Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

28 tháng 1, 2012

Kim cương là mãi mãi


Như Hitler đã nói,” Những lời nói dối lập đi lập lại mỗi ngày vào đầu óc người dân sẽ biến chúng thành sự thực”. Cả 3 ngàn năm trước, một triết gia Tàu cũng đã có một phán đoán tương tự qua câu chuyện bà mẹ anh hàng thịt cũng phải tin là con mình đã giết người sau bao lần nghe lời thiên hạ bàn tán. Mao Trạch Đông nhắc lại nguyên lý này trong cương lĩnh “Cuốn sách đỏ” cho các cán bộ cộng sản. Té ra, cả tỷ người trên thế giới qua lịch sử không ngu dốt, họ chỉ bị lừa. Nhưng tội nghiệp nhất là những kẻ bị lừa lại cố bám víu vào những lời dối trá vì sĩ diện không muốn thú nhận một người thông minh siêu việt như mình lại bị bịp như một đứa con nít.

Mọi thanh thiếu niên lớn lên ở Mỹ đều bị “ghi ấn” trong đầu óc là kim cương tượng trưng cho sự vững bền và phong cách lãng mạn của tình yêu. Thông điệp này lập đi lập lại mỗi ngày qua các quảng cáo 30 giây trên TV, qua những kịch bản tình yêu của Hollywood, qua các câu chuyện thời sự xã hội, qua cả những tác phẩm văn chương nghiêm túc. Chiếc nhẫn kim cương là vật không thể thiếu trong những trò cầu hôn khắp thế giới Âu Mỹ. Một cuốn phim khá ăn khách của siêu điệp viên James Bond có tên “Diamonds are forever”. Kim cương là mãi mãi.
Hai huyền thoại gắn liền với kim cương: kim cương là khoáng sản đặc biệt không hủy diệt được và thị giá của kim cương không bao giờ xuống.
Chiến thuật của De Beers
Sau thế chiến thứ nhất (1918), kim cương mất giá trầm trọng khắp Âu Châu vì sự suy thoái kinh tế và sự thay đổi ngôi bậc của thành phần giới quý phái thượng lưu ở các quốc gia bại trận. Gia đình De Beers vẫn chiếm giữ ngôi vị hàng đầu của các nhà sản xuất kim cương, nhưng nguy cơ phá sản rình rập. Trong khó khăn, họ hướng về xứ Mỹ xa xôi và đặt cược vào thị trường mới đang lên này.
Trái với Châu Âu, Mỹ đang ở vào chu kỳ vàng son của nền kinh tế được gọi là The Roaring Twenties. Những phát minh mới từ Mỹ như phim ảnh, radio, xe ô tô, điện thoại…khiến cả thế giới say mê và tạo nên một tầng lớp trưởng giả mới không khác gì Việt Nam sau khi gia nhập WTO. De Beers xâm nhập thị trường Mỹ với một chiến dịch quảng cáo sâu rộng và khôn ngoan, dùng các mạng truyền thông mới như TV, radio…để phát đi một thông điệp cho các người dân mới giàu…Diamonds are forever. Kim cương là mãi mãi.
Nó tượng trưng cho tình yêu lãng mạn của các truyện cổ tích, nó là biểu hiện của thành đạt qua quyền lực và thịnh vượng. Các siêu sao Hollywood được trả những cát sê khổng lồ để huyền thoại hóa kim cương bằng những kịch bản là các cặp nhân tình và vợ chồng sắp cưới phải dùng kim cương để làm quà…vì kim cương là mãi mãi.
Sau hơn 70 năm, huyền thoại vẫn sống mạnh, đưa kim cương và gia đình De Beers lên đỉnh cao của giàu có và thương hiệu. Họ đang xâm nhập thị trường Trung Quốc và theo kế hoạch, trong 30 năm nữa, phần lớn quà đính hôn của người Tàu sẽ là chiếc nhẫn kim cương…forever.
Bài học De Beers được áp dụng khắp nơi
Trong chương trình học MBA, có rất nhiều chiến thuật và binh pháp để xây dựng thương hiệu. Tôi thường khuyên sinh viên là chỉ cần nghiên cứu kỹ lịch sử tiếp thị của De Beers về kim cương, các em sẽ có đủ kỹ năng để quản lý hiệu quả việc kinh doanh của công ty mình. Ngay cả các bậc phù thủy của chính trị hay tôn giáo cũng đang ứng dụng mô hình De Beers trong chương trình phát triển và củng cố vị trí của phe nhóm. Cốt lõi là “huyền thoại hóa” mọi chuyện lớn hay nhỏ, hư hay thực, sống hay chết.
Như Hitler đã nói,” Những lời nói dối lập đi lập lại mỗi ngày vào đầu óc người dân sẽ biến chúng thành sự thực”. Cả 3 ngàn năm trước, một triết gia Tàu cũng đã có một phán đoán tương tự qua câu chuyện bà mẹ anh hàng thịt cũng phải tin là con mình đã giết người sau bao lần nghe lời thiên hạ bàn tán. Mao Trạch Đông nhắc lại nguyên lý này trong cương lĩnh “Cuốn sách đỏ” cho các cán bộ cộng sản. Té ra, cả tỷ người trên thế giới qua lịch sử không ngu dốt, họ chỉ bị lừa. Nhưng tội nghiệp nhất là những kẻ bị lừa lại cố bám víu vào những lời dối trá vì sĩ diện không muốn thú nhận một người thông minh siêu việt như mình lại bị bịp như một đứa con nít.
Mặt trái của huyền thoại
Cái giỏi của nhà tư bản De Beers là biết ứng dụng nghệ thuật kiểm soát tâm lý đám đông. Những ai nghiên cứu trên khía cạnh khoa học đều biết kim cương không bất hủy diệt như các lời nói dối của De Beers. Kim cương có thể bị đập vỡ, phai màu, hao mòn, cháy tan…như những khoáng sản khác. Giá bán kim cương không phải lúc nào cũng cao hơn giá mua vào như quảng cáo. Bà triệu phú Rosa Murphy của New York viết lại câu chuyện tìm cách bán một viên kim cương mua giá $100,000 ở Tiffany. Bà đã mất hai năm và lỗ $30,000 mới tìm được người mua. Thêm vào đó, nếu ai coi cuốn phim Blood Diamond của Leonard De Capri đều thấy mặt trái dơ bẩn của nghề sản xuất và mua bán kim cương ở Zaire. Không có lãng mạn hay yêu đương gì trong món quà này.
Dĩ nhiên, tôi có thể hiểu về kim cương, nhưng như bao thằng đàn ông khác, tôi không bao giờ hiểu nổi đàn bà. Họ chứa đầy những nghịch lý, mâu thuẫn…mà xã hội dù có nâng cấp từ văn hóa gia đình đến văn minh Internet cũng không bao giờ thay đổi được tâm tính con người. Vì thế, tôi và các bạn vẫn phải đóng thuế cho De Beers mỗi năm vào mùa tình yêu nếu không muốn ngủ ở garage. Và dù cố tình cho các bạn gái xem phim Blood Diamond trước khi dẫn nàng đi mua sắm, các cô vẫn đòi chiếc nhẫn kim cương khi lỡ đi vào thương xá…Kim cương vẫn là mãi mãi.
Nhưng trong tận đáy hồn của thằng đàn ông, có lẽ thực sự…đàn bà mới là mãi mãi.
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
4 Jan 2012

2 nhận xét:

Nặc danh nói...Trả Lời

Gì chứ,là phụ nữ có lẽ ai cũng rất sung sướng khi sở hữu món trang sức Kim cương!
Không biết chữ đăng nhập đâu rồi các bạn ơi??

oanhoanh nói...Trả Lời

"Nhưng trong tận đáy hồn của thằng đàn ông, có lẽ thực sự…đàn bà mới là mãi mãi."
Câu này có phải của PH không? Nếu vậy người phụ nữ của anh thật hạnh phúc tuyệt vời,chắc không còn thấy kim cương giá trị bằng một tấm chân tình như anh!

Cảm nghĩ của bạn

Cảm ơn bạn đã xem bài đăng! Xin cho biết cảm nghĩ của bạn!

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang