Dĩ nhiên là chúng ta cần lãnh đạo để đất
nước được thăng hoa và ổn định; nhưng theo kinh nghiệm của mấy ngàn năm lịch
sử, càng nhiều lãnh đạo thì người dân càng nghèo. Một đứa trẻ lên 3 cũng hiểu
rằng cả gia đình chỉ “sản xuất” được 5 bát cơm, mà tới 10 miệng ăn thì có đứa
phải đói. Gặp cha mẹ tham lam, ăn luôn phần con cháu thì các em chỉ từ bị
thương đến chết yểu.
Ai đã học MBA chắc nhớ câu chuyện khôi hài này.
Một ông vào tiệm nuôi thú hỏi mua một con vẹt biết nói làm quà cho vợ (chắc ông
nghĩ có nó thì vợ mình sẽ im bớt chăng? đàn ông lúc nào cũng ngu?). Cô bán hàng
nói giá 1 ngàn đô cho con này. “Ồ, sao đắt thế” “Nó biết hát nữa cơ” Cô ra dấu
và con vẹt ca ngay bài “năm anh em trên 1 chiếc xe tăng”. Ông khách khoái lắm,
nhưng hỏi thêm “Còn con này?” “Nó đến 2 ngàn đô, vì ngoài hát, nó còn biết đi
diễn hành, nhẩy múa và thuộc lòng 20 bài diễn văn quan trọng của XHCN” Ông
khách chỉ vào con thứ ba. Cô bán hàng,” Bác trả nổi không? 4 ngàn đô đấy.” “Nó
biết làm gì?” “ Không biết làm gì cả. Nhưng 2 con kia gọi nó là – Đồng chí lãnh
đạo -”.
Sau bài viết về máu làm quan của thế hệ 9X, tôi
nhận khá nhiều phản hồi. Một bạn đọc ấm ức là nghề làm quan cũng là một đóng
góp cao quý cho xã hội và nhiều ông quan cũng rất tốt và liêm chính. Ông bạn
này hiểu lầm tôi rồi. Chăc chắn không có nghề nào xấu và tôi đã từng gặp nhiều
người quân tử hành nghề đạo chích. Vì đây là góc nhìn về kinh tế, nên tôi xin
được bỏ qua chuyện đạo đức và chánh trị, mà chỉ xin phân tích khía cạnh giá trị
đóng góp thực sự của các quan chức trong quy trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ
của một quốc gia. Đây mới thực sự là tài sản và thu nhập chính yếu làm “dân
giàu nước mạnh”; không phải là các số liệu thống kê mơ hồ như GDP, CPI hay “chỉ
số hạnh phúc”.
Trước hết, ở các nước theo kinh tế thị trường,
phần lớn công chức được coi như trọng tài. Nhiệm vụ của họ là đặt ra luật lệ
của sân chơi và theo dõi giám sát không cho cầu thủ nào phạm luật. Vì vậy,
trong 22 vận dộng viên của trận bóng đá, chúng ta có 3 trọng tài. Trong vận
hành nền kinh tế quốc gia, công chức Mỹ không được phép liên quan đến việc kinh
doanh, vì mọi lạm dụng quyền lực sẽ gây bất công trên thị trường. Tóm lại, sự
đóng góp của lãnh vực công trong quy trình sản xuất hay cung cấp dịch vụ gần
như không có. Tuy nhiên, mọi tiêu xài của chánh phủ qua tiền thuế hay nợ
công đều được tính vào GDP tạo cảm giác là chánh phủ cũng góp phần tạo dựng tài
sản quốc gia. Đây là một huyền thoại.
Ở các nước có những “định hướng” lạ lùng khác,
đôi khi trọng tài lại nhiều hơn cầu thủ, gây rối rắm cho cuộc chơi. Câu nói
“vừa đá bóng vừa thổi còi” là một hiện tượng dễ thương ở các xứ này. Vì có quyền
lực, nên luật lệ sân chơi cũng thiên về các “trọng tài-cầu thủ” này, còn gọi là
các nhóm lợi ích. Họ độc chiếm các vị trí cốt lõi và dĩ nhiên, luôn luôn thắng
giải đấu, dù có chơi dở hay ngay cả khi không thèm chơi.
Nghề làm quan đang ở chu kỳ thịnh vượng
Trên thế giới, nghề làm quan là một nghề có tốc
độ tăng trưởng tốt. Ngay cả nuớc Mỹ, một nước mà người dân thường khinh rẻ
chính trị gia và quan chức, nghề này cũng đã phát triển mạnh mẽ. Khi tôi qua Mỹ
học vào 1963, các chánh phủ liên bang, tiểu bang, làng xã…tiêu xài khoảng 18%
của GDP. Hiện nay, con số đã gia tốc đến 40 phần trăm, tổng cộng 5 ngàn 800 tỷ
đô la mỗi năm. Số công chức ngày xưa tổng cộng khoảng 8 triệu người nay đã lên
đến 22 triệu. Trong khi cả nước Mỹ suy thoái kinh tế vì giá bất động sản vỡ
tung, nhà cửa các quận ngoại ô quanh thủ đô Washington DC lại tăng giá chóng
mặt vì số lượng quan chức dưới triều đình Obama gia tăng ngùn ngụt. Hiện tượng này
không chỉ giới hạn ở Washington
DC mà còn phổ thông ở khắp nơi
trên mọi thủ đô của thế giới. Roma, Paris, Moscow, Beijing, Tokyo…
Trong khi đó, theo thống kê chính thức, Việt Nam có tổng
cộng khoảng 2 triệu công chức, chưa kể quân đội và các lực lượng an ninh (thêm
1 triệu người). Nếu tính đổ đồng, chánh phủ tiêu xài khoảng 34% của GDP, một con
số khá lớn so với các quốc gia láng giềng như Singapore (19%) và Thái Lan (18%).
Các con số trên không bao gồm số công chức trong
hàng ngũ nhân viên của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo một thống kê không
chi tiết lắm của các chuyên gia chánh phủ, DNNN sử dụng 52% vốn của quốc gia,
nhưng chỉ đóng góp 24% GDP. Nói kiểu nhà quê là năng suất họ khoảng 50% nhân
viên làm ở lĩnh vực tư, hay 2 người làm việc của 1 người, hay 1 người ăn lương
lậu gấp đôi một người cùng làm một công việc.
Sản xuất cần lãnh đạo?
Do đó, nếu gộp chung mọi con số với nhau thì ở
Việt Nam có 21 triệu nhân công và doanh nhân phải làm việc để đóng thuế và lãnh
nợ cho 3 triệu quan chức ngồi “lãnh đạo”. Dĩ nhiên là chúng ta cần lãnh đạo để
đất nước được thăng hoa và ổn định; nhưng theo kinh nghiệm của mấy ngàn năm
lịch sử, càng nhiều lãnh đạo thì người dân càng nghèo. Một đứa trẻ lên 3 cũng
hiểu rằng cả gia đình chỉ “sản xuất” được 5 bát cơm, mà tới 10 miệng ăn thì có
đứa phải đói. Gặp cha mẹ tham lam, ăn luôn phần con cháu thì các em chỉ từ bị
thương đến chết yểu.
Đức Phật nói “tham, sân, si” là cội rễ của mọi
đau khổ của thế nhân. Tôi nghĩ căn tính “làm quan” là một tổng hợp của các cội
rễ này, do đó, là một bệnh tâm thần khá nặng của con người. Sự say mê danh
vọng, hào quang, thành tích, sĩ diện, làm cha mẹ dân, để tiếng cho lịch sử, làm
thánh sống (hay chết), ăn trên ngồi trước…đã gây nên bao đại họa cho bao triệu
sinh linh trong quá khứ qua những bài học mà lịch sử không hề che dấu.
Thậm chí, cả trăm ngàn người dân của thành Troy và của quân Hy Lạp đã hy sinh về nước Chúa sớm vì
chàng hoàng tử Trojan mê say bà vợ của vị vua láng giềng. Sau khi cả hai đã
chạy theo tiếng sét ái tình, vị vua “vĩ đại” mất sĩ diện nên đem hơn 120 ngàn quân
trên 1,100 chiến thuyền để tiêu diệt Troy.
Cho nên khi tôi nghe ngài Tập Cận Bình qua đây để
lập Viện Khổng Tử đề xướng lại chủ nghĩa “quân, sư, phụ” (ủa, chuyện XHCN của
Trung Quốc đi đến đâu rồi?) tôi nghe khiếp vía cho dân Tàu và các nô lệ. Dĩ
nhiên, đạo Khổng phức tạp nhiều, nhưng ông Tập và các lãnh tụ chỉ muốn thần dân
nhớ một điều: vua bảo dân chết thì dân phải chết để báo trung. Các phim TV của
Tàu chiếu đi chiếu lại đề tài này. Một đệ tử của Tàu, lãnh tụ Kim Jong Il đã
từng dọa đánh Hàn Quốc vì bọn này dám cứu sống một bà diễn viên mà ngài Kim mê
say và sai thuộc hạ bắt cóc đem về Bắc Triều Tiên. Không biết cậu bé 28 tuổi
con của ngài Kim hiện mê say món gì?
Một con ong nuôi 20 con ruồi
Nói chung, giá trị kinh tế của quan chức thì
không nhiều; nhưng ảnh hưởng của nó trên phương diện xã hội thì vô cùng to lớn.
Trong 3 thập niên vừa qua, không hiểu sao dân số
ong tại Bắc Mỹ bị giảm hơn phân nửa, gây thiệt hại nặng cho kỹ nghệ mật ong và
môi trường sinh thái của hoa trái. Dr. John Hafernik tình cờ tìm ra nguyên nhân
là một loại ruồi ký sinh trùng xâm nhập và đẻ trứng vào cổ các con ong. Một con
ruồi li ti có thể sinh ra khoảng vài chục con và dùng thân thể ong làm thực
phẩm để sinh sống, ngay cả khi con ong đã chết. Ruồi cũng chết theo nhưng chỉ
sau khi phân hủy hoàn toàn thân xác ong.
Tôi nghĩ đến các xã hội với những thành phần ký
sinh trùng đang bám chặt như bầy đĩa đói. Có hơi chua xót là những người tạo
dựng tài sản thực sự cho quốc gia lại chết trước những kẻ ăn không ngồi rồi.
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ
Đầu Tư Viasa
0 nhận xét:
Cảm nghĩ của bạn
Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!