người cao tuổi lại chuyển phần ấy cho những đứa cháu bé nhất trong nhà, câu cửa miệng của người Việt là "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng" luôn được mọi người chú ý thực hiện trong gia đình. Xong bữa, người có địa vị trong gia đình còn được đưa tăm, đưa nước.
Trong bữa cơm mọi người trò chuyện thân mật, tán gẫu, cười đùa và tranh luận với nhau về nhiều chủ đề."Bữa cơm gia đình" - Nơi ấy mọi người được mời nhau, được nhường nhịn nhau "Học ăn, học nói, học gói, học mở", nơi ấy mọi người tìm thấy sự bình yên sau những giây phút làm việc mệt nhọc và cũng chính nơi ấy - văn hóa gia đình được tỏa sáng.
Ngày nay, trong thời đại công nghiệp, mọi người lúc nào cũng vội vã, bận rộn và có thời khóa biểu riêng, tiệc tùng thường xuyên. Trong gia đình các thành viên ít khi gặp nhau, chứ đừng nói hàng ngày lại có dịp các thành viên ăn cơm gia đình như trước nữa.
Có những gia đình, người vợ dồn hết tâm huyết lẫn tình cảm vào nấu nướng, chế biến món ăn ngon những mong có được bữa cơm gia đình đầm ấm, nhưng họ đã phải đổi lại bằng sự mỏi mòn ngồi trông chồng về dự bữa. Nhưng! với nhiều lý do khác nhau nào là phải tiếp khách, tiếp các đối tác làm ăn, bàn công chuyện... ngoài các quán bia, nhà hàng, khách sạn... khi về họ đã trong tình trạng nồng men rượu, nếu vì vợ, cùng lắm anh ta làm nghĩa cử xới một bát cơm chan canh húp cho xong bữa, nếu không thì đôi chân đã đưa anh ta lên giường tìm giấc ngủ bình yên. Thiết nghĩ khi chúng ta dành thời gian để thực sự hưởng thụ bữa ăn thì tình yêu thương, thời gian và công sức của người nấu bỏ ra sẽ được đền đáp, tình cảm gia đình thêm phần thăng hoa và ý nghĩa của bữa cơm gia đình được tăng lên bội phần.
Lại cũng có những gia đình mà người phụ nữ quá bận công việc xã hội, họ không có thời gian lo cho gia đình, bữa cơm không phải do bàn tay của người vợ nấu mà là do các Osin chuẩn bị. Trên tinh thần "chủ động" tùy theo công việc, ai về trước ăn trước, ai về sau ăn sau, con cái trong nhà do Osin chăm bẵm. Bữa cơm không còn là "tổ ấm" để mọi người chuyện trò, sẻ chia nữa, nó đã mất đi nét sinh hoạt văn hóa vô cùng đẹp đẽ và ý nghĩa trong mỗi gia đình người Việt. Lúc này bữa cơm trở thành một "hoạt động đưa cơm và thức ăn vào dạ dày để nuôi sống cơ thể". Còn đâu nữa lời mời chào trong bữa ăn, còn đâu nữa hình ảnh quây quần của những người thân trong gia đình với những tiếng trò chuyện to nhỏ tâm tình giữa bố mẹ và con cái, ông bà với con cháu, còn đâu nữa cái nghĩa cử ăn xong con cái phải lấy tăm mời ông bà cha mẹ... Và còn đâu nữa bữa cơm gia đình với những nét đẹp văn hóa vốn có của người Việt.
Nhịp sống ở một số đô thị tỉnh lẻ tuy chưa hối hả gấp gáp nhưng hiện nay nhiều gia đình, vì nhiều lý do khác nhau, đang có xu hướng đơn giản hóa bữa ăn của gia đình bằng cách đi ăn cơm hàng, cháo chợ hay mua thức ăn sẵn thay vì phải nấu nướng. Lâu lâu vợ chồng con cái mới quây quần ăn cơm cùng nhau.
Sự thiếu vắng của những bàn tay phụ nữ trong việc "trau chuốt" bữa ăn, sự thiếu vắng của các trụ cột gia đình trong bữa cơm hẳn sẽ phần nào là nguội lạnh các sinh hoạt khác như chơi đùa với con, dạy con lối sống, hỏi han trò chuyện với con cái... Theo các chuyên gia tâm lý học, bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình là luôn tạo được bầu không khí ấm cúng. Bữa cơm gia đình góp phần tạo ra điều ấy khi cả nhà cùng nhau chuẩn bị bữa ăn, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ quanh mâm cơm.
Xưa nay, bữa cơm gia đình không chỉ là "bữa ăn" đơn thuần mà còn có mục đích xum họp để tăng thêm niềm yêu thương, gần gũi, giáo dục, giãi bày tâm tư... Nên trước nhiều sự thay đổi, nhiều người lo lắng về những xộc xệch, xáo trộn, thất thường và mai một của những bữa cơm gia đình.(st)

2 nhận xét:

VietQuoc nói...Trả Lời

TN làm tui nhớ hồi nhỏ trước mối bữa ăn đều hét toáng lên:
"Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật!
Mời Bác Vớt xơi cơm! Mời Bác Bền xơi cơm (2 nhà hàng xóm),
Mời Mẹ xơi cơm!..."
Hì hì...

thanhnhan nói...Trả Lời

VQ@
hi hiii lâu rồi không gặp ? Mẹ vẫn khỏe chứ ? Kính chúc sức khỏe Mẹ & chúc GĐ luôn vui vẻ HP nhé .

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang