Chia cho nhau nụ cười héo úa Sẻ cho nhau giọt lệ tươi vui Xoa cho nhau bao vết chém của đời Cùng nhau nhặt lại những gì rơi rụng...Cùng nhau nhặt lại những gì rơi… rụng…

29 tháng 11, 2013

MỪNG LỄ TẠ ƠN (HAPPY THANKSGIVING)




Chính tấm thân của chúng ta cũng là một sự vay mượn, tâm thức của chúng ta là một dòng luân lưu của ý thức từ nhiều người khác nhau, của ngoại cảnh và nội giới.
Hàng năm người Hoa Kỳ dành ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối của tháng Mười Một để cử hành lễ Tạ Ơn.  Ngày lễ Tạ Ơn cũng còn được gọi là “Ngày Gà Tây” và theo thống kê cho biết mỗi năm có hơn 270 triệu con gà tây bị giết làm thức ăn, trong đó có 78 triệu con lên bàn ăn vào ngày lễ Tạ Ơn.  Trong dịp lễ này, ngoài món gà tây nướng, còn có các món khoai lang, bắp ngô và bí đỏ.

Theo tài liệu lịch sử Hoa Kỳ, những người tiền phong đến phần đất mới này, đã phải chịu nhiều gian nan cực nhọc, do khí hậu khắc nghiệt, bệnh hoạn và đất hoang chưa bao giờ khai phá.  Với sự giúp đỡ chỉ bảo kinh nghiệm trồng hoa mầu của thổ dân trong vùng, họ đã khắc phục được mọi khó khăn.  Và để tỏ lòng biết ơn đất trời và những người bạn mới, họ đã mời thổ dân trong vùng tham dự bữa ăn với những món ăn do chính họ cầy cấy, như khoai lang, bắp ngô, bí đỏ và gà rừng vào một ngày cuối tháng Mười Một, và từ đó có tục lệ này.

Khởi từ câu chuyện chiếc tàu Mayflower. Tháng 09 năm 1620, một nhóm gồm 102 người, trong đó có 44 người thuộc giáo phái Separatist, tức nhóm ly khai Giáo Hội Anh Quốc Giáo, muốn tìm đất sống mới và có quyền tự do tín ngưỡng, đã lên chiếc tàu buồm Mayflower rời cảng Plymouth ở Anh, vượt Đại Tây Dương sang Bắc Mỹ. Sau cuộc hành trình vất vả dài 65 ngày, tàu Mayflower không đến được nơi dự tính là vùng Virginia mà bị gió bão trôi giạt lên phía Bắc, đến một vùng ngày nay thuộc bang Massachusetts vào tháng 11 năm 1620.

Nhóm di dân này được gọi là Pilgrims, đã trở thành những người đầu tiên định cư trên đất Mỹ, lập ra thành phố New Plymouth ngày nay. Do không chịu nổi đói và rét của mùa Đông lạnh giá đầu tiên nơi vùng đất mới, phân nửa những người di dân đã chết. Tới mùa Xuân năm sau, 1621 họ mới liên lạc được với thổ dân da đỏ Wampanoag và được những người thổ dân này giúp đỡ trong vấn đề trồng hoa mầu, cách bắt cá và săn thú rừng và họ đã gặt hái được kết qủa.  Sau đó, những người di dân sống sót quyết định làm lễ tạ ơn Trời Đất và tạ ơn những người bản xứ da đỏ đã giúp đỡ họ vì họ tin rằng nếu không có những người dân tốt bụng này thì họ không thể tồn tại được qua  năm đó. Và đây là sự kiện khởi đầu cho truyền thống Thanksgiving của Hoa Kỳ và truyền thống này còn mãi đến ngày nay.

Hơn 100 năm sau, với mục đích tạo dựng tinh thần đoàn kết giữa các người di dân chống lại ngoại xâm, tháng 10 năm 1789, tổng thống Washington đã công bố ngày lễ Tạ Ơn toàn quốc đầu tiên vào ngày 26 tháng 11. Điều nầy xác định được tính chất đặc thù của ngày lễ Tạ Ơn trong khi dân Mỹ đang phát động cuộc cách mạng để giải phóng dân tộc ra khỏi sự đô hộ của Anh quốc.
Vào những năm 1830, khi tình hình nước Mỹ bắt đầu bị chia rẽ, và các tiểu bang Miền Nam đòi ly khai, tổng thống Lincoln tuyên bố chọn ngày Thứ Năm của tuần lễ cuối tháng 11 năm 1863, làm ngày lễ Tạ Ơn, nhằm tạo nên tình đoàn kết dân tộc trong lúc cuộc nội chiến Nam-Bắc nước Mỹ đang vào thời kỳ tương tàn và ác liệt nhất. Ông nhận thức được tầm quan trọng của ngày lễ Tạ Ơn, và cũng muốn nhắc nhở dân Mỹ nhớ đến công ơn của những người di dân đầu tiên đã xây dựng nên nước Mỹ.

Không dựa theo một tôn giáo nào, lễ Tạ Ơn trải qua gần 400 năm đã trở  thành ngày hội của cả quốc gia, cảm ơn trời đất cho mọi người đủ cơm áo mặc.

Truyền thống lễ Tạ Ơn của người Hoa Kỳ rất đẹp, không mang tính chất chính trị, không dành riêng cho một tôn giáo hay để tưởng niệm một cá nhân nào. Nó là ngày lễ cho tất cả các dân tộc có mặt trên nước Mỹ, vốn là những người di dân, để họ bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với đất nước, dân tộc, văn hoá và nền tự do dân chủ của Hoa Kỳ. Ngày lễ Tạ Ơn giúp người di dân có cơ hội nói lên lòng biết ơn đến các bậc tiền nhân và những sự hy sinh của những người có công xây dựng đất nước.  Ý nghĩa ngày lễ này gắn liền với lòng biết ơn của con người, nên rất đáng được những người di cư đến sau, trân quý và áp dụng.

Trong giai đoạn đầu tiên định cư nơi xứ sở này, những người Việt di cư đến sau cũng gặp vô vàn khó khăn, nhưng cuối cùng dân tộc Hoa Kỳ và đất nước này, đã giúp họ vượt qua mọi trở ngại và họ đã thành công, không có mùa màng nhưng được công ăn việc làm tốt, buôn bán thịnh vượng phát đạt, từ tiểu thương bán lẻ, từ làm móng tay, làm tóc đến buôn bán nhà cửa và thị trường chứng khoán.  Vì thế lễ Tạ Ơn là nét đẹp văn hóa mới đối với người Việt tại Hoa Kỳ.

Với đạo Phật, lễ Tạ Ơn cũng không ngoài tinh thần lễ Tứ Ân mà người con Phật phải luôn luôn nhớ tưởng và báo đền. Theo kinh Tâm Địa Quán, bốn ơn đó là: Ơn cha mẹ, Ơn chúng sinh, Ơn quốc gia-xã hội, và Ơn Tam Bảo.

Trong bốn ơn thì Ơn Cha Mẹ là ơn đứng hàng đầu, lớn lao sâu rộng tựa như trời biển.  Chúng ta ra đời, lớn khôn, trưởng thành rồi góp mặt với xã hội là do công ơn cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng.  Từ lúc bé thơ cho đến khi thành người, cha mẹ đã tốn không biết bao nhiêu là công sức, khổ nhọc để cho ta nên người. Cha mẹ đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt trong cuộc sống để cho ta hưởng trọn được những gì tốt đẹp nhất trong đời. Lòng hy sinh của cha mẹ dành cho con không bờ bến.  Cho nên, bổn phận làm con không những phải nhớ ơn mà phải biết báo đền công ơn dưỡng dục và sanh thành của cha mẹ.

Thế giới chúng ta đang sống là một sự kết hợp hài hòa giữa cái này và cái khác.  Thiếu cỏ cây, đất nước, ánh sáng mặt trời, chúng ta khó có thể tồn tại, hay nếu sống được thì chúng ta cũng sẽ sống trong ốm đau bệnh tật và đời sống sẽ tẻ nhạt khi thiếu vắng tiếng chim hót lúc ban mai, thiếu hoa nở khi trời vào xuân, thiếu tiếng nước chảy róc rách của mạch nước từ hang đá, thiếu tiếng ào ạt liên tục của dòng thác tạo thành bản nhạc rừng vĩ đại.  Và con người sẽ sống cô đơn khi thiếu đồng loại của mình, sẽ héo mòn mỗi ngày, rồi sẽ trở thành trơ trọi, mất sức sống.

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới của sự tương tức tương nhập, trùng trùng duyên khởi, thế giới của “cái này có thì cái kia có, và cái này không thì cái kia cũng không”. Thế giới chúng ta đang sống là thế giới của nợ nần nhau, của trả vay, vay trả nhiều đời. Chính tấm thân của chúng ta cũng là một sự vay mượn, tâm thức của chúng ta là một dòng luân lưu của ý thức từ nhiều người khác nhau, của ngoại cảnh và nội giới. Suy nghĩ và hiểu được như vậy, chúng ta mới biết được rằng dù hiện tại, chúng ta và những sinh thể khác không biết nhau, nhưng trong quá khứ có thể đã có nhiều liên hệ mật thiết với nhau. Hiểu được như thế thì chúng ta không thể không nghĩ đến nỗi thống khổ của người khác, hay nhân rộng ra là những sinh thể khác.

Chúng ta cần phải cân nhắc trong ý nghĩ và hành động để không làm hại người, hại vật và hại mình là chúng ta đã biết được cách tri ân và báo ân giữa người và người, giữa người và môi trường xung quanh, để tạo nên một thế giới loài người sống có hòa ái.  Phát tâm như vậy, chính là suối nguồn của tri ơn và báo ơn đến với chúng sanh.

Con người sinh ra và sống ở đời là đã chịu rất nhiều những ơn huệ của nhau.  Ơn cha mẹ, ơn chúng sinh, ơn mưa, ơn nắng, ơn cỏ cây hoa lá và ơn sơn hà xã tắc (quốc gia xã hội), ơn những người đã dày công lập quốc và mở mang bờ cõi, ơn công lao những lòng dũng cảm giữ gìn an ninh và những nhà khoa học, miệt mài nghiên cứu tìm tòi để thăng tiến cuộc sống tiện ích cho mọi người.  Chúng ta nhớ ơn chúng sinh, nhớ ơn quốc gia xã hội, trong đó bao gồm ơn dân tộc và quốc gia đã cưu mang chúng ta, đã cho chúng ta thừa hưởng những di sản tinh thần quý báu như dân chủ và tự do, cùng là những tiện nghi công cộng vật chất.  Khi ăn hột bắp hay hạt gạo chúng ta còn nhớ đến người cấy trồng huống hồ khi chúng ta lái xe an toàn trên xa lộ, bay trên không trung an lành nhanh chóng, hay đi tầu thuyền trên các hải lộ, mà không nhớ đến tiền thuế đóng góp của những thế hệ trước chúng ta đã tạo dựng nên quốc gia này.  Mỗi người chúng ta dù muốn dù không cũng cần đến người khác, tất cả đều có liên hệ hỗ tương với nhau, nên chúng ta cần sống với tấm lòng biết ơn lẫn nhau.

Và cuối cùng trong bốn ơn là Ơn Tam Bảo.  Ơn Phật, ơn Pháp và ơn Tăng đã soi đường dẫn dắt chúng ta vượt thoát phiền não và ra khỏi sinh tử luân hồi. Quả thật không có nỗi khổ nào lớn lao bằng nỗi khổ cứ thăng trầm ngụp lặn mãi trong luân hồi sinh tử.  Ðức Phật đã thấy như thế và Ngài đã tìm ra con đường giải thoát để hướng dẫn chúng ta cũng được giải thoát như Ngài.  Ngài đã từ bi phương tiện giáo hóa, mở nhiều cánh cửa để chúng ta gieo trồng thiện căn, phúc đức.  Sở dĩ, hôm nay chúng ta gặp được Phật pháp, để biết được đâu là thiện căn đã gieo trồng từ trước và đâu là ác nghiệp, nếu gây ra sẽ nhận lãnh quả báo xấu trong tương lai. Tất cả những hiểu biết ấy của chúng ta hôm nay là từ Phật, Pháp và Tăng truyền dạy lại. Đó là ơn Tam Bảo mà chúng ta phải biết và phải đền đáp.

Ngày lễ Tạ Ơn đã trở thành một ngày lễ được dân Mỹ tôn trọng nhiều nhất, bất kể tôn giáo và nguồn gốc dân tộc. Qua đó, người ta xem sự biết cảm ơn lòng tốt của người xung quanh là điều không thể thiếu vắng trong sinh hoạt xã hội. Với cái nhìn sâu rộng, người ta muốn mang trọn vẹn ý nghĩa cảm tạ vào trong mùa Thanksgiving. Nó không đơn giản chỉ là một ngày quốc lễ, mà là một phần của nền văn hoá Hoa Kỳ.

Tác giả: Tâm Diệu (Web site của Đai Học Hoa Sen) Thanksgiving 2013

28 tháng 11, 2013

Mang danh thạc sĩ thật đáng thương

Cứ bàn về thạc sĩ, chúng tôi lại nghe rằng thạc sĩ là những người chữ xếp chưa đầy cái lá mít mà cứ đòi hỏi chuyện trên trời.

Tôi, một sinh viên mới ra trường đã lao đầu theo học thạc sĩ. Năm nay 23 tuổi, chưa có gì trong tay, chỉ có mỗi việc cần mẫn đi học. Cơm áo gạo tiền ba má gánh gồng. Ba tôi nói: “Ráng đi học cho mở mang kiến thức, còn công việc, không cầu nhiều tiền, chỉ cần đủ sống”. Lớp tôi có năm bảy đứa khác cũng theo học cao học. Cũng lông bông, đứa ba mẹ nuôi, đứa làm thêm linh tinh kiếm tiền nuôi cho cái sự học.
Nói trắng ra là, khi chúng tôi học cao học, ngoại trừ gia đình, chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Chúng tôi thường cười cười hỏi nhau: “Lấy bằng xong, làm gì đây?”. Cười cười hỏi nên cũng cười cười trả lời: “Làm gì đủ sống là được rồi. Thời buổi bây giờ, thạc sĩ đầy trời, sao dám làm cao?”.
Vậy đó, tự túc học, tự túc tìm việc. Chấp nhận bắt đầu trễ hơn những người tốt nghiệp đại học 2 năm và trễ hơn những người không học đại học hơn năm nữa. Nhưng tất cả những gì chúng tôi nhận được khi theo đuổi sự nghiệp học hành là:
1.Là thạc sĩ non choẹt mặt mũi đi làm mà đòi hỏi nhiều, vênh váo trong khi chẳng được tích sự gì.
2.Thời bây giờ toàn thạc sĩ giấy, học hành có bao nhiêu, toàn quan trọng bằng cấp, háo cái danh.
Tôi tự hỏi, tại sao khi lấy ví dụ về thạc sĩ, các vị lại cứ lấy các thạc sĩ giấy ra làm ví dụ? Còn những người học hành đàng hoàng và không hề chảnh chọe sao không ai nhắc đến?
Thời buổi người giỏi hơn mình nhiều hơn người mình giỏi hơn thế này, chúng tôi - những người chỉ có mỗi tấm bằng lận lưng dám đâu làm giá? Sống trên đời, phải biết mình là ai. Chúng tôi học cao học, chúng tôi học thêm tiếng Anh, nhét thêm vào cái thời khóa biểu một ngoại ngữ khác khi thấy tất cả vẫn là chưa đủ. Chúng tôi, những người trẻ đang học thạc sĩ như thế đó. Nhưng chúng tôi vẫn sợ học xong vì thiếu kinh nghiệm nên không bằng ai. Bởi vậy, sự khiêm nhường vẫn đầy đó và lắm lúc nó còn biến xấu thành sự tự ti.
Vậy tại sao cứ nghe bàn về thạc sĩ, chúng tôi lại nghe rằng thạc sĩ là những người chữ xếp chưa đầy cái lá mít mà cứ đòi hỏi chuyện trên trời? Cái kiểu thạc sĩ ấy sao nó xa với thực tế của cái bọn sắp thành thạc sĩ chúng tôi quá!
Nói đến chuyện đòi hỏi, tôi muốn nói thêm điều nữa. Trừ chúng tôi, những người “cần cù bù thông minh” vẫn có những người là thạc sĩ và họ giỏi thật sự. Họ thấy được rằng những lợi ích họ mang lại công ty đó là lớn vì thế họ mong muốn có sự đãi ngộ tốt. Đó là chuyện tất nhiên. Việt Nam mình vẫn còn tư tưởng “sống lâu lên lão làng” nên không chấp nhận một đứa “vắt mũi chưa sạch” mới về mà đòi hỏi này kia.
Chúng ta hay ca ngợi nước ngoài họ giỏi thế này thế kia, nhất là ở việc kiếm được người có năng lực. Xin thưa, họ thấy người giỏi, họ trải thảm đỏ, ưu tiên đủ thứ để mời người đó về làm cho công ty mình. Người ta là “mời” còn ta thì cứ “ban cho việc làm” thế nên không quen được với việc người lao động đưa ra đòi hỏi. Chúng ta chỉ quen với việc nhà tuyển dụng đòi cái này cái kia thôi.
Nếu yêu sách đủ điều mà làm không được việc thì hãy khinh, chứ chưa gì mới nhìn vào hồ sơ thấy vài dòng “mong mỏi” mà cho người ta là chảnh thì cũng khôi hài.
Người ta cứ kháo nhau: “Bây giờ cần kinh nghiệm chứ bằng cấp cao mà không biết gì thì cũng vứt”. Vậy sao mỗi năm mọi người cứ ùn ùn đổ xô thi đại học từ hệ chính quy đến tại chức? Học cao học không vào trường công ngon lành thì cũng ráng kiếm trường dân lập nào đó mà vào? Cứ rỉ tai nhau trường nào “dễ qua ải” rồi mong kiếm cái bằng thạc sĩ? Họ thi vào đã không ra làm sao, học hành cũng không ra làm sao thế rồi cũng thành thạc sĩ.
Đó chính là nguồn gốc của thạc sĩ giấy. Và xin hỏi, ai là những ứng cử viên sáng giá cho kiểu thạc sĩ này? Hỏi họ, họ bảo rằng đi làm lâu năm giờ có cái bằng thạc sĩ cho nó hợp thức hóa, cho sang cả, cho dễ thăng tiến. Vậy nên, tạo nên thạc sĩ giấy không phải chúng tôi mà là lắm người đi làm đã lâu, vị thế vững vàng nhưng cần tấm bằng thạc sĩ cho một mục đích gì đó ngoài việc muốn nâng cao kiến thức.
Tôi đã chứng kiến, họ không bàn nhau cách giải quyết đề tài khoa học, họ chỉ bàn nhau mua quà gì cho sang, cho đắt tiền để biếu thầy cô. Họ không lo cho luận văn mà chỉ nghĩ ngợi “lót tay” bao thư thế nào cho vừa. “Lũ trẻ” bọn tôi ngây ngô bảo làm bài cho tốt là được rồi, chứ “lót tay” chúng tôi không đủ khả năng thì nhận được cái cười khẩy bảo rằng: “Mấy đứa còn chưa trải đời”.
Rõ ràng, thạc sĩ giấy phần đông xuất phát từ những người đi làm đã lâu, muốn thêm cái danh. Họ đi học bữa đực bữa cái, không chăm lo cho kiến thức, không chú trọng luận văn. Làm bài nhóm với họ là cả một sự mệt mỏi. Đến ngày nộp bài sẽ nhận được cái câu quen thuộc: “Anh, chị đi làm bận lắm mấy em thông cảm”. Trong khi trước đó họ đã nhận phần bài làm nhẹ nhất về mình. Hoặc như lớp bạn tôi thì còn có chuyện một chị lạ hoắc đến bữa nộp bài nhóm thì chạy vào bảo: “Chị đi làm bận quá không đi học được, mấy em cho tên chị vô cùng nhóm nhé”.
Chuyện học cao học là chuyện dài tập hài cười ra nước mắt. Những người trẻ 25 tuổi sẽ có cái bằng thạc sĩ như tôi chưa biết tương lai mình thế nào. Chỉ học vì mình thực sự thích học. Nhưng chưa nhận bằng đã nghe người ta dè bỉu đánh đồng với những người con ngựa non háu đá. Sâu vốn có nhiều nhưng không phải cây rau nào cũng có sâu.
Chúng tôi ra trường, tìm một công việc bình thường vì biết mình kinh nghiệm không có. Thế rồi sau đó chắc hẳn lại có người nói: “Học thạc sĩ ra không kiếm công việc gì ngon ngon mà làm lại đi làm thuê lương ba cọc ba đồng.” Đó chính là điều đã xảy ra với chị tôi.  Có bằng thạc sĩ, chị an phận về quê chồng làm giáo viên. Thế là lại được hỏi ngay: “Sao không kiếm đại học mà dạy, giờ thạc sĩ cũng nhiều người dạy đại học mà”.
Cua đồng 

22 tháng 11, 2013

10 tật xấu "kinh hoàng" của đàn ông Việt



                                                                         

Trước hết, tôi xin được giải thích luôn: Tôi có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc với một người chồng là đàn ông Việt, vì vậy tôi viết bài này không phải trong tâm trạng cay cú, trả thù gì cả.
Tôi có một chức vị kha khá trong một doanh nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ, vì vậy việc tiếp xúc với các đối tác, khách hàng nam giới đủ thành phần, đủ lứa tuổi cũng cho phép tôi có cái nhìn tương đối về đàn ông Việt Nam.
Tôi không phủ nhận là có những người đàn ông Việt rất tốt, rất tuyệt vời như hoặc hơn chồng tôi, nhưng phần lớn đàn ông Việt lại có rất nhiều điểm xấu sau đây, mà tất cả xuất phát từ cách nghĩ.
1. Coi thường phụ nữ: Đàn bà thì biết gì!
Xin thưa với các ông, bộ óc của phụ nữ chả thua kém gì các ông cả. Chẳng qua là chúng tôi quá bận rộn với việc nhà, việc chăm sóc con cái và ti tỉ việc vặt khác nên không có thời gian xem ti vi, thời gian nhậu nhẹt chém gió như các ông, nên không thể có được “kiến thức xã hội” như các ông được. Những việc lớn các ông cho mình quyền tự quyết, tự bàn bạc với nhau, phụ nữ chúng tôi có được tham gia đâu mà biết. Cứ thử đổi việc cho nhau xem, các ông chăm con cái, làm việc nhà, chúng tôi làm việc lớn, chắc gì ai đã giỏi hơn ai!
Chính sự coi thường phụ nữ của các ông đã khiến cho phụ nữ chúng tôi bức xúc, cáu bẳn rồi sinh ra cãi cọ nhau. Tất nhiên chúng tôi muốn thể hiện với chồng là chúng tôi cũng chả kém cỏi gì, mà các ông lại ko cho chúng tôi cơ hội, rồi mặc nhiên quy ước với nhau là: đàn bà thì biết gì!
Khi thấy một phụ nữ nào đó thành đạt, giỏi giang, ngay lập tức các ông nghĩ ngay là nhờ dùng thân xác, dựa dẫm đàn ông thành đạt mới đi lên được. Các ông cùng mấy người đẹp showbiz tạo nên lý thuyết mới à?
2. Coi việc nhà là việc của đàn bà.
Các đức ông chồng ơi, qua rồi cái thời việc nhà đổ hết lên đầu phụ nữ. Các ông nghĩ là mình đi làm 8 tiếng ở công sở rồi thì về nhà không phải làm gì nữa ư? Vậy vợ các ông, những người mà sức vóc không bằng các ông, làm ở công sở cũng 8 tiếng, về nhà lại một núi việc nhà, đêm thì không ngon giấc vì chăm con, con nhỏ, vì sợ con lạnh, lo con đái dầm...
3. Không có nghĩa vụ gì với bố mẹ vợ:
Tôi chúa ghét cái câu của các cụ để lại mà các ông cứ ra rả suốt ngày “Dâu là con, rể là khách”. Con dâu thì phải cung phụng bố mẹ chồng, bố mẹ chồng nói cấm cãi, lấy chồng là phải tuân theo nhà chồng trong mọi việc. Còn con rể thì về nhà vợ cứ như quan huyện về quê, ai tiếp đón không vừa lòng là có cớ lần sau không về nữa. Các ông có biết tình cảm gia đình thì ở đâu cũng như nhau, tình mẫu tử thì chả phân biệt trai gái. Bố mẹ chúng tôi nuôi dưỡng chúng tôi hàng mấy chục năm trời, công lao chả kể xiết, vậy mà muốn về thăm, cho con về ngoại chơi chúng tôi cũng phải xin phép. Bố mẹ chồng ốm đau thì con dâu chăm sóc tận tình, bố mẹ vợ đau ốm thì con rể có bao giờ chăm sóc không? Các ông đừng bao giờ dùng từ nghĩa vụ với chúng tôi, chúng tôi tự biết phải làm thế nào, nhưng làm có kèm tình cảm chân thành không thì chả ai ép buộc được chúng tôi cả. Chồng chúng tôi cư xử thế nào để chúng tôi cảm kích, đó mới là việc khó.
4. Phó mặc con cái cho vợ:
Đành rằng chuyện con cái thuộc thiên chức của người phụ nữ, chúng tôi chả đòi hỏi phải công bằng 100% trong chuyện này. Những gì người mẹ cần phải làm, chúng tôi đã làm mà chả một lời kêu than. Nhưng chuyện đưa con đi chơi, dạy dỗ con học, đưa đón con đến trường, đàn ông đều có tay chân và trí tuệ bình thường đều có thể làm được cả. Tôi được biết có những người đàn ông thậm chí còn không biết con học trường nào, bao giờ nghỉ hè. Các ông không đỡ đần vợ trong việc nhà, rồi cả việc nuôi dạy con cái cũng chả cần đoái hoài. Việc của các ông chỉ là kiếm tiền, giải trí cho sướng bản thân các ông thôi sao? Gia đình đâu chỉ bền vững nhờ nhiều tiền? Đó là lý do các ông chả thể nào có nổi một gia đình hạnh phúc đích thực.
5. Ghen tị với vợ:
Vợ cứ kiếm được tiền nhiều hơn, có công việc tốt hơn, chức vụ cao hơn là y như rằng ông chồng sẽ ghen tức và kiếm cách dìm vợ xuống trước mặt người khác. Cứ ông nào vợ giỏi mà chồng có kém hơn tí là các ông lao vào chê bai ông đó, thay vì mừng cho người ta. Các ông cứ mặc định là đàn ông thì luôn phải thắng à? Nếu muốn thắng, hãy lấy người phụ nữ kém cỏi hơn, vì ông không xứng với người vợ đó chứ không phải dìm người khác xuống để tôn mình lên.
6. Ngoại tình như cơm bữa.
Có một thực tế rất buồn cười hiện nay đó là các ông tự đưa ra định nghĩa mới cho việc ngoại tình: nếu cặp hẳn với một em thì mới là ngoại tình, còn việc bóc bánh trả tiền, chùi sạch mép thì không tính.
Các đức ông chồng ơi, vậy phụ nữ chúng tôi cũng sẽ thực hiện nếp sống mới theo định nghĩa của các ông nhé?
Càng ngày tôi càng thấy việc ngoại tình của các ông công khai, trơ trẽn và thường xuyên hơn. Các ông tự bao che cho nhau và tự dựng cho mình một tấm khiên bằng rơm rác. Bản thân tôi không biết đã tiếp xúc với bao nhiêu khách hàng nam có lời đề nghị khiếm nhã. Họ đề nghị và bị từ chối nhưng không hề xấu hổ, lạ lùng thay!
7. Vũ phu:
Hãy tự hỏi mình xem, tại sao một kẻ sức dài vai rộng lại có thể bạo lực với người phụ nữ yếu ớt hơn mình? Khi người phụ nữ không phục, thì đánh đập họ chỉ càng làm họ coi thường các ông hơn mà thôi. Hãy từ bỏ suy nghĩ “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về đi”. Các ông kém, bằng hoặc hơn chúng tôi vài tuổi, tư cách gì mà đòi dạy chúng tôi bằng đòn roi? Chúng tôi đã đến tuổi tự học rồi, không cần phải dạy!
8. Nhậu nhẹt bê tha, lắm tệ nạn:
Phụ nữ chỉ cần túm tụm ở quán café nói chuyện phiếm với nhau là các ông đã dùng những lời không ra gì để bình phẩm: mấy mụ đàn bà lắm chuyện, suốt ngày buôn dưa lê, ngồi lê đôi mách. Không phủ nhận thói quen thích tám chuyện của phụ nữ, nhưng hãy nhìn lại các ông mà so sánh xem hành vi nào để lại hậu quả nặng nề hơn:
- Các ông đi nhậu nhẹt say mướt, về còn nôn ọe để chúng tôi phải dọn, hình ảnh ông bố say xỉn trong mắt các con chả đẹp đẽ chút nào.
- Các ông hút thuốc, uống bia rượu: không những bản thân các ông bị tác hại mà vợ con các ông cũng bị ảnh hưởng theo. Những đứa con ốm yếu quặt quẹo ra đời sẽ bị đổ cho mẹ nó là sữa không tốt, không khéo nuôi con, nhưng có ngờ đâu là do giống của bố nó đã bị ảnh hưởng bởi đủ thứ thói hư tật xấu từ trước rồi.
- Các ông bài bạc, lô đề (lúc nào cũng bảo chơi cho vui thôi, nhưng các bà vợ chả thấy vui gì cả). Các ông như vậy thì đừng hy vọng dạy được các con của các ông, vì các ông đâu có cho đấy là hành vi xấu. Rồi F1 lại kế tiếp, F2 cũng duy trì, chả bao giờ đàn ông Việt thay đổi được đâu.
9. Ít lãng mạn, kiệm lời khen.
Người chồng mà hàng chục năm sau khi kết hôn vẫn còn duy trì thói quen tặng hoa, quà cho vợ vào những ngày đặc biệt. Ai mà làm thế thì cũng phải giấu nhẹm đi, không thì người khác sẽ cười mình. Ui cha, ngoại tình thì khoe, yêu vợ thì giấu, điều gì đang diễn ra trên đất nước Việt Nam thế này?
10. Nói dối.
Các ông muốn đi đâu, làm gì các ông cứ đàng hoàng nói với vợ dù vợ cằn nhằn, đừng nói dối. Vì nếu nói dối bị phát hiện chỉ một lần thôi, lòng tin của chúng tôi. Đừng trách sao vợ suốt ngày gọi điện kiểm soát đi đâu, làm gì, đơn giản chỉ là vì các ông đã từng nói dối. Đừng làm không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề vì các thói xấu nhỏ nhặt của các ông.
Trên đây mới là sơ sơ 10 điểm xấu của đàn ông Việt mà tôi cho rằng tất cả xuất phát từ suy nghĩ sai lệch đối với phụ nữ. Từ suy nghĩ sai dẫn đến những hành động sai. Các ông chồng cần biết rằng: tất cả mọi người vợ đều yêu chồng, đều muốn gia đình êm ấm hạnh phúc cho tới khi không duy trì nổi điều đó nữa.
Đừng vội phê phán vợ trước khi nhìn lại bản thân mình.
Không có lửa thì không có khói.
Lê Thùy Linh

14 tháng 11, 2013

TRI ÂN THẦY,CÔ NHÂN NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO 20-11

Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 kính gửi những tấm thiệp tặng quý Thầy, Cô thay lời muốn nói nhân lễ tri ân này.
 














Người ăn mày



Một người ăn mày đến trước một trang viên, gặp nữ chủ nhân để ăn xin. Người ăn mày này rất tội nghiệp, cánh tay bị cụt, tay áo trống trải đung đưa, người nào trông thấy cũng đều khẳng khái bố thí cho. Tuy nhiên, vị chủ nhân này lại không hề khách khí, chỉ ra đống gạch trước cửa nói với người ăn mày: “Ngươi giúp ta chuyển đống gạch      này ra nhà sau đi”.
Người ăn mày giận dữ nói: “Tôi chỉ có một tay, bà còn nhẫn tâm bảo vác gạch. Không muốn cho thì thôi vậy, cần chi phải trêu ghẹo người khác?”
Vị chủ nhân không chút nổi giận, cúi người xuống bắt đầu dọn gạch. Bà ta cố ý chỉ dùng một tay để chuyển, sau đó bà nói: “Ngươi thấy đấy, không phải chỉ dùng hai tay mới có thể sống được. Ngươi có thể làm, vậy tại sao lại không làm chứ?”
Người ăn mày lặng người đi, hắn ta nhìn vị nữ chủ nhân với ánh mắt kỳ dị, trái cổ nhô nhọn giống như một quả trám chuyển động lên xuống 2 lượt. Cuối cùng, hắn cúi người xuống, dùng cánh tay còn lại bắt đầu chuyển gạch. Một lần chỉ có thể chuyển đi hai viên gạch. Hắn chuyển như thế đúng hai tiếng đồng hồ thì hết đống gạch. Mệt, hắn thở như bò kéo xe, trên mặt dính đầy bụi, mấy chòm tóc rối bị mồ hôi ướt dính xéo trên góc trán.
Nữ chủ nhân đưa cho người ăn mày một cái khăn lông trắng như tuyết. Người ăn mày đón lấy lau mặt và cổ một lượt rất kỹ; chiếc khăn lông trắng đã biến thành chiếc khăn lông đen. Người phụ nữ lại đưa cho hắn 20 đô-la, người ăn mày cảm kích nói:  “Cảm ơn bà”  - “Ngươi không cần cảm ơn ta, đây là tiền công ngươi kiếm được dựa vào sức lực của mình”.
Người ăn mày nói: “Tôi sẽ không quên bà, để cho tôi giữ làm kỷ niệm vậy”.

Nói xong, hắn cúi người chào thật thấp và sau đó lên đường.
Qua nhiều ngày sau lại có một người ăn mày khác đến trang viên này. Người phụ nữ đó lại dẫn người ăn mày vào nhà sau, chỉ đống gạch, và nói: “Chuyển đống gạch này ra trước nhà, ta sẽ trả cho ngươi hai mươi đô-la”.
Người ăn mày với hai tay còn nguyên vẹn này bỏ đi, không biết là do không thèm 20 đô-la hay do điều gì khác.
Người con của người phụ nữ không hiểu, liền hỏi mẹ:  “Lần trước mẹ kêu ăn mày chuyển đống gạch này từ trước nhà ra sau nhà. Lần này mẹ lại kêu ăn mày chuyển gạch từ sau nhà ra trước nhà. Rốt cuộc mẹ muốn đống gạch ở sau nhà hay là ở trước nhà?”.
Người mẹ nói với con rằng:  “Gạch đặt trước nhà hay sau nhà đều như nhau, nhưng chuyển hay không chuyển, đối với người ăn mày mà nói, thì lại không giống nhau”.
Sau này cũng có mấy người ăn mày đến xin ăn, đống gạch đó được chuyển đi mấy lượt.
Nhiều năm sau, có một người rất chỉnh tề đến trang viện này. Ông ta mặc veston, mang giày da, trông chững chạc hiên ngang như những người thành công với sự tự tin và tự trọng, chỉ có điều là người này chỉ có một cánh tay trái. Ông ta cúi người xuống, nói với vị nữ chủ nhân nay đã có phần già đi:  “Nếu không có bà, tôi vẫn chỉ là một kẻ ăn mày. Thế nhưng bây giờ tôi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty”.
Người phụ nữ đã không còn nhớ ra ông là ai, bà hờ hững nói:  “Đấy là do chính bản thân ông làm ra mà thôi”.
Người Chủ tịch Hội đồng Quản trị một tay mời người phụ nữ cùng cả nhà bà dọn đến thành phố để sống những ngày thoải mái. Người phụ nữ nói:  “Chúng tôi không thể nhận sự chăm sóc của ông được” - “Tại sao?” - “Bởi vì cả nhà chúng tôi ai cũng có hai tay”.
Người chủ tịch tuy đau lòng nhưng vẫn kiên trì:  “Thưa bà, bà giúp tôi hiểu được thế nào là Nhân, thế nào là Cách.  Căn nhà đó là tiền công mà bà đã dạy cho tôi”.
Người phụ nữ nói: “Vậy thì ông đem căn nhà ấy tặng cho người nào không còn cánh tay nào cả !”./.
Vô danh

8 tháng 11, 2013

HIỆN TƯỢNG THIÊN NHIÊN KỲ THÚ ...

Thiên nhiên luôn đem đến cho chúng ta những hiện tượng thật kỳ lạ, hiếm có. Chắc hẳn, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên với những hiện tượng thiên nhiên "kỳ quái" dưới đây.
1. Chớp Catatumbo

alt
Vào buổi tối tại cửa sông Catatumbo thuộc địa phận Venezuela, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy bầu trời bị “xé toạc” khoảng 150 - 200 lần mỗi phút bởi ánh chớp. Tuy vậy, hiện tượng này đặc biệt ở chỗ hầu như không có tiếng sấm đi kèm.
alt

alt
Theo các nhà khoa học, hiện tượng “chớp Catatumbo” hình thành do khí ozone liên tục được sản sinh do tương tác của tia chớp với oxy trong khí quyển. Hay đó là do sự tiếp xúc của các khối khí lạnh từ dãy Andes với không khí nóng ẩm từ khu vực hồ lân cận.

2. Mây xà cừ
alt
Tại các vùng ở xa đường xích đạo, nhiều người có cơ hội được tận mắt chứng kiến hiện tượng thiên thiên kì thú có tên “mây xà cừ”. Đây là một hiện tượng rất hiếm gặp, thường xảy ra vào thời điểm “ít ánh sáng” như trước khi bình minh hoặc sau khi Mặt trời lặn.
alt

Mây xà cừ là một dạng mây được hình thành ở những khu vực cực kỳ lạnh của tầng bình lưu thấp, ở độ cao khoảng 15.000 - 25.000m, trên những đám mây thuộc tầng đối lưu.
Chúng trông giống như những tấm màng mỏng, nhẹ nhàng cuộn lại rồi bung ra, trải rộng ra rồi sau đó co lại trên bầu trời nhá nhem sáng tối.

alt

Trong điều kiện nhiệt độ xuống cực thấp, các đám mây ở nhiều dạng khác nhau được hình thành, phân loại theo trạng thái vật lý và thành phần hóa học.
Độ cong của bề mặt Trái Đất sẽ giúp các đám mây nhận ánh sáng hắt lên từ chân trời và phản xạ lại mặt đất, tạo nên hiện tượng mây xà cừ.

alt
Hiện tượng này được cho là hậu quả trực tiếp của việc con người thải ra không khí quá nhiều khí methane, phản ứng với ozone, hình thành mây clo. Sự xuất hiện của mây xà cừ là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy hiện tượng Trái đất đang ấm dần lên.

3. Mặt trời ảo (Sun Dogs)
alt

Mặt trời giả là hiện tượng hai, ba hay nhiều “Mặt trời” xuất hiện cùng lúc, chỉ có 1 Mặt trời thật còn lại là hư ảo được gọi Mặt trời ảo. Mặt trời thật sáng hơn các Mặt trời ảo.

alt

alt

alt
Hiện tượng thiên văn này tuy hiếm nhưng không thần bí vì đều là những hiện tượng quang học bình thường, diễn ra lúc Mặt trời đến gần chân trời.
alt
Khi đó, ánh sáng sẽ xuyên qua các tinh thể băng trong không khí, tạo nên hiệu ứng khúc xạ ánh sáng, hình thành 2 - 3 vầng sáng giả trông rất giống Mặt trời.

4. Băng kẻ sọc đa màu
alt
Đây là hiện tượng phổ biến nhất ở Bắc Cực, xảy ra khi một tảng băng không chỉ có một màu nhất quán mà gồm rất nhiều dải màu sặc sỡ đẹp mắt.
alt

alt
Khi nước tan chảy và đóng băng thành một tảng băng trôi, theo thời gian, bụi bẩn và một số thành phần khác có thể bị mắc kẹt giữa các lớp băng, tạo ra các sọc đa màu sắc trên bề mặt.
alt
Những sọc xanh xảy ra khi nước bị kẹt giữa những lớp băng và nhanh chóng hóa băng trước khi bong bóng không khí được hình thành. Một khi tảng băng vỡ ra và rơi vào đại dương, tảo hoặc các vật liệu khác có sẵn trong nước có thể bám vào, tạo thành các dải xanh lá cây hoặc vàng sặc sỡ.

5. Chớp xanh

Thứ ánh sáng xanh nổi tiếng và khó nắm bắt này là một hiện tượng quang học rất hiếm, thường xảy ra vào lúc hoàng hôn hay bình minh.
alt
Nguyên nhân của hiện tượng thiên nhiên này là do sự tán sắc ánh sáng trong khí quyển khi ánh sáng từ Mặt trời đi qua lớp không khí dày, các tia sáng có bước sóng khác nhau (ứng với các màu khác nhau) bị khúc xạ với các góc khác nhau.
alt
Khi Mặt trời ở vị trí thấp, sát chân trời sẽ có một phần tia sáng đỏ không tới được mắt người quan sát, trong khi phần ánh sáng màu xanh lại khúc xạ nhiều hơn nên chúng ta có thể quan sát được.
Khi đó, chúng ta có thể nhìn thấy một điểm màu xanh lá cây trên nền trời. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ kéo dài chưa đến một giây.

6. Vòi rồng lửa

Vòi rồng lửa hay lốc xoáy lửa là một hiện tượng tự nhiên thường xảy ra nhưng rất hiếm gặp. Khi ngọn lửa gặp điều kiện nhất định (tùy vào nhiệt độ không khí và sự đối lưu) sẽ tạo ra sự đối lưu dạng xoáy theo chiều thẳng đứng giống như vòi rồng.
alt
Ngọn lửa bị cuốn và bốc lên cao trong dòng xoáy đó có thể là các ngọn lửa xung quanh ngọn lửa đã tạo ra nó, hay chính ngọn lửa đã tạo ra sự đối lưu này.
alt
Lốc xoáy lửa thường xảy ra khi có cháy rừng. Nó có thể đạt độ cao từ 9m - 60m và tỏa rộng đến 3m nhưng chỉ kéo dài vài phút, trừ trường hợp gió to.
alt
Nó di chuyển khá chậm, bằng với tốc độ đi bộ bình thường hoặc có thể chậm hơn. Tuy nhiên, lốc lửa rất nguy hiểm, nó thiêu cháy mọi thứ xung quanh cản đường đi. Những cơn lốc lớn có thể tạo ra gió với vận tốc 160km/h, đủ để quật ngã cây cối.
(Thanhnhan st)

7 tháng 11, 2013

NGHIÊNG NÓN

Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Chiều mùa thu mây bay có nắng đâu?
Nắng sẽ làm phai mái tóc em xanh màu,
Sẽ làm khô làn môi em dịu ướt.
Còn đôi mắt anh có sao đâu mà em từ khước.
Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước,
Sao mười ngón tay em bỗng cuống quýt đan nhau,
Sao vầng má em bỗng thắm sắc hồng.
Đôi chân bước em nghe chừng sai nhịp.
Gió nên tà áo bảo thầm: em đi không đẹp
Nhà không xa sao em bỗng nhanh chân
Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước
Sao loanh quanh em chẳng chọn đường gần.
Em nghiêng nón để rồi em hối tiếc.
Sao mình không đi êm như gió mùa thu.
Cho chàng làm thơ, cho chàng ngâm thơ,
Cho hoàng hôn buông trên sông lờ lững.
Sao mình không đi thản nhiên như không tình ý,
Cho tim chàng se thắt, cho mắt chàng đắng cay,
Cho đêm nay trong tửu quán chàng say;
Nâng cốc rượu, ngâm bài thơ tiển biệt.
 Mà thật ra mình đã có gì đâu!
Sao bỗng nhiên gặp chàng làn má mình nóng bỏng

Em nghiêng nón khuất vào lối rẽ.
Tà áo em lưu luyến vẫy anh theo.
Bước nhẹ em, kẻo vỡ dộng tơ chiều,
Kẻo hoàng hôn ngại ngùng buông sắc tím.
Anh vẫn là thư sinh đêm đêm xây mộng.
 Nhưng em có là nàng tiên chưa một lần hò hẹn không em

(Mấy mươi năm rồi, thời cắp sách nên mình quên tên tác giả,và  cũng ko biết nhớ có chính xác ko/.
nhưng thấy dễ thương nên chép vào cho các bạn cùng xem)

Đầu trang
Giữa trang
Cuối trang